Skip directly to content

015-TRỞ LẠI VẤN ĐỀ: “THỰC DƯỠNG OSHAWA” - Từ Đồng

Kính thưa quý vị độc giả!

Ngày 27/2/2012, Thư viện Hoa Sen cho đăng tải bài viết: “ĐÔI ĐIỀU VỀ THỰC DƯỠNG OSHAWA VÀ PHẬT TỬ” (của Trí Lập – một vị đồng pháp Chơn Như). Ngay sau đó một loạt các ý kiến phản hồi tán dương có, phản bác có. Ý nghĩa và sự lợi lạc của thực dưỡng Oshawa như thế nào đã có nhiều sách vở bàn luận kỹ, chúng tôi không nói thêm.

Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đường về Chánh Pháp Phật tuy không bị ngăn sông cách núi, không gió bão nắng mưa, không chông gai đá núi hiểm hóc… nhưng lại muôn nẻo ngàn trùng gian khó, cái gian khó bởi tự lòng người do vô minh dẫn dắt nên không dễ có đủ niềm tin.

Giotnangchonnhu vừa nhận được lá thư của một vị tu sĩ (Từ Đồng) đã từng trải qua những ngày thực tập theo pháp dưỡng sinh Oshawa trình bày những kinh nghiệm rất thực tiễn và quý báu của mình, chúng tôi xin giới thiệu bức thư để quý vị cùng đọc, hầu mong muốn đường về Chánh Pháp với mọi người thêm rạng rỡ, thênh thang.

Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc. 

Xin trân trọng cảm ơn tu sĩ Từ Đồng.

                                                                              Giotnangchonnhu

 

Dưới đây là toàn văn bức thư:

Kính đến Ban biên tập!

Được một người bạn đồng pháp thông tin cho biết có thêm một trang web mới www.giotnangchonnhu.org. Thành tâm chúc các bạn luôn luôn THỰC HIỆN ĐÚNG CON ĐƯỜNG "DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP NHƯ LAI" của NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO.

Kính thưa các bạn!

Khi chúng tôi nói lên những lời này, chúng tôi cũng xin mạn phép một đôi dòng là về trình độ ngữ pháp không trôi chảy lắm, nếu có gì thiếu sót xin các bạn hoan hỷ cho....

Trở lại vấn đề về đề tài "THỰC DƯỠNG OSHAWA" chúng tôi cũng xin thưa:

Vào khoảng năm 1984 (không nhớ rõ là cuối hay đầu năm), chúng tôi đã từng tự nghiên cứu qua những tài liệu và sách nói về thực dưỡng Oshawa (do nhà sách Oshawa tại 360 Điện Biên Phủ Tp.HCM phát hành - Tức gia đình của Ngô Ánh Tuyết bây giờ), và thực hiện theo phương pháp này (có kết quả - XIN NÓI RÕ TRONG THỜI ĐIỂM NÀY CHÚNG TÔI KHÔNG THẤU SUỐT VỀ ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ ...). Và sau đó chúng tôi cũng từng có tên trong hội thực dưỡng cũng như tiếp làm và chế biến một số thức ăn dưỡng sinh (nếu ai từng giao tiếp với hội chắc không thể quên một mạnh thường quân của hội là ông SÁU ĐỨC Ở QUẬN TÂN BÌNH)....

Kính thưa các bạn!

Tại sao hôm nay chúng tôi lại đưa vấn đề này ra sau mà nó có vẻ dài dòng văn tự quá vậy, phải vậy không các bạn???. Thật ra nó cũng có cái nguyên nhân của nó: Nhờ nhân duyên giao tiếp với một số anh chị bạn trong hội GẠO LỨC MUỐI MÈ, nên chúng tôi đã quay trở về với "CHÁNH PHÁP PHẬT"… Cũng chính vào gần cuối năm 1989, chúng tôi đã từng đứng bếp cho Tu viện CL - Phước Hải, với chủ trương "KHÔNG DÙNG BỘT NGỌT, HẠN CHẾ SỬ DỤNG DẦU ĂN. Chúng tôi không có kinh nghiệm hay nghiên cứu gì về thuyết ÂM DƯƠNG, mà mục đích là một đầu bếp phải biết làm như thế nào để đại chúng có một buổi ăn đơn giản đạm bạc và đủ chất dinh dưỡng…

Ngày trở về lại Tu viện Chơn Như tôi còn nhớ rất rõ lời của Thầy Viện chủ đã khuyên một vị thầy phải nói là hầu như không thể bỏ được gạo lức muối mè (vị này đã có một quá trình dùng phương pháp thực dưỡng Oshawa lâu dài ).

Thầy Viện chủ dạy: “Con hãy sống như đại chúng nơi đây có gì dùng nấy… (LỤC HÒA), ở với Thầy con đừng sợ (ý Thầy muốn khuyên vị nầy có rất nhiều phương pháp tu tập trong đạo Phật....)”. Vị thầy này từ đó rời khỏi tu viện, còn riêng đối với chúng tôi từ đó không lưu tâm đến vấn đề THỰC DƯỠNG OSHAWA nữa.

Tất cả phương pháp dưỡng sinh, khí công, thể dục dưỡng sinh, yoga v.v… chỉ là một phương tiện cho những ai chưa hội đủ duyên (nhưng đừng quá đam mê thành ra chính nó sẽ tự hại chính bản thân mình…) mà chúng tôi đã từng trải nghiệm và chứng kiến những năm gần đây nhất, xem như là một phong trào từ trong nước ra đến ngoài nước…

Kính thưa các bạn !

Chúng tôi không đủ lập luận đưa ra dẫn chứng về thuyết ÂM DƯƠNG, vì đã có những tiền nhân đi trước đã để lại bao nhiêu tài liệu và sách vở....

Riêng cá nhân của chúng tôi chỉ ghi nhớ một điều là khi chúng tôi xuất gia, chúng tôi đã buông bỏ các phương pháp nầy. GIỚI LUẬT của đức Phật đã có khuyên người xuất gia chỉ ba y, một bát, không làm tất cả các nghề kể cả nghề làm thầy thuốc (cho dù không nhận tiền).

Thứ hai, trong bất kỳ một phương pháp nào để giúp cho một người đang cần điều trị, thì đối với một người xuất gia cũng không dùng những toa thuốc có thực phẩm ĐỘNG VẬT (ngay cả những thầy thuốc gốc cư sĩ mà họ còn không cho toa có dược liệu động vật... trong khi chúng ta là một tu sĩ Phật giáo…).

Các bạn thử tìm hiểu những tài liệu của một số vị tu sĩ khi hướng dẫn còn kèm theo những dược liệu động vật. (Hay cho đây là một phương tiện kết hợp trị liệu vì động vật đã chết?…)

Kính thưa các bạn!

Hôm nay chúng tôi muốn nói rõ thêm, khi chúng tôi đã được Thầy dạy về "ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ" chúng tôi mới hiểu được rằng tất cả phương pháp (như đã trình bày ở trên) chỉ là chữa về ngọn thôi, mà cái gốc chính là bản thân chúng ta phải mau mau quay trở về sống với chính mình "TRONG ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ", "SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH".

Nếu là một cư sĩ tại gia thọ 05 giới thì chúng tôi xin có một lời khuyên hãy thực hiện cho bằng được: GIỚI THỨ NHẤT: "ĐỨC PHẬT KHUYÊN CHÚNG TA KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SANH" tức là thể hiện "ĐỨC HIẾU SINH".

Vài hàng gởi đến Ban biên tập gọi là một chút trau đổi và góp ý về THỰC DƯỠNG OSHAWA.

Một người đã từng áp dụng qua phương pháp “GẠO LỨC MUỐI MÈ".

                                                                     Kính thư

                                                                     Từ Đồng

BBT giotnangchonnhu xin giới thiệu một ý kiến của độc giả có liên quan nhiều đến thực dưỡng Oshawa đã góp ý trên diễn đàn TVHS.

Được gửi bởi ABC (Guest) vào 02/28/2012

Khéo! Khéo lắm! Tác giả Trí Lập thật khéo dẫn người phật tử đi từ một pháp “Thực Dưỡng Oshawa” đến “Chân Thật Pháp Gotama”.

Tôi xin có vài lời họa về “Thực Dưỡng Oshawa” cùng tác giả để quý độc giả rộng đường dư luận.

Thầy TTH dạy rằng: "Nếu một người tu theo đạo Phật mà không thấu triệt âm dương thì không thể đạt đến đỉnh cao của tâm linh…". Rằng: "Thực dưỡng Oshawa không chỉ dừng ở chỗ dưỡng sinh mà còn nhìn sâu hơn đến Giác Ngộ Giải Thoát." Và khẳng định: "đó là mục đích cuối cùng của phương pháp dưỡng sinh Oshawa…"

Tôi nghĩ thầy TTH chắc chắn là người đã nghiên cứu thâm sâu về nguyên lý âm dương ngũ hành của nền văn minh Trung Hoa. Nhưng thầy chưa thấy rằng, dưới nhãn quan Phật giáo thì thuyết âm dương ngũ hành còn khiếm khuyết nhiều lắm. Nếu so với Phật giáo ví như người trên đỉnh núi quán khắp bốn phương thì Âm dương ngũ hành giáo chỉ như người loanh quanh dưới chân núi mà thôi. Sao lại nói vậy? Tôi xin trinh bày để quý vị đồng chia sẻ.

- Đức Phật đã dạy rất rõ ràng: thân người là một tổ hợp bao gồm năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong năm uẩn này chỉ có Sắc uẩn là phần vật chất được tạo bởi bốn đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) hợp thành. Còn lại bốn uẩn kia là phần phi vật chất mà chỉ có những ai vượt qua Sanh, Lão, Bệnh, Tử như đức Phật thì mới hiểu biết chân thật được.

Tóm lại: Thân người có 5 uẩn gồm Sắc + Thọ + Tưởng + Hành + Thức, trong đó: Sắc vật chất do Đất, Nước, Lửa, Gió tạo nên. Như vậy toàn bộ một thân người như chúng ta do Đất, Nước, Lửa, Gió và Thọ, Tưởng, Hành, Thức duyên thành.

- Trong khi đó, thuyết âm dương ngũ hành thì rất mơ hồ. Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái… rồi vạn vật trong vũ trụ được tạo thành. Mà trong Âm dương vốn đã có sẵn 5 hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và trong 5 hành đã ẩn sẵn âm dương. Như vậy, con người (theo thuyết âm dương ngũ hành) và muôn vật khác trong vũ trụ là một tổ hợp bao gồm 5 hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Chúng ta nhận ra ngay rằng con người ở đây được tạo hợp rất thiếu khuyết. Bởi vì, nếu quy về thì ngũ hành chi tương đương với Ba Đại của Phật giáo. (hành Kim. Mộc, Thổ) = Địa Đại; hành Hỏa = Hỏa Đại; hành Thủy = Thủy Đại, còn Phong Đại không có.

So sánh sự hiểu về con người của Phật giáo và Âm dương Ngũ hành giáo: 

Phật dạy thân người = Sắc (Đất, Nước, Lửa, Gió) Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Thuyết Âm dương Ngũ hành thì thân người = Đất, Nước, Lửa. 

Như thế, rõ ràng người hiếu thấu triệt âm dương ngũ hành vẫn chưa hiểu hết phần sắc thân tứ đại, sao dám nói “đạt đến đỉnh cao của tâm linh…”. Còn thiếu nhiều lắm.

Thực dưỡng chỉ là mượn tạm tứ đại bên ngoài nuôi tứ đại bên trong để 5 uẩn sống mà tu tập thoát khổ. Hiểu như vậy để “thiểu dục tri túc”, để ly dục ly bất thiện pháp thì thực dưỡng mới có ý nghĩa trong Phật giáo.

Cho nên chẳng thể lấy bất cứ một học thuyết nào (như thầy TTH dạy) mà làm sai lệch con đường Phật dạy, chỉ là hý luận cho vui thôi.

Tôi sẽ họa tiếp cùng tác giả Trí Lập phần “Chân Pháp Gotama” sau.