Skip directly to content

Giới thứ sáu mươi chín: KHÔNG NÊN CHÔN TỬ THI GẦN BÊN GIẢNG ĐƯỜNG

Giảng đường là nơi hằng ngày chư tăng, ni và cư sĩ tụ tập đến nghe pháp, nên không được chôn tử thi gần, dù là tử thi của Hoà Thượng, Thượng Tọa, Trưởng Lão viên tịch cũng không được chôn gần, vì tử thi vẫn là vật uế trược, bất tịnh, khiến cho môi trường sống chung của con người còn sống không được trong sạch và có thể truyền nhiễm những bịnh tật nan y cho người khác.

Phàm thầy tỳ kheo tăng cũng như tỳ kheo ni khi qua đời phải y theo lời Phật dạy và có thể dựa theo phong tục của mỗi nước gồm có 5 phép chôn:

1- Hỏa táng.

2- Địa táng.

3- Thủy táng.

4- Lâm táng.

5- Điểu táng.

Thầy tỳ kheo khi tịch cần phải làm lễ hỏa táng. Trong thời Đức Phật còn tại thế, ông Ubali bạch với Phật: “Ở trong thân này có tám vạn vi trùng thì làm sao dám đốt ?”

Phật dạy: “Người sống thì các vi trùng này đều sống, người chết thì các vi trùng này đều chết. Nếu thân tỳ kheo có bị bịnh ghẻ khi chết, muốn thiêu đốt thì phải quán không trùng rồi mới nên thiêu đốt”.

Thầy tỳ kheo khi tịch các vật sở hữu như: y, bát, không nên quăng bỏ, trong chúng phải đồng chia ra. Khi thiêu đốt, không nên để thây trần truồng, phải lấy y mặc vào kín đáo, đừng lấy y tốt làm phí của đàn na thí chủ, nhưng cũng đừng mặc y áo quá rách nát, phải dùng y phục vừa, không cũ quá, không quá mới, mặc trước khi chôn hoặc thiêu đốt.

Xưa đức Phật đã biết sự uế trược, bất tịnh của thây người chết, làm ảnh hưởng đến môi trường sống chung của con người, nên Ngài cấm không cho chôn cất gần giảng đường tức là gần nơi có nhà người ở đông đúc.

Hành động chôn cất bừa bãi gần nhà có người ở đông đúc là hành động thiếu đạo đức vệ sinh, làm cho người còn sống phải chịu mùi hôi thúi và có thể bị bịnh tật truyền nhiễm. An táng người chết thiếu ý thức đó là tạo cho người còn sống trong một môi trường ô nhiễm, những người có những hành động này là những người không có đạo đức vệ sinh. Đạo đức nhân quả dạy chúng ta không làm khổ mình khổ người, cớ sao chúng ta lại đem thây ma chôn gần chỗ người ở đông đúc; chôn gần giảng đường tức là làm khổ mọi người; làm khổ mọi người là người thiếu đạo đức nhân quả.

Người có học đạo đức nhân quả không cho phép chúng ta làm khổ kẻ khác, dù là một con chuột, một con gà con, một con vịt con, v.v... chết, chúng ta cũng không được bỏ bậy hoặc ném vào nhà người khác hoặc ném vào lùm cây, dòng nước, v.v... Hành động làm như vậy là làm cho mọi người chịu hôi thúi khó thở. Hành động đó là những hành động thiếu giáo dục đạo đức vệ sinh làm khổ người làm khổ mình.

Ở đời có lắm kẻ lấy những đồ uế trược, dơ bẩn ném vào nhà người khác, làm cho nhà người khác dơ bần, uế trược hôi thúi, đó là một hành động ích kỷ, nhỏ mọn hẹp hòi, thiếu giáo dục đạo đức vệ sinh đối xử với những người khác. Đó là hành động của loài thú vật hèn hạ, chứ không phải là hành động đạo đức của một người, con người mà có những hàng động như vậy là chẳng phải con người.

Những giới luật cấm không cho chôn tử thi gần giảng đường chúng ta nên suy rộng ra và hiểu được ý Phật dạy: Không nên làm môi trường sống ô nhiễm, vì làm môi trường sống ô nhiễm tức là phạm giới, người phạm một trăm giới chúng học là người thiếu đức hạnh làm người; người thiếu đức hạnh làm người là người không xứng đáng làm đệ tử của Phật như trên chúng tôi đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Tử thi là một vật bất tịnh, hôi thúi và còn biết bao nhiêu vật bất tịnh khác hôi thúi nữa như: nước rữa bát, thực phẩm ăn còn thừa, những rác rến, vỏ trái cây, rau cải, v.v... đều là những vật bất tịnh làm môi trường sống ô nhiễm, khiến cho mọi người sống trong môi trường đó dễ sanh bịnh tật và khi có bịnh tật thì rất là đau khổ.

Người xả rác, đụng đâu ném đó, làm cho môi trường sống dễ ô nhiễm, đối với Đạo Phật những người này là những người thiếu đạo đức vệ sinh làm người, những người như vậy Đức Phật không chấp nhận làm đệ tử của mình. Sống bừa bãi, thiếu vệ sinh, không tắm giặt, khiến cho cơ thể dễ sanh bịnh tật, đó là tự mình làm khổ lấy mình, như trong kinh Trung Bộ tập 2, bài kinh số 51 Kandaraka Phật dạy: “Thật như vậy này Pessa! Thật như vậy này Pessa! Này Pessa, rối ren thay như loài người! Cởi mở thay như loài thú vật! Này Pessa, có bốn hạng người này có mặt ở trên đời. Thế nào là bốn? Ở đây này Pessa, có người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người…”. Người sống thiếu đức hạnh vệ sinh là người sống tự làm khổ mình, khổ người như lời Đức Phật đã dạy trên. Nếu chúng ta muốn làm đệ tử Phật thì phải sống có đạo đức vệ sinh, phải sống sạch sẽ có ngăn nắp, phải siêng năng tắm giặt để không làm khổ mình, khổ người.

Đạo đức vệ sinh của phật là một đạo đức nhân quả lợi ích thiết thực, cụ thể cho kiếp sống của con người, vì thế mọi người ai ai cũng phải học tập, tu sửa thân tâm, để không còn có hành động thiếu đạo đức vệ sinh và không còn làm khổ mình khổ người. Nhờ có những hành động đạo đức đó mà con người sống trong bầu không khí thanh khiết, trong sạch và thanh tịnh.