Giới thứ một trăm: NGƯỜI CẦM DÙ KHÔNG NÊN NÓI PHÁP CHO NGHE
Người vào nhà còn che dù, đội nón thì không nên thuyết pháp cho những người này nghe, họ là những người không có lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo.
Trong một trăm giới chúng học, đức hạnh cung kính và tôn trọng đã chiếm rất nhiều giới luật dạy về đức hạnh này. Chính vì nhờ có cung kính và tôn trọng pháp bảo thì chúng ta mới có lòng cung kính và tôn trọng mọi người, có cung kính và tôn trọng mọi người thì tâm ta mới được giải thoát. Đó chính là dùng đức hạnh cung kính và tôn trọng để đạt được mục đích của Đạo Phật. Đức cung kính và tôn trọng là một đức hạnh cao thượng mà con người ít ai làm được. Phần nhiều chỉ vì tự ngã của họ đã che lấp đức hạnh cung kính và tôn trọng, nên họ chỉ biết có mình là trên hết, thường mong muốn ai cũng cung kính và tôn trọng mình, xem mình như Thánh, Tiên, Phật, v.v... Cũng chính vì tự ngã nên ít ai chịu thấy cái sai quấy, cái lỗi lầm của mình, luôn luôn lúc nào cũng chỉ thấy cái sai quấy của người khác. Chính vì vậy mà con người phải chịu khổ đau suốt đời.
Biết cung kính và tôn trọng người khác thì đừng nhìn vào việc làm của người khác, mà hãy nhìn vào việc làm của mình, để mình tu sửa, trau dồi thân tâm và quyết tâm khắc phục những lỗi lầm sai trái mà làm người không ai tránh khỏi những lỗi lầm đó.
Hiện giờ thân tâm mình còn những thói quen của loài cầm thú, nên không thể nào không lỗi lầm. Vì thế hằng ngày thường quán xét, tư duy trong mỗi mỗi hành động của mình để cố gắng khắc phục sửa sai, thì mới mong có ngày sống đúng đạo đức làm người.
Trên bước đường tu tập theo Phật Giáo, Đức Phật đã từng răn nhắc chúng ta: “Biết chuyện mình đừng biết chuyện người”. Nếu một người muốn thực hiện đạo đức làm người thì phải tâm niệm lời dạy này cho thấm nhuần tận tâm can, thì mới mong sống đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người.
Người đời chỉ vì biết chuyện người mà không biết chuyện mình, nên từ đó lòng cung kính và tôn trọng mất đi. Lòng cung kính và tôn trọng mất đi thì tâm ta khó diệt ngã, khó xa lìa lòng ham muốn, khó ly dục ly ác pháp. Do không diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nên cuộc đời thọ biết bao nhiêu sự đau khổ, chính vì vậy mà đạo đức làm người sống không trọn vẹn.
Cung kính và tôn trọng là đức hạnh giúp ta giải thoát khỏi khổ đau của kiếp làm người. Cung kính và tôn trọng giúp ta phát khởi lòng từ bi, nếu thiếu đức cung kính và tôn trọng thì tâm từ bi của chúng ta khó phát triển; tâm từ bi của chúng ta không phát triển thì không có cách thức nào và phương pháp nào đối phó với tâm tham, sân, si, phiền não của chúng ta được. Do đó diệt ngã, xả tâm ly dục ly ác pháp để thực hiện thiền định thì chỉ là một giấc mơ mà thôi.
Tăng, ni và quý Phật tử hãy lấy giới luật Phật tu tập, xây dựng cho mình thành một con người có đạo đức, có đầy đủ lòng cung kính, khiêm hạ và tôn trọng tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh, thì con đường giải thoát của Đạo Phật sẽ hiện tiền trước mắt mọi người không mấy khó khăn. Cho nên một tu sĩ Đạo Phật (tăng, ni) mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì những tu sĩ đó là những người thiếu đạo đức, không thể nào tu tập giải thoát được. Bởi vậy, nhìn các vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni tu hành chân, giả đều biết dễ dàng qua hành động sống đạo đức giới luật, chứ không phải ở chỗ thuyết giảng hay, lý luận giỏi, hoặc có thần thông, phép tắc lạ hoặc có bùa chú linh thiêng, hoặc ngồi thiền nhập định giỏi, mà hãy nhìn họ sống có đúng giới đức, giới hạnh hay không, thì đủ đánh giá trị chân, giả sự tu hành của họ.
Nếu giới đức, giới hạnh đầy đủ thì những vị tu sĩ ấy là bậc chân tu giải thoát của Đạo Phật. Còn những người nào giới đức, giới hạnh không có, thì đó là tà sư ngoại đạo, quý Phật tử và tăng, ni hãy tránh xa không khéo sẽ bị họ lừa đảo.
Cho nên, người đội dù, đội nón và đội khăn, v.v... khi bước vào nhà mà không lấy xuống là những người vô lễ thiếu giáo dục đạo đức, cũng như khi ngồi nghe pháp mà dù, nón, khăn không lột xuống tức là người vô giáo dục đức hạnh cung kính và tôn trọng, những người như vậy không nên thuyết pháp cho họ nghe.
Trước khi nghe pháp những người này phải được dạy pháp cung kính và tôn trọng pháp bảo và còn phải biết cung kính mọi người, nếu không được dạy như vậy thì giảng sư không nên thuyết pháp cho họ nghe. Vì Pháp Phật là những giáo pháp cao quý và vô giá, giúp cho con người có đầy đủ đạo đức, đạo hạnh vượt thoát biển khổ, sông mê của kiếp sống làm người.