Skip directly to content

064-HIỂU ĐÚNG MỚI KHÔNG TU SAI. (Trích Lục Tâm Thư)

VỀ TĨNH GIÁC, CẢNH GIÁC, TỈNH THỨC, TÁNH BIẾT, PHẬT TÁNH?

Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ Tĩnh Giác và Cảnh Giác có điểm giống và khác nhau như thế nào? Hay khác nhau hoàn toàn?

Đáp: Danh từ Tĩnh Giác và Cảnh Giác có nhiều điểm khác nhau như sau:

1- Tĩnh Giác là một pháp môn tu tập của Phật giáo nguyên thủy để giúp con người chủ động thực hiện đức hiếu sinh và các đức hạnh khác, còn Cảnh Giác không phải là một pháp môn tu tập, chỉ là một sự đề phòng.

2- Tĩnh Giác là tâm bình tĩnh trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn sáng suốt quan sát từng các đối tượng (sáu trần) tiếp xúc sáu căn (mắt thấy, tai nghe…) để giúp cho người tu hành không dính mắc, nên nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng một cách dễ dàng để tâm được an lạc, thanh thản và vô sự. Còn Cảnh Giác là nỗi lo lắng, luôn luôn Nghi Ngờ người này người kia.

3- Tĩnh Giác là tâm An vui, còn Cảnh Giác là tâm lo sợ Nghi Ngờ.

4- Tĩnh Giác là tâm sáng suốt chủ động biết rõ từng hành động thân, miệng, ý của mình trước khi làm, nghĩ và nói những cái gì, còn Cảnh Giác chỉ là để phòng những đối tượng hại mình, chứ không lưu ý từng hành động thân, miệng, ý.

5- Tĩnh Giác là thiện pháp không làm khổ mình khổ người, còn Cảnh Giác làm khổ mình nên lúc nào cũng dè dặt lo ngại.

6- Tĩnh Giác là pháp xuất thế gian, còn Cảnh Giác là pháp thế gian.

7- Tĩnh Giác là thiện pháp, mà thiện pháp là chuyển ác pháp nên người tu tập Tĩnh Giác ít xảy ra tai nạn, còn người Cảnh Giác chỉ là một đức Cẩn Thận đề phòng bảo vệ cá nhân mình mà thôi, cho nên cảnh giác chỉ là nghi ngờ dò xét chứ không phải tĩnh giác. Cho nên tĩnh giác và cảnh giác hoàn toàn khác xa.

Hỏi: Bởi vậy Tĩnh Giác khác với Cảnh Giác hoàn toàn?

Đáp: Đúng vậy, Tĩnh Giác khác với Cảnh Giác hoàn toàn!   

Hỏi: Nếu dùng sai từ có tại hại gì không? 

Đáp: Nếu dùng sai từ Tĩnh GiácCảnh Giác thì không có hại gì, nhưng chứng tỏ mình không hiểu đạo đức và cũng không biết phương pháp rèn luyện nhân cách để trở thành người có đạo đức. Nếu dùng Tĩnh Giác cho cuộc sống hằng ngày thì không cần dùng Cảnh Giác, còn dùng Cảnh Giác thì phải dùng thêm Tĩnh Giác mới đem lại sự bình an cho mình thật sự, còn chỉ dùng riêng có Cảnh Giác là đem đến cho mình một sự bất an lo lắng. Ở đây trong bài Thầy dùng Cảnh Giác là chỉ cho thông tin và cũng chỉ cho các con còn thiếu tĩnh giác nên phải còn tu tập nhiều Tĩnh Giác hơn nữa mới dám dùng Tĩnh Giác.

MỞ RỘNG:

1- Chánh Niệm Tĩnh Giác là lối hành văn của người Trung Hoa còn lối hành văn của người Việt Nam thì dùng đảo ngược lại Tĩnh Giác Chánh Niệm.

2- Theo pháp hành văn của người Việt Nam thì Tĩnh Giác trước rồi sau mới Chánh Niệm. Cho nên khi đọc Chánh Niệm Tĩnh Giác là biết người ta dùng theo Hán văn, còn khi đọc Tĩnh Giác Chánh Niệm thì người ta biết dùng theo Việt văn. Cụm từ này chỉ có một nghĩa chứ không có hai nghĩa.

3- Trong Tĩnh Giác đã có nghĩa Cẩn Thận, cho nên dùng Tĩnh Giác thì không dùng Cẩn Thận.

4- Dùng từ Cẩn Thận thì không đi đôi với Chánh Niệm được, vì Cẩn Thận có Tà có Chánh, nếu muốn dùng với từ Chánh Niệm thì phải thêm từ “Trong”. Cẩn Thận Trong Chánh Niệm.

5- Từ Cẩn Thận nó mang theo hai tính chất chánh và tà như trên đã nói: Cẩn Thận Trong Chánh Niệm hoặc Cẩn Thận trong Tà Niệm.  

6- Tĩnh Giác có sự thanh tịnh và bình tĩnh nên thường dùng Tĩnh Giác Chánh Niệm chứ không dùng Tĩnh Giác Tà Niệm.

7- Tĩnh Giác là một giới đức trong pháp môn Quán Vô Lậu của Phật giáo nên nó có phương pháp tu tập, vì thế nó có sức gạn lọc tâm tư thanh tịnh không còn các ác pháp và trong khi tu tập nó còn có một sức bình tĩnh kỳ lạ khi đứng trước các ác pháp nó rất định tĩnh nếu tu tập đúng đặc tướng.

8- Đức Cẩn Thận không có phương pháp tu tập, chỉ hằng ngày tập sống Cẩn Thận mà thành thói quen, nên nó không có phương pháp gạn lọc tâm tư trong sạch toàn thiện. Vì vậy, trong các pháp ác nó vẫn có sự cẩn thận, cẩn thận để tăng trưởng ác pháp. 

9- Tĩnh Giác và Tỉnh Thức khác nghĩa, khác hình dạng chỉ có đồng âm. Chữ Tĩnh Giác (chữ Tĩnh có dấu ngã '~'), chữ Tỉnh Thức (chữ Tỉnh có dấu hỏi '?').

Chữ “Giác” có nghĩa là “Giác Ngộ” mà Giác Ngộ có nghĩa là phân biệt biết rõ các pháp nào ác và các pháp nào thiện. Nên chữ “Giác” có nghĩa là “Quán xét” hay “Suy xét

Chữ “Thức” có nghĩa là “Tỉnh Táo” biết rất rõ nhưng không phân biệt pháp nào thiện hay pháp nào ác. Thiện ác hai pháp như nhau, nên chữ “Thức” có nghĩa là “Tập Trung”.

10- Pháp Tĩnh Giác Chánh Niệm trong kinh Phật dạy dùng sức “Bình Tĩnh” quan sát phân biệt các pháp nào thiện để “Tăng trưởng” và ngăn chặn, diệt trừ các pháp nào ác để “Xả tâm”, đó là để giúp tâm bất động trước các pháp ác; là để giúp tâm thanh thản, an lạc và vô sự; đó là để bảo vệ Chân lý nơi bất sinh bất diệt của loài người.

11- Pháp Tĩnh Thức Chánh Niệm trong kinh Phật dạy dùng sức “Tỉnh Táo” tập trung tâm vào một đối tượng duy nhất để thực hiện “Nhiếp Tâm” và “An Trú Tâm” luyện nội lực “Tứ Thần Túc 

12- Vì thế chúng ta phải hiểu: Tĩnh Giác Chánh Niệm là pháp môn dùng để Xả Tâm. Còn Tỉnh Thức Chánh Niệm dùng để Nhiếp Tâm Luyện Tập Nội Lực.

13- Trong Tĩnh Giác không có Tỉnh Thức, vì có Tỉnh Thức thì Tĩnh Giác mất, cũng như trong Tỉnh Thức không có Tỉnh Giác, vì có Tĩnh Giác thì Tỉnh Thức mất. Cho nên hai pháp này không phải là một pháp mà hai pháp môn. Hai pháp môn này là hai giai đoạn tu tập của Phật giáo “Giới, Định”. Vì thế, các con đừng hiểu lầm lạc. Hiểu lầm lạc là không biết đường tu tập.

14- Các con nên nhớ kỹ: Pháp môn Tĩnh Giác Chánh Niệm dùng để tu tập Tứ Chánh Cần xả tâm phần thô; còn pháp môn Tỉnh Thức Chánh Niệm dùng để tu tập Tứ Niệm Xứ luyện nội lực thiền định để xả tâm phần vi tế.

15- Người tu tập mà hôn trầm, thụy miên còn nhiều, nếu muốn phá hôn trầm thụy miên thì không nên ngồi nhiều mà nên đi kinh hành theo pháp môn Tĩnh Giác Chánh Niệm xả tâm, chứ không được tu tập theo pháp môn Tỉnh Thức Chánh Niệm, vì tu tập Tỉnh Thức Chánh Niệm dễ rơi vào trong trạng thái “Không”, ngoan không.

Hôn trầm, thụy miên và vô ký là một trạng thái mất tĩnh giác, một trạng thái si mê, một trạng thái lười biếng, vì thế phải bằng mọi cách nhiếp phục cho được, hoàn toàn trong giờ tu tập không bao giờ còn có bóng dáng của nó thì mới mong tiến tới tu tập tới các pháp môn khác. Nếu hôn trầm thụy miên tu tập chưa xong thì đừng mong tu tập Tứ Niệm Xứ. Muốn tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ thì tâm phải không còn niệm vọng tưởng và hôn trầm thụy miên nữa.

Hỏi: Đức Phật có dạy: “Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải của ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta.

Vậy cái Thấy ở đây có phải là cái Biết của Tính Thấy hay không?

Cái Nghe ở đây có phải là cái Biết của Tính Nghe hay không?

Cái Biết ở đây có phải là cái Biết của Ý Thức hay không?  

Nếu phải thì có thể gộp chung là cái biết không phải của ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta? Cái biết ở đây là cái biết của 6 thức. Vậy tại sao không thấy đức Phật nói về cái biết của Mùi, Vị và Xúc? Xin Thầy giải thích rõ hơn cho con về điều này.

Đáp: Ở đây các Tổ không nói cái Mùi, cái Vị và cái Xúc, là vì các Tổ sống trong tưởng nên xây dựng cái Thấy, cái Biết và cái Nghe là Phật Tánh. Còn đức Phật nói cái Thấy, cái Nghe, cái Biết, cái Mùi, cái Vị và cái Xúc là trong nhóm sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

1- Trong kinh nguyên thủy đức Phật nói rất đầy đủ và dễ hiểu. Cái thấy ở đây là cái thấy của mắt gọi là cái thấy của nhãn căn, chứ không phải cái biết của tính thấy nào ở đây cả. Cái thấy biết ở đây là cái thấy biết của mắt gọi là nhãn thức.

2- Cái nghe ở đây là cái nghe của tai gọi là cái nghe của nhĩ căn, chứ không phải cái biết của tính nghe nào ở đây cả. Cái nghe biết ở đây là cái nghe biết của tai gọi là nhĩ thức

3- Cái biết ở đây là cái biết của ý thức, chứ không phải cái biết ở đây là cái Biết của Tính Biết nào cả.

Phật thường dạy: Sáu căn, sáu trần và sáu thức, nhưng các con không lưu  ý nên không nhớ.

Sáu căn, sáu thức, sáu trần gồm có:

1- Nhãn căn là con mắt. Nhãn thức là cái biết của con mắt. Nhãn trần là hình sắc của vạn vật bên ngoài

2- Nhĩ căn là lỗ tai. Nhĩ thức là cái biết của lỗ tai. Nhĩ trần là âm thinh của vạn vật. 

3- Tỷ căn là lỗ mũi. Tỳ thức là cái biết của lỗ mũi. Tỷ trần là hương vị của vạn vật.

4- Thiệt căn là lưỡi. Thiệt thức là cái biết của lưỡi. Thiệt trần là mùi vị của vạn vật.

5- Thân căn là cơ thể. Thân thức là cái cảm giác của cơ thể. Thân trần là tính mềm, cứng, nóng, lạnh của vạn vật.

6- Ý căn là bộ óc (ý thức). Ý thức là sự phân biệt của bộ óc. Ý trần là từng tâm niệm quá khứ, vị lai và hiện tại.

Sáu căn, sáu trần, sáu thức mới đầy đủ 18 giới của Phật giáo để tạo thành những nhân duyên Xúc, Hữu, Thủ, Sinh, Ưu bi sầu khổ già chết. Muốn biết rõ các duyên này, nên đọc kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Các Tổ ít nói đến Mùi, Vị và Xúc, thì đó là một sự thiếu sót, chứ trong kinh Phật dạy rất đầy đủ. Nhưng khi chúng ta học thì hay nhắc đến Sắc, Thinh, Hương (mùi) là xong, còn ít ai nói đến Vị (cay, đắng, ngọt, bùi), Xúc (cảm  giác êm, ấm, cứng mềm), Pháp (những niệm trong tâm, vọng niệm).  Nhất là kinh sách Đại Thừa thường nói đến Tánh Biết, Tánh thấy, Tánh Nghe chứ không nói Tánh Mùi, Tánh Vị và Tánh Xúc.

Tóm lại, Tánh Thấy, Tánh Nghe và Tánh Biết trong kinh sách Đại Thừa đều cho đó là Phật Tánh. Những điều hiểu biết này là do các Tổ hiểu biết trong ảo tưởng. Khi đức Phật đã xác định thân tâm này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì Phật tánh không bao giờ có trong thân tâm này. 

                                               Chúc các con tu tập xả tâm rốt ráo để thành công tốt đẹp.

                                                     Thầy của các con: Trưởng lão Thích Thông Lạc

       Nguồn trích lục:  Những Bức Tâm Thư. Tập I - NXB Tôn giáo Hà Nội 2008 - Trang 76-78 và 285-289.