Skip directly to content

Giới thứ sáu mươi sáu: KHÔNG NÊN CẦM HIA VÀO TRONG GIẢNG ĐƯỜNG

Vị tỳ kheo phải giữ gìn oai nghi tế hạnh, nhất là đức hạnh cung kính và tôn trọng không những cung kính tôn trọng pháp bảo của Phật mà còn phải cung kính và tôn trọng tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh. Cung kính tôn trọng như vậy tức là cung kính tôn trọng Phật, Pháp, Tăng. Có như vậy vị tỳ kheo mới xứng đáng là đệ tử của Phật, là vị thầy của Trời, Người, là gương hạnh tốt của tín đồ Phật Giáo.

Tuy không mang hia đi vào trong giảng đường, nhưng xách đi vào giảng đường cũng là một hành động thiếu đức cung kính và tôn trọng pháp và người, vì hia mang đi dưới đất dẫm đạp lên những đồ bất tịnh, xách đi vào giảng đường làm ô uế nơi nghe pháp, nơi mà chúng tăng và tất cả cư sĩ đến câu hội nghe lời dạy của Đức Phật. Cho nên khi đến chùa, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, v.v... cần phải tỏ lòng cung kính và tôn trọng nơi tôn nghiêm tu hành, nơi pháp âm của Phật còn vang rền trong không gian, đem lại một nền đạo đức nhân bản lợi ích cho nhân loại.

Vì thế đến những nơi đó chúng ta phải hết sức cẩn thận, không được mang giày, dép, guốc, hia cũng như xách đi vào giảng đường, mà phải cởi bỏ bên ngoài, rồi đi chân trần vào thì mới gọi là có lòng tôn trọng và cung kính pháp bảo, nơi tu hành, nơi tôn kính của mọi tín đồ Phật Giáo.

Có những người hiểu một cách cạn cợt không nên mang hia, giày, dép, guốc vào chùa am, thất, giảng đường, nhưng lại xách vào cho đó là không sao. Hiểu như vậy không đúng tư cách đạo đức, là vì sợ mất giày dép mà quên đi đức hạnh của con người. Ở đời người ta xem đồ vật hơn đạo đức nên người ta đã đánh mất đi đạo đức, chỉ vì mất đi đạo đức nên mới có người tham lam lấy trộm của nhau. Nếu mọi người ai cũng giữ gìn đạo đức thì của bỏ ngoài sân cũng không mất, nhà không cần đóng cửa. Cho nên đạo đức rất cần thiết cho cuộc sống của con người, thì đức hạnh cung kính và tôn trọng là một hành động đạo đức mà chúng ta và mọi người đều phải học và trau dồi đức hạnh đó.

Có nhiều người hiểu sai, tưởng là mình cung kính và tôn trọng trong lòng thì cần gì phải biểu lộ bên ngoài. Nếu nói rằng cung kính và tôn trọng trong lòng thì lấy gì chứng minh cho sự cung kính và tôn trọng đó, hành động cung kính và tôn trọng là biểu hiện cụ thể đạo đức cung kính và tôn trọng của người ấy qua hành động. Chính vì đức hạnh cung kính và tôn trọng đã giúp cho người ấy không còn khổ đau phiền toái, bất toại nguyện trong lòng, luôn luôn lúc nào tâm hồn cũng thanh thản và an lạc.

Sự cung kính tôn trọng phải thực hiện qua hành động thân, miệng, ý của mình, chứ không thể dùng lời nói suông mà có được, phải luôn siêng năng, tập luyện, trau dồi thân tâm hằng ngày, và còn phải học hỏi đạo đức nhân quả thì mới có thể thể hiện những hành động đức hạnh cung kính và tôn trọng đó đối với mọi người đúng như pháp.

Thường sự cung kính và tôn trọng phải tỏ ra hành động nơi thân, miệng thì mới chính là lòng cung kính và tôn trọng thật sự. Hành động không cung kính tôn trọng mà bảo rằng có lòng cung kính và tôn trọng thì không đúng, đó chỉ là lời nói lừa đảo người khác mà thôi.

Cung kính và tôn trọng là những đức hạnh giúp chúng ta thoát ra khỏi ác pháp, khiến đời sống chúng ta được an vui thanh thản và vô sự; đức hạnh cung kính và tôn trọng giúp con người luôn luôn giữ gìn môi trường sống và bảo vệ sự sống của nhau, không hề giết hại và ăn thịt lẫn nhau.

Nếu con người thật sự không ăn thịt chúng sanh, biết tôn trọng và cung kính sự sống của nhau thì con người và loài cầm thú sẽ là bạn thân nhau, và từ đó môi trường sống trên hành tinh này sẽ có mưa thuận gió hòa, không bao giờ có thiên tai dịch họa; không bao giờ có cảnh màn trời chiếu đất; không bao giờ có cảnh bất hạnh bịnh tật tai ương và thế giới không bao giờ có chiến tranh.