Skip directly to content

Giới thứ sáu mươi tám: KHÔNG NÊN KHIÊNG TỬ THI ĐI NGANG QUA GIẢNG ĐƯỜNG

Tử thi là thây người chết, thây người chết bất tịnh, hôi thúi, uế trược, v.v... Tất cả thân tứ đại của con người và của loài vật khi chết đều tan rã. Đất, nước, gió, lửa đều trả về đất, nước, gió, lửa, chẳng còn gì là của chúng ta nữa. Vĩnh biệt ngàn thu khi ba tấc hơi dừng, nhưng cái gì còn lại? linh hồn, thần thức, Phật tánh ư!

Không! Không! Hoàn toàn không còn có cái gì cả. Khi chết đi chỉ còn một cái thây ma hôi thúi, bất tịnh mà thôi. Vậy người ta nghĩ, khi người chết cái gì còn lại đi luân hồi và tái sanh ở kiếp sau?

Cái còn lại đi luân hồi và tái sanh ở kiếp sau đó là những hành động nhân quả thiện, ác tạo thành thói quen, thói quen ấy gọi là nghiệp lực, cái nhiệp lực đó còn mãi và tiếp tục đi luân hồi tái sanh để thọ lấy thân sau và chịu những nhân quả khổ, vui của những hành động đã làm ở thân trước.

Có người cho rằng chết là hết, không còn gì cả, nghĩ như vậy tức là chấp đoạn, chấp đoạn tức là sai; lại có người cho rằng chết là thân tứ đại hoại diệt, chứ còn có một vật vô hình bất biến, đó là linh hồn (ngoại đạo), thần thức (Đại Thừa), Phật tánh (Thiền Tông), Bản thể vạn hữu (Bà La Môn). Đây là những tư tưởng chấp thường cũng là sai. Đạo Phật không chấp đoạn mà cũng không chấp thường, vì thấu suốt lý nhân quả thấy được hành động thiện ác của mỗi người tạo thành nghiệp lực, do nghiệp lực đó tiếp tục mãi mãi tái sanh luân hồi. Cho nên chẳng có ai đi tái sanh luân hồi và cũng chẳng có ai chịu khổ, hưởng vui, chỉ có nghiệp lực nhân quả thiện ác khổ vui là như vậy mà thôi. Người đời lầm chấp cho rằng có ngã nên ngã đó chịu khổ hưởng vui, bị tù, bị tội, v.v...

Chết là hết một kiếp người nhân quả, thân tứ đại đem thiêu đốt bỏ, để giữ gìn vệ sinh chung cho môi trường sống trong sạch, để những người còn sống tránh khỏi những bịnh tật tai ương.

Giảng đường là nơi thuyết pháp thanh tịnh, dù cho Hòa Thượng, Thượng Toạ chết đều cũng không được khiêng đi ngang qua giảng đường. Dù bất cứ người nào chết cũng vậy, phải được giữ gìn vệ sinh chung nơi chỗ đông người.

Có nhiều chùa, khi có người chết họ đặt áo quan tại giảng đường để làm lễ, lẽ ra phải được đặt thây người chết tại nhà Niết Bàn hơn là bất cứ nơi đâu. Vì nơi đó là nơi dành riêng để làm lễ ma chay trước khi an táng.

Nếu đặt áo quan trong chùa nơi thờ Phật, nơi giảng đường, với việc làm này thật là thiếu đức hạnh cung kính và tôn trọng Phật Pháp, người ta chỉ biết tình cảm thương yêu đối với những người thân mà quên đi đạo đức làm người. Bởi sự cung kính và tôn trọng phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng tư cách, nếu làm sai không đúng cách thức như trong giới luật đã dạy thì họ là người thiếu giáo dục đạo đức của Phật Giáo, làm mất vệ sinh, môi trường ô nhiễm.

Chỗ đáng cung kính và tôn trọng thì phải hết lòng cung kính và tôn trọng, nếu không cung kính và tôn trọng, thì tỏ ra là người thiếu đạo đức; còn chỗ không đáng cung kính và tôn trọng thì lại cung kính và tôn trọng, nếu cung kính và tôn trọng như vậy thì cũng là người thiếu đạo đức.

Bởi sự cung kính và tôn trọng là một đức hạnh hết sức quan trọng đối với đời sống của con người, người thiếu đức hạnh cung kính và tôn trọng tạo ra biết bao nhiêu sự đau khổ cho muôn vạn người.

Ví dụ: một vị tỳ kheo phạm giới, phá giới, ăn uống phi thời, không giữ gìn vệ sinh đi, đứng, nằm, ngồi chẳng có oai nghi tế hạnh, chẳng biết cung kính và tôn trọng, chỉ biết có niệm bùa, đọc chú, tu tập rèn luyện để đạt được thần thông hoặc ngồi thiền nhiều giờ để có hình thức tu hành, hoặc thuyết giảng lý luận theo kiểu tưởng giải xảo quyệt khôn quỉ như người ngoài đời, hoặc viết lách soạn dịch kinh sách theo kiến giải của mình khiến cho người đời sau tu hành chẳng đến đâu, vì hiện tình mọi người đang sống trong vô minh thì làm sao thấu được sự đúng sai trong kinh sách đó, đó là một điều tai hại và nguy hiểm hết sức cho người đời sau, những hành động như trên đã kể, đó là hành động thiếu đạo đức, giết người bằng sự mê tín, bằng thần thông, bằng lý luận, v.v...

Đức cung kính, tôn trọng và giữ vệ sinh chung, nếu một người chẳng giữ gìn được là người thiếu đạo đức, là người ngu si tự mình làm khổ mình khổ người mà không biết. Cho nên, người có đức hạnh cung kính, tôn trọng và giữ gìn vệ sinh chung cho đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc, thì người đó là người có đạo đức, là người thông minh, là người khôn ngoan.

Tại sao vậy?

Tại vì giữ gìn vệ sinh chung tạo cho môi trường sống không ô nhiễm, khiến cho mình và mọi người ít bịnh tật, ít khổ đau. Nhờ sống trong bầu không khí trong lành, nên tâm hồn thoái mái dễ chịu, cũng vậy đức hạnh cung kính và tôn trọng người khác khiến cho mình không sanh tâm tham lam, giận dữ, không thù hận, oán ghét và người khác cũng vậy, vì thế mọi người không ai làm khổ ai hết, sống một đời sống vui hòa, hạnh phúc.

Một trăm giới chúng học phần nhiều trong các giới luật, Đức Phật đã dạy đức hạnh cung kính, tôn trọng và đức hạnh giữ gìn vệ sinh bằng những hành động đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ và đúng tư cách của một người có đạo đức nhân quả, để đem lại một đời sống an vui hạnh phúc cho nhau. Thật là những bài pháp có giá trị rất lớn trong thời đại của chúng ta hiện giờ.

Đức hạnh cung kính, tôn trọng và vệ sinh là một đức hạnh rất cần thiết cho những người tu sĩ đạo Phật, làm gương sáng cho tín đồ và mọi người không tôn giáo. Thế mà có những tu sĩ giới hạnh chưa nghiêm túc và tu hành chẳng ra gì mà đã dùng những danh từ thô lỗ của người đời, gọi quý thầy và quý sư cô, quý cư sĩ bằng những từ: thằng, nó, con, hắn, y, v.v... Những danh tư xưng hô đó, vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni không nên dùng, vì dùng những danh từ xưng hô đó đi ngược lại đạo đức cung kính và tôn trọng của Đạo Phật. Đạo Phật là đạo vô ngã mà còn dùng những danh từ đó gọi nhau, chứng tỏ các thầy còn mang bản ngã to lớn, giống như kẻ thế tục phách lối, thô lỗ, tục tằn, v.v...

Đạo đức cung kính và tôn trọng không cho phép quý Thầy dùng những danh từ thô lỗ đó. Nếu quý thầy dùng những danh từ đó, quý thầy là những người thiếu giáo dục đạo đức trong nhà Phật. Người hiểu biết đức hạnh giới luật của Đạo Phật sẽ đánh giá trị quý thầy quý sư cô là những người thiếu đạo đức, sống phá và phạm giới luật Phật, không biết cách xưng hô.

Người học Phật mà xem thường giới luật Phật là những người không có đạo đức, mà đã không có đạo đức thì người ấy chỉ là một loài thú vật mà thôi. Vì loài thú vật không bao giờ có đạo đức, đạo đức chỉ dành cho Trời, Người và những bậc Thánh Hiền.

Chúng ta là những tu sĩ Phật giáo, là thầy của Trời Người, là bậc Thánh Tăng, thế mà chúng ta lại thiếu đạo đức không bằng người thế tục thì chúng ta có xứng đáng làm thầy Trời Người và Thánh Tăng hay không? Chúng ta là tu sĩ không biết xấu hổ khi phạm giới, phá giới tức là thiếu đạo đức, thế mà chúng ta lại nghênh ngang, hiu hiu tự đắc, xem ta như là thầy Trời Người, là Thánh Tăng, thì quý thầy có cảm thấy mình như thế nào? Có xấu hổ hay không? Có còn nhìn thấy mặt tín đồ được hay không? Có dám tự xưng mình là thấy Trời Người được hay không? Khi mà đời sống của quý thầy không đúng giới luật.

Thiếu đức hạnh làm một vị Thầy thì tốt hơn nên làm người thế tục, để không mang tọi lỗi với chư Phật và với mọi người.

Đức hạnh tôn trọng, cung kính và vệ sinh của một tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni rất cần thiết cho đời sống tu hành giải thoát của quý vị. Nếu thiếu những đức hạnh đó tức là quý vị phạm giới, phá giới, khinh thường giới luật, thì đời tu hành của quý vị chỉ là con số “không”, nếu có tu hành cũng hoài công vô ích mà thôi, chẳng ích lợi gì cho quý vị và cho người khác.