Skip directly to content

Giới thứ chín mươi chín: NGƯỜI CẦM DAO KHÔNG NÊN THUYẾT PHÁP CHO NGHE

Giới này cũng giống như giới trên đã dạy về đức hạnh cung kính và tôn trọng. Đối với những người hung ác chưa buông bỏ gậy, gộc, gươm, dao, giáo, mác, v.v... thì không nên nói pháp cho nghe.

Để kết luận những giới luật dạy những đức hạnh cung kính và tôn trọng của những người đang cầm gậy, gộc, kiếm, gươm, đao, giáo, mác, v.v... Giới luật này không phải cấm quân nhân chiến sĩ cầm gươm, đao, giáo, mác, kiếm, cung, súng, đạn, v.v... để chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương tổ quốc. Giới luật này dạy các ngài phải có lòng cung kính và tôn trọng đạo đức làm người. Trong đạo đức làm người, đức tôn trọng và cung kính mọi người là một đức hạnh cao quý, mà loài cầm thú không thể nào có được, chỉ có loài người nhờ có trí tuệ thông minh hơn mọi loài nên mới học tập trau dồi đức hạnh cung kính và tôn trọng.

Có tôn trọng và cung kính mọi người, mọi loài cầm thú, nhờ đó chính chúng ta mới biết lấy đạo đức đối xử với đạo đức, vì thế cuộc sống của chúng ta mới có thanh thản an lạc và hạnh phúc, xã hội mới có trật tự an ninh, đất nước mới có thanh bình thịnh trị. Còn đối với những kẻ xâm lăng cướp nước người, thì chúng ta vẫn cung kính và tôn trọng chúng, nhưng chúng không biết tôn trọng và cung kính chúng ta thì chúng ta phải lấy gươm, đao, súng, đạn, v.v... đối xử với chúng, chứ không phải cung kính và tôn trọng bằng một hành động hèn nhát, quỳ phục, đầu hàng. Giới luật Phật không có dạy chúng ta hèn hạ như vậy, vì Đạo Phật là đạo tự lực, nên luôn luôn lúc nào cũng tự lực cứu mình, không nhờ ai cả. Sống trong đạo đức không làm khổ mình khổ người, nhưng kẻ nào làm khổ người khác tức là làm ác thì chúng ta phải tự lực vươn lên cứu mình cứu người, tức là cứu nước, không khuất phục trước kẻ xâm lăng hung ác, bằng mọi giá, không phải tiêu cực như kiểu Đại Thừa dạy, ngồi đó gõ mõ tụng kinh cầu chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ cho quốc thái dân an. Đối với giặc ngoại xâm thì việc làm đó là khiếp nhược, hèn hạ và sẽ bị mất nước, làm nô lệ cho giặc. Đối với nền kinh tế mà ngồi đó gõ mõ tụng kinh cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho mưa thuận gió hòa, cho cơm ăn áo mặc đầy đủ và giàu sang như mọi người thì đó là kẻ lười biếng, kẻ ăn bám của xã hội, chờ cho người khác bố thí, thật là hèn hạ chẳng xứng đáng làm người có đạo đức của Đạo Phật.

Đạo đức của Đạo Phật là đạo đức nhân quả tự lực, tức là tự mình cứu mình bằng những hành động “thiện”. Thiện ở đây phải hiểu là “trí tuệ thiện” chứ không phải “ngu si thiện”.

Những kẻ ngoại xâm cướp nước người khác là những kẻ không có đạo đức tôn trọng và cung kính sự sống của loài người, chúng chỉ còn biết lấy gươm, đao, giáo, mác, súng, đạn, v.v... để uy hiếp và bắt buộc kẻ khác làm nô lệ chúng.

Vì thế, đối với những hành động của kẻ hung ác này, chúng ta cũng sẵn sàng lấy gươm, đao giáo, mác, súng, đạn, v.v... đối lại với những kẻ thiếu đức hạnh tôn trọng và cung kính người khác, sẵn sàng cho chúng một bài học đạo đức làm người, phải biết tôn trọng và cung kính mình; phải biết tôn trọng và cung kính người khác. Có tôn trọng, có cung kính mình và người khác thì mới có đạo đức, bằng không có đạo đức chúng chỉ là một loài cầm thú ác độc, chớ không phải là con người. Con người phải có đạo đức, phải biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau. Chỉ có loài cầm thú mới không biết tôn trọng và cung kính lẫn nhau, ỷ mạnh ăn hiếp yếu, thì chúng ta sẵn sàng chiến đấu, nhất định là không đầu hàng kẻ hung ác.

Cho nên, chúng ta cầm gươm, đao, giáo, mác, súng, đạn, v.v... đứng lên diệt kẻ ác, không có tội lỗi gì, vì luật nhân quả dạy chúng ta rất thiện, thiện trong công bằng và công lý, kẻ làm ác không công bằng công lý phải đền tội.

Luật nhân quả không dạy chúng ta đầu hàng trước kẻ ác, mà dạy chúng ta phải chiến đấu tận cùng để nói lên đâu thiện đâu ác, đâu chánh đâu tà, bằng chứng cuộc cách mạng trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam đuổi kẻ ác xâm lăng.

Bởi vậy, đạo đức của Đạo Phật dạy chúng ta làm con người phải cho ra con người, đừng có làm nửa thú nửa người mà tạo cảnh khổ đau cho nhau.

Hiện giờ trên hành tinh này, loài người còn thiếu một đạo đức làm người, nếu đạo đức làm người đã có, thì mọi người phải biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau. Nếu đã có một đạo đức cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì làm sao trên thế giới này còn có chiến tranh? Nếu có đạo đức cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì làm sao còn có xương máu con người chết thành sông thành núi một cách vô lý như thế này?

Chiến tranh thế giới đã chứng minh cho chúng ta thấy con người đang thiếu đạo đức thật sự. Con người đang mang lớp người mà bản chất là của loài cầm thú, cho nên luôn luôn chà đạp lên nhau, giết hại lẫn nhau vì miếng ăn, manh áo, vì kinh tế, vì ý thức hệ và vì tôn giáo, v.v...

Khắp thế giới không nước này chiến tranh thì nước kia, chứng tỏ con người còn mang lớp cầm thú nặng nề, chưa cởi bỏ, lòng hung ác còn đầy dẫy, vì thế luôn tạo ra tội ác tràn ngập đầy trời.

Đạo phật ra đời nhằm triển khai cho loài người một nền đạo đức giải thoát khiến cho con người không còn đau khổ; không còn mạnh hiếp yếu; không còn lớn hiếp nhỏ, để đem lại sự hòa bình cho toàn thể thế giới; để đem lại cho con người một cuộc sống như cõi Thiên Đàng. Thế mà cách đây 2543 năm, nền đạo đức ấy đã bị dìm mất bởi tâm tham vọng của Đại Thừa Giáo, đã khiến cho con người ngày nay càng khổ đau chồng chất lên đau khổ, chỉ vì tâm tham vọng ấy nên đã bỏ mất một đạo đức quý báu tuyệt vời.

Bởi vậy, đức cung kính và tôn trọng rất cần thiết cho con người, nên cần phải tu tập và trau dồi sửa lại những gì còn sai sót, tội lỗi không đúng đạo đức làm người, để con người sống cho ra thật con người và còn vượt thoát khỏi bản năng của loài cầm thú hung ác.

Nếu không có lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo thì làm sao có lòng cung kính và tôn trọng mọi người. Vì thế, người thuyết giảng trước tiên phải biết cung kính pháp bảo để hướng dẫn những người khác biết cung kính và tôn trọng, có cung kính và tôn trọng pháp bảo thì mới có cung kính và tôn trọng mọi người, có cung kính và tôn trọng mọi người, tức là cung kính và tôn trọng mình như trên đã dạy; có cung kính, tôn trọng người và cung kính, tôn trọng mình thì mới không làm khổ mình khổ người.

Đó là giới luật của Phật dạy chúng ta đức hạnh cung kính và tôn trọng để làm người cho xứng là con người; làm con người xứng đáng là con người thì không làm khổ mình khổ người, muốn được vậy chỉ có đức hạnh cung kính và tôn trọng là đức hạnh thứ nhất. Nhưng về mặt tu tập thiền định thì đức hạnh cung kính và tôn trọng giúp cho chúng ta ly dục ly ác pháp một cách dễ dàng. Ly dục ly ác pháp chính là mục đích của giới luật để đạt được thiền định của Đạo Phật, làm chủ sự sống, chết, bịnh tật và luân hồi.

Người có đạo đức nhân quả giải thoát thì mới ly dục ly ác pháp được, nhưng đức hạnh cung kính và tôn trọng là một trong những hành động đạo đức nhân quả, muốn có đạo đức nhân quả thì phải học và tu tập theo đức hạnh trong giới luật của Phật đã dạy. Do đó ta mới thấu rõ là pháp môn giới luật của Phật là pháp môn vô lậu thật sự. Nếu ai không tu giới luật mà bảo rằng vô lậu giải thoát thì không bao giờ có được, đó chỉ là lời lừa đảo tín đồ mà thôi.

Cho nên, giáo lý Đại Thừa phần nhiều dạy người tu sĩ phá và xem thường giới luật. Vì thế tu sĩ (tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni) hiện giờ đều phạm giới và phá giới, sống không đúng giới hạnh, hành không đúng giới đức, nên thời này khó mà tìm một vị tỳ kheo giới luật thanh tịnh.

Kinh sách giới luật thì không thiếu gì, nhưng tu sĩ thì rất xem thường giới luật, tức là xem thường những hành động đạo đức tu hành của chính mình. Vì thế, tìm một vị tu sĩ nghiêm trì giới luật rất khó trong thời đại hiện nay.