085-TU SĨ PHÁ GIỚI LUẬT, KHÔNG THỂ CHỨNG ĐẠO. GNCN
Kính thưa các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức tăng, ni… bốn phương.
Kính thưa quý phật tử và độc giả.
Có những câu hỏi bao nhiêu lâu suy tư, trăn trở:
- Tại sao từ sau ngày Phật nhập diệt, tu sĩ đạo Phật không có người tu chứng? Câu trả lời khẳng định: Vì tu sĩ thường phạm giới, phá giới luật.
- Tại sao người tu sĩ lại thường phạm giới, phá giới luật? Vì tu sĩ học mà không hiểu giới luật.
- Tu sĩ vẫn tụng giới đều, tại sao nói không hiểu giới? Vì tu sĩ không có duyên gặp và tu hành theo Chánh Phật Pháp, chạy theo tà giáo Phi Phật Pháp là phá giới luật.
- Tại sao tu sĩ không có duyên gặp được Chánh Pháp? Vì tu sĩ không có Lòng Tin Phật.
- Tại sao nói tu sĩ không có Lòng Tin đức Phật? Vì không có Thiện Tri Thức hướng dẫn.
Cho nên, sau mấy ngàn năm, ngày nay pháp Như Lai, như lại mới bắt đầu.
Kính thưa quý vị,
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một vấn đề mà suốt mấy ngàn năm, kể từ ngày đức Phật nhập Niết Bàn, các thế hệ sau, bao lớp người tu nhưng không có được một người chứng đạo. Nếu ngày nay không có đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc – Người đã tu chứng đạt như đức Phật – chỉ dạy thì chuyện này không ai biết đó là đâu.
Đã bao lâu, trong đạo Phật chỉ thấy những vị được tôn xưng: Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, hay Sư Cụ, Sư Ông, Sư Bà, Ni Trưởng hoặc Thiền Sư này nọ… và thêm nữa là các vị Cử nhân, Tiến sĩ, Giảng sư Phật giáo v.v… Than ôi! Những danh từ ngợi ca tán tụng thì cao ngất trời xanh, các vị giảng dạy thuyết pháp thì như mây bay, gió thổi mưa tuôn, nhưng thực sự mục đích cứu cánh của người tu hành thì chỉ là con số zézo. Chưa thấy có vị nào chứng đạt được kết quả gì chân thật cả.
Có thể quý vị không tin và sẽ nêu câu hỏi phản biện: “Căn cứ vào đâu mà dám nói chúng tôi tu hành không kết quả?”
Vâng! Xin thưa quý vị, câu hỏi này đã được đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc trả lời rất rõ ràng từ nhiều năm trước đây trong kinh sách Ngài biên soạn. Nhưng có lẽ vì quá bận rộn với công việc hành Bồ tát đạo để cứu người thoát khổ mà quên mất việc cứu mình, nên quý vị không có thời gian để nhìn nhận.
Nay, chúng tôi có vài ý mọn muốn chia sẻ cùng quý vị. Ước nguyện cho tất cả những người con Phật mau sớm nhận ra đường chánh mà về, để mọi người cùng nhau hợp sức gìn giữ đạo nhà được bền vững trường tồn chính danh theo con đường đức Phật khai sáng thưở ban đầu.
Với câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà dám nói chúng tôi tu hành không kết quả?
Thưa các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa… việc tu hành có kết quả hay không, chính quý vị là những người trong cuộc sẽ tự hiểu mình hơn ai hết. Người tu không kết quả thường hay mượn lại những giáo lý kiến tưởng giải mơ hồ của người khác để lừa đảo tín đồ. Đạo Phật chân thực rõ ràng, dễ nhận, không trườn uốn mê muội như mớ giáo lý hư ảo mà quý vị vẫn rao giảng xưa nay.
Đức Phật dạy cho người tu hành để ai cũng thấy: “Tâm tôi có tham, có sân, có si tôi biết tâm tôi có tham, có sân, có si. Tâm tôi không tham, không sân, không si tôi biết tâm tôi đã hết tham, hết sân, hết si.” Khi xả hết tâm tham, sân, si… thì đó chính là kết quả tu hành của đạo Phật. Chân thực quá, đơn giản quá, mà sao suốt mấy ngàn năm khó tìm được một vị tu tập vẹn tròn!
Quý vị hãy lắng nghe lời tha thiết kêu gọi của bậc hiền nhân:
“Hỡi các vị tà sư! Tại sao các người không nói thật? Để biết bao nhiêu con người phải mất công, mất của và còn tốn biết bao công lao, khổ công tu tập mà chẳng được gì. Từ tôn giáo này đến tôn giáo khác, từ pháp môn này đến pháp môn khác, để nuôi một hy vọng hão huyền giải thoát, Thiên Đuờng, Cực Lạc, Niết Bàn v.v…
Danh lợi ở thế gian có nhiều việc làm nên danh, nên lợi mà rất thiện. Tại sao các người không làm việc kia mà lại làm việc này để lường gạt người khác chi vậy. Biết bao nhiêu thế hệ con người đã qua, họ đã chạy theo tu hành và rèn luyện thân tâm, nhưng họ được những gì ở các chân lý ảo tưởng ấy?
Trong khi đó họ đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công lực, tiền của và công sức. Giải thoát đâu không thấy chỉ thấy khổ và khổ, cho đến lúc chết lại càng khổ hơn, (các Hòa Thượng khi viên tịch quá khổ sở) họ chỉ mua được cái danh và cái lợi giả. Bởi vậy, các thế giới siêu hình, tai ương bệnh tật đều là tưởng, Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đều là tưởng, pháp môn tu hành cũng đều là tưởng, vì thế cái khổ của con người cũng hoàn lại cái khổ.”… (Xin mời quý vị xem bài viết đầy đủ từ link sau: http://giotnangchonnhu.org/index.php?mod=detail&ID_theloai=16&ID_theloaitin=6&ID_tintuc=444)
Quý vị hãy tìm hiểu xem: Vì Sao Quý Vị Tu Không Kết Quả? Nguyên nhân dẫn đến tu tập không kết quả thì rất nhiều, tùy thuộc vào người tu, sự lựa chọn pháp, vị thầy hướng dẫn... Nhưng tựu chung, có thể kết luận rằng vì thiếu lòng tin Phật và coi thường Giới luật nên quý vị đã hoài công vô ích, uổng phí bao nhiêu cuộc đời tu.
Đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, các thầy hãy sống tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa vào một ai khác, lấy chánh pháp làm ngọn đèn, lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào một ai khác”(1).
Hãy lấy giới luật của Ta làm khuôn phép khép mình trong khuôn vàng thước ngọc này.
Hãy lấy giới luật của Ta làm kỷ luật cho chính mình, không hề vi phạm, tái phạm.
“Chánh Pháp và Giới Luật” không phải là khó nhận, nhưng bị lòng dục che mờ nên chính những bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa và các vị Giáo Sư, Tiến Sĩ Phật học cũng không hiểu rõ đâu là Chánh Pháp và tầm quan trọng của Giới Luật trên con đường tu tập Giới – Định – Tuệ. Cho nên quý vị tu hành không kết quả là lẽ đương nhiên không thể gì bao biện.
Đức Phật dạy: “Giới luật còn là đạo Ta còn, Giới luật mất là đạo Ta mất”. Quý vị tu theo Phật bao lâu, hẳn quý vị biết rất rõ ràng đạo Phật ngày nay còn hay mất. Thật đau lòng khi thấy mỗi tháng đôi kỳ các thầy thọ giới lớn thường tụng:
“Giới như biển không bờ, Như báu cầu không chán, Muốn hộ tài sản Thánh, Chúng họp nghe tôi tụng.’
“Muốn trừ bốn tội khí, Và diệt tội tăng tàn, Ngăn ba mươi xả đọa, Chúng họp nghe tôi tụng.”
“Tỳ-Bà-Thi, Thi khí, Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm mâu-ni, Ca-diếp, Thích-ca văn;”…
(Tựa Thuyết giới, Luật Tứ Phần – HT Thích Trí Thủ dịch).
Tụng như thế, hiểu như thế thì lấy đâu ra lòng tin đức Phật? Mà nếu có tin, quý vị tin vào đức Phật nào? Chả thế mà những lời Phật Thích Ca giảng dạy chân thật, rõ ràng nhưng quý vị không tin, quý vị còn mò mẫm đi tìm niềm tin vào các vị Phật ở tận quá khứ xa xôi. Cho nên các vị không bao giờ có được niềm tin chánh pháp. Các vị chưa hiểu rằng “Không Có Phật Quá Khứ” như lời khẳng định dưới đây:
“Trong quá khứ, trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có một vị Phật nào cả, nhưng trong kinh sách dù kinh Nguyên Thủy hay kinh sách Đại Thừa vẫn nói đến bảy vị Phật ở quá khứ. Sự thật này ra sao? Nếu không có lời dạy của đức Phật thì chúng ta không bao giờ dám nói rằng không có bảy đức Phật trong quá khứ:
“Này chư hiền giả, đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đầy đủ 10 hiệu, ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại – (tự giác ngộ để) – có đầy đủ 10 danh hiệu như Phật. Pháp Phật vi diệu, giảng giải rõ ràng, được người trí hành theo. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại có giáo pháp vi diệu như Phật. Phật do pháp ấy tự giác ngộ thông đạt vô ngại để tự vui thú. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai và hiện tại đối với pháp này mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại để tự vui thú như Phật”. (Trường A Hàm tập 1 trang 240)
(Trích Mười Hai Cửa Vào Đạo – TL Thích Thông Lạc).
Kính thưa các bậc tôn túc đáng kính!
Quý vị đã nghe rõ những lời minh xác của bậc chân tu hay chưa? Pháp Chân hay Giả, Chánh hay Tà, chắc phải chờ thời gian để quý vị suy ngẫm và thực hành kiểm chứng? Mấy ngàn năm nay quý vị đua nhau đuổi mồi bắt bóng, cuối cùng không lại hoàn không, nhưng quý vị không nhận ra.
Có một điều chắc chắn, về phạm giới, phá giới luật của các thầy tổ thì không thể nào chối cãi. Có thể vì không hiểu, hay đã hiểu mà cố phạm. Biết bao nhiêu chuyện phá giới rất đau lòng mà các thầy trò cứ thản nhiên, ra sức rao truyền, ca tụng sự phá giới thì cũng lạ.
Đây, những câu chuyện thầy trò dạy nhau phá giới mà tu sĩ bao lâu nay vì vô tình hay cố tình không hiểu, cứ truyền thừa nối nhau bao thế hệ. Chúng tôi xin dẫn mấy câu chuyện các thầy tổ từ xưa đến nay phá giới, người sau không hiểu mới ra công tán tụng. Quý vị cùng đọc và suy ngẫm.
1- Phú Cư Trần Lạc Đạo
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.” (Kệ Kết thúc, Phú “Cư Trần Lạc Đạo” – Trần Nhân Tông)
Dịch:
Ở đời vui đạo sống tùy duyên,
Thấy đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Đối với người tu sĩ, chỉ một câu “Thấy đói thì ăn, mệt ngủ liền” đã phơi bày hai lần vi phạm giới luật nghiêm trọng. Giới thứ 9 luật Sa di: “Phi thời giả, quá nhật ngọ phi Tăng thực chi thời phận dã”. (Phi thời là quá giờ ngọ thì không phải giờ ăn của tăng sĩ).(3) Và giới thứ 37 Ba dật đề (90 giới đọa) đã ghi: “Tỳ-kheo nào ăn phi thời, Ba-dật-đề.”(4). [(3) Sa di luật nghi – HT Thích Trí Quang dịch giải, (4) Luật Tứ Phần, Tỳ-kheo giới bổn – HT Thích Trí Thủ dịch.]
Như vậy, cả Sa di lẫn Tỳ-kheo đều đã tụng đọc và hành giới cấm này, thế mà một vị tổ rất được tôn kính vẫn truyền dạy cho lớp lớp người sau noi theo. Rồi lớp lớp người sau nữa lại đua nhau ca tụng sự phá luật này. Thử hỏi chứng đạo ở đâu? Chứng đạt cái gì khi mà tâm tham ăn, tham ngủ vẫn đầy tràn?
Thấy đói thì đi tìm ăn, thấy mệt thì đi nằm ngủ. Quả thực hết chỗ nói rồi, vậy mà còn nói chảnh: “Đối cảnh vô tâm” thì thực là quá vọng ngôn. Đối cảnh đói thì tu sĩ đi tìm cái gì đó bỏ cho đầy bụng, thế là vô tâm liền. Thảo nào thiền miệng, thiền môi, tung hoành bao nhiêu thế kỷ, đến nay vẫn tiếp tục ngợi ca không dứt. Thật là mỉa mai. Đạo Phật vậy a? Tăng sĩ vậy a? Sao chẳng biết xấu hổ với đạo ngoài?
2- Một Thời Truyền Luật (Trích) – Tác giả Tuệ Sĩ
[Nhưng đối với truyền thống Trung Quốc thì điều đó hơi khó hiểu, và cũng khó thực hành. Hàn Dũ, khi đề nghị dẹp bỏ Phật giáo, trong đó có lý do nói đến cộng đồng tăng lữ, là “bọn không cày mà có cơm ăn; không dệt mà có áo bận”. Cộng đồng ấy chỉ là bọn ăn bám, gây hại cho xã hội. Thành ra, châm ngôn sống thiền của ngài Bách Trượng “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” có một giá trị xã hội rất lớn đối với Phật giáo tại Trung Quốc; nhưng tại các nước nam phương như Thái Lan hay Tích Lan, châm ngôn đó không áp dụng cho tăng lữ được, vì nó trái với tinh thần của Luật Phật chế. Nhưng Trung Quốc lại là một xã hội thượng tôn pháp luật, có xu hương thủ cựu…
Với tinh thần đó, thì những gì được xem là Phật chế, được truyền từ Ấn độ sang, không ai được phép sửa đổi. Người ta thấy Tổ Bách Trượng chỉ dám viết Bách trượng thanh quy, đề nghị những quy tắc sinh hoạt cho thiền môn thích hợp với xã hội Trung Quốc, chứ ngài không hề dám sửa một điều gì trong Luật được truyền là do Phật chế, truyền từ Ấn độ sang. Những gì không thực hành được, các ngài tự cho là vì “khứ Thánh thời diêu, Phật pháp sinh sơ, nhân đa giải đãi…” Vì thế không hành nổi. Nhưng vì phương tiện độ sinh, có thể hạ thấp xuống cho hợp căn cơ thời đại. Như vậy có nghĩa là hành trì từ thấp lên cao, chứ không phái kéo giới luật Phật chế xuống ngang tầm thời đại, cho hợp khẩu vị thời đại.
Thuở trước, có một vị Thiền sư nhận thấy những điều trong giới bổn tỳ kheo không còn thích hợp bèn sửa đổi. Thiền sư hỏi ý kiến học trò của mình, như để thăm dò căn cơ thời đại cho thích hợp. Nhưng gặp phải người học trò thủ cựu, hỏi lại Thầy: “Giới luật Phật chế, sao Thầy dám tự tiện sửa?” Thầy đáp: “Không giữ được, thì nên sửa. Chứ để như vậy mà làm gì?” Người học trò tỏ thái độ: “Thầy giữ không được thì mặc kệ Thầy. Ai giữ được, để người ta giữ. Sao Thầy lại tự tiện sửa?”
Cả hai tinh thần, vừa thượng tôn pháp luật, vừa thủ cựu tuân theo cựu chế của tiền nhân, cả hai khiến cho vấn đề nghiên cứu luật tại Trung Quốc rất phức tạp.
Ngày nay, sự hành trì luật của nước ta cũng chỉ phỏng theo các tông truyền luật của Trung Quốc, nên khó khăn lại càng gấp bội.
… (Đoạn viết tán tụng về HT Thích Trí Thủ)
Người chưa giải thoát, còn đầy dẫy tham sân, may mà không gặp cơ hội để phát tác, tự bản thân đã chưa thể giải thoát, làm sao có thể đặt luật cho người khác hành trì! Hòa thượng thường hay nhắc nhở: ở đời đi dạy học, nếu dạy sai một vài bài toán, thì khổ lắm cũng chỉ trong một đời người thôi. Nhưng hướng dẫn người sai lạc, khiến người ta muôn kiếp đọa lạc, thì tội của mình không phải là nhỏ. Làm thầy độ người, phải cẩn thận. Trong suốt đời chuyên trách giáo dục đào tạo tăng tài, Hòa thượng cũng đã bao che cho nhiều học tăng phạm kỷ luật, theo lẽ phải bị trục xuất. Những vị ấy về sau lại trở nên tinh tấn, giới hạnh thanh khiết. Hòa thượng nói, giới luật để uốn nắn người xấu thành người tốt, chứ không phải chỉ để trừng trị.
Tuổi trẻ tất có những ngông cuồng, nhiều khi vượt quá quy luật. Nhân một hôm không có giờ dạy, tôi về chùa hầu Hòa thượng. Tối hôm đó, lúc tôi đang ngồi hầu chuyện Hòa thượng thì hai ông bà Ngô Trọng Anh cũng đến thăm. Sau một hồi chuyện trò, Bà Ngô bạch:
“Bạch Hòa thượng, con biết có mấy chú trong chùa trốn đi vô quán. Buổi đó trời mưa, con nhìn xuống thấy hai ống quần, biết mấy chú này trùm áo mưa đi quán.”
Hòa thượng không nói gì. Ông Anh lên tiếng:
“Bà này thật nhiều chuyện. Người ta đã sợ, nên phải lén che rồi, mà bà còn mách.”
Hòa thượng cũng không nói gì. Nhưng kể nhiều chuyện vui khác. Một lúc sau, lại kể chuyện xưa, thời Hòa thượng còn niên thiếu. Nói là niên thiếu, lúc bấy giờ cũng khoảng 40, hay nhiều hơn, lại thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo Trung phần. Nhân một buổi được Hội Phật giáo phân công tác vào Bình Định giải quyết một số vấn đề Phật sự. Cùng đi là ngài Mật Nguyện. Hai vị đến Qui Nhơn, giải quyết xong Phật sự, bèn bàn riêng. Bình Định nổi tiếng là quê hương của hát bội. Các ngài tán thưởng hát bội vì điệu bộ nghệ thuật, lại thêm văn chương thâm thúy. Nhân dịp này, nếu bỏ qua không thưởng thức thì cũng uổng. Nhưng trong cương vị lãnh đạo tinh thần đối với tăng ni và Phật tử ở đây, làm sao có thể đường đột mà đi. Hai vị bèn quấn khăn lên đầu, chỉ cốt không ra vẻ trang trọng để người đời không lưu ý thôi, chứ vẫn khoác y phục nhà chùa thì đi đâu cũng được nhận ra là ông thầy. Nhưng hai vị tin rằng ở Bình Định không mấy ai biết mặt mình.
Khi vào rạp, đang tìm chỗ ngồi, chẳng may gặp phải quan Tuần phủ cũng vừa đi đến. Ông quan này trước ở Kinh thành, lại là hàng văn nho tao nhã, nên cũng rất thân với Hòa thượng Trí Thủ. Bất chợt như người “đào trái tha hương ngộ tri cố”, kẻ trốn nợ đi tha phương mà ở đó lại còn gặp cố tri nhìn ra mặt, thật là không may. Trong khi chưa biết tránh đi đâu, thì ông quan vồn vã bước đến chào hỏi:
“Ủa, chớ hai thầy, vô khi mô? Đi mần chi trong ni? Nhân tiện, mời hai thầy lên ngồi với tui.”
Hóa ra, là khách quý bất đắc dĩ, hai vị theo ông quan Tuần phủ lên ngồi hàng ghế danh dự trong rạp hát. Nghe xong câu chuyên, ông Ngô Trọng Anh phát cười, rất tâm đắc. Ông hiểu ý Hòa thượng muốn nói gì.
Những chuyện tương tự như vậy lớn có, nhỏ có, chuyện tầm thường có, mà chuyện tày trời cũng có, đã xảy ra suốt cuộc đời của trì luật và truyền luật của Hòa thượng, cần phải có những phán đoán và quyết định, để giúp những người lỡ sa ngã còn có thể đứng dậy để tiếp tục cho đến cuối con đường Đạo của mình. Ở đây tôi chỉ có thể kể vài câu chuyện mà tự thân may mắn được nghe, được biết, để tưởng nhớ công hạnh một đời truyền luật. Không truyền luật như vị giáo thọ ngồi trên bục giảng, mà truyền dạy ngay trong thực tế sinh hoạt hằng ngày.”]
(Trích “Một thời Truyền Luật”. Tác giả Tuệ Sĩ). Nguồn: http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-60_4-18830_5-50_6-2_17-113_14-1_15-1/mot-thoi-truyen-luat.html.
Ở bài trích dẫn thứ 2 này, chúng tôi không ý kiến nhiều, vì nó đã quá rõ ràng. Chỉ xin lưu ý quý vị về hai vị thầy tổ có danh trong làng Phật giáo phát triển mà vẫn không hiểu gì về giới luật.
Tổ Bá Trượng dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Đây là một câu châm ngôn phá bỏ Chánh Mạng trong Bát Chánh Đạo, nền tảng của Con Đường Giải Thoát. Tổ không hiểu rằng Phật đã dạy: “Người tu sĩ còn nuôi dưỡng bằng những tà mạng, các loại nghề nghiệp thì không thành Giới Cụ Túc, còn ngược lại chỉ đi xin ăn ngày một bữa thì mới thành Cụ Túc giới”.
HT Thích Trí Thủ tự thuật: … “Nhân một buổi được Hội Phật giáo phân công tác vào Bình Định giải quyết một số vấn đề Phật sự. Cùng đi là ngài Mật Nguyện. Hai vị đến Qui Nhơn, giải quyết xong Phật sự, bèn bàn riêng. Bình Định nổi tiếng là quê hương của hát bội. Các ngài tán thưởng hát bội vì điệu bộ nghệ thuật, lại thêm văn chương thâm thúy. Nhân dịp này, nếu bỏ qua không thưởng thức thì cũng uổng”…
Trời cao ơi! Một chú Sa di còn biết: “Thất viết bất ca vũ xướng kỹ bất vãng quan thính. Giải viết: Ca giả khẩu xuất ca khúc; vũ giả thân vi hý vũ; xướng kỹ giả vị cầm sắt tiêu quản chi loại thị dã; bất đắc tự tác, diệc bất đắc tha nhân tác thời cố vãng quan thính…”. Dịch nghĩa là: “Bảy là không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe. Giải: Ca là miệng hát các khúc ca, vũ là thân múa các điệu vũ, hòa tấu biểu diễn là cái loại đàn cầm đàn sắt ống tiêu ống quản. Không được chính mình tự làm những việc này, mà khi người khác làm, mình cũng không được cố đi xem và nghe…”
Ấy vậy mà một vị HT có chức vị thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo Trung phần, khi thuận dịp vẫn lén lút lẻn đi xem coi ca hát. Như vậy chúng ta nghĩ rằng, ngài “không hiểu giới luật” hay “biết mà cố phạm”? Dù là kiểu gì chăng nữa cũng là vi phạm giới, phá giới Phật không còn lời bao biện.
Và rồi người sau – thầy Tuệ Sĩ – cũng chẳng hiểu vị tiền nhân mình hành giới luật như thế là chánh hay tà, lại một lòng hết lời ca tụng: “thật đáng nhớ công hạnh một đời truyền luật”?!!! Thành ra đạo Phật cứ suy vi mãi không có người chứng đạt, chỉ vì người tu sĩ phá giới mà không biết là mình phá giới.
3- Từ Nụ Đến Hoa – (Tác giả: Thiền sư Soko Morinaga. Biên dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo)
Trước tiên quý vị cùng tìm hiểu mối quan hệ của tác giả với các thầy tổ của ông để hiểu sự phá giới luật của thầy tổ, rồi sau trò lại khéo bao biện và hết lời ngợi ca hệ phái Thiền tông Lâm Tế bên Nhật Bản
…[“Có lẽ tôi cần phải giới thiệu một chút về tông phái của tôi qua đồ biểu dưới đây để trình bầy được rõ ràng hơn:
Hakuin (Bạch Ẩn Huệ Hạc, 1685-1768)
|
Kosen (Hồng Xuyên Tông Ôn, 1816-1892)
|
Soen (Hồng Nhạc Tòng Diễn, 1859-1919)
____ | ____ ____ ____
| |
Sokatsu Josho Ota
(Chuyết Ông Tông Hoạt, 1870-1954)
|
Zuigan
(Thuỵ Nham Tông Hoạt, 1879-1965)
|
Sesso
|
Soko
Tôi là “Soko” ở dưới cùng của bảng này, và Sesso là sư huynh của tôi trong hệ phái. Cả hai chúng tôi cùng là đệ tử của đại sư Zuigan, và sư phụ của thầy chúng tôi là đại sư Sokatsu.
Chuyện của nó và tôi
Có một câu chuyện nữa cũng miêu tả được tương quan tin cậy mật thiết giữa thầy và trò. Ðại sư Soen có một người đệ tử tên là Josho Ota. Người đệ tử này sau đó đã trở thành viện trưởng thiền viện Viên Giác và rồi viện trưởng thiền viện Ðại Ðức, nhưng câu chuyện tôi kể ra sau đây xẩy ra khi ông vẫn còn tu tập dưới trướng của lão sư Soen.
Một ngày mùa hè, có một đạo hữu đến chùa Viên Giác ngỏ lời mời đại sư Soen rằng, “Ðại sư, thường ngày ngài vẫn dùng những thức ăn do các vị sư ở đây nấu, nhưng hôm nay nóng nực như thế này, con muốn mời ngài đi ăn tối, một cúng dường nho nhỏ để giúp ngài quên cái nóng đi phần nào.”
Vốn là người rất phóng khoáng, Ðại sư Soen trả lời, “Thế à, ngươi sắp cho ta ăn tiệc hả?” Ngài bèn gọi đệ tử Josho theo hầu cận, và rồi đi đến tiệm ăn.
Vì lúc đó là mùa hè, nên những liếp cửa bằng tre chắn ngang những phòng riêng lót chiếu tatami được kéo qua một bên, khiến các thực khách từ phòng này có thể nhìn qua các phòng khác được. Lão sư Soen ăn uống rất tận tình và trở nên hoàn toàn cao hứng. Ông gắp mấy miếng cá sống lên nói: “A, mấy cái rau này quý hiếm quá! Sao mấy ông sư không trồng rau này trong vườn của chùa nhỉ?” Và rồi cứ tiếp tục đùa dỡn như vậy cho đến khi y phục trên người bung ra gần hết, gần như trần truồng, ông nhẩy múa um sùm.
Vị lão sư là người rất nổi tiếng, tên ngài được biết đến kể cả ở nước ngoài nữa. Chẳng mấy chốc các thực khách ở những phòng kế bên bắt đầu xôn xao, “Có phải thầy viện trưởng chùa Viên Giác đang nhẩy múa trần truồng ở đó không nhỉ?” Josho liền đi ra kéo cánh cửa tre ngăn lại.
Bất ngờ, đại sư nắm lấy cổ áo Josho, mắng ngay: “Ê! Bộ mi chê bai hành vi của ta hả? Mi đóng cánh cửa đó có phải vì mi nghĩ là ta đã làm sai không hả?” Josho, trong một lúc lung lay niềm tin nơi thầy, tự nhiên đã thấy mình bị đấm đá tơi bời.
Các vị thiền tăng thường qua một quá trình tu tập dựa trên cơ sở hành động nhiều hơn lời nói. Nhưng mặc dù vậy, trong tình trạng ma men như thế này, và không thấy có cơ gì chấm dứt sau năm sáu cú đấm đá, Josho, từ đó tới giờ vẫn im lặng và ngoan ngoãn chịu đòn, bây giờ không muốn chịu đựng thêm nữa. Nắm chặt lấy tay thầy, ông nói: “Dù có là đại sư hay không đại sư, thầy cũng không được tiếp tục như thế này.”
Soen đại sư dằng tay ra và trở về chỗ ngồi. Làm như không có gì đã xẩy ra, ông tiếp tục uống rượu cho đến khi trở về chùa Viên Giác, vẫn trong tình trạng cao hứng tột độ.
Mặc dù câu chuyện đã chấm dứt ở đó, người đạo hữu đã mời họ đi ăn tối đó cảm thấy rất ái ngại. Biết rằng quan hệ giữa thầy trò nơi thiền viện rất là nghiêm khắc, ông lo lắng không biết lão sư có đuổi Josho đi sau khi họ trở về chùa không. Cảm thấy không thể nào yên tâm được với tình trạng này, ông vội vàng đi đến chùa Enkakuji để làm người trung gian hòa giải.
“Xin cám ơn thầy đã hoan hỉ nhận bữa cơm cúng dường nhỏ nhoi của con và đã cho con được hân hạnh dùng bữa với thầy,” ông nói với lão sư: “Nhưng con cũng muốn nói thêm rằng, mặc dù Josho đã không được lễ độ với thầy trong bữa ăn, nhưng con tin chắc rằng thầy ấy không có ý xấu gì đâu. Cúi xin thầy, vì nể tình con, mà bỏ qua mọi sự và tha thứ cho thầy ấy.”
“Cái đó là việc của tôi với nó,” lão sư trả lời cộc lốc.
(Trích từ: FROM NOVICE TO MASTER)
Ở dẫn chứng thứ ba này, sự phá giới luật của các thầy tổ quá mức thô thiển và trơ trẽn. Thế mà người học trò của họ cũng chẳng biết “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, lại còn ngờ nghệch tự hào đem cái xấu xa phạm luật của thầy mình phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ. Thật là tủi hổ cho Đạo biết bao, lẽ ra không nên có cái tác phẩm “From Novice To Master” này thì hơn.
Lời kết:
Giới luật là chuẩn mực để nhận biết đạo đức của con người. Giới luật là yếu tố vô cùng quan trọng để quyết định kết quả tu tập của người tu sĩ đạo Phật. Thế nhưng suốt mấy ngàn năm nay, giới luật đã bị các thầy tổ thay nhau bẻ vụn, phá nát. Phần vì thiếu hiểu biết, phần thì do dục tham và tâm lười biếng của các thầy chỉ muốn ăn ngon mặc đẹp, đời sống tiện nghi phủ phê sung sướng hơn đời nên tìm mọi cách bẻ cong giới luật nhằm dán kín miệng người không ai ý kiến được.
Quý vị tôn túc không hiểu rằng, chỉ cần vi phạm những lỗi nhỏ nhặt vi tế nhất thì cuộc đời tu hành cũng trở nên vô ích. Nói gì khi các vị thi nhau phạm giới, việc quý vị làm (như đại sư Soen) thì người thế gian cũng không ai dám làm như vậy (ngoại trừ người điên). Thật đau lòng.
Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng (chuyện xưa) của các thầy do không hiểu biết nên tự giới thiệu những lỗi phạm của mình và của thầy tổ mình. Tưởng hay, ai ngờ chỉ là trò để người trí cười chê. Nhìn nhận kỹ giới tu sĩ ngày nay (hiện tại) thì sự vi phạm giới luật cũng vô cùng đa dạng, phong phú hơn, mà trên các phương tiện truyền thông giới thiệu. Nếu ghi chép hết, giấy mực đâu cho đủ!
Hỡi các bậc tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa…, các vị hãy mau sớm nhìn nhận lại để chấn chỉnh con đường thánh thiện của đức Phật khai sáng. Đó là con đường thực sự mang lại hạnh phúc bình yên cho con người và muôn loài trên hành tinh này. Sao các vị nỡ tâm ngảnh mặt làm ngơ?
Hãy bắt đầu lại ngay, kẻo muộn mình và còn tai họa cho nhiều thế hệ tương lai.
Quý vị tuy tôn túc nhưng vẫn không biết hành giới luật khởi đầu từ đâu. Vậy mà quý vị cứ rao giảng bừa bãi, dẫn bao lớp người tu tin vào một niềm tin mù quáng. Quý vị đã gieo tội nhiều hơn là tạo phước. (Để hiểu, quý vị hãy nghe 61 băng giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc sẽ rõ).
Người đến với đạo Phật phải bắt đầu bằng Thọ Giới Tam Quy Y quý vị ạ, rồi sau mới đến các giới khác. Khi hiểu và thọ đúng Giới Tam Quy Y thì mới có niềm tin Phật chân chánh, và từ đó mới có Chánh Pháp. Một khi chưa đúng pháp thì tu sĩ sẽ phá giới luật. Tu sĩ phá giới luật thì ngàn năm không thể chứng đạo. Đó là một thực tiễn đã chứng minh qua suốt thời gian dài của đạo Phật.