PHÁP THỨ III: BẤT SI DIỆT TRÁCH
Sao gọi là pháp tỳ ni bất si? Tỳ kheo phạm tội này đều không nên cử tội, cũng không nên làm pháp nhớ nghĩ, nếu việc rầy rà này đã giải quyết đúng như pháp dứt rồi, nếu ai còn bươi móc ra nữa thì phạm tội đọa như trên.
Bất si diệt trách có nghĩa là đừng nên ngu muội bươi móc lỗi lầm của kẻ khác và của mình ra, cái gì nó đã đi qua thì đừng nên nhắc lại nhớ nghĩ đến nó nữa, để tự làm khổ mình và khổ người mà chẳng ích lợi gì.
Bất si diệt trách là một pháp môn dạy đạo đức không ngu muội u mê đem bươi móc chuyện người này, người kia, hoặc nói xấu người này, người kia. Đó là sự ngu muội làm mất đạo đức của mình. Những kẻ ngu muội này đã tự làm khổ mình khổ người, tạo cho mình những nét nổi bật bất hạnh đau khổ.
Chỉ có những kẻ ngu si mới không nhận ra pháp bất si diệt trách; pháp bất si diệt trách là một pháp môn dạy chúng ta có đạo đức biết sống hòa hợp, không bao giờ tạo cảnh chia rẽ, ngang trái. Kẻ nào có ý đồ tạo cảnh chia rẽ là kẻ ngu si, tự tạo cho mình một cuộc sống bất an và còn làm cho tập thể tan nát.
Bất si diệt trách là pháp môn giúp chúng ta luôn luôn lúc nào cũng sống hòa hợp, đoàn kết, thân thương với mọi người, nó là một pháp môn cao quý nhất dùng để sống chung nhau trong mọi tập thể.
Người nào chẳng ngu si, thường hay ngăn chận sự rầy rà là những người khôn ngoan và có đạo đức nhất. Đạo đức trong việc đối xử với nhau, không tạo cảnh rầy rà. Cảnh rầy rà là cảnh Địa Ngục ở trần gian, nếu biết ngăn chận tức là mở cửa Thiên Đàng cùng sống. Cho nên đức hạnh ngăn chận sự rầy rà là đức hạnh khôn ngoan trong cuộc sống làm người.
Người nào luôn luôn tạo cảnh rầy rà là người bươi móc chuyện xấu tốt của người khác là người không được giáo dục đạo đức bất si diệt trách pháp, nên ở đâu cũng gây tạo ra cảnh chia rẽ, đó là là bọn Ma Vương, Ác Quy, chứ không phải là con người.
Người tu theo đạo Phật mà không học đạo đức bất si diệt trách là người chưa xứng đáng là đệ tử của Phật, dù là cư sĩ cũng nên học đạo đức ngăn chận sự rầy rà này, để tạo cảnh an vui hạnh phúc gia đình và xã hội.