Giới thứ sáu mươi hai: KHÔNG NÊN MANG GIÀY VÀO THÁP PHẬT
Giới này cũng xin thay chữ Tháp Phật bằng chữ giảng đường, cho phù hợp lúc đức Phật còn tại thế, xem như Đức Phật đã chế giới luật này.
Mang giày đi vào trong giảng đường là người thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng nơi giảng dạy pháp bảo, chứng tỏ người ấy thiếu tư cách lịch sự và thiếu sự giáo dục đạo đức cung kính và tôn trọng, dù đó là bậc vua chúa, quan to, chức trọng hoặc giàu sang tột đỉnh cũng vậy.
Mang giày đi vào giảng đường là người tỏ ra bản ngã, kiêu căng, tự đắc khinh thị người khác, dù người đó có học thức bao nhiêu, có cấp bằng cao bao nhiêu cũng chỉ được xem là người thiếu đạo đức lịch sự làm người, họ là những con người có trình độ học thức nhưng tâm hồn không có đạo đức tôn trọng và cung kính pháp bảo và mọi người, thì đó cũng chỉ là loài cầm thú thông minh mà thôi.
Đạo đức cung kính và tôn trọng của Đạo Phật chỉ thẳng thừng cho chúng ta thấy đâu là con người thật và đâu là con thú mang lớp người. Người nghênh ngang tự đắc cũng giống như một con thú dữ, ỷ sức mạnh, ỷ to con, nghênh ngang chẳng biết cung kính tôn trọng ai hết.
Người có đức hạnh cung kính và tôn trọng người khác mới thật là con người. Người không biết cung kính và tôn trọng ai hết không phải là con người mà là một con thú vật. Đạo đức của Đạo Phật đã xác định điều đó rất rõ ràng.
Hành động mang giày đi vào giảng đường, nơi thuyết pháp của Đức Phật là một nơi tôn nghiêm trang trọng của tín đồ Phật Giáo, nếu kẻ nào không ý thức, chỉ một hành động vô lễ, thiếu đạo đức lịch sự, cung kính và tôn trọng, thì theo Đạo Phật cho đó là những người thiếu giáo dục đạo đức làm người, họ cần phải học tập đạo đức nhiều hơn nữa.
Con người sanh ra hơn loài cầm thú là nhờ có đạo đức, nếu không có đạo đức con người chỉ là một con thú thông minh mà thôi. Nhờ có sự giáo dục học tập về đạo đức làm người thì con người mới lần lần tiến lên và thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú, để trở thành những con người tốt trong xã hội.
Bởi, đạo đức rất cần thiết cho loài người trên hành tinh này, và nhất là rất cần thiết cho thời đại khoa học hiện đại hoá cuộc sống của con người hiện giờ. Chiến tranh trên thế giới còn hay chấm dứt đều do con người có đạo đức hay không có đạo đức mà thôi.
Từ những hành động kiêu căng, tự đắc, khinh mạn, mà không được sửa chữa thì bản năng hung ác sẽ tiến triển dễ dàng, và đi đến chỗ tàn sát giết hại sanh linh không những loài cầm thú, mà ngay cả con người họ giết nhau chẳng gớm tay.
Khoa học và kinh tế càng tiến triển nâng cao đời sống con người, vật chất và tiện nghi đầy đủ thì nguy cơ hiểm họa cho loài người, nếu không có đạo đức quân bình khoa học và kinh tế thì sẽ đi đến diệt vong. Bằng chứng khoa học càng ngày càng phát triển thì chiến tranh thế giới càng giết hại người ghê gớm hơn.
Cho nên đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người rất cần thiết trong giai đoạn khoa học hiện đại hóa đời sống con người, mọi con người phải được học tập và tu sửa tánh tình thì mới mong thế giới này không bị tiêu diệt, và các nước trên hành tinh này mới có ngày chấm dứt chiến tranh, hòa bình thế giới thật sự mới có.
Muốn học đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy học tập đức hạnh cung kính và tôn trọng lẫn nhau. Muốn học đức hạnh cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì ta phải biết tôn trọng và cung kính pháp bảo của Phật, tức là những lời dạy đạo đức của Đức Phật. Có cung kính và tôn trọng những lời dạy đạo đức của Đạo Phật thì mới có tâm từ bi như trên đã dạy; có tâm từ bi chúng ta mới biết thương yêu lẫn nhau; có thương yêu lẫn nhau chúng ta mới xả trừ ác pháp tham, sân, si; có xả trừ ác pháp chúng ta mới ly dục ly ác pháp; có ly dục ly ác pháp chúng ta mới nhập Sơ Thiền; có nhập Sơ Thiền ta mới thấy tâm hồn giải thoát với một trạng thái thanh thản và vô sự. Nếu con người sống với tâm hồn thanh thản, vô sự thì các nước trên thế giới mới mong có hòa bình thật sự.
Tóm lại, đức hạnh cung kính và tôn trọng là những hành động đạo đức cao thượng và cao quý nhất của loài người, mà mọi người cần phải học tập và trau dồi để dần dần tiến lên bước đường giải thoát cao hơn và sâu hơn của Đạo Phật.