Skip directly to content

060-"TƯỞNG" qua bài kinh "PHÁP MÔN CĂN BẢN" - Minh Đạo

Bài viết của phật tử Minh Đạo với chủ đề "Tưởng" trong đạo Phật qua bài kinh "Pháp Môn Căn Bản" (Kinh Trung Bộ). Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng cho những ai đang hành trì trên con đường giải thoát theo đạo Phật. Thế nhưng trải qua biết bao nhiêu thế hệ tu hành, lớp trước rồi lớp sau chỉ đạt đến Thiền định Tưởng, Trí tuệ Tưởng, Thần thông Tưởng v.v... rồi vội vã tung hoành ngang dọc với những bài pháp Tưởng làm hại rất đau lòng cho Phật pháp, khiến Phật pháp ngày càng băng hoại.

Nay, dưới ánh sáng Trí Tuệ Tam Minh của Phật mà đức Trưởng lão Thích Thông Lạc đã soi chiếu lại rõ ràng. Trên nền tảng ấy, chúng tôi mong muốn quý phật tử hãy có nhiều ý kiến đóng góp để mọi người cùng hiểu, tất cả đều hiểu thông suốt về Tưởng thì hy vọng con đường tu tập sẽ thuận lợi hơn nhiều. Xin giới thiệu với quý vị toàn văn bài viết dưới đây.

                                                                                                                     BBT/GNCN

Chúng ta là những Phật tử đang tu học. Trên bước đường tu tập, chúng ta thường được các bạn đồng tu nhắc nhở «Khéo giữ tâm ý, nếu không dễ lạc vào tưởng». Câu nhắc nhở của bạn đồng tu chân thành quá, nhưng làm cho các tu sinh vẫn cảm thấy toát mồ hôi hột. Vậy tưởng là gì? Chúng ta nên hiểu về tưởng như thế nào? Câu hỏi như lời khắc khoải chờ sự giải đáp.

Trước đây tôi được đọc một câu chuyện trong nhà thiền từ cuốn «góp nhặt từ cát bụi» của Nhật Bản. Câu chuyện mang nhiều ý nghĩa làm tôi thích thú nên nhớ mãi. Câu chuyện đó có nội dung như sau:

Tại thời xa xưa của Nhật Bản, những tu sĩ theo đạo Phật được đào tạo tại các trường Phật học. Sau khi ra trường, những vị tu sinh này phải đi vào cuộc sống để học hỏi thêm từ cuộc sống. Trên bước đường hành trình du hóa để trải nghiệm và học hỏi, những vị tu sinh này có thể xin tá túc ngủ lại ở những ngôi chùa mà mình gặp trên đường đi. Những ngôi chùa này phải có nghĩa vụ tiếp nhận, và đặc biệt những tu sinh du hóa có quyền yêu cầu các vị sư trụ trì tại ngôi chùa đó thách đấu giáo lý. Nếu người thua, phải tự mình ra đi du hóa để rèn luyện và học hỏi thêm, và người thắng sẽ được ở lại trụ trì tại chùa để giữ giềng mối Phật pháp.

Ở một ngôi chùa kia, có hai vị sư đang trụ trì, đó là một sư anh và một sư em. Sư anh là người lanh lợi, hoạt bát, còn sư em là người đần độn, một bên mắt bị chột. Sư em ở cùng sư anh để giúp đỡ sư anh trong nhiều công việc lặt vặt tại chùa.

Một hôm có vị sư đi du hóa xin tá túc ở lại chùa, và đặc biệt đề nghị được thách đấu về giáo lý với sư anh. Nhận sự thách đấu, sư anh hàng ngày ôn luyện lại giáo lý với tâm trạng hết sức lo lắng. Phần lo về danh dự và tín nhiệm của mình bị thương tổn, phần lo đến sự khó khăn vất vả cho cả hai anh em nếu phải dời chùa đi du hóa. Vì thế sư anh học ngày, học đêm do ngày thách đấu đã đến gần kề. Quá mệt mỏi và căng thẳng, đến ngày thách đấu sư anh bị ốm, khản tiếng không nói thành lời. Không thể thoái thác được, sư anh bèn cử sư em thay thế mình và yêu cầu được thách đấu trong im lặng. Sư anh nghĩ bằng chiêu thức này, vị sư du hóa phải chấp nhận thua, bởi đây là sự thách đấu giáo lý không thể hiện bằng lời.

Căn dặn xong với sư em, sư anh thấp thỏm ngóng chờ kết quả. Một lát sau vị sư khách đến chào sư anh để ra đi và nói «Sư đệ ngài quả là người tuyệt vời! Tôi đã thua». Sư anh hết sức ngạc nhiên, đề nghị vị sư khách nói lại kết quả của việc thách đấu.

Vị sư khách giải thích «Sư đệ ngài gặp tôi nói rằng ngài bị ốm nên được thi đấu thay ngài và đề nghị tôi được thi đấu trong im lặng. Tôi nhận lời»

Sau khi phân ngôi chủ-khách, vì là người thách đố nên tôi ra câu hỏi trước. Tôi giơ một ngón tay lên ám chỉ chỉ rằng Phật là trên hết. Sư đệ của ngài giơ hai ngón tay muốn nói rằng ngoài Phật ra còn có Pháp. Tôi giơ ba ngón tay muốn nói: ngoài Phật, Pháp ra còn có Tăng kết hợp lại thành ba của báu trên đời này, ba ngôi Tam Bảo. Sư đệ của ngài giơ thẳng nắm tay đấm vào mặt tôi ý ám chỉ: Phật, Pháp, Tăng cũng đều từ sự chứng ngộ mà ra. Câu trả lời hay tuyệt. Nói xong vị sư khách chào tạm biệt và ra đi.

Vị sư khách vừa đi khỏi, người sư em chạy xộc vô phòng và nói: «Nó đâu rồi? Để em đánh cho nó một trận»

Sư anh ôn tồn bảo: «Em thắng rồi kia mà. Chuyện thế nào kể lại anh nghe».

Sư em kể: «Nghe lời anh, em ra gặp và yêu cầu hắn thi đấu trong im lặng. Sau khi phân ngôi chủ-khách xong, hắn ngồi xuống ghế và nhìn em, rồi đột nhiên hắn giơ một ngón tay lên ý muốn bảo em chỉ có một mắt. Em giận lắm, nhưng nghĩ mình là chủ nhà, em đã kìm chế, sau đó em giơ hai ngón tay lên ý muốn khen hắn có hai con mắt. Nhưng hắn lại giơ ra ba ngón tay ý muốn bảo: Tao có hai con mắt, còn mày vẫn chỉ có một mắt. Thấy hắn có thái độ khinh miệt em như vậy, em đã đấm thẳng vào mặt hắn một quả đấm».

Các bạn có thấy câu chuyện thật tuyệt vời không? Nó mang rất nhiều ý nghĩa. Ngày trước tu học theo Đại Thừa, hẳn chúng ta thán phục sự giải thích của vị sư khách về nội dung của cuộc thách đấu sao mà mang ý nghĩa cao siêu đến như vậy? Phật, Pháp, Tăng và sự chứng ngộ.

Ngày nay được tu học theo chánh pháp của Phật, chúng ta mới thấy thương cho người sư đệ và vị sư khách kia do bị tưởng tri của chính họ lừa đảo và dẫn dắt họ vào những hiểu biết sai lạc với hiện thực khách quan đang tồn tại: Đó là sự xuất hiện của một ngón tay, hai ngón tay, ba ngón tay và một quả đấm. Nhưng vì ý thức của hai người không nắm bắt được ý nghĩ của người kia định nói gì, cho nên tưởng tri của hai người đã nhận thức hiện thực khách quan theo hai xu hướng khác nhau.

Người sư đệ thì cho rằng người kia đang ám chỉ đến con mắt cho nên thấy một mắt, hai mắt và sự khinh miệt qua cử chỉ của người kia với mình.

Vị sư khách qua hiện thực khách quan thì tưởng tri ra Phật, Pháp, Tăng và sự Chứng ngộ.

Câu chuyện thật là lý thú và là minh chứng về hoạt động «TƯỞNG» của bộ óc con người, đã nhận thức hiện thực khách quan qua tư duy chủ quan của mình làm sự việc méo mó, sai lệch. Đạo Phật gọi đó là không liễu tri, nghĩa là không hiểu biết như thật. Hiểu biết như thật trong câu chuyện này là gì? Đó chỉ là một ngón tay, hai ngón tay, ba ngón tay giơ lên và một quả đấm. Nhưng vì có hoạt động của tưởng thức tham gia vào, cho nên hai người đã bị tường đánh lừa dẫn dắt mình vào vô minh mà không hay biết, vì họ lầm chấp nên tưởng ra Phật, Pháp, Tăng và sự Chứng ngộ, còn người kia tưởng ra sự khinh miệt đối với mình.

Quay lại với câu hỏi vậy tưởng là gì? Chúng ta nên hiểu về tưởng như thế nào?.

Theo giáo lý Đạo Phật, con người được cấu tạo bởi 2 phần Danh và Sắc. Sắc là phần vật chất hữu hình (Đất, nước, gió, lửa) tạo ra hình dạng con người của chúng ta. Danh là đời sống tinh thần bao gồm: Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Thức là sự nhận biết của thân tâm.

Hành là sự hoạt động của thân tâm.

Thọ là sự cảm nhận của thân tâm.

Tưởng là một hoạt động tinh thần khá phong phú và phức tạp, con người rất khó nhận biết về nó. Tưởng chỉ hoạt động khi ý thức của con người ngừng làm việc (như trong giấc ngủ) hoặc khi ý thức nắm bắt sự việc không rõ ràng, tưởng sẽ tham gia như câu chuyện dẫn chứng kể trên, hai người không biết ý người kia định nói gì, tưởng của hai người đã tham gia, cho ra hai nhận thức sai biệt khác nhau.

Thọ, Tưởng, Hành, Thức là đời sống tinh thần của con người, vì thế được thể hiện ở tư duy và nhận thức của con người. Mà đời sống tinh thần bao gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức, bốn hành trạng này không hoạt động độc lập, luôn dung thông trong nhau tạo ra đời sống tinh thần con người luôn phong phú, đa dạng. Trong đời sống tinh thần của con người, Tưởng đã góp một phần quan trọng. Qua các hoạt động đời sống của con người, nhiều ý tưởng xuất hiện, từ những ý tưởng này, có thể làm cho xã hội và các mối quan hệ của con người trong xã hội được phát triển. Nhưng cũng có nhiều ý tưởng, khi được thực hiện, đã đem đến cho con người rất nhiều đau khổ. Từ đó cho chúng ta hiểu về tưởng như sau: Hoạt động của tưởng bao gồm hai phần là tưởng thiện và tưởng ác.

Tưởng thiện: Là những hoạt động của đời sống tinh thần của con người. Những hoạt động này phù hợp với quy luật của tự nhiên góp phần vào việc cải thiện tự nhiên và xã hội.

Tưởng ác: Là những hoạt động tinh thần của con người không phù hợp với quy luật của tự nhiên đem lại đau khổ cho con người.

Hoạt động tinh thần của con người được đạo Phật rất quan tâm, bởi nếu hoạt động đúng (nhận thức đúng) sẽ giúp cho con người phát triển được trí tuệ, đạt được những giải thoát ra khỏi mê lầm.

Đức Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập và là giáo chủ của đạo Phật hiểu rất rõ điều đó. Vì thế trong bài kinh «Pháp môn căn bản tất cả các pháp» bài số 1 của kinh Trung bộ, Ngài đã xác định: Toàn bộ thế giới hữu hình và thế giới vô hình đều là thế giới của Tưởng. Chính là nói về thế giới tinh thần của con người.

Chúng ta sẽ tìm hiểu các thế giới do tưởng tạo ra:

1. Thế giới hữu hình: Là thế giới được tạo ra bởi những sắc tướng do bốn Đại (Đất, nước, gió, lửa) hợp thành và tùy theo các đặc tướng, đặc tính do bốn đại đó kết hợp tạo ra mà con người đã đặt tên (tưởng ra) cho các vật hữu hình đó ví dụ như: Cái nhà, cái cửa, đường đi, cái cây, ngọn cỏ,…

2. Thế giới vô hình: Là thế giới không có hình tướng, thế giới này do tư duy con người tưởng ra, tạo ra ví dụ như các hình thái ý thức của con người, ví dụ như các cõi trời, các cõi địa ngục là các cõi siêu hình do óc tưởng tượng của loài người tạo ra.

Chúng ta nên hiểu câu «Toàn bộ thế giới hữu hình và thế giới vô hình đều là thế giới của tưởng» mang ý nghĩa khi Đức Phật nói về đời sống tinh thần của con người, nói về nhận thức của con người với hiện thực khách quan đang tồn tại ngoài ý thức con người. Để tổng kết nhận thức đời sống tinh thần của loài người với các hiện tượng khách quan đang tồn tại ngoài ý thức con người, Đức Phật đã phân ra làm ba dạng hiểu biết: Dạng không liễu tri, dạng thắng tri và dạng liễu tri:

i. Không liễu tri: Để thông hiểu thế nào là không liễu tri, chúng ta cùng nhau đọc lại văn kinh trong bài kinh «Pháp môn căn bản»:

– Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Địa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.

Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại. Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là hỏa đại, người ấy nghĩ: "Hỏa đại là của ta"- dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại. Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với phong đại, nghĩ đến (tự ngã) như là phong đại, người ấy nghĩ: "Phong đại là của ta"- dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại. Người ấy tưởng tri Sanh vật là Sanh vật... Người ấy tưởng tri chư Thiên là chư Thiên... Người ấy tưởng tri Sanh chủ là Sanh chủ... Người ấy tưởng tri Phạm Thiên là Phạm Thiên... Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên... Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên... Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên... Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng Giả) là Abhibhù. Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là Không vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Vô sở hữu xứ là Vô sở hữu xứ... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ... Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến... Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn... Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm... Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri... Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất... Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt... Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả... Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn... Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - dục hỷ Niết-bàn, Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn.

Đoạn văn kinh nêu trên, Đức Phật đã xác định rất rõ toàn bộ thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thế giới tưởng, thế giới không có thật, do kẻ phàm phu thiếu duyên không được gặp các bậc Thánh và các Thiện hữu tri thức, không biết tu tập các thiện pháp của Phật để chuyển hóa nhận thức, cho nên lầm chấp có thế giới này, thế giới khác, lầm chấp mọi vật là thực có nên chấp thủ và sinh tâm ham muốn tìm cầu. Với hiểu biết của những người như vậy gọi là người ấy không liễu tri các pháp.

ii. Thắng tri:

Trong văn kinh ghi «Này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn, khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: "Địa đại là của ta", - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại... Thủy đại... hỏa đại... phong đại... Sanh vật... chư Thiên Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn; vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) như là Niết-bàn, đã không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết-bàn.

Qua đoạn văn kinh nêu trên cho chúng ta được rõ người thắng tri các pháp, là người đang tu học, chưa thành tựu. Nhưng vì có được học hỏi và tu tập pháp của bậc Thánh và các bậc Chân nhân nên có trí tuệ để thông hiểu bản chất các pháp chỉ là do duyên hợp của nhân quả, hễ còn duyên tồn tại thì pháp còn, hết duyên tồn tại thì pháp diệt. Cho nên toàn bộ thế giới vô hình và thế giới hữu hình chỉ là môi trường của nhân quả. Mọi sự, mọi việc do nhân quả quyết định chứ không có thật. VÌ hiểu biết như vậy, nên người ấy không tham đắm, chấp vào bất cứ việc gì ở trên đời. Những người ấy được gọi là thắng tri các pháp và có thể liễu tri các pháp.

iii. Liễu tri:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri Niết-bàn".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Ngài không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri Niết-bàn.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác"... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của Ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Qua đoạn văn kinh nêu trên, cho chúng ta thấy người liễu tri được các pháp, là người đã tu tập hoàn mãn xong con đường giải thoát ra mọi khổ ách, sau khi đã từ bỏ hoàn toàn các Ái.

Trong quá trình tu tập, do quán xét mọi sự, mọi vật bằng trí tuệ nhân quả, cho nên người tu đã thắng tri các pháp, do thắng tri các pháp đạt đến sự nhuần nhuyễn, tham, sân, si trong nội tâm đã muội lược đi đến tận diệt, vì thế trạng thái bất động tâm xuất hiện và càng ngày càng tăng trưởng. Dục hỷ căn bản của mọi đau khổ được đoạn trừ.

Quay lại với câu nói của người bạn đồng tu nhắc nhở chúng ta «Khéo giữ tâm ý, nếu không dễ lạc vào tưởng». Ở đây, người bạn đồng tu đã nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác với tưởng ác, còn tưởng thiện thì không cần phải cảnh giác. Tưởng ác là những pháp làm chúng ta chấp thủ và tham đắm từ đó dẫn đến trạng thái ức chế tâm trong quá trình tu. Người bạn đồng tu đã nhắc chúng ta «Khéo giữ tâm ý» chính là nhắc chúng ta luôn Chánh Niệm Tỉnh Giác để giữ gìn thân tâm trong trạng thái bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là chân lý Diệt đế của đạo Phật. Đó là xả tâm để thoát ra mọi ác pháp.

Xin cảm ơn người bạn đồng tu.

                                                  Hà Nội ngày 16 tháng 02 năm 2013

                                                              Tác giả: Cư sĩ THÍCH MINH ĐẠO