Skip directly to content

Giới thứ tám mươi lăm: KHÔNG NÊN ĐỂ PHÁP BẢO Ở PHÒNG HẠ, MÌNH Ở PHÒNG THƯỢNG

THƯỢNG PHÒNG CÓ HAI THỨ:

1- Chỗ ở cao sang gọi là bậc thượng, tầng thượng.

2- Chỗ ở tốt đẹp gọi là bậc thượng, chỗ sang trọng.

HẠ PHÒNG CÓ HAI THỨ:

1- Chỗ ở thấp hèn gọi là bậc hạ, tầng hạ, tầng trệt.

2- Chỗ ở thô xấu gọi là bậc hạ, chỗ ở tồi tệ, bẩn thỉu, ổ chuột.

Giới này cũng dạy chúng ta biết tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo, tức là những lời Phật dạy, cần phải để nơi tốt đẹp, sang trọng không được để nơi thấp hèn thô xấu.

Theo giới này suy ra chúng ta biết giới này không đúng là Đức Phật chế, vì thời Đức Phật không có kết tập kinh sách thì làm sao có kinh sách để ở thượng phòng, hạ phòng. Giới này do các Tổ biên soạn chế ra ,vì lúc bấy giờ thời các Tổ đã có kinh sách, nên các Tổ phải chế thêm để tăng, ni và cư sĩ tôn trọng và cung kính pháp bảo của Phật cũng như kinh sách của các Tổ viết soạn.

Các Tổ chế ra giới luật này dạy chúng ta tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo, đó là một đức hạnh cần phải có không riêng cho tu sĩ tăng và ni, mà cho tất cả những người cư sĩ đều phải học cung kính và tôn trọng pháp bảo. Như các giới trên đã dạy; có cung kính và tôn trọng pháp bảo thì mới có cung kính và tôn trọng mọi người; có cung kính và tôn trọng mọi người thì mới không làm khổ mình khổ người; có không làm khổ mình khổ người tức là có đạo đức nhân quả; có đạo đức nhân quả thì mới giữ gìn giới luật Phật nghiêm chỉnh; có giữ gìn giới luật Phật nghiêm chỉnh thì mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật.

Kinh sách là lời dạy quý báu của Phật, vậy mà có nhiều người đọc kinh sách của Phật lại quăng ném vào những chỗ không xứng đáng, ném vào kệ tủ đựng nhiều thứ linh tinh hoặc ném trong một cái kệ đựng đầy những vật bất tịnh, nhơ bẩn không thanh khiết.

Tại chùa Thanh Sơn ở Động Hương Đài, bộ kinh Trung Bộ và bộ giới luật Như Thích được ném trong một đáy kệ đựng hương rất bẩn thỉu, còn bộ kinh Trung Bộ thì bìa kinh nhăn nhíu, bẩn thỉu, thật ra người ta xem kinh sách Phật chẳng khác nào như những sách tiểu thuyết xã hội tình cảm ngoài đời, kinh sách Phật giống như những cuốn sách giải trí mua vui trong những lúc nhàn rỗi.

Người biết cung kính và tôn trọng lời dạy của Đức Phật thì kinh sách phải được đặt trong tủ ngay ngắn và trang nghiêm sạch sẽ, kinh sách phải được chọn nơi xứng đáng, chỗ tốt đẹp và sang trọng nhất trong nhà để giữ gìn và bảo quản, có như vậy mới gọi là tôn trọng và cung kính lời dạy của Đức Phật.

Có cung kính tôn trọng lời Phật dạy thì mới gieo duyên với Phật Pháp, bằng không gieo như vậy, kinh sách Phật sẽ mai một, và duyên với Phật Pháp sẽ không bao giờ gặp chánh pháp của Phật, thường sanh ra làm người nhiều đời kiếp luôn gặp tà pháp ngoại đạo, thì mãi mãi phải chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và không bao giờ thoát khổ. Bởi do lòng không cung kính và tôn trọng pháp bảo nên mới gặp tà pháp như vậy, tu mãi mà chẳng ra gì.

Có cung kính và tôn trọng Pháp bảo tức là gieo duyên với Phật Pháp, nếu đời này chúng ta tu chưa xong và sẽ tiếp tục đến đời sau đều gặp lại chánh pháp của Phật, cho đến khi nào tu xong, tức là làm chủ sanh tử và luân hồi không còn tái sanh lại đời này nữa thì mới thôi. Từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ lạc vào tà pháp.

Tăng, ni và cư sĩ phải cung kính và tôn trọng Pháp bảo. Vì lời Phật đã kết tập thành kinh sách, nhất là bốn bộ kinh Nguyên Thủy Nikaya, quý vị phải giữ gìn cẩn thận và giữ gìn kỹ lưỡng, để nơi cao ráo, đừng đút nhét dưới gầm giường, đừng nằm ngủ trên kinh sách mà mất duyên với Phật Pháp hãy đặt kinh sách nơi cung kính cao và tốt đẹp .

Lòng cung kính và tôn trọng kinh sách bao nhiêu thì duyên Phật Pháp sẽ đến với chúng ta tốt đẹp nhiều bấy nhiêu.

Trên đường tu tập giải thoát theo Phật Giáo không có khó khăn và mệt nhọc, chỉ vì chúng ta thiếu đạo đức làm người, làm Thánh Nhân, nên sự tu hành mới khó khăn và mệt nhọc nhất là tu sai pháp.

Bởi vậy, giới luật là đạo đức giải thoát, nếu ai không tu tập theo lộ trình này mà tìm đường giải thoát thì đó là mơ mộng mà thôi. Người không tu đạo đức giới luật mà tu thiền định thì đó là thiền tà giáo ngoại đạo, chứ chẳng phải thiền định của Đạo Phật. Dù cho tu muôn kiếp chẳng bao giờ tìm thấy sự giải thoát được. Cho nên quý vị tu sĩ cũng như cư sĩ phải nhớ kỹ tam vô lậu học: “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ” là pháp môn duy nhất của Đạo Phật. Ngoài giới, định, tuệ không còn có pháp môn nào tu hành giải thoát, làm chủ sanh, già, bịnh, chết được.