Skip directly to content

131-PHÁP CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU SĨ (3). TL Thích Thông Lạc

(tiếp theo II-4. Bài học thứ tư: Tinh Cần Hộ Trì)

4. Miệng: Là căn thứ tư, vậy hộ trì miệng như thế nào? Hộ trì miệng có hai phần: 1- Hộ trì miệng về ăn, uống; 2- Hộ trì miệng về nói.

Hộ trì miệng về ăn uống thì không được ăn uống phi thời, ăn uống phải có tiết độ, phải đúng giờ giấc, ăn uống không được ham thích ăn ngon, ăn uống phải biết quán thực phẩm bất tịnh để sanh tâm nhàm chán. Ăn uống phải sáng suốt, tư duy: ăn để sống chứ không phải sống để ăn.

Ăn để sống, sống để tu hành, để thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

Ăn để sống, sống để hộ trì các căn không cho dục và các ác pháp tác động sai khiến hoặc xâm chiếm, làm khổ mình làm khổ người và tất cả chúng sanh.

Ăn để sống, sống để làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi tái sanh, chứ không phải ăn để sống, sống chạy theo dục lạc, để chấp nhận đời sống phải chịu nhiều khổ đau.

Ăn để sống, sống để làm chủ thân tâm, khiến cho thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải để tranh luận hơn thua, để tranh đua về ăn uống, để tranh chấp về danh lợi, hơn thiệt ở đời. 

Ăn để sống, sống để biết thương yêu mọi người, để giúp đỡ mọi người bất hạnh trong xã hội, để an ủi, chia sẻ những nỗi thương đau, những nỗi mất mát mà con người đang, sẽ phải chịu. 

Ăn để sống, sống để thấy trách nhiệm bổn phận đạo đức làm người không nên làm khổ mình khổ người, chứ không phải ăn để sống, sống để vì sự sống của mình mà chà đạp lên sự sống của bao nhiêu người khác và loài vật khác... Đó là cách hộ trì miệng về ăn uống, mỗi khi ăn uống chúng ta đều phải nhớ những lời dạy này.

Hộ trì miệng về lời nói, không được nói những lời thiếu chân thật, xin đọc lại Thánh đức chân thật trong Mười Giới Thánh Đức Sa Di.

Hộ trì miệng về lời nói thì không được nói lời hung dữ; không được chửi mắng, nạt nộ, hăm dọa người khác; không được la lớn tiếng, không được chửi thề nói lời tục tĩu, không được xưng hô mày, tao, nó, hắn, y...

Hộ trì miệng về lời nói thì không được nói thêm bớt, nói xấu người khác, không được vu khống, vu oan giá họa, không được nói lật lọng...  

Hộ trì miệng về lời nói thì không được nói móc lò, nói mỉa mai người khác, nói giễu cợt, nói châm chọc...  

Tóm lại, hộ trì miệng là giữ gìn lời nói không làm khổ mình khổ người, luôn nói lời êm dịu, nhẹ nhàng, ôn tồn, nhã nhặn, đầy lòng từ ái, ôn hòa, tha thứ, thân thương và yêu mến. Lời nói luôn đem đến mình vui người khác vui.

Người ta còn bảo miệng là “Khẩu Nghiệp.” Khẩu nghiệp có hai phần:

1, Khẩu nghiệp về ăn: Miệng ăn uống không tiết độ, không đúng cách nên khiến cho thân thọ lấy những khổ đau, bệnh tật, nghiện ngập, tu hành không ly dục ly ác pháp được.

2, Khẩu nghiệp về nói: Miệng nói ra phải cẩn thận, nếu không cẩn thận sẽ mang nghiệp vào thân khiến thân tâm phải phiền não khổ đau, hối hận.

Tóm lại, hộ trì miệng là điều cần thiết nhất trong cuộc sống tu hành nên Phật dạy phải độc cư sống trầm lặng một mình như con tê ngưu một sừng. Tinh cần hộ trì mắt, tai, mũi, miệng như vậy chưa đủ mà còn phải tiếp tục hộ trì các căn khác nữa là thân và ý.

5. Muốn phòng hộ trì thân, phải hộ trì như thế nào? Hộ trì thân có hai phần: Hộ trì các hành động của thân. Hộ trì thân là không cho các ác pháp xâm chiếm vào thân.

              a. Hộ trì các hành động của thân gồm có:
              - Không cho thân làm những điều ác.
              - Ý thức phải điều khiển thân hành.
              - Mỗi thân hành phải được ý thức kiểm duyệt.

               b. Hộ trì thân là không cho các ác pháp xâm chiếm vào thân gồm có:
              - Ngừa bệnh hơn trị bệnh, nghĩa là phải ngăn ngừa ruồi, muỗi, sâu độc, rắn, bò cạp, rết, thú dữ, v.v... không cho xâm chiếm vào thân, luôn luôn giữ gìn thân được an lạc bằng vệ sinh, bằng ăn uống tiết độ, bằng nuôi dưỡng thiện pháp, không đem vào thân những ác pháp, phải nuôi thân bằng chánh mạng.
              - Đẩy lùi các bệnh tật trên thân. Làm chủ bệnh tật là điều hạnh phúc thứ nhất trong cuộc sống thế gian.
              - Tìm mọi cách giúp cho thân được an trú, thanh tịnh và vô sự, theo pháp môn Định Niệm Hơi Thở.
              - Bằng phương pháp Tứ Niệm Xứ giúp cho thân sung mãn dồi dào sức lực.
              - Bằng phương pháp Thân Hành Niệm giúp cho thân tâm sanh bảy Giác Chi.

Nếu trong cuộc sống tu hành theo Phật giáo để tìm cầu sự giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì phải luôn luôn hộ trì thân hành, không thể nào thiếu sự hộ trì này mà chứng đạo được. Tinh cần hộ trì mắt, tai, mũi, miệng, thân như vậy chưa đủ mà còn phải tiếp tục hộ trì căn khác nữa là ý căn.

6. Muốn hộ trì ý căn phải như thế nào?

Hộ trì ý căn có ba phần: 1- Sử dụng tri kiến; 2- Sử dụng pháp hướng tâm Như lý tác ý; 3- Sử dụng giới luật.

1, Sử dụng tri kiến, khi nào có một niệm khởi trong tâm hay một pháp bên ngoài tác động vào tâm thì phải tư duy suy nghĩ cho tường tận niệm ấy để đẩy lui, khiến cho tâm trở nên thanh thản, an lạc và vô sự. Sử dụng tri kiến tức là tu tập Định Vô Lậu. Càng tu tập Định Vô Lậu thì tri kiến càng sắc bén. Tri kiến sắc bén giống như một thanh gươm thư hùng, kiếm của một dũng sĩ lâm trận.

2, Thường xuyên tác ý để tâm ly dục ly ác pháp; thường xuyên tác ý để tâm có một nội lực mạnh mẽ giúp cho ý thức đẩy lùi các chướng ngại pháp trên thân một cách dễ dàng. Đó là cách thức tu tập tạo thành ý thức lực, nhờ ý thức lực mà chúng ta làm chủ sanh, già, bệnh, chết...  

3, Sử dụng giới luật, vì giới luật là thiện pháp, là đạo đức làm người, làm Thánh. Cho nên lấy giới luật làm tiêu chuẩn để ý thức nhắm vào tư duy quan sát các pháp đang trùng trùng duyên khởi. Do đó chúng ta không bị lầm lạc, lẫn lộn pháp thiện ra pháp ác, pháp ác ra pháp thiện. Biết sử dụng giới luật đúng pháp thì chúng ta tu tập Tứ Chánh Cần mới có hiệu quả: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

Tóm lại, trên đường tu tập theo giáo pháp của Phật giáo thì chúng ta phải theo lời khuyên này. Hằng ngày phải siêng năng tu tập bốn loại tinh cần, đừng cố chấp tuần tự theo pháp mà phải biết khéo léo thiện xảo và linh động tùy theo mỗi trạng thái tâm của chúng ta mà tu tập. Có tu tập như vậy thì mới có ích lợi thật sự.

Ví dụ: Trong lúc chúng ta đang tinh cần tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác thì bỗng có tiếng kêu la cầu cứu. Tức thì chúng ta tinh cần tu tập hộ trì nhĩ căn. Ví dụ trên đây để chúng ta nhận xét sự linh động thiện xảo từng giây, từng phút trong sự tu tập. Đừng có cố chấp khư khư theo giáo điều thì sai lệch mất.

Cho nên bốn tinh cần này là gồm đủ các pháp tu tập trong Phật giáo. Cuối cùng chúng tôi không biết nói gì hơn để trao lại những kinh nghiệm và tâm sự cùng các bạn thiết tha tu hành thân mến. Ước mong sao quý bạn sẽ thành tựu viên mãn con đường giải thoát của Phật giáo để đền đáp ơn Phật trong muôn một.

III- THỜI KHÓA TU TẬP THỜI ĐỨC PHẬT
(Trích trong Tạng kinh Pali)

Lời dẫn

Trong kinh Nikaya thuộc tạng kinh Pali chúng tôi tìm thấy được một thời khóa biểu tu tập trong thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã hướng dẫn chúng tỳ-kheo tu tập. Thời khóa biểu này có một giá trị thực hành cụ thể rất lớn đối với những người tu tập theo Phật giáo hiện nay. Nó chỉ định cho chúng ta những pháp hành cụ thể rõ ràng đúng chánh pháp của Đức Phật "Ngăn ác diệt ác pháp" và nếu nói về thiền định thì "Ly dục ly ác pháp."

Ngăn ác diệt ác pháp và ly dục ly ác pháp so sánh với những từ trong thời khóa biểu này "Tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp." Chắc quý vị đã hiểu chướng ngại pháp là gì? Nó không khác dục và ác pháp nhưng nó còn rõ nghĩa hơn.

Ví dụ như quý vị ngồi kiết già hai chân đau, đó là chướng ngại pháp; sáng quý vị muốn ăn, chiều quý vị muốn uống sữa, đó cũng là chướng ngại pháp; v.v...

Xưa Đức Phật đã thành lập thời khóa biểu này cho chúng tỳ-kheo Tăng cũng như tỳ-kheo Ni tu tập, chúng tôi xét thấy không có lỗi thời mà còn rất phù hợp vào thời đại của chúng ta lúc mọi người đang hướng tâm về thiền định.

Thiền định theo trong thời khóa biểu này là thiền định xả tâm, còn tất cả các loại thiền định của quý vị đang tu tập là thiền định ức chế tâm. Đó là thiền tưởng, thiền của ngoại đạo mà xưa kia Đức Phật đã sáu năm khổ hạnh tu tập không kết quả giải thoát.

May mắn thay thời khóa biểu của Đức Phật ngày xưa còn lưu lại là một bằng chứng chứng minh hùng hồn, cụ thể xác định được pháp môn và sự tu tập của Phật giáo chân thật mà không thể có một giáo pháp ngoại đạo nào mạo nhận của Phật giáo được. Chúng tôi biên soạn thời khóa biểu này ra để quý vị thẩm xét lại con đường tu của mình có đúng là của đạo Phật hay không? Đúng thì quý vị mới gọi là tu theo Phật giáo, bằng không thì quý vị đừng mượn danh Phật giáo mà biến Phật giáo thành một tôn giáo lừa đảo thì thật là đau lòng.

Theo thời khóa biểu này, quyền tu hay không là ở quý vị, còn riêng chúng tôi biên soạn ra đây để xét thấy cái đúng cái sai hiện giờ trong Phật giáo; cái tu được, cái tu không được; cái đạo đức, cái phi đạo đức; cái không mê tín, cái mê tín; cái không trừu tượng, cái trừu tượng; cái không lừa đảo, cái lừa đảo; v.v... để quý vị suy ngẫm.

Cuối cùng chúng tôi xin dừng lại nơi đây, hẹn gặp lại quý vị ở những tập sau: "Những lời Phật dạy" để chúng ta sẽ lần lượt vén lên những lớp bụi mù của Bà La Môn giáo và những kiến giải của các nhà học giả xưa và nay đang phủ mờ Phật giáo.

                                                                                                           Kính ghi. Thích Thông Lạc
                                                                                                    Tu Viện Chơn Như gày 14-02-2000.

 

Lời Phật dạy: Người tu sĩ có 9 điều cần tu tập hằng ngày,

           “1. Phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh.
            2. Sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt.
            3. Chấp nhận giữ gìn giới luật.
            4. Giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần.
            5. Ăn uống phải tiết độ, không nên ăn uống phi thời.
            6. Ban ngày khi đi kinh hành hay lúc ngồi, luôn luôn phải tẩy sạch tâm tư khòi các chướng ngại pháp.
            7. Ban đêm canh đầu đi kinh hành hay ngồi, luôn luôn phải tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp.
            8. Ban đêm canh giữa phải nằm nghiêng, chánh niệm tỉnh giác, luôn luôn phải nghĩ đến thức dậy.
            9. Ban đêm canh cuối thức dậy đi kinh hành hay ngồi luôn luôn phải tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp.”

Giảng nghĩa:

1. Phải đầy đủ oai nghi Chánh hạnh: tức là đi, đứng, nằm, ngồi, nói nín thường phải quan sát mỗi hành động thân, miệng, ý của mình phải được ôn tồn êm ái, nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn. Đó mới là oai nghi đúng chánh hạnh trong nghĩa tỉnh thức chánh niệm của đạo Phật.

2. Sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt: tức luôn luôn lưu ý đến những lỗi lầm nhỏ nhặt mà hằng ngày chúng ta có thể vô tình lầm lỗi. Những lỗi nhỏ nhặt chúng ta vô tình xem thường thì sự tu tập của chúng ta sẽ không có kết quả.

Ví dụ như khởi niệm muốn uống một ly sữa, một ly cà phê, một tô nước chè, hút một điếu thuốc lá, v.v... đó là phạm vào những lỗi nhỏ nhặt. Nếu chúng ta xem thường những lỗi lầm này trong ý thì chẳng bao giờ tâm chúng ta ly dục ly ác pháp được thì dù có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu được.

Trong khi đang ngồi chơi bỗng nhớ đến một câu kinh Phật, một câu công án, một bài thơ Đường, một câu ca dao, một bài dân ca, một bức tranh danh họa, hoặc một niệm nhớ nghĩ về gia đình con cái, v.v... đó là chúng ta đã phạm vào những lỗi nhỏ nhặt của đạo Phật trong con đường tu tập giải thoát.

Nếu chúng ta xem thường nó, không giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì dù tu muôn kiếp cũng chẳng giải thoát được gì. Bởi lỗi lầm tuy nhỏ vì còn trong ý, nhưng nếu không thấy nó là một lỗi lầm lớn trong sự tu tập thì dù chúng ta có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu cả, do vậy mà Đức Phật dã dạy "Sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt."

3. Chấp nhận giữ gìn giới luật: Giới luật là pháp môn của Đức Phật dạy đạo đức làm người, làm thánh. Muốn giải thoát mà không sống đúng đạo đức làm người làm Thánh thì giải thoát cái gì?

Nói đạo đức tức là nói sự giải thoát cho mình cho người, nghĩa là người có đạo đức là người không làm khổ mình khổ người. Giới luật của Phật dạy người tu hành giải thoát là dạy đạo đức chứ không có dạy ngồi thiền, lạy Phật, tụng kinh, cúng bái, sám hối, làm phước, làm chuyện mê tín, v.v... vì ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, sám hối, làm chuyện mê tín, bố thí, v.v... đều còn trong phước hữu lậu, mà phước hữu lậu có thì còn làm khổ mình khổ người.

Dù phước hữu lậu giàu sang có tột đỉnh như Thạch Sùng, uy quyền thế lực như vua chúa cũng vẫn còn làm khổ mình khổ người. Chỉ có đạo đức giới luật của Đức Phật thì mới không làm khổ mình khổ người; không làm khổ mình khổ người thì mới giải thoát. Do con đường tu tập của đạo Phật, giới luật là tri kiến giải thoát của người tu sĩ. Ngoài giới luật, người tu sĩ đi tìm tri kiến giải thoát thì không bao giờ có.   

Cho nên người tu sĩ đạo Phật "Chấp nhận giữ gìn giới luật" tức là tu tập tri kiến giải thoát. Trong kinh Trường Bộ, Đức Phật dạy "Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh." Vì thế, người tu sĩ có giải thoát nhất định có giới luật nghiêm chỉnh, người tu sĩ có giới luật nghiêm chỉnh nhất định có giải thoát.

Thiền định của đạo Phật là một thứ thiền định giải thoát vô lậu (Định Vô Lậu) chứ không phải thứ thiền định ngồi lim dim như con cóc, như gộc cây, ức chế thân tâm như ai bẻ giò, bẻ cẳng, đầu căng thẳng như treo đá, khó khổ vô cùng, v.v... Tu tập khổ sở mà chẳng được gì, chỉ được ba tấc lưỡi lừa đảo người có sách vở mà thôi, nhìn lại chỉ phí uổng cuộc đời của mình, chẳng ích lợi gì cho mình cho người.

4. Giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần: Người tu sĩ đạo Phật muốn tu hành giải thoát mà không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý thì cũng như người quét nhà muốn cho sạch sẽ mà không chịu đóng cửa, cứ để gió bụi tung vào nhà thì có quét muôn đời cũng chẳng sạch được.

Cho nên những điều phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình là một sự quan trọng hết sức cho đường tu tập theo Phật giáo. Những ai muốn tìm đường giải thoát của đạo Phật mà không biết phòng hộ sáu căn thì dù có tu muôn đời muôn kiếp cũng chẳng có kết quả gì. Muốn phòng hộ sáu căn duy chỉ có một pháp môn độc nhất, đó là "Độc cư."  

5. Ăn uống phải tiết độ, không được ăn uống phi thời: Ăn là một trong ngũ dục lạc (sắc, danh, lợi, thực, thùy), người tu sĩ đạo Phật nếu ăn uống không tiết độ và luôn luôn ăn uống phi thời thì dù có tu ngàn kiếp cũng chẳng tìm thấy sự giải thoát, vì nguyên nhân sự đau khổ của con người là dục, mà ăn uống phi thời là chạy theo dục. Chạy theo dục thì làm sao có giải thoát được.

Đây là lời răn nhắc của Đức Phật: "Ăn uống phải tiết độ, không được ăn uống phi thời." Vì muốn giải thoát ly dục ly ác pháp thì ăn uống phải đúng giới luật: "Thừa tự pháp chứ không thừa tự thực phẩm."

Ăn uống đúng giới luật là không ăn uống phi thời, chỉ ăn ngày một bữa. Người tu sĩ nào ăn uống hai ba bữa là kẻ ăn uống phi thời, là người thừa tự thực phẩm chứ không phải thừa tự pháp; kẻ thừa tự thực phẩm là tu sĩ Bà La Môn chứ không phải là tu sĩ đạo Phật, là trùng trong lông sư tử sẽ giết chết đạo Phật. Kẻ còn tham ăn, tham uống như người thế tục thì làm sao tìm sự giải thoát trong đạo Phật được.

6. Ban ngày lúc đi kinh hành hay trong lúc ngồi, luôn luôn phải tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp: Ban ngày tu tập như trong lời dạy trên đây của Đức Phật, dù đi kinh hành hay ngồi đều phải tu tập tẩy trừ dục và ác pháp, vì dục và ác pháp làm cho tâm chúng ta chướng ngại, khổ đau.

Theo thời thóa biểu này ứng dụng vào các pháp Tứ Nìệm Xứ, Tứ Chánh Cần và sống đúng giới luật thì tu tập mới có hiệu quả tẩy trừ các ác pháp chứ không phải ngồi thiền ức chế tâm chẳng niệm thiện niệm ác hoặc niệm lục tự Phật A Di Đà, hoặc khán công án, tham thoại đầu mà tẩy sạch tâm tư khỏi chướng ngại pháp. Do sự tu tập này chúng ta biết các pháp tu tập của Đại Thừa và Thiền Đông Độ không phải là của Phật giáo mà là của Bà La Môn và của kiến giải do các nhà học giả xưa và nay.

7. Ban đêm canh đầu đi kinh hành hay trong lúc ngồi, luôn luôn phải tẩy sạch các chướng ngại pháp: Cách thức tu tập ban ngày cũng như ban đêm, canh đầu duy nhất có một việc làm là tẩy sạch các chướng ngại pháp trong tâm. Đó là một điều tu tập quan trọng của đạo Phật. Ngoài vấn đề ly dục ly ác pháp thì không có tu tập một pháp môn nào khác hơn, nếu tu tập pháp môn nào khác hơn ngoài “Giới, Định, Tuệ” thì không phải là giáo pháp của Đức Phật. Không phải giáo pháp của Đức Phật thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi được. Giới, định, tuệ của đạo Phật là pháp môn duy nhất ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm, đoạn dứt lậu hoặc, thực hiện đạo đức làm người làm thánh, không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh.  

Giới, định, tuệ là một pháp môn dạy dạo đức làm người làm Thánh nhân tuyệt vời trên hành tinh này. Nếu ai đã có đầy đủ duyên mới gặp được pháp môn này mà chẳng chịu tu tập rèn luyện thân tâm mình thì thật là một người bạc phước vô cùng và ngu si không chỗ nói. Vì pháp môn này vừa lợi ích cho mình, cho người và xã hội, vừa đem đến cho cá nhân một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự; đem đến cho xã hội một trật tự, an ninh, phồn vinh và hạnh phúc.

8. Ban đêm canh giữa phải nằm nghiêng Chánh niệm tỉnh giác, tâm luôn phải nghĩ đến thức dậy: Trên đây là lời dạy của Đức Phật. Canh giữa tức là lúc nửa đêm chỉ có nằm nghiêng giữ chánh niệm tỉnh giác và phải luôn nghĩ đến thức dậy chứ không được lười biếng nằm ráng, hễ thấy không ngủ thì nên thức dậy ngay liền để tu tập rèn luyện tẩy trừ tâm khỏi chướng ngại pháp tức là ly dục ly ác pháp.

9. Ban đêm canh cuối thức dậy đi kinh hành hay trong lúc ngồi phải tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp: Đối với đạo Phật thời gian chia ra tu tập rất rõ ràng, nhất là ban đêm. Canh cuối tức là buổi khuya phải thức dậy đi kinh hành hoặc ngồi nếu không buồn ngủ, luôn luôn không được lười biếng ham ngủ. Ban ngày cũng như ban đêm, đầu canh hay cuối canh đều duy nhất tu hành có một mục đích là xả tâm tẩy trừ các chướng ngại pháp, ngoại trừ có canh giữa ban đêm thì mới nằm nghỉ một chút nhưng phải giữ tâm chánh niệm tỉnh giác, không được ham ngủ. Trước khi nằm ngủ phải tập tỉnh thức rồi mới ngủ, không được nằm xuống là ngủ ngay liền. Phải nhớ lời dạy này.

Trên đây là bài pháp về thời khóa tu tập thời Đức Phật còn tại thế để chỉ dạy cho chúng tỳ-kheo tu tập một cách rất rõ ràng và cụ thể. Chúng tôi nhận thấy bài pháp này về thời khóa tu tập của Đức Phật thời xưa đối với thời đại của chúng ta hiện giờ nó không có lỗi thời và còn có một giá trị chỉ rõ về pháp hành và phù hợp với hoàn cảnh tu tập của chúng ta. Do đó chúng tôi xin ghi lại bài pháp này cống hiến cho những ai có tâm thiết tha tìm cầu sự giải thoát trong đạo Phật.

Thời khóa biểu này chúng ta không nói về buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều mà chỉ dùng danh từ chung chung "Ban ngày." Đọc lại toàn bộ kinh sách của Đức Phật, chúng tôi thấy buổi sáng Đức Phật và chúng tỳ-kheo khi chưa đến giờ đi khất thực thì hay đến thăm những vị Bà La Môn. Khi khất thực xong về ăn rồi nghỉ trưa một chút, buổi chiều thì tu tập. Trong thời khóa biểu này nói ban ngày tu tập tức là nói buổi chiều.

                                                                                            Kính ghi. Trưởng Lão Thích Thông Lạc
                                                                                              Tu Viện Chơn Như ngày 14-02-2000.