Giới thứ tám mươi bảy: KHÔNG NÊN NÓI PHÁP CHO NGƯỜI NẰM MÌNH NGỒI, TRỪ KHI NGƯỜI NGHE PHÁP BỊ BỆNH
Người giảng sư khi bước lên pháp tọa, phải quan sát tất cả mọi người đang ngồi nghe pháp, nếu thấy có người nằm nghe pháp thì nhất định giảng sư không thuyết pháp, dù có hàng trăm ngàn người ngồi nghe mà chỉ có một người nằm thì giảng sư cũng chẳng thuyết pháp.
Tại sao vậy?
Ở nơi giảng pháp, nhất là pháp dạy đạo đức của Đức Phật thì đừng bảo rằng: “Thiểu số phải tùng đa số”. Không lẽ vì một người mà ta bỏ bao nhiêu người đang ngồi chờ đợi để nghe pháp hay sao?
Ở đây là nơi dạy đạo đức, chứ không phải nơi bầu cử, nên không thể nói thiểu số và đa số, mà chỉ thẳng vào đạo đức của con người để giáo dục mọi người cho có đạo đức. Nếu vì số đông ta thuyết giảng pháp đạo đức cho mọi người nghe thì mọi người sẽ bắt chước số ít kia mà trở thành những con người thiếu đạo đức.
Đức cung kính và tôn trọng pháp bảo là một đức hạnh rất cần thiết cho cuộc sống của con người, vì có cung kính và tôn trọng pháp bảo chúng ta mới học được đạo đức làm người từ trong pháp bảo ấy đã dạy.
Từ đức hạnh cung kính và tôn trọng pháp bảo chúng ta mới học được đức hạnh cung kính và tôn trọng mọi người khác, có cung kính và tôn trọng mọi người khác chính là ta đã cung kính và tôn trọng ta. Có cung kính và tôn trọng người khác tức là không làm khổ người khác; có cung kính và tôn trọng mình tức là không làm khổ mình, như trên đã dạy.
Người sanh ra ở đời mà không làm khổ mình khổ người là người có hạnh phúc nhất trần gian. Muốn được vậy thì mọi người phải học và tu tập đầy đủ đức hạnh cung kính và tôn trọng mình và người khác.
Bởi, người không có đức hạnh cung kính tôn trọng pháp bảo của Đức Phật, tức là không có lòng cung kính và tôn trọng luật nhân quả thường hay làm khổ mình khổ người, thường hay làm khổ mình khổ người là người không có lòng cung kính và tôn trọng mình và người khác, người ấy cũng giống như một loài cầm thú thông minh mà thôi.
Những hành động nằm nghe pháp là những hành động của người vô giáo dục đạo đức, thường sống trong bản ngã tự tôn tự đại, cứ nghĩ rằng mình là trên hết.
Người thuyết pháp vô tình mà thuyết pháp cho người nằm nghe pháp là giảng sư thiếu đạo đức, là giảng sư của ngoại đạo.
Pháp Phật là một pháp môn dạy đạo đức làm người, từ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Làm người mà không làm khổ mình khổ người là người có một đạo đức tuyệt vời. Một đạo đức giúp cho con người vượt ra khỏi bản chất của loài cầm thú, không còn hung dữ và gian ác nữa; một đạo đức giúp cho con người vượt thoát mọi sự khổ đau của kiếp làm người và còn chấm dứt được sự tái sanh luân hồi; một đạo đức dạy cho con người làm những bậc Thánh nhân.
Một đạo đức vô cùng cao quý như vậy, thế mà không tôn trọng và cung kính thì làm sao có lợi ích cho đời sống của mình. Có cung kính và có tôn trọng pháp bảo thì mới có áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình, ngăn chận và diệt được ác pháp trong tâm, nhờ thế cuộc sống mới thanh thản, an vui và hạnh phúc.
Giảng sư mà thiếu tư cách cung kính và tôn trọng pháp bảo là những giảng sư vì danh vì lợi, dù cho giảng sư đó có thông suốt Tam Tạng Thánh Điển cũng vẫn là người buôn Phật bán pháp mà thôi.
Người không có đạo đức mà giảng kinh sách Phật là phản lại đạo đức của Đạo Phật, vì hành vi của người ấy không có đạo đức khiến cho người khác nghe Phật Pháp cũng không có đạo đức. Đạo đức tôn trọng và cung kính, mà mọi người không áp dụng vaò đời sống của mình được thì tự chuốc lấy sự khổ đau cho mình mà lại còn làm cho người khác khổ đau nữa.
Biết cung kính và biết tôn trọng mọi người thì mọi người mới cung kính và tôn trọng mình. Hành động đạo đức cung kính và tôn trọng như vậy mới gọi là con người có đạo đức, nếu không có hành động đạo đức như vậy thì con người chỉ chuốc lấy một đời sống đau khổ, sầu muộn mà thôi.
Tóm lại, người nghe pháp và người thuyết pháp phải có lòng cung kính và tôn trọng, không phải chỉ riêng có pháp bảo mà còn phải cung kính và tôn trọng lẫn nhau. Như thế mới có thể hiện được giới đức, giới hạnh của Đạo Phật.