Giới thứ tám mươi sáu: KHÔNG NÊN NÓI PHÁP CHO NGƯỜI NGỒI MÀ MÌNH ĐỨNG, TRỪ KHI NGƯỜI NGHE ĐANG BỆNH
Đây là giới dạy người thuyết pháp (Pháp sư) phải cung kính và tôn trọng pháp bảo, tức là khi thuyết pháp cho người khác nghe, người nói pháp phải biết địa vị của mình đang ở vị trí nào? Và vị trí có đúng nói pháp hay không?
Nếu đúng chỗ thì nói pháp, không đúng chỗ thì thôi, không được vì danh, vì lợi mà đem pháp bảo của Phật để biến trở thành một món hàng buôn bán và trao đổi sự sống với nhau, thì những người đó không đúng là pháp sư. Người thuyết pháp đụng đâu nói pháp đó là người không có đức cung kính và tôn trọng pháp bảo; người không có đức cung kính và tôn trọng pháp bảo là người không biết tôn trọng và cung kính người khác; người không biết cung kính tôn trọng người khác là người không cung kính tôn trọng mình; mình đã không cung kính tôn trọng mình thì còn ai là người cung kính tôn trọng mình được?
Ở đây Đức Phật dạy, người làm thầy thuyết pháp cho người khác nghe, trước tiên mình phải tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo. Phải tỏ lòng cung kính pháp bảo như thế nào?
Quý Phật tử có bao giờ đi nghe một buổi thuyết trình về đề tài khoa học, văn học, sử học, mỹ thuật, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, v.v... chưa?
Người thuyết trình viên đứng trên bậc thuyết trình, còn tất cả mọi người nghe đều ngồi. Đối với những đề tài khoa học, văn học, sử học, âm nhạc, mỹ thuật, hội họa, kiến trúc, v.v... thì người thuyết trình đứng và người nghe ngồi là đúng. Tại sao vậy?
Vì những đề tài thuyết trình ở trên không phải là những đề tài thuyết trình về đạo đức. Nếu thuyết trình về đạo đức thì thuyết trình viên đứng là không đúng tư cách đạo đức. Vì đạo đức dạy người nghe phải có lòng cung kính và tôn trọng lời dạy đạo đức và người nói về đạo đức.
Vì thế, người dạy đạo đức phải ngồi trên ghế cao và thuyết trình về đạo đức, còn người nghe thì phải ngồi ghế thấp hơn. Đó là đúng tư cách đạo đức cung kính và tôn trọng lẫn nhau trong nền đạo đức nhân bản của Đạo Phật.
Quý Phật tử có bao giờ vào một lớp học chưa?
Ông thầy giáo đứng trước bảng đen giảng bài cho học sinh, còn tất cả học sinh đều ngồi lắng nghe. Nếu dạy về đạo đức như ông thầy giáo thì không đúng tư cách dạy đạo đức, chính hành động đứng giảng về đạo đức là đã không đúng tư cách đạo đức, thì còn dạy đạo đức cho ai được? Đám học trò ngồi nghe đạo đức mà thầy mình đứng giảng đạo đức thì cũng không đúng tư cách người học trò học đạo đức. Nếu dạy đạo đức mà dạy như vậy thì thầy lẫn học trò chẳng có đạo đức gì cả. Cho nên, hiện giờ trong các trường học từ Sơ cấp đến Đại học đều có dạy đạo đức, nhưng dạy đạo đức đó chỉ là hình thức cho có đạo đức mà thôi, chứ thật ra không phải dạy học đạo đức để sống đúng đạo đức làm người như vậy được. Còn dạy tất cả những môn học khác như: toán, văn, sử, địa, lý, hóa, v.v... thì đứng dạy như vậy rất đúng.
Trong giới luật Phật đã dạy đạo đức rất rõ ràng: “Không nên nói pháp cho người ngồi nghe mà người thuyết pháp lại đứng”.
Hành động đứng thuyết pháp về đạo đức cho người khác nghe là giảng sư thiếu giáo dục đức hạnh về đức cung kính và tôn trọng pháp bảo. Nếu giảng sư không có đức cung kính và tôn trọng pháp bảo thì dạy người nghe pháp về đạo đức cũng sẽ không có đức hạnh cung kính và tôn trọng, vì thầy làm sống như thế nào thì trò cũng như thế nấy.
Cho nên, người giảng pháp đứng, người nghe pháp lại ngồi và ung dung ngồi nghe pháp đó cũng là hành động của hai thầy trò đều thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng như nhau. Do đó suy ra chúng ta biết đức hạnh về sự cung kính và tôn trọng có hai phương diện hành động cao đẹp nhất của con người là đức hạnh tôn trọng và cung kính lời dạy của Đức Phật và vị thầy dạy đạo đức.
Người giảng sư đứng thuyết pháp cho mọi người khác ngồi nghe. Đó là người giảng sư thiếu đạo đức và vô minh, không biết hành động đứng thuyết pháp sẽ mang đến tai hại vô đạo đức cho người nghe pháp như thế nào?
Khi một người dạy đạo đức mà không đúng tư cách đạo đức làm thầy thì có năm điều khiến cho người học đạo đức không áp dụng đạo đức vào cuộc sống, lại trở thành người vô đạo đức:
1- Khiến họ thiếu đức hạnh tôn trọng và cung kính pháp bảo.
2- Khiến họ mất duyên với chánh Phật Pháp.
3- Khiến họ thiếu lòng cung kính và tôn trọng bậc thầy dạy đạo đức cho mình.
4- Khiến họ thiếu lòng cung kính và tôn trọng mọi người.
5- Khiến họ thiếu lòng cung kính và tôn trọng mình.
Nếu những người ỷ có chức tước, quyền thế, giàu sang, bắt buộc giảng sư đứng thuyết pháp còn mình ngồi nghe pháp, những kẻ ỷ quyền thế thiếu giáo dục đạo đức cung kính và tôn trọng như vậy, thì người giảng sư cần phải cho họ một bài học về đạo đức, đừng vì quyền thế giàu sang của họ mà sợ hãi rồi phá đạo đức và bán rẻ giáo pháp của Phật. Đối với những hạng người này mà thuyết giảng cho họ nghe thì không xứng đáng là giảng sư, chỉ là một người hèn nhác trước thế lực và tiền bạc.
Thà người giảng sư chịu chết trước uy quyền thế lực của kẻ thiếu đạo đức, chứ nhất định không bán rẻ đạo đức Phật pháp, không bán rẻ lương tâm của mình mà phải giữ cao khí tiết đức hạnh cung kính và tôn trọng của người đệ tử Phật.
Nếu giảng sư vì pháp, vì chúng tăng đi đến nhà vua, chủ đất (đại Thí chủ) để giảng pháp, nhưng nhà vua hoặc chủ đất bắt buộc giảng sư đứng thuyết, còn mình thì ngồi nghe như thầy giáo giảng bài cho học trò, thì giảng sư thà chết trước thế lực uy quyền của họ hoặc dời chúng tăng đi chỗ khác, chứ không thuyết pháp cho những kẻ quá khinh mạn pháp bảo của Phật như vậy. Có được như vậy là giảng sư đã cho họ một bài học đạo đức giá trị. Giảng sư như vậy mới chính là đệ tử của Đức Phật.
Những kẻ này là những kẻ thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng. Còn giảng sư vì danh, vì lợi, thì đừng bịt mắt tín đồ bằng những danh từ lừa đảo: “Vì chúng tăng, vì phật pháp”, mà phải đứng thuyết pháp cho những người này ngồi nghe. Giảng sư như vậy thì không đúng là giảng sư dạy đạo đức. Những giảng sư này vì nhà giàu, vì vua chúa nói pháp không đúng nơi, đúng chỗ là những người buôn Phật bán pháp, chứ không phải là đệ tử của đức Phật, họ là những kẻ không xứng đáng đem pháp bảo của Phật hoằng hóa chúng sanh. Đó là những giảng sư hèn hạ tồi tệ, không xứng đáng làm thầy Trời, Người, và cũng không xứng đáng làm gương đạo đức cho hàng tín đồ Phật Giáo soi. Họ là những con sâu làm rầu nồi canh, là những con bọ chét trong lông sư tử, là những tên lừa đảo có sách vở.