Skip directly to content

Giới thứ sáu mươi bảy: KHÔNG NÊN THỌ THỰC TRONG GIẢNG ĐƯỜNG

Vị tỳ kheo thọ thực bất kỳ nơi đâu, ăn xong đều phải dọn dẹp sạch sẽ, không được quăng bỏ lá, vỏ trái cây, thực phẩm khắp chỗ ăn. Cần phải giữ vệ sinh chung nhất là chỗ ăn uống phải được vén khéo, sạch sẽ và rất vệ sinh, luôn tạo môi trường sống chung không ô nhiễm, bẩn thỉu để tránh mọi thứ bịnh tật truyền nhiễm gây ra và tạo nên mọi thứ khổ đau cho người khác.

Giới này dạy về phần đạo đức vệ sinh, mọi người cần phải được học tạp để sửa sai những lỗi lầm mà từ trước đến nay đã không được học, nên gây ra bao nhiêu thứ bịnh tật đau khổ cho mọi người và trong đó có mình.

Tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni và cư sĩ không được thọ thực trong giảng đường, vì nơi đó là nơi nghe pháp phải được giữ gìn trong sạch và thanh tịnh, để mọi người đến đó nghe diệu lý và thâm nhập thiện pháp, nhờ đó mới diệt trừ các ác pháp khiến cho tâm hồn mọi người bất động trước mọi hoàn cảnh, mọi sự việc và các đối tượng. Nhờ được vậy cuộc sống mới được thanh thản, an lạc và vô sự. Vì thế, nơi thuyết pháp không phải là nơi nhà ăn, vậy tất cả mọi người không được vào nơi đó ăn uống mà phải tỏ lòng tôn trọng và cung kính, nhất là tăng, ni phải làm gương.

Người ăn uống không đúng chỗ, đúng nơi là người thiếu giáo dục tư cách đạo đức trong ăn uống. Ở đời người ta xem thường về tư cách đạo đức ăn uống, nên đụng đâu ăn đó, bất kể dơ sạch; bất kể nơi chốn; bất kể lịch sự; bất kể mọi người, v.v...

Ăn uống chỉ biết có ăn uống cho no bụng mà thôi, chẳng cần đạo đức gì cả, người ăn uống như vậy chẳng khác nào là một con thú vật. Là con người không thể ăn uống như vậy được, mà phải ăn uống có đạo đức trong ăn uống.

Cho nên ăn uống phải có nơi, có chốn, chứ không phải đụng đâu ăn uống đó. Ăn uống như vậy là người chưa từng học đạo đức của đạo Phật.

Một tỳ kheo tăng và một tỳ kheo ni ăn uống ngồi quán lều, ở vỉa hè, đầu phố xá, tại ngã tư đường có đông đúc người qua, kẻ lại mà ngồi ăn uống tự nhiên như người đời, đó là những tu sĩ thiếu học tập đạo đức của giới luật Phật, nên thiếu tất cả oai nghi tế hạnh về ăn uống, và vì vậy những người tu sĩ này được xem là những người đội lốt tu sĩ (tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni) để lừa đảo tín đồ Phật Giáo.

Vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni ăn quán, ngồi tiệm là những vị tỳ kheo thiếu tư cách phạm hạnh của những bậc chân tu. Cho nên người tu hành phải biết, ăn quán ngồi tiệm là những kẻ thế tục, chứ người tu sĩ Đạo Phật thì không thể ăn uống như vậy được, mà phải có nơi, có chỗ, đúng giờ, đúng giấc, không được ăn uống phi thời. Đấy là đạo hạnh của người tu sĩ, bậc tu hành chân chánh.

Vị tỳ kheo đến tiệm cơm xin cơm, nếu không xin thì phải nhờ người cư sĩ mua cơm và thực phẩm cúng dường cho, khi nhận cơm xong không được ngồi tại quán tiệm mà ăn, phải đi tránh nơi khác, đến nơi yên tịnh thanh vắng, rồi ngồi xuống xếp bằng nghiêm chỉnh, đặt bình bát cơm trước mặt, thầm ước nguyện giữ gìn đức hạnh giải thoát để xứng đáng thọ bữa cơm này, rồi mới nghiêm trang thọ thực.

Ăn uống của người tu sĩ phải biểu lộ một hành động nghiêm trang, đầy đủ đạo đức tỏ lòng cung kính và tôn trọng công ơn của mọi người, mới làm ra có được bữa cơm này, để nuôi mạng sống tu hành của mình. Nhờ công ơn khó khổ của mọi người vị tỳ kheo mới nuôi dưỡng mạng sống tu hành của mình tới nơi tới chốn. Do đó, lúc ăn uống người tu sĩ luôn luôn phải tỏ lòng cung kính và biết ơn sâu xa trong mỗi bữa ăn. Vì thế, bữa ăn của người tu sĩ không được ngồi quán, ngồi tiệm ăn uống, mà phải ngồi những nơi xứng hợp để tỏ lòng cung kính và tôn trọng ấy, với thâm ơn sâu dầy khó quên đối với mọi người. Ngồi trong quán trong lều ăn uống, nơi đó bất tịnh kẻ ra, người vào, ồn náo làm sao chúng ta thể hiện được lòng biết ơn sâu xa ấy.

Giảng đường cũng không phải là nơi thọ thực của tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni, vì thế, khi vào ăn uống nơi như vậy, sẽ không xứng hợp đúng chỗ ăn uống, làm mất oai nghi tế hạnh đạo đức ăn uống của người tu sĩ. Khiến cho những người am hiểu giới luật Phật sẽ không chấp nhận những tu sĩ ăn uống không biết chỗ nơi và sẽ đánh giá trị, xem thường giới tu sĩ thiếu đạo đức. Người am tường Phật Giáo sẽ không chấp nhận những tu sĩ này là đệ tử Phật.

Con thú vật đụng đâu ăn đó, không biết chỗ biết nơi: chỗ đúng, chỗ sai, chỗ dơ, chỗ sạch, chỉ có biết ăn mà thôi. Con người không thể ăn uống như vậy được. Con người ngồi lều, ngồi quán, ngồi vỉa hè, mọi chỗ đụng đâu ngồi đó ăn uống thì cũng giống như một con thú vật không có đạo đức về ăn uống.

Bởi, con người mà không học đạo đức thì chẳng khác nào là một con thú vật, con thú vật mà học đạo đức thì chẳng khác nào là con người và còn hơn con người nữa.

Vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni là bậc thầy của Trời Người, là Thánh Tăng và Thánh Ni cớ sao lại ăn uống phi thời, không đúng chỗ, đúng nơi, đụng đâu ăn uống đó, ăn uống như vậy là là bậc thầy, là bậc Thánh Tăng, Thánh Ni sao được? Đạo đức làm người còn chưa xong, huống là ăn uống như vậy mà lại muốn làm Thầy Người Trời thì làm sao được?

Là tu sĩ (tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni) luôn luôn phải chấp hành đúng oai nghi tế hạnh đạo đức của giới luật về ăn uống thì mới xứng đáng là Thầy Trời Người.

Tu sĩ Phật giáo hiện không biết xấu hổ với mọi người. Người ta gọi mình là Thầy, là Đại Đức, là Thượng Tọa, là Hòa Thượng, mà đức hạnh chẳng ra gì, giới luật vi phạm và phá sạch, không có giới nào là không phạm, đời sống không đúng phạm hạnh của người tu. Vậy mà đương nhiên nhận làm Thầy Trời Người không biết xấu hổ, thật đáng tủi nhục cho kiếp làm tu sĩ Phật giáo hiện nay.

Miệng nói giới luật mà không sống đúng giới luật, giới luật nào cũng đều có vi phạm, ngoài hình tướng tỏ ra khéo che đậy, nhưng bên trong sống như người thế tục, không còn xót một giới nào là không vi phạm. Thật đáng xấu hổ với tín đồ biết dường nào!