Giới thứ tám mươi chín: KHÔNG NÊN THUYẾT PHÁP CHO NGƯỜI NGHE PHÁP NGỒI TÒA CAO MÀ NGƯỜI THUYẾT NGỒI TÒA THẤP
Đây cũng là một giới luật chỉ dạy đức hạnh cung kính và tôn trọng, nếu người không biết cung kính và tôn trọng còn mang tánh chất kiêu căng, tự cao, tự đại, thì chúng ta có thuyết pháp cho họ nghe cũng chẳng ích lợi gì cho họ, họ nghe pháp như nghe ca hát mà thôi.
Pháp sư không có lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo mới đem pháp bảo của Phật giảng cho những người này nghe thì chẳng ích lợi gì cho cả hai. Bởi vì, người thuyết pháp và người nghe pháp đều là những người không có đạo đức biết cung kính và tôn trọng. Người nghe và người thuyết pháp như vậy thì cả hai đều phạm tội bất kỉnh pháp.
Đức cung kính và tôn trọng rất cần thiết cho con người sống chung nhau trong một xã hội, một đất nước, một hành tinh. Vì có cung kính và tôn trọng người khác thì ít khi làm khổ người, mà không làm khổ người tức là không làm khổ mình; không làm khổ mình tức là cung kính và tôn trọng mình; cung kính và tôn trọng mình tức là cung kính và tôn trọng người khác. Có cung kính và tôn trọng người khác tức là thương yêu mình; có thương yêu mình thì không làm khổ mình; không làm khổ mình tức là không làm khổ người, không làm khổ người tức là thương người. Thương người không có nghĩa là đem của cải tài sản cho người (bố thí), bố thí chưa hẳn là thương người, mà còn làm cho người khác nghèo khổ hơn. Cho nên chỉ có lòng chân thật cung kính và tôn trọng người thì mới thương người thật sự, bằng ngược lại chỉ là thương người ngoài đầu môi chót lưỡi mà thôi.
Ở đời, người ta đã lầm tưởng rằng mình đã thương mình, nhưng sự thật, mọi người, chính họ họ cũng không thương họ chút nào cả, chính vì vậy họ cũng chẳng biết cung kính và tôn trọng họ, nên hễ có xảy ra một việc gì, chuyện không ra gì, họ cũng đã tự làm khổ họ. Cho nên họ đã không thương họ thì làm sao họ thương ai được.
Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một nhà vua nói với hoàng hậu: “Trẫm yêu thương khanh nhất, hơn là trẫm yêu thương trẫm”.
Bà Hoàng Hậu trả lời: “Bệ hạ nói không thật, nếu bệ hạ yêu thương thần thiếp sao bệ hạ lại muốn giết thần thiếp khi thần thiếp lấy một ông quan khác?”
Bởi, giáo pháp của Đức Phật dạy chúng ta cung kính và tôn trọng lẫn nhau là để không làm khổ mình khổ người, tức là biết thương mình thương người; biết thương mình thương người là chúng ta đã xây dựng một xã hội an vui hạnh phúc cho nhau, biến cảnh thế gian thành Thiên Đàng, Cực Lạc.
Muốn nghe pháp dạy đạo đức làm người của Đức Phật mà ngồi trên ghế cao hơn người thuyết pháp, còn ngược lại người thuyết pháp thì lại ngồi ghế thấp hơn. Và như vậy có phải là cung kính và tôn trọng giảng sư và pháp bảo không?
Nếu không cung kính và tôn trọng pháp bảo thì đừng mời giảng sư và cũng đừng nên nghe pháp, vì có nghe pháp cũng chẳng ích lợi gì cho mình.
Pháp bảo của Đức Phật là một pháp môn dạy đạo đức nhắm vào diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, đập phá tất cả những người còn mang tánh tự cao tự đại của loài thú vật và ác quỷ. Cho nên, đối với những người còn mang bản chất hiu hiu tự đắc thì không nên nghe pháp của Phật.
Những người còn mang bản chất tự cao, tự đại là những người đang thiếu giáo dục đạo đức cung kính và tôn trọng đối với mình và người khác.
Thiếu đức cung kính và tôn trọng lẫn nhau, thì người đó dù có sang trọng như Thạch Sùng, quyền uy như vua chúa, thì mọi người cũng vẫn không kính trọng. Chính bản ngã tự tôn tự đại đã làm mất đạo đức làm người của họ, thì dù họ giàu sang và quyền uy đến đâu thì họ cũng chỉ là kẻ thiếu đạo đức, mà chính sự thiếu giáo dục đạo đức đó nên họ là những người chịu khổ đau nhiều nhất trong cuộc sống hiện tại và mai sau.
Con người có thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú là nhờ có đạo đức, nếu không có đạo đức thì con người chỉ là một con thú vật thông minh, gian ác và hung dữ mà thôi.
Giới luật của Phật dạy chúng ta cung kính và tôn trọng pháp bảo, trong pháp bảo Phật dạy chúng ta sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh, tức là dạy chúng ta biết cung kính tôn trọng lẫn nhau, nhờ có cung kính tôn trọng lẫn nhau thì cuộc sống mới an vui hạnh phúc và tâm hồn của mọi người mới thanh thản an lạc, giải thoát như trên đã dạy.
Người thuyết pháp là bậc thầy mà ngồi ghế thấp, còn người nghe pháp là học trò mà ngồi ghế cao, thì thử hỏi còn gì là đạo đức tôn ti trật tự cung kính tôn trọng lẫn nhau. Giới luật đạo đức không cho phép con người sống không có tôn ti trật tự, chỉ có những người vô đạo đức mới sống như vậy.
Giới luật Phật dạy: “Cấm không được thuyết pháp cho người nghe pháp ngồi ghế cao”. Lời dạy tuy đơn giản, nhưng ngầm chứa một hành động đạo đức cao vòi vọi, tuyệt vời: “Cung kính và tôn trọng”.
Trên đời, nếu chúng ta biết cung kính và tôn trọng tất cả mọi người không phân biệt giai cấp sang, hèn, có học hay vô học, có uy quyền hay không uy quyền thì thế gian này là cảnh Thiên Đàng. Chỉ vì tất cả mọi người không biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau nên cảnh thế gian này là Địa Ngục.
Chỉ khi nào con người có tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát, người ấy phải biết hạ mình sát đất với lòng chân thành cầu xin pháp bảo đạo đức làm người: “Không làm khổ mình khổ người”, thì lúc bây giờ chúng ta mới giảng, nói pháp đạo đức giải thoát cho người này nghe. Người có tâm tha thiết như vậy thì liền khi nghe pháp xong được pháp nhãn thanh tịnh, còn những người tỏ thái độ ngạo mạn, thiếu đạo đức thì chẳng bao giờ được nghe chánh pháp của Phật, hầu hết đều nghe tà pháp, dù có nghe đúng chánh pháp nhưng họ lại hiểu sai lệch, biến chánh pháp thành tà pháp. Đó là trường hợp hiện giờ, mọi người (tín đồ Phật giáo) đang dẫm lại lối mòn này, lối mòn của Đại Thừa Giáo.
Thường giảng sư tà pháp đụng đâu thuyết giảng đó, không đúng nơi, đúng chỗ và không đúng đối tượng, họ chỉ vì danh và lợi mà thôi. Cho nên họ thuyết rất nhiều, mà chỉ mua vui giải trí cho thiên hạ, chứ tu hành chẳng đi đến đâu cả.
Phật pháp là giáo pháp cứu người ra biển khổ, người giảng sư phải có đầy đủ đức cung kính và tôn trọng thì mới xứng đáng là người giảng pháp của Phật Giáo. Nếu không như vậy, thì họ đã chôn vùi lời dạy quý báu của Đức Phật và muôn kiếp nghìn đời khó mà tìm ra lời dạy ấy. Bằng chứng ngày nay, kinh sách thì quá nhiều mà thứ kinh sách thật của Phật thì tìm rất khó, dù có tìm ra nhưng cũng chẳng biết bài kinh nào của Phật thật và bài kinh nào giả mạo. Do kinh sách người đời sau soạn viết ra mạo nhận là Phật thuyết quá nhiều, nên con đường tu hành của Đạo Phật đã mất dấu, khó mà người đời sau tìm ra manh mối được.