Skip directly to content

Giới thứ bảy mươi: KHÔNG NÊN THIÊU TỬ THI DƯỚI GIẢNG ĐƯỜNG

Như chúng ta đã học, có năm cách an táng. Theo đạo Phật chỉ hỏa táng là vệ sinh nhất, còn 4 sự an táng kia không hợp vệ sinh chút nào, do đó khi đức Phật nhập diệt thi thể Ngài đều được đem trà tỳ (thiêu đốt).

Con người khi chết xong, thân thể là một vật bất tịnh, uế trược, hôi thúi cần phải được đem thiêu đốt mới bảo vệ được môi trường sống trong sạch, không bị ô nhiễm. Nhờ sống trong môi trường thanh khiết nên mọi người ít bịnh tật, ít khổ đau.

Trong kinh Phật dạy: Thầy tỳ kheo khi qua đời, xem xét nếu biết thầy đó chết thật, liền ngay đó đem đến chỗ thiêu, chẳng được để lâu ngày, bèn lấy lửa đốt liền (trà tỳ). Khi thiêu đốt không nên để thây ma trần truồng mà thiêu, phải lấy y xấu mặc vào, đừng lấy y tốt, nhưng đừng mặc đồ quá cũ rách nát như trên đã dạy.

Đọc đoạn kinh giới này chúng ta thấy Đạo Phật tẩm liệm thi người chết quá giản dị, đến đỗi không có hàng rương, quan tài, không có vải tẩm liệm, không có chiếu chăn hoặc đồ liệm, chỉ đơn giản mặc một bộ quần áo sạch sẽ đừng rách nát, quá cũ, nhưng cũng không được tốt quá, rồi đem để trên đống củi khô thiêu đốt. Thật là đơn giản vô cùng và rất hợp vệ sinh, nhưng lại khi thiêu đốt không được để gần giảng đường, vì chỗ đó có đông người ra vào, hoặc nơi có người ở đông đúc, mùi thiêu đốt thây người chết cũng làm cho người khác khó chịu và có thể sanh bịnh tật. Vì thế Đức Phật cấm không cho thiêu đốt tử thi gần giảng đường tức là gần chỗ đông người; gần chỗ đông người khiến cho mọi người khó chịu, mà đã khiến cho mọi người khó chịu tức là làm khổ người khác, làm khổ người khác tức là người thiếu đạo đức nhân quả. Những điều này chúng ta cần phải học, cần phải suy nghĩ nhiều hơn, sống đúng lời dạy này, để xứng đáng là đệ tử của Đức Phật không làm khổ ai hết.

Ở đây chúng ta thường chịu ảnh hưởng mai táng trong sách Văn Công Thọ Mai của Trang Tử. Cách thức mai táng theo kiểu phong kiến vua chúa, nào là đại liệm, tiểu liệm, khi có người chết có tiền, tẩm liệm theo kiểu nhà giàu, không tiền tẩm liệm theo kiểu nhà nghèo, nào là áo thùng; nào là dây rươm mũ bạc; nào là gậy tang, v.v... tẩm liệm mai táng một cách rất rườm rà và phiền phức, hao tốn quá nhiều tiền của mà chẳng ích lợi gì với cái thây người chết hôi thúi, bất tịnh, uế trược, v.v...

Ngược lại cách thức mai táng của Đạo Phật rất thực tế, cụ thể, ít hao tốn. Vì Đạo Phật có cái nhìn thực tế hơn, thân người là vô thường bất tịnh, hôi thúi, v.v... chẳng có gì đáng cho chúng ta mến tiếc, nhớ thương. Khi thân này còn sống, nó là một ngục tù đau khổ, là một ổ bịnh tật khiến cho sự khổ đau bất tận của kiếp làm người.

Bởi, đối với Đạo Phật thân người là vật bất tịnh không đáng cho người tu sĩ Phật Giáo quan tâm, chết là bỏ liền, ném xa, thiêu đốt bỏ, nó là một vật mang nhiều nghiệp khổ, một ổ bịnh tật, mang thân này như mang một cái cùm của tội nhân. Người tu sĩ Phật giáo xem thân này không phải của ta, không phải là ta, không phải bản ngã của ta, trong khi còn sống họ thường quán xét thấu suốt cội nguồn khổ đau của thân người, nên khi thân này hoại diệt họ chẳng mến tiếc, chẳng yêu thích thương khóc, chỉ lúc thân còn sống, dùng nó để chúng ta tu tập, rèn luyện đạo lực để diệt trừ nghiệp lực của đời người, nên cần bỏ được lúc nào là chúng ta bỏ ngay, bỏ ngay không còn tiếc rẻ gì cả.

Mang thân người là mang cái khổ, chắc ai cũng từng mang thân này và cũng đều biết cái khổ của nó, không ai có thân mà bảo rằng không khổ bao giờ.

Cho nên khi thân này hoại diệt cần đem thiêu đốt để giữ môi trường sống cho người khác được trong sạch, sống được an lành ít khổ đau bịnh tật hơn. Còn nếu muốn đem chôn, như tục lệ ở đất nước Việt Nam thì không được chôn gần chỗ đông người đang sống, nhất là nơi giảng đường, nơi tăng, ni và cư sĩ tụ họp nghe pháp thì lại càng không được chôn và thiêu gần đó.

Phải tránh xa các nơi như: Chùa, am, thất, tu viện, tịnh xá, niệm Phật đường, các Thiền đường, thiền viện, thiền thất, chợ búa, khu vui chơi giải trí, khu ăn uống, khu nhà ở tập thể, trường học, cư xá, v.v...

Người học giới luật đạo đức vệ sinh thì phải lưu ý những giới luật dạy trên đây, không được vi phạm, phải thực hiện đúng như lời Phật đã chỉ dạy, để không phụ công ơn của Người và góp phần chung nhau tạo được một môi trường sống trong sạch và tốt đẹp hơn.