Skip directly to content

003-ĐẠO PHẬT LÀ NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ - TL.Thích Thông Lạc

Kính thưa các bạn!

            Sự hiểu lầm chánh pháp của Phật đã có hơn hai ngàn năm từ khi đức Phật nhập Niết bàn, khiến cho con đường chánh pháp của đạo Phật gần như bị dìm mất. Do sự tu hành của các Tổ chưa đến nơi đến chốn, cho nên cứ dựa trên chữ nghĩa mà hiểu bằng tưởng tri thì làm sao hiểu đúng nghĩa pháp hành được. Phải không các bạn?

            Phật pháp không khó, không khó hiểu nhưng vì không có ngưới tu hành chứng đạo, nên người ta hiểu sai nghĩa. Hiểu sai nghĩa nên rất khó tu. Vì hiểu sai nghĩa nên người ta nghĩ rằng Phật giáo là tôn giáo có thần thông pháp thuật cao siêu, chứ người ta đâu biết rằng Phật giáo chỉ ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; Phật giáo chỉ ở chỗ sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; Phật giáo chỉ ở chỗ thiện pháp, vô lậu tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Những trạng thái tâm này là tâm buông xả ly dục ly ác pháp, là tâm không phóng dật. 

            Người tu hành chỉ có nhiệt tâm quyết buông xả tất cả các ác pháp thì các bạn đã thành tựu viên mãn ngay liền tức khắc, chứ đâu phải tu tập khó khăn mệt nhọc. Có người bảo rằng: tu tập phải có đạo lực để làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Phải nhập được Bốn thiền, phải có Tam Minh, phải có Niết bàn, phải có cõi Cực Lạc, phải có Phật tánh, phải biết ngày giờ chết, sống chết phải ra đi tự tại v.v… 

            Nghĩ như vậy các bạn đã đi lạc đề, đối với Phật giáo các bạn không thể nghĩ như vậy. Nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo thần thông; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo để làm gạch nối giữa con người và thế giới siêu hình; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một bản thể thường hằng vĩ đại của vạn hữu; nghĩ như vậy nên vô tình các bạn lý luận đưa ra những triết lý cao siêu tuyệt đỉnh của trí tuệ như trí tuệ Bát Nhã (Tánh Không); nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín v.v…

            Do những sự nghĩ sai lệch ấy biến Phật giáo thành một triết học vi diệu cao siêu để tranh luận hơn thua với các hệ phái khác, tôn giáo khác và cũng chính để lý luận đánh lừa mọi người.  

            Kính thưa các bạn! Phật giáo không phải là tôn giáo; không phải là đảng phái chánh trị; không phải một đế quốc lợi dụng thần quyền cai trị thế giới. Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người; Phật giáo chỉ có nhắc lại những gì của con người đã có sẵn, chứ không sáng tạo ra cái gì mới cả và cũng không bịa đặt ra và thêu dệt những chuyện ảo tưởng, hư cấu, và cũng không sử dụng quyền năng siêu việt của bản thân mình để lừa đảo mọi người khuyến dụ họ theo với tôn giáo mình. Cho nên những điều của đức Phật dạy qua ngôn ngữ thay vì hiểu nghĩa rất bình thường, giản dị và bình dân thì các nhà học giả phát triển lại hiểu một cách cao siêu ảo tưởng, hư cấu thành sai nghĩa. 

            Khi tu tập ly dục ly ác pháp, tâm trở thành bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì tâm thanh tịnh hoàn toàn. Tâm thanh tịnh hoàn toàn thì tự có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện. Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện tức là Tứ Thần Túc. Khi có Tứ Thần Túc bấy giờ các bạn muốn sử dụng như thế nào tùy theo ý muốn, ý thích. 

            Kính thưa các bạn! Khi tâm thanh tịnh hoàn toàn, các bạn sẽ có đủ những năng lực như vậy, nhưng không vì những năng lực đó để các bạn lừa đảo những người khác. Cho nên người tu sĩ Phật giáo không bao giờ thị hiện thần thông, chỉ thị hiện một đời sống đức hạnh giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà thôi.  

            Những lời Phật dạy, chúng tôi cố gắng giải thích để các bạn hiểu đúng nghĩa của Phật dạy. Trong khi chú giải nghĩa lý này, chúng tôi đứng trên cương vị một người đã từng tu tập những lời Phật dạy và đã làm chủ được bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết mà chú thích chứ không bị ảnh hưởng tưởng giải của các Tổ Bắc Tông, Nam Tông, Thiền Tông v.v... mà cũng không ảnh hưởng khoa học, y học, vật lý học v.v…

            Nếu ai bảo rằng chúng tôi chú thích sai thì hãy tu tập làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì mới luận bàn, còn nếu chưa làm chủ được thì xin quý vị hãy im lặng lắng nghe.

            Tóm lại đạo Phật chỉ khơi lại nền đạo đức của loài người bằng chương trình giáo dục đào tạo ba cấp Giới, Định, Tuệ và tám lớp học (Bát Chánh Đạo):

    1- Chánh kiến,
              2- Chánh tư duy,
              3- Chánh ngữ,
              4- Chánh nghiệp,
              5- Chánh mạng,
              6- Chánh tinh tấn,
              7- Chánh niệm,
              8- Chánh định.

Tám lớp học này để đào tạo một người có đủ đức hạnh sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, tức là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ hay nói cách khác là tâm thanh thản an lạc và vô sự.

            Cho nên mục đích của Phật giáo là đạo đức nhân bản – nhân quả; là tâm bất động, chứ không phải đào tạo thành ông A-la-hán, ông Phật, ông Bồ-tát hoặc bất cứ ông Thánh, ông Thần nào mà chỉ đào tạo con người thực là con người có đạo đức sống trong cảnh thế gian này, chứ không cầu mong tu hành để thành ông gì cả, hoặc cũng không cầu mong chết sẽ đi vào cõi giới nào cả, dù cõi Cực Lạc, Thiên Đàng hay cõi Niết bàn cũng không mong cầu.

            Kính thưa các bạn! Tập sách nhỏ này ra đời nhằm chỉnh đốn những điều hiểu sai lầm về những lời dạy của Phật, để mọi người hiểu cho đúng nghĩa của Phật giáo mà không bị ảnh hưởng sai lệch của Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông và Tịnh Độ Tông.

            Sau cùng với tập sách nhỏ này chúng tôi ước mong nó sẽ mang lại sự lợi ích lớn cho quý vị trong cuộc sống hiện tại.

                     TL.Thích Thông Lạc
                     Lời nói đầu: Những Lời Gốc Phật Dạy Tập 4
                           NXB Tôn giáo – Hà Nội, 2006 & 2011