146-TU TẬP NĂM UẨN, NHƯ LÝ TÁC Ý. TL Thích Thông Lạc
BẬC A LA HÁN Lời Phật dạy: “Này Ràdha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Ràdha! Khi nào tỳ-kheo sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị tỳ-kheo là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí”. (Tương Ưng Kinh tập 3 trang 337). Chú giải: Đọc qua đoạn kinh này chúng ta thấy chứng quả A-la-hán không phải khó khăn, chỉ có thật quán thân ngũ uẩn như thật để thấu suốt năm uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nó vô thường, khổ, vô ngã, nó là người xa lạ, nó là nguy hại, là ổ bệnh tật khổ đau, v.v... Chỉ cần chính quán như lý tác ý năm thủ uẩn này như vậy, thì chứng quả A-la-hán không có khó khăn, không có mệt nhọc. Đọc hai bài kinh trong Tập III, Những Lời Phật Dạy này thì quý vị thấy Phật giáo không phải là pháp môn tu tập không được. Nhưng chúng ta phải thấy rằng: Người tu theo Phật giáo phải có nghị lực, phải gan dạ và bền chí thì mới thực sự thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, là của ta. Còn nếu không có nghị lực, không gan dạ và bền chí thì xin các bạn đừng tu theo Phật giáo. Dù bạn có tu cũng chẳng có lợi ích gì cho bạn. Đoạn kinh trên đã xác định rõ ràng đường lối và cách thức tu tập của đạo Phật như thật quán thân ngũ uẩn thì sẽ chứng quả A-la-hán rõ ràng và cụ thể. LY DỤC THAM Lời Phật dạy: “Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy từ bỏ chúng. Như vậy sắc sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy”. Chú giải: Đọc đoạn kinh này chúng ta mới nhận ra pháp hành thiền định cụ thể của Phật giáo là có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì hãy từ bỏ chúng, có nghĩa là không làm theo chúng thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ không còn sanh khởi nữa. Phương pháp tu này rất đơn giản chỉ cần không làm theo dục tham, dục sân, dục si... thì cuối cùng thân ngũ uẩn này mới như thật không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Có đoạn dứt được như vậy thì trước các cảm thọ ta mới có thể bất động tâm được. Nếu không từ bỏ được, không ngăn chặn được lòng tham dục thì chúng ta khó mà thành tựu pháp quán thân, thọ, tâm, pháp vô thường, khổ, vô ngã. Và không thành tựu được pháp môn này thì khó cho ta thấy được quả giải thoát vô lậu A-la-hán. Từ bỏ lòng tham dục thì chúng ta phải nhận thấy rõ ràng từng tâm niệm dục, dù dục rất vi tế rất nhỏ nhặt. Ví dụ: tham dục ăn, tham dục ngủ, tham dục làm việc, tham dục nói chuyện, tham dục đọc kinh sách, tham dục nghe băng giảng, tham dục tu nhiều, tham dục hỷ lạc, tham dục khinh an v.v... Chúng ta chỉ có ly được dục là đoạn dứt được thân ngũ uẩn, đó là ý chính của bài kinh này và cũng là pháp hành độc đáo thiền định của Phật giáo mà mọi người không thể ngờ được. PHÁP MÔN YỂM LY Lời Phật dạy: “Này các tỳ-kheo! Như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nếu thấy vậy, này Sona, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly đối với sắc, yểm ly đối với thọ, yểm ly đối với tưởng, yểm ly đối với hành, yểm ly đối với thức. Do yểm ly vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên chánh trí: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên làm, đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Chú giải: Theo như lời dạy trên đây của đức Phật thì pháp môn tu hành của Phật giáo rất đơn giản. Phải không các bạn? Chỉ cần biết cách thức yểm ly thân ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được ly sạch. Và như vậy thì các bạn sẽ thấy ngay trạng thái giải thoát. Trong sự giải thoát các bạn biết rất rõ như lời Phật đã dạy trên: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên làm, đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Chỉ cần yểm ly thân ngũ uẩn là chúng ta đã tìm thấy sự giải thoát ngay liền. Phải không các bạn? Nhưng đọc lời dạy trên đây, các bạn có biết cách tu tập chưa? Các bạn nên mượn lời dạy cô đọng này làm câu pháp hướng tâm thì chúng tôi tin rằng do sự siêng năng tác ý như vậy, với một lòng nhiệt tâm, tha thiết yểm ly ngũ uẩn thì các bạn sẽ thành công. Đây là con đường tu tập duy nhất có một không hai của Phật giáo. Pháp môn rất tuyệt vời, các bạn có biết chăng? Đấy là pháp môn quét tâm các bạn ạ! Hãy siêng năng, bền chí, gan dạ cầm cây chổi như lý tác ý mà quét xuôi, quét ngược, quét tới, quét lui, quét chừng nào mà tham, sân, si bay sạch thì mới thôi. Phải không các bạn? Tu hành như một con đại tượng đi thẳng không bao giờ ngó lui lại. Các bạn hãy cố gắng tiến lên, tự mình thắp lên ngọn đuốc mà đi, tự mình lấy mình làm chỗ nương tựa, không nương vào bất cứ một ai. Chỉ nương tựa vào chánh pháp của Phật. Chánh pháp của Phật đây rồi, các bạn nên lưu ý mà tu tập, đừng chùng bước. NHƯ LÝ TÁC Ý Lời Phật dạy: “Này các tỳ-kheo! Tỳ-kheo nào “như lý tác ý” sắc như thật quán sắc vô thường, vị ấy yểm ly đối với sắc. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham được đoạn tận, hỷ đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát”. (Tương Ưng kinh tập III trang 100). Chú giải: Xin các bạn lưu ý tu tập thiền định theo Phật giáo là phải ly dục ly ác pháp mới nhập được Sơ Thiền, nhưng muốn ly dục ly ác pháp thì pháp như lý tác ý là đệ nhất pháp tu tập thiền định, còn tất cả các pháp môn khác trụ tâm, nhiếp tâm, ức chế tâm cho hết vọng tưởng là pháp môn của ngoại đạo, chứ không phải chánh định, chánh thiền của Phật giáo. Ở đây các bạn nên lưu ý chỗ sai khác để nhận ra thiền của Phật giáo và của ngoại đạo. Khi nhận ra chỗ này thì các bạn sẽ không còn bị lầm lạc với pháp môn thiền Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông và Minh Sát Tuệ nữa. Các pháp môn thiền này lừa đảo các bạn ghê gớm. Trên đây là một bài pháp trong kinh Tương Ưng mà đức Phật đã dạy cho các vị tỳ-kheo tu tập thiền định để đạt được sự giải thoát một cách rất dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc. Bài kinh này là một bằng chứng xác định cho chúng ta thấy rằng: Từ xưa cho đến ngày nay mọi người tu tập thiền định theo Phật giáo từ Nam Tông đến Bắc Tông và 33 vị Tổ Sư Thiền Đông Độ đều dạy tu sai lạc không đúng giáo pháp của Phật giáo. Bài kinh này dạy cách thức tu tập như thế nào? Cách thức tu tập theo bài kinh này thì nương theo thân hành niệm mà như lý tác ý. Ví dụ: Nương thân hành nội là hơi thở mà tác ý như trong kinh Xuất Tức Nhập Tức dạy: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hoặc “Quán vô ngã tôi biết tôi hít vô, quán vô ngã tôi biết tôi thở ra”. Nếu đi kinh hành thì nương vào bước đi mà tác ý: “Quán ly sân tôi biết tôi đang đi kinh hành, chân trái bước! Quán ly sân tôi biết tôi đi kinh hành, chân phải bước!”... Cách thức tu thiền định của Phật như lời dạy trên đây trong kinh Tương Ưng thì Thiền Minh Sát Tuệ, thiền Đông Độ và thiền Đại Thừa đều hoàn toàn cách xa một trời một vực. Các bạn nên xét lại những loại thiền mà các bạn đang tu tập có giống như thiền định của Phật giáo chăng? Nếu không giống thì đừng tự xưng là mình tu theo thiền của Phật giáo. Vì Phật giáo chỉ có một loại thiền định chân chánh được gọi là Tứ Thánh Định. Tức là thiền định xả tâm ly dục ly bất thiện pháp mà thôi. NÊN NHỚ Lời Phật dạy: “Nên nhớ khi thức diệt mọi thứ đều diệt tận”. Chú giải: Trong thân chúng ta có năm uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đây là một khối có năm duyên hợp lại mà thành con người. Khi một uẩn diệt thì năm uẩn kia đều diệt theo, không còn có một vật gì là linh hồn hay Phật tánh trong thân ngũ uẩn này còn lại, chỉ còn lại những từ trường thiện ác để tiếp tục tái sinh luân hồi. Ở đây đức Phật dạy: “Khi thức diệt, mọi thứ đều diệt tận”. Có nghĩa là các bạn đừng tin theo tà thuyết ngoại đạo, có thế giới siêu hình, có linh hồn người chết, có thần thánh, quỉ ma, có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có Đấng Tạo Hóa, v.v... Thưa các bạn, tin như vậy là mê tín, lạc hậu. Các bạn tin như vậy mà không dùng trí tuệ quan sát để xem có đúng như thật không. Nếu đúng như thật thì các bạn tin, bằng không như thật thì xin các bạn đừng tin. Vì tin như vậy nó sẽ đem đến những tai hại cho các bạn và các bạn sẽ tiêu phí tiền bạc công sức của mình một cách nhảm nhí mà không ích lợi gì cả. Không quan sát kỹ mà tin như vậy các bạn sẽ bị những người khác lừa đảo dễ dàng. Đức Phật dạy: “Khi thức diệt mọi thứ đều diệt tận”. Có nghĩa là khi người chết thì không còn một vật gì cả, chỉ còn một đống đất hôi thối mà thôi. Do lời dạy này các bạn đừng tin có linh hồn hay Phật tánh gì cả. Linh hồn hay Phật tánh chỉ là một thứ ảo tưởng của những người lạc hậu trong những thế kỷ xa xưa. TỈNH THỨC Lời Phật dạy: “Hãy luôn tỉnh thức để sống trong chánh niệm thì mới có cuộc sống chân chánh an lành, thanh thản và hạnh phúc”. Chú giải: Lời dạy trên đây rất cô đọng, ngắn gọn, khiến cho người đọc khó hiểu. Vì thế lời dạy trên đây chúng ta có thể chia ra làm hai vế: 1- Hãy luôn tỉnh thức để sống trong chánh niệm. Vế thứ nhất là nhân; vế thứ hai là quả. Nhân có tỉnh thức thì quả sẽ an lành và hạnh phúc. Con người vốn ở đời thường hay đau khổ là do thiếu tỉnh thức. Vậy tỉnh thức là gì? Tỉnh thức là sự bình tỉĩnh, không mê mờ, rất tỉnh táo, biết rất rõ, tâm không bị chi phối trong thất tình lục dục, trong kiến chấp, trong ngã chấp, v.v... Và chánh niệm là gì? Chánh niệm là niệm thiện, niệm không làm khổ mình, khổ người. Chữ “niệm” ở đây không có nghĩa là hồi niệm, ức niệm mà có nghĩa là “nhìn thấy, hiểu biết một cách tường tận, đúng như thật nhân quả, đúng như Thập nhị nhân duyên”. Chánh niệm còn có nghĩa là thân tâm không bị các pháp ác và các cảm thọ gây chướng ngại hay nói cách khác chánh niệm là chỉ cho thân tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự; nói theo kiểu đạo đức chánh niệm là đạo đức không làm khổ mình, khổ người; nói theo kiểu tỉnh thức chánh niệm thì chánh niệm có nghĩa là ly tham, ly sân, ly si, ly mạn, ly nghi v.v... Lời khuyên trên đây của đức Phật là muốn chúng ta sống một đời sống được an lành và hạnh phúc. Muốn được vậy chúng ta phải tu tập tỉnh thức. Vậy tu tập tỉnh thức như thế nào để được ở trong chánh niệm? Muốn tu tập tỉnh thức để ở trong chánh niệm thì chúng ta luôn luôn nương vào thân hành niệm nội hay ngoại mà tập luyện với pháp môn như lý tác ý. Ví dụ: Nương vào hơi thở tác ý “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hay nương vào bước đi mà tác ý “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành” hay theo từng mỗi bước đi tác ý “Ly tham, ly sân, ly si, ly nghi, ly mạn”. Đó là phương cách tu tập để được ở trong chánh niệm. Vậy chúng tôi ước mong các bạn hãy cố gắng tu tập theo lời dạy của đức Phật thì lợi ích rất lớn sẽ đến với các bạn. GÂY GỔ Lời Phật dạy: “Thế nào, này các thầy tỳ-kheo! Có phải các thầy vì muốn làm vua, làm giàu, làm quan hay vì đời sống thiếu hụt đói khát mà đi tu chăng? Các thầy há chẳng phải muốn xa lìa sanh tử luân hồi mà cầu đạo giải thoát sao? Tại sao quý thầy không chịu học đạo tu hành, mà lại tranh đấu, đấm đá với nhau, đối mặt gây phải trái nói ác với nhau. Các thầy đồng một thầy, đồng tu một pháp, các thầy phải sống lục hòa thân hành, khẩu hành, ý hành phải hòa hợp như nước với sữa”. Chú giải: Vì mục đích cao đẹp làm chủ sanh tử, luân hồi, chúng ta bỏ hết cuộc đời để đi tu, chứ đâu phải còn ham muốn làm quan, làm vua, làm giàu; chứ đâu phải vì nghèo đói mà đi tu. Phải không các bạn. Đời sống ăn ngày một bữa, không tiền, không của cải, không nhà cửa, không gia đình, đi xin ăn... Vậy, còn thú vị gì mà các bạn tập họp nhau nói chuyện tào lao, tranh cãi hơn thua, nói chuyện phù phiếm, nói xấu người này, nói xấu người kia... Tu như vậy chỉ uổng phí một đời chẳng có ích lợi gì cho sự tu tập của quý bạn. Tiếc thay! Tiếc thay! Chỉ mang tiếng tu theo Phật, chứ nào Phật giáo có những hạng người đệ tử như vậy. Những hạng người ăn no, dụm ba, dụm bảy nói chuyện tào lao, tranh cãi hơn thua, là những loại Ma Ba Tuần trong Phật giáo. Những hạng người còn ham dục lạc thế gian mà đi tu theo Phật là làm một gánh nặng cho xã hội. Các bạn có biết không? Lời giáo giới trên đây là một lời phiền trách rất nặng nề của đức Phật ngày xưa đối với chúng tỳ-kheo. Đối với những hạng người tu hành dối trá, là những người tu hành chẳng chấp hành nghiêm trì giới luật, chẳng giữ gìn thánh hạnh Độc Cư, họ là những loại Ma Ba Tuần trong Phật giáo đang phá hoại đạo Phật. CÔNG ƠN RẤT LỚN Lời Phật dạy: “Nếu ai nương vào một người nào mà biết được Phật, Pháp, Tăng, ơn này rất khó báo đền, không thể đem cơm áo, giường nằm, nệm ngồi, thuốc men mà báo đáp ơn kia được.” Chú giải: Trong Phật giáo, có một ơn rất lớn nhất. Đó là người nào đã đem cho mình biết được Phật, Pháp, Tăng, tức là đem cho mình một nền đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình khổ người. Đó là một sự giải thoát thật sự. Một điều làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người. Vì thế ơn nghĩa ấy rất sâu nặng, không thể lấy gì trong thế gian này đem so sánh được. Trên đây là lời dạy của đức Phật để chúng ta biết rằng Phật pháp là một pháp bảo vô giá, một ơn nghĩa sâu nặng như trời biển. Người đời thường không hiểu nên đã xem thường Phật pháp. Phật pháp là một cứu cánh cho loài người, giúp con người ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp người. Cho nên không thể lấy một vậy gì trong thế gian này mà báo đáp được ơn đức này. Người nào nhận được pháp môn này, bèn từ bỏ hết những pháp thế gian, nỗ lực tu tập theo đúng chánh pháp của Phật, thì người ấy là người có đầy đủ đệ nhất phước báu. Ngược lại người gặp được chánh pháp của Phật mà xem thường, tu tập lấy có là người thiếu phước, tuy gặp Phật, Pháp nhưng chẳng ích lợi gì cho họ. |
|||