Giới thứ bảy mươi chín: KHÔNG NÊN XỈA RĂNG DƯỚI GIẢNG ĐƯỜNG
Giới này cũng giống như giới bảy mươi tám. Nó có khác là ở phía trước giảng đường. Dù ở phía nào chúng ta cũng không nên xỉa răng, vì xỉa răng ở gần giảng đường như vậy là không tốt, thiếu vệ sinh nơi tập trung nghe pháp của mọi người, như bài giới luật ở trên đã dạy. Đức hạnh vệ sinh là một đức hạnh làm người cao quý nhất, giúp cho môi trường sống thanh tịnh, trong sạch mà mọi người đang sống. Người sống có đạo đức biết giữ gìn vệ sinh là người có đức hạnh không gây hậu quả bịnh tật cho bao nhiêu người khác; người có đức hạnh vệ sinh là người tốt trong xã hội không làm khổ cho ai; người có đức hạnh vệ sinh là người sống sạch sẽ và ngăn nắp không những cho mình và cho người khác, nên tục ngữ có câu: “Đói cho sạch rách cho thơm”, đó là lời dạy về đức hạnh vệ sinh của ông cha chúng ta từ xa xưa còn truyền lại để nhắc nhở con cháu sau này phải sống có đạo đức vệ sinh.
Vì thế, người xỉa răng mà không ý tứ, không biết nơi, chỗ kín đáo, xỉa răng giữa chỗ đông người, giữa nơi chỗ lưu trử pháp bảo, giữa nơi chỗ nói pháp, giữa nơi chỗ tôn kính thờ phụng Tổ tiên, chư Phật, v.v... là người không có đạo đức. Người ta nghĩ rằng mùi hôi thúi trong miệng bay vào trong không khí có thấm vào đâu vì không ai nghe mùi hôi thúi cả, nhưng chúng ta phải biết nó vẫn làm bầu không khí ô nhiễm trong khi mọi người đang hít thở xung quanh. Một hạt muối bỏ vào một lu nước to, chúng ta không thấy mùi mặn nhưng trong nước vẫn có chất muối. Môi trường sống bị ô nhiễm, nếu chúng ta không giữ gìn đạo đức vệ sinh, tuy rằng không nghe mùi hôi thúi, nhưng bầu không khí vẫn ô nhiễm và mọi người sẽ dễ bị bịnh tật, tuy không thấy hôi thúi, nhưng sẽ là một tai họa thật sự cho con người.
Một chuyện nhỏ như xỉa răng mà không giữ gìn ý tứ đạo đức vệ sinh thì những việc lớn làm mất vệ sinh khác như: khạc, nhổ, đờm dãi, tiêu tiểu và xả rác thì sẽ không từ bỏ chỗ nào cả. Chúng ta sẽ trở thành những con thú vật bẩn thỉu.
Hành động đạo đức nhỏ như việc giữ gìn vệ sinh xỉa răng mà không ngăn chận được thì những hành động đạo đức vệ sinh lớn hơn làm sao ngăn chận được dễ dàng.
Trong giới luật, Phật đã từng dạy: “Đừng xem thường những lỗi nhỏ nhặt, nó sẽ thành những lỗi lớn”, nếu ta không biết giữ gìn, ngăn chận và sửa sai những lỗi lầm nhỏ nhặt ấy, chính là chúng ta đã tự làm khổ mình khổ người. Nếu lỗi nhỏ nhặt mà không sửa được, thì lỗi lớn hơn làm sao sửa được và nếu lâu ngày không sửa lỗi được thì sẽ đưa đến tai họa bất an cho mình và cho người khác.
Cho nên, việc vệ sinh xỉa răng tuy nhỏ mọn mà giữ gìn không được thì việc vệ sinh lớn làm sao giữ được? Muốn giữ được thì đừng xem những việc làm thiếu vệ sinh nhỏ nhặt như: Ném rác ra đường, nơi công cộng, hoặc khạc, nhổ ngoài đường, hè phố trong nước hồ, ao, sông, rạch, hoặc ném rác qua nhà người khác, hoặc ném rác vào những nơi công cộng, hoặc ném rác vào những bụi cây, lùm cây, lề đường. Cách thức làm như vậy đều là hành động thiếu đạo đức vệ sinh, làm bẩn môi trường sống chung của nhau. Hiện giờ đi đến đâu chúng ta đều trông thấy giấy, bọc ni lông, lon, rác rến dơ bẩn bỏ khắp cùng, nhất là hai bên lề đường, chỗ nào có đông người ở thì lại càng dơ bẩn hơn, nhìn khắp cùng từ nông thôn đến thành phố, không có chỗ nào giữ vệ sinh được sạch sẽ.