Skip directly to content

Giới thứ năm mươi chín: KHÔNG NÊN VÌ NGƯỜI ĐI XE KIỆU NÓI PHÁP

Vị tỳ kheo khi đi trên xe hoặc kiệu với những người khác không được nói pháp cho họ nghe. Vì nơi đó không phải chỗ nói pháp. Thế mà thời nay, có nhiều người lợi dụng đi trên xe đông người, do duyên nói chuyện phiếm, rồi sẵn đó nói pháp, để khoe khoang mình là người thông pháp Phật, pháp Thiền, mình là người hay, là người giỏi về Phật Pháp và về Thiền Định. Đó là tính chất thể hiện bản ngã.

Trên xe cộ, người ta đã chứng kiến một số cư sĩ và tu sĩ tranh luận Thiền, Giáo hơn thua bằng cách đem hết sở học về Thiền và Giáo lý của Phật ra tranh luận dữ dội. Bởi vậy, giới thứ năm mươi chín này Phật cấm không được vì người đang đi trên xe hoặc kiệu nói pháp, đó là nơi không đúng chỗ thuyết pháp, nơi không thanh tịnh.

Hành động thuyết pháp hoặc tranh luận trên xe là hành động thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng pháp bảo, đó là một hành động háo danh và nuôi dưỡng bản ngã. Người trí thấy người nói pháp trên xe cộ là biết ngay liền, đó là những kẻ thiếu giáo dục đạo đức, những kẻ thông thái rởm, chỉ nhai lại đờm dãi của kẻ khác, là con chim học nói tiếng người. Phần đông số người này là những con mọt sách và chỉ đi nghe thuyết giảng của các nhà học giả rồi huênh hoang nói pháp Thiền, Giáo, làm trò cho thiên hạ nghe, xem mà chẳng có đồng xu nào cả.

Mong rằng các vị tỳ kheo tăng cũng như các vị tỳ kheo ni phải giữ gìn tất cả những giới luật này cho nghiêm chỉnh, để bảo vệ pháp bảo của Phật mãi còn một giá trị quý báu và cao cả.

Nhờ có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, quý thầy tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni mói có những hành động đạo đức xứng đáng là đệ tử của Đức Phật; xứng đáng làm gương sáng cho tín đồ soi và nương theo. Điều lợi ích nhất cho quý vị tăng, ni và cư sĩ đã giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì tâm của quý vị sẽ được thanh thản, an lạc và vô sự, tức là tâm quý vị ly dục ly ác pháp, nên Đức Phật dạy: “Ta nói nghiêm trì giới luật, tức là ly dục ly ác pháp”; tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm nhập Sơ Thiền, một loại thiền định đầu tiên của Đạo Phật trong Tứ Thánh Định.

Đạo đức làm một vị giảng sư thì phải biết tôn trọng và cung kính pháp bảo, đức hạnh cung kính và tôn trọng pháp bảo không phải để pháp bảo trên bàn thờ lạy lễ hằng ngày mà là hành động cung kính và tôn trọng. Đừng cung kính và tôn trọng theo kiểu Thường Bất Khinh Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa, đó là sự cung kính của các nhà Đại Thừa tưởng giải ra, chứ Đức Phật dạy cung kính và tôn trọng trong giới luật rất cụ thể rõ ràng trong mỗi hành động nhân quả thiện ác, có dịp chúng tôi sẽ nói đến. còn hiện giờ ở giới luật này dạy cung kính và tôn trọng không phải cung kính và tôn trọng một cách ngu si như kinh Pháp Hoa đã dạy, để cho mọi người lấn lướt chà đạp, mà chính đức hạnh cung kính và tôn trọng là nói pháp phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng người; nói pháp không đúng nơi đúng chỗ, đúng người là thiếu lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo.

Người nói pháp không đúng nơi, đúng chỗ, đúng người khiến cho người khác nghe pháp khinh chê Phật pháp, thì người nói pháp phải bị tội đọa.

Vậy tăng ni hãy ghi nhớ lời nhắn nhủ này, cố gắng giữ gìn oai nghi tế hạnh cho nghiêm chỉnh, không được thuyết pháp bừa bãi.