Giới thứ bảy mươi ba: KHÔNG NÊN ĐEM Y, GIƯỜNG NẰM CỦA NGƯỜI CHẾT ĐI NGANG QUA GIẢNG ĐƯỜNG, TRỪ KHI ĐÃ GIẶT SẠCH
Giường chõng hoặc y phục của người chết đều là vật bất tịnh, đôi khi người chết bị bịnh truyền nhiễm nên không được mang vật bất tịnh và nguy hiểm đó đến nơi có chư tăng, chư ni và cư sĩ thường tập họp nghe pháp.
Để tránh sự nguy hiểm và giữ vệ sinh môi trường sống chung được trong sạch, bất nhiễm ô, thì chúng ta không nên đem những đồ vật dụng của người chết vào nơi chỗ có đông người. Đó là chúng ta đã biết giữ vệ sinh chung cho mọi người; đó cũng là một hành động sống đúng đời sống đạo đức vệ sinh không làm khổ mình khổ người mà trong kinh sách Phật đã từng chỉ dạy chúng ta rất cặn kẽ.
Xưa Đức Phật chế các giới này để dạy chúng tăng, ni và cư sĩ giữ gìn vệ sinh chung cho môi trường sống của con người được trong sạch, thanh tịnh để giảm thiểu sự bịnh tật và khổ đau, thế mà có mấy ai đã lưu ý đến lời dạy này. Lời dạy rất thực tế và cụ thể đem lại sự giải thoát an lành thật sự cho mọi người. Người ta ai cũng biết Đạo Phật là đạo giải thoát, nhưng hành động sống để giải thoát thì chẳng mấy ai biết. Người ta hiểu Phật giáo giải thoát ở một góc độ khác, một góc độ mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, bằng cách mê tín, dị đoan, luôn luôn lúc nào cũng chuyên cần cúng bái, tụng niệm, cầu an, cầu siêu, ngồi thiền, niệm chú, v.v... hằng ngày đêm để được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ bịnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, thì đó là giải thoát của những người còn lạc hậu, chưa hiểu Phật Giáo.
Có người hỏi Đức Phật: “Tại sao Đức Phật mặc y phấn tảo, tức là thứ vải lượm của tử thi, đó là thứ vải dơ bẩn nhất, mà Đức Phật lại chấp nhận, còn cớ sao lại cấm không cho mang y phục và giường chõng của người chết đi ngang qua giảng đường?
Y phấn tảo có mười món:
1- Y vải trâu nhai.
2- Y vải chuột cắn.
3- Y vải bị cháy nám.
4- Y vải đàn bà có kinh nguyệt.
5- Y vải đàn bà sanh.
6- Y vải trong miếu thần, lâu ngày người ta thay vải mới.
7- Y vải chim tha, gió thổi bay rớt trong đồng mả.
8- Y vải cầu nguyện.
9- Y vải lên ngôi vua (khi nhà vua thọ đăng quang lên ngôi bỏ những vải và y cũ) .
10- Y vải vãng hườn (vải đi đưa tống đám tang đem về).
Vải tử thi là thứ vải vô chủ, được quyền lấy, còn vải trong đền thờ có chủ, khi người ta cho thì mới được lấy, không cho thì không được lấy.
Tất cả những vải này trước khi may thành y đều phải được giặt và khử trùng sạch sẽ.
Cho nên, giới thứ bảy mươi ba dạy: khi giường, chõng, y, áo của người chết đều phải được giặt sạch sẽ thì mang đi chỗ nào Đức Phật cũng không cấm, vì đã làm sạch sẽ, tiệt trùng, không còn truyền nhiễm, bẩn thỉu, hôi thúi, v.v...
Hành động thiếu đạo đức vệ sinh làm ô uế, nhơ bẩn, hôi thúi môi trường sống, khiến cho mọi người khác khó chịu, khổ sở, v.v.. đó là hành động thiếu đạo đức vệ sinh làm người, chúng ta không riêng người học Phật mà tất cả mọi người cần nên tránh.
Con người biết sạch dơ, thơm tho, hôi thúi, lành mạnh, bịnh tật truyền nhiễm, lây lan, đau khổ và an vui, v.v... thì phải biết giữ gìn đạo đức vệ sinh để tránh sự khổ đau, truyền nhiễm, khó chịu cho mình và cho người khác. Người nào thực hiện được như vậy là người có đạo đức nhân quả, biết đem lại sự an vui cho mình cho người; biết đem lại nguồn sống lành mạnh cho nhau; biết đem lại lòng thương yêu chân thật cho mình cho mọi loài, đó là biết xây dựng cõi thế gian thành cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.
Giữ gìn đạo đức vệ sinh chung là một đức hạnh cung kính và tôn trọng mọi người, chứ không phải xá, lạy người là cung kính và tôn trọng. Từ chỗ biết cung kính pháp bảo, chúng ta mới biết cung kính và tôn trọng sự sống của mọi người, mọi loài chúng sanh, nhờ có cung kính và tôn trọng sự sống của tất cả chúng sanh, chúng ta mới không tham lam trộm cắp lấy của không cho của người khác; mới không giết hại người và loài vật; mới không ăn thịt chúng sanh. Nhờ có đạo đức chúng ta mới biết xa lìa lòng ham muốn ích kỷ, nhỏ mọn và các ác pháp; biết lìa xa lòng ham muốn ích kỷ nhỏ mọn và các ác pháp thì chúng ta mới ly dục ly ác pháp, tức là chúng ta đã thể hiện từ đạo đức vệ sinh đến đạo đức tôn trọng và cung kính, gom lại những đức hạnh này, chính là để thực hiện lòng từ, bi, hỷ, xả của mình mà Đức Phật đã dạy trong kinh “Tứ Vô Lượng Tâm”. Nhờ biết cách thức tu tập đạo đức Tứ Vô Lượng Tâm như vậy chúng ta đã nhập Sơ Thiền một cách dễ dàng không mấy khó khăn.
Nhập Sơ Thiền tức là tâm chúng ta không phóng dật; tâm không phóng dật tức là tâm giải thoát; tâm giải thoát tức là tâm đoạn lìa sanh y; tâm đoạn lìa sanh y tức là tâm có minh; tâm có minh thì ưu bi sầu khổ bệnh tật và chết đều chấm dứt. Bây giờ thế giới đau khổ tiêu diệt và thế giới an vui, hạnh phúc hiện tiền với mọi người trên hành tinh này.
Bởi từ giới luật chúng ta đã thông hiểu, nó là một đạo đức giải thoát không làm khổ mình khổ người; nó là pháp môn đầu tiên của Đạo Phật để thực hiện mục đích đạo đức làm người và làm Thánh Nhân; nó là phương tiện để nhắm thẳng vào mục tiêu của Đạo Phật mà chúng ta, những tu sĩ Đạo Phật, phải thành tựu viên mãn Đạo giải thoát; nó chính là phương cách để thực hiện mục đích giải thoát của Đạo Phật là “Bất động tâm định”.