Giới thứ chín mươi sáu: KHÔNG NÊN NÓI PHÁP CHO NGƯỜI CẦM GẬY KHÔNG CUNG KÍNH PHÁP BẢO
Người cầm gậy có mục đích là để bảo vệ sự nguy hiểm gặp thú dữ, nhưng đối với đạo Phật gậy gộc, dao, kiếm là loại vũ khí làm đau khổ và đoản mạng chúng sanh, chứng tỏ người ấy còn tâm hung ác. Người còn tâm hung ác mà muốn nghe pháp của Phật thì không thể được, hãy bỏ gậy gộc, dao, kiếm, tức là bỏ tâm hung ác, rồi mới được nghe pháp, bằng không bỏ tâm hung ác thì không thể nào có đủ duyên để nghe pháp được, dù có nghe nhưng lòng chưa soạn sẵn chỗ thiện, thì có nghe cũng chẳng ích lợi gì. Pháp Phật là pháp thiện, người còn tánh hung ác, dữ tợn thì không nên nghe pháp của Phật.
Tại sao vậy?
Tại vì pháp Phật sẽ dạy ngược lại với tâm ác của người đó, cho nên người đó nghe pháp lại còn thêm tức giận hơn và khổ tâm hơn vì có hai tư tưởng thiện ác sẽ đấu tranh nhau trong một con người.
Muốn nghe pháp Phật thì phải xả bỏ lòng hung ác, xả bỏ lòng hung ác là phải xả bỏ gậy, gộc, đao, kiếm như trên đã dạy. Người mà bỏ gậy gộc, dao, kiếm là người muốn quay về thiện pháp, người ấy đáng được nghe chánh pháp của Phật. Bỏ gậy, gộc, dao, kiếm, tức là tạo duyên nghe pháp, tạo duyên nghe pháp tức là tạo duyên làm thiện, sống thiện.
Người cầm gậy là người thiếu đức hạnh từ bi; thiếu đức hạnh từ bi là thiếu lòng thương yêu chúng sanh; thiếu lòng thương yêu chúng sanh tức là thiếu lòng thương yêu chính bản thân mình.
Đạo đức của đạo Phật xác định rất rõ ràng, người có thương xót khắp muôn loài chúng sanh là người có đức từ bi với mình; có đức từ bi với mình tức là có lòng thương yêu mình và mọi người.
Bởi, thương yêu chúng sanh, tức là thương yêu mình, không làm khổ chúng sanh tức là không làm khổ mình. Người ăn thịt chúng sanh là người làm khổ mình mà tự mình không hay biết.
Đạo đức từ bi là một đạo đức nhân quả, vì luật nhân quả có thiện và có ác, mà đạo từ bi của Đức Phật là đạo toàn thiện. Muốn sống được đạo toàn thiện thì phải ngăn ác diệt ác, mà ngăn ác diệt ác tức là thực hiện đạo từ bi; thực hiện đạo từ bi tức là thực hiện “Tứ Chánh Cần”.
Đạo từ bi tức là đức hạnh làm người; đức hạnh làm người là đức hạnh không làm khổ mình khổ người; không làm khổ mình khổ người là người đã giải thoát khỏi kiếp đời đầy đau khổ của chính mình.
Cho nên đối với người cầm gậy gộc, dao, kiếm, v.v... chúng ta không nên giảng pháp cho họ nghe, vì có giảng pháp cho họ nghe, đã không giúp họ giải thoát mà còn làm cho họ bực tức hơn và tạo điều ác hơn nữa. Nếu họ có tâm thành muốn nghe pháp thì họ phải bỏ gậy;
bỏ gậy tức là họ thể hiện lòng từ bi, chứ không phải bỏ chiếc gậy bên ngoài mà hãy bỏ chiếc gậy trong tâm của họ. Được như vậy lúc bây giờ chúng ta mới thuyết pháp cho họ nghe, khi nghe xong họ liền được tuệ nhãn thanh tịnh.
Hiện giờ có nhiều người nghe pháp Phật mà gạy ác trong tâm của họ vẫn chưa bỏ, nên họ chẳng được tuệ nhãn thanh tịnh và họ đang sống trong một tâm đầy tham vọng, chạy đông chạy tây để tìm con đường giải thoát bằng cửa ngõ Thiền Định, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, v.v... nhưng cuối cùng những cửa ngõ này là ngõ cụt, nên chẳng ai thực hiện được sự giải thoát hoàn toàn.
Do không được tuệ nhãn thanh tịnh, nên đạo đức từ bi họ không thể hiện được trong đời sống, tâm họ không ly dục ly ác pháp và diệt ngã xả tâm, nên cuộc sống của họ đau khổ lại càng đau khổ hơn. Cho nên giới luật dạy đạo đức này đối với người còn tâm ác thì không thể nhiếp phục họ được, vì thế không nên thuyết giảng thiện pháp cho họ nghe, vì có nghe cũng chẳng có ích lợi gì cho họ và còn biến giảng sư trở thành đào kép hát cho họ nghe để giải trí, mua vui, chớ không có ích lợi gì.
Người muốn nghe Phật pháp phải từ bỏ tánh hung ác ,từ bỏ tánh hung ác tức là từ bỏ gậy, gộc, dao, kiếm, giáo, mác, v.v... thì mới xứng đáng là người nghe pháp của Đức Phật. Đó là một xác quyết chắc chắn như vậy, nếu nghe pháp Phật thì phải dọn sẵn tâm thiện để đón nhận đạo đức từ bi. Chính đạo đức từ bi mới dẫn dắt họ đến thiền định làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi.