Skip directly to content

PHÁP THỨ V: MÍCH TỘI DIỆT TRÁCH

Mích tội nghĩa là gì? Mích tội tướng có nghĩa là tội của tỳ kheo, trước kia đã được chúng tăng cử tội và tỳ kheo phạm tội cũng đã nhớ nghĩ thú tội rồi, nên sự tranh chấp đã dứt, sau này ai gợi lại đều phạm tội đọa (ba dật đề).

Mích tội diệt trách là một pháp môn dạy đạo đức làm người không được nhắc lại những lỗi lầm của người khác, khi việc đó đã được phán xét cử tội và đã thọ chịu sám hối lỗi lầm của mình xong.

Ở đời người ta thường hay nhắc đi nhắc lại chuyện cũ để tạo ra sự buồn khổ tức giận, phiền não, khiến cho mọi người bất an, lúc nào tâm hồn cũng không được thanh thản và an lạc.

Mích tội diệt trách là một đạo đức dạy làm người, vừa kín đáo về ngôn ngữ khiến để giữ gìn và bảo vệ tập thể, không cho người ngoài biết mọi việc xảy ra trong đoàn thể.

Người đã học được “mích tội diệt trách” là người vừa giữ được khẩu nghiệp thanh tịnh, nhưng cũng vừa giữ bí mật mọi việc, khiến cho người khác khó biết.

Người đã học được “mích tội diệt trách” là người có hành động đạo đức kín đáo, thầm lặng, khôn ngoan, không bao giờ bươi móc chuyện lỗi phải của người khác để đem đến sự bất an cho mình.

Người đã học được đạo đức “mích tội diệt trách” là người có một tâm hồn biết việc mình để sửa lỗi mình mà chẳng biết đến việc người, chẳng để ý đến việc người.

Vì biết đến việc người thì chẳng ích lợi gì cho mình mà còn khiến mình mất đạo đức làm người, trở thành người nhiều chuyện. Biết việc mình mà không biết việc người là người thông minh, khôn ngoan; là người có đầy đủ đạo đức làm người. Người biết việc của người khác là người nhiều chuyện, thường hay nói việc của người, là người không biết sống, là người thiếu đạo đức tự làm khổ mình, khổ người, là người ngu si nhất.

Người luôn luôn bươi móc chuyện của người khác là người thiếu giáo dục đạo đức làm người, thiếu học Phật pháp. Phật dạy: Biết việc mình chẳng nên biết việc người, biết việc mình để mình sửa sai những lỗi lầm của mình, còn biết việc của người đó là tâm phóng dật; tâm phóng dật là tâm ác pháp; tâm ác pháp là tâm đau khổ.