Skip directly to content

119-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (10). TL Thích Thông Lạc

38- Trí tuệ

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi tu Định Vô Lậu, tri kiến giải thoát hiện ra đó có phải là trí tuệ không?

Đáp: Tu tập Định Vô Lậu giúp cho sự hiểu biết thông suốt bản chất thực của các pháp thế gian và xuất thế gian để không hiểu sai lệch không đúng lý, không bị lầm chấp. Do sự hiểu biết các pháp không lệch lạc, thấy đúng, biết đúng như thật để tâm không bị lầm chấp dính mắc nên gọi là trí tuệ tri kiến giải thoát.

Hiểu biết đúng các pháp như thật, tâm không dính mắc, lầm chấp nên không còn phiền não đau khổ, giận hờn, bất toại nguyện gọi là giải thoát. Người chưa tu Định Vô Lậu là chưa có trí tuệ giải thoát, trí tuệ giải thoát gọi đúng nghĩa của nó là tri kiến giải thoát.

Vô lậu là không còn đau khổ, trí tuệ hiểu biết không còn đau khổ là trí tuệ vô lậu, trí tuệ vô lậu mới bắt đầu tu tập là tri kiến giải thoát, gọi trí tuệ ở đây không đúng nghĩa lắm. Vì theo đạo Phật xác định Giới sanh Định; Định sanh Tuệ nhưng chúng ta mới tu tập, giới chưa thanh tịnh thì làm sao có định mà định chưa có thì làm sao có tuệ mà gọi là tuệ được. Phải không con?

Người tu hành muốn có được tri kiến giải thoát này, thì không phải tự trên trời rơi xuống mà chính mình phải biết ngăn ác diệt ác pháp, phải biết lìa lòng ham muốn. Biết ngăn ác diệt ác pháp chia ra làm tám phần:

1- Phòng ngừa các ác pháp bên ngoài tức là tránh duyên cảnh bên ngoài (độc cư).

2- Phòng hộ sáu căn tức là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (độc cư).

3- Ngăn ngừa không cho việc ác sanh khởi trong tâm như thường tu các định thực hiện về thân hành niệm.

4- Dùng pháp Hướng Tâm Như Lý Tác Ý để tạo thành nội lực tỉnh thức, buông xả.

5- Diệt các pháp ác đã sanh bằng Định Vô Lậu.

6- Diệt các pháp ác bằng quán xét nhân quả.

7- Diệt các ác pháp bằng tâm từ, bi, hỷ, xả.

8- Diệt các ác pháp bằng nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng hoặc trầm lặng, từ khước.

Trong tám pháp tu tập này thì bốn pháp ngăn ngừa là trên hết. Người ta bảo: “Ngừa bịnh hơn trị bịnh.” Cho nên tri kiến giải thoát là tri kiến phòng hộ, tri kiến phòng hộ là đệ nhất, tri kiến phòng hộ tức là giới luật.

Phật dạy:

Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó. Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.” Đoạn kinh này, tức là đức Phật nói pháp ngăn ác, nói pháp ngăn ác tức là nói pháp độc cư, pháp độc cư là bí quyết thành công thiền định của đạo Phật, vì nó là pháp ngăn ác tuyệt vời.

Tóm lại, muốn có tri kiến giải thoát thì phải tu tập “Bát Chánh Đạo”: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Đó là con đường dẫn đến tri kiến và trí tuệ giải thoát.

39- Mục đích Chánh Niệm Tỉnh Giác là gì?

Hỏi: Kính bạch Thầy, tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác theo hành động làm việc liên tục từ sáng đến chiều chỉ biết hành động “làm việc tôi biết tôi đang làm việc” không có nghĩ ngợi gì khác hơn, tức không có tạp niệm xen vào, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như vậy là một sức tỉnh thức kinh hồn, đủ để xả tâm và nhập các định khác một cách dễ dàng.

Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập trong Thân Hành Niệm. Nhờ có tu tập Thân Hành Niệm ta mới có tỉnh giác chánh niệm. Có tỉnh giác mới ở trong chánh niệm, có chánh niệm thì tâm mới không làm khổ mình khổ người, mới có lợi lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả Minh và Giải Thoát.

Mục đích chánh niệm tỉnh giác là gồm tất cả các thiện pháp và trí tuệ Tam Minh. Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, ai tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp gồm những pháp thuộc về Minh phần.” (Tăng Chi Bộ Kinh  Tập 1, trang 88).

Chúng tôi xin xác định cho quý vị được rõ, vì ở trên chỉ nói lướt qua “Chánh niệm Tỉnh Giác và Thân Hành Niệm”, còn ở đây là hai danh từ để chỉ cho một hành động tu tập Thân Hành Niệm.

Tu tập Thân Hành Niệm là chỉ cho sự tỉnh giác trong hành động của thân phải biết hành động đó rõ ràng cụ thể, không được bỏ sót một hành động nào của thân. Còn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì cũng nghĩa như vậy nhưng nó có từ Chánh Niệm để chỉ rõ hơn.

Chúng ta thử đặt lại vấn đề: tỉnh giác để làm gì? Để Chánh Niệm, còn Thân Hành Niệm tức là tỉnh giác, vậy tỉnh giác để làm gì? Tỉnh giác để xả tâm tức là khắc phục tham ưu như trong Tứ Niệm Xứ đức Phật đã dạy: “Trên thân quán thân tu về hành tướng nội ngoại để khắc phục tham ưu.” Hành tướng nội ngoại của thân không phải là Thân Hành Niệm sao? Còn khắc phục tham ưu không phải là Chánh Niệm sao? Cho nên Thân Hành Niệm tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Ở đây đức Phật đã xác định Chánh Niệm Tỉnh Giác có nhiều kết quả rất lớn cho sự tu tập để đi đến giải thoát: “Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 89).

Như trong đoạn kinh này, mục đích chánh Niệm Tỉnh Giác giúp chúng ta tịnh chỉ tầm tứ, tức là nhập Nhị Thiền. Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A-la-hán:

Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh  Tập1, trang 90).

Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đạt đến những trí tuệ vô hạn và siêu việt:

Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỷ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh  Tập1, trang 91).

Khi con tu tập tỉnh giác trong hành động suốt ngày đêm như vậy là con sẽ chứng quả A-la-hán, tức là làm chủ sanh, già, bịnh, chết hoàn toàn. Vì sức tỉnh thức khiến tâm con thanh tịnh không còn một pháp nào làm động tâm con được. Và nội lực thanh tịnh của tâm con tức là lực ly dục ly ác pháp sẽ giúp con thành tựu Thiền định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn.

Lúc bấy giờ, con chỉ cần hướng tâm là có hiệu quả ngay, con muốn gì được nấy vì tâm con hiện giờ thuần thục, nhu nhuyến dễ sử dụng.

Sức tỉnh giác như con đã nói ở trên là mục đích của đạo Phật. Con đã hoàn tất được mục đích đó khi sức tỉnh thức của con được như vậy.

Trên đây con đã hỏi về pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và con được giảng dạy như vậy con có hiểu chưa? Con có biết những câu hỏi mà con hỏi có một giá trị vô giá không? Vô giá là ở chỗ học được pháp vô giá của đạo Phật, thế mà mọi người đọc tới đây có người vẫn xem thường pháp vô giá. Ôi, thật đáng thương! Nếu từ ngày Thầy giảng trạch pháp này mà mọi người biết nó là vô giá thì bây giờ biết bao nhiêu người đã chứng quả vô lậu A-la-hán.

Con có nhớ không, bài giảng này khởi sự giảng dạy các con vào năm 1979 đến nay là năm 2004 tức là 25 năm. Phải không con? Bây giờ, nhuận lại đoạn kinh này, nhìn lại sự tu hành của các con thì Thầy rất đau lòng. Vì pháp bảo cứu người thoát biển khổ mà mọi người không đủ phước để thọ hưởng, vì thế pháp bảo 25 năm nay trở thành một vật vô dụng.

            Ôi, thật là phí uổng! Vật vô giá mà trao cho người không có mắt thì cũng như trao đất cát, đồ vô dụng cho họ.

40- Phá hôn trầm, thùy miên

Hỏi: Kính thưa Thầy, làm thế nào để phá hôn trầm thùy miên sạch?

Đáp: Muốn quét sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký thì trước tiên con phải tập đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác cho nhuần nhuyễn, kế đó phải tu tập pháp Thân Hành Niệm, nếu hai pháp này không thắng nổi hôn trầm, thùy miên thì con nên quan sát lại xem về giới luật.

Chỉ có một pháp duy nhất phá được hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không tuyệt gốc. Đó là “Giới Luật.” Theo sự nhận xét của Thầy thì người tu hành thời nay bị hôn trầm, thùy miên nặng vì giới luật sống không nghiêm chỉnh, thường vi phạm vào những lỗi nhỏ nhặt.

Những giới trọng thì bẻ vụn nát tan để vi phạm không ai biết, sống như đời thường thế tục, nhất là ăn ngủ phi thời, phạm vào giới ăn uống phi thời. Thường thuyết giảng kinh sách mà mình chưa tu chứng, đó là phạm vào giới vọng ngữ. Tứ thời tụng niệm, thường tụng kinh ê a giọng cao giọng thấp theo tiếng chuông tiếng mõ như ca hát, đó là phạm vào giới ca hát.

Hiện giờ các thầy đều còn cất giữ tiền bạc, đó là phạm giới cất tiền. Y áo của quý thầy thường mặc toàn những thứ vải đắt tiền chứ không mặc y phấn tảo như đức Phật ngày xưa, vì thế các thầy phạm vào giới không trang sức. Thường thấy người khác phái còn sinh tâm sắc dục, đó là phạm vào giới dâm. Còn thấy ưa thích những vật dụng thế gian, vật này tốt vật kia xấu, đó là phạm vào giới tham. Thấy muỗi kiến cắn còn nỡ tâm giết hại chúng, chưa có lòng từ bi, thì đó là phạm vào giới sát sanh.

Những sự sống phạm giới, phá giới như vậy là những tu sĩ hiện giờ chịu ảnh hưởng của giáo pháp Đại Thừa, cho rằng giới luật Phật thời nay không phù hợp, lỗi thời. Đại Thừa không ngờ giới luật là một pháp phá hôn trầm thùy miên vô ký tuyệt vời.

Chỉ có giới luật mới phá nổi tâm si của con người mà thôi. Tâm si tức là hôn trầm thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không. Nếu không sống đúng giới luật thì không bao giờ phá nổi tâm si (hôn trầm thùy miên, vô ký). Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy:

Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-kheo, đưa đến hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thùy miên đã sanh được đọan tận, này các tỳ-kheo, như tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần, tinh tấn, dõng mãnh, này các tỳ-kheo, hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hôn trầm thùy miên đã sanh được đọan tận.” (Kinh Tăng Chi T1 tr.13 bài 8 TK Việt Nam).

Đọc qua đoạn kinh này nhất là câu: “Ta không thấy một pháp nào khác.” Chỉ có Giới luật là pháp duy nhất mới quét sạnh hôn trầm, thùy miên, vô ký. Đây là lời xác quyết của đức Phật. Vậy khi bị hôn trầm thùy miên nặng thì nên trở về giới luật, sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đúng như lời Phật dạy, hôn trầm thùy miên sẽ được quét sạch.

Thưa các bạn! Lời dạy trên đây các bạn có tin không? Chứ riêng bản thân chúng tôi đã có kinh nghiệm trên sự tu tập này. Do chúng tôi sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào nên chúng tôi không bị hôn trầm thùy miên đến thăm như các bạn.

Hôn trầm thùy miên là một loại bệnh lười biếng rất khó trị và dai dẳng, nếu không giới luật thì không có pháp nào trị dứt được. Cho nên chấp nhận cuộc sống tu hành theo Phật giáo thì giới luật là pháp môn ly dục ly ác pháp đệ nhất.