104-NGHĨA CÁC TỪ PHẬT HỌC CHƠN NHƯ - Tỳ khưu Từ Quang
Vần A (tiếp theo)
Ác pháp (TruyềnThống.2) Ác pháp là những uy lực của vũ trụ có những hiện tượng vô hình như sấm sét, những từ trường khí lực, điện lực, tưởng lực, v.v... hoặc những hiện tượng hữu hình vĩ đại như sông, núi, rừng, biển, thời tiết, nắng, mưa gió, bão, lũ tụt, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, sóng thần, bệnh tật, tai ương, v.v…
Ác tác (GiớiĐức.2) hành động Ác do Thân phạm.
Ác thuyết (GiớiĐức.2) hành động Ác do khẩu phạm.
Ác tuệ (Phậtdạy.3) (CầnBiết.4) là tri kiến suy nghĩ về tham dục, tri kiến về sân hận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ...
Ái (PhậtDạy.1) (ĐườngVề.1) (CầnBiết.2) (CầnBiết.3) là tình cảm yêu mến, thương mến, ưa thích người và vật chất nhà cửa nên từ đó chúng ta mới cố giữ lại, bảo thủ không muốn xa lìa nên Hữu (có) sinh ra. (12Duyên) Ái có hai: 1- Ái lạc có nghĩa là ưa thích, ham muốn, thương mến, dính mắc, chấp trước, luôn luôn chạy theo tìm cầu những dục lạc, khoái lạc, sung sướng đó, v.v... 2- Ái khổ có nghĩa là không ưa thích, sợ hãi, ghét bỏ, lo lắng, buồn phiền, khổ sở, tránh xa, không chấp nhận, không ham thích, v.v...
Ái bộc lưu (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) là dòng thác thất tình: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục tức là sức mạnh của bảy thứ tình, người tầm thường không thể vượt qua được.
Ái dục (ThiềnCănBản) là lòng tham muốn, ưa thích, say đắm, đam mê. Muốn xa lìa tâm ái dục thì phải dẫn tâm vào đạo, đừng dẫn đạo vào tâm.
Ái kiết sử (TâmThư.1) là tình thương làm khổ mình, khổ người. Ái kiết sử là lòng thương mà ưu bi, sầu khổ, khóc than, lo lắng, sợ hãi, v.v… Khi nghe người thân bệnh sắp chết mà khóc than, ưu bi sầu khổ, buồn đau là ái kiết sử. Còn về thăm và chăm sóc, giúp đỡ, thuốc thang, cho ăn uống, bồng ẳm, an ủi, trấn an tinh thần là đức hiếu sinh. Thương cha mẹ, anh, em chị em, vợ chồng con cái mà không làm khổ cho nhau là đức hiếu sinh, còn thương mà làm khổ nhau là ái kiết sử. Con người ai cũng có sẵn đức hiếu sinh, nhưng chúng ta không biết, không phân biệt nó với ái kiết sử. Vì vậy chúng ta mới học đức hiếu sinh lớp Ngũ Giới để loại trừ ái kiết sử và luôn luôn sống với đức hiếu sinh.
Ái là duyên của Hữu (12Duyên) Nếu duyên Hữu có thì duyên Ái dục có. Bởi vì muốn có thì phải có ưa thích. Nếu không ưa thích (không Ái) thì làm sao phải tìm mọi cách dù cực khổ, nhiều khi còn nguy hiểm tới tính mạng để có được cái mình thích, rồi giữ gìn, bảo thủ (Thủ) lại cho mình. Bảo thủ, giữ gìn lại cho mình là vì chúng ta ưa thích hưởng thụ những vật chất đó.
Ái ngữ (PhậtDạy.4) là lời nói ôn tồn, nhã nhặn, êm dịu, thanh lịch, lịch sự, có văn hóa, nhẹ nhàng, an ủi mọi người, mọi loài vật khi gặp tai nạn, bệnh tật khổ đau hoặc những điều làm cho khiếp đảm, sợ hãi.
Ám ảnh (CầnBiết.3) là hiện ra lởn vởn trong trí ray rứt không yên.
Ám sư (ĐườngVề.3) là người phạm giới, phá giới, thường sống trong chùa to Phật lớn; sống theo dục lạc thế gian; sống như người giàu sang thế tục; sống ăn uống phi thời; sống cất giữ tiền bạc, châu báu, ngọc ngà; sống xem tivi, ca hát, nhạc kịch, phim ảnh, v.v... Sống phạm giới, phá giới thì vị ấy không phải là trí tuệ của Phật, họ chỉ là một học giả mà thôi. (Ám sư trái ngược với Minh sư).
Áo lục thù (hoặc áo hải hội) (CầnBiết.1) (CầnBiết.2) Áo lục thù và áo hải hội là của các thầy cúng và các thầy phù thuỷ bày đặt ra lừa đảo, lường gạt những người không hiểu giáo lý đạo Phật chơn chánh. Họ dựa theo một số kinh sách mê tín của Phật giáo Đại thừa, mà bảo với tín đồ đó là lời Phật dạy: “Làm như vậy, cúng bái như vậy sẽ có lợi ích và phước báo lớn”. Sống làm điều ác, gian tham, tật đố, háo danh, tham của cải, tài sản, đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn, giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh, chẳng chút lòng lành, chẳng biết thương xót ai hết, chỉ biết có mình là trên hết; đến khi chết chỉ cần mặc áo lục thù hoặc áo hải hội, đi xuống Diêm Ðình không ai bắt tội, vì Quỷ Sứ, Ngưu Ðầu, Mã Diện, Ngục Tốt... đều biết đó là đệ tử của đức Phật, nên vị tình tha thứ.
Chết mà còn mặc những chiếc áo lục thù hoặc áo hải hội như vậy chẳng có tác dụng gì cả, chỉ làm một trò cười lố bịch cho thiên hạ. Ðó là một hình thức trong muôn ngàn hình thức lừa đảo, lường gạt tín đồ của kinh sách Ðại thừa. Đối với những người còn nhẹ dạ, non lòng, trình độ hiểu biết còn thấp kém cứ theo lời dạy trong kinh sách đó mà làm, chẳng dám ném bỏ. Nhưng dù có biết sai chăng nữa, nếu không làm thì chịu không được, hoặc sợ mọi người lên án hay chê cười bất hiếu, không thông kinh sách Thánh Hiền. Kinh sách Ðại thừa thường soạn viết ra những điều phi đạo đức như vậy. Nhiều người bị kinh sách mê tín, lừa đảo mà không biết. Thời đại khoa học hiện đại, sự hiểu biết quá rõ ràng, đâu còn mê tín lạc hậu như những ngày xưa.
Ảo giác (ĐườngVề.6) là những hình ảnh trừu tượng để lừa đảo tín đồ, như Cực Lạc Tây Phương, Niết Bàn, chân tâm Phật tánh, bản lai diện mục, linh hồn, thần thức…
Ảo thuật lừa bịp, gian xảo của những Ma Vương Ba Tuần, của Quỷ La Sát (PhậtDạy.1) đó là những loại pháp môn chuyên tụng kinh, niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, cầu an, cầu siêu, thần thông phép thuật, biết chuyện quá khứ vị lai, xem sao, đoán vận mạng, xem ngày giờ tốt xấu cất nhà dựng vợ gả chồng, v.v… là những pháp môn lừa đảo, lường gạt người, mua danh bán lợi, buôn Phật bán pháp.
Ăn cắp của công (10Lành) ăn cắp giờ làm việc, ăn cắp của công. Công nhân viên làm việc mà lấy văn phòng phẩm đem về nhà là ăn cắp của công; sử dụng máy photocopy để làm việc riêng: sao giấy tờ cá nhân của mình, sao chụp tài liệu tu học để tặng bạn bè cũng là ăn cắp của công; đến sở làm mà đọc báo, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, trang điểm, hoặc cùng bạn bè ra quán cà phê tán gẫu hàng giờ ... tất cả đều ăn cắp giờ làm việc, là ăn cắp của công.
Ăn thịt chúng sanh phải không thấy, không nghe và không nghi (ĐườngVề.1) nghĩa là trong sự ăn uống phải trau dồi mắt tai của mình, phải ý tứ cẩn thận, khi ăn khi uống phải biết rõ trong thực phẩm đang ăn có xương máu và sự chết chóc đau khổ của chúng sanh trong đó hay không? Nếu có, thà chết trong giới luật của Phật chớ không ăn mà phạm giới. Tại vì, người tu sĩ đạo Phật thường trau dồi tu tập tâm mình lòng thương yêu rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, đối với nhân loại khắp mười phương thế giới. Nếu chúng ta chỉ vì bổ béo cho xác thân vô thường bất tịnh này và chạy theo dục lạc, ảo giác ngon ngọt của vị giác thì chúng ta chưa phải một vị tu sĩ đạo Phật chân chánh có lòng từ bi.
Ăn uống phải tiết độ, không nên ăn uống phi thời (ThờiKhóaTu) Vì muốn giải thoát ly dục ly ác pháp thì ăn uống phải đúng giới luật: "Thừa tự pháp chứ không thừa tự thực phẩm". Ăn uống đúng giới luật là không ăn uống phi thời, chỉ ngày một bữa. Người tu sĩ nào ăn uống hai ba bữa là kẻ ăn uống phi thời, là người thừa tự thực phẩm chứ không phải thừa tự pháp; không phải là kẻ tu sĩ Ðạo Phật, là trùng trong lông sư tử sẽ giết chết Ðạo Phật. Kẻ còn tham ăn, tham uống như người thế tục thì làm sao tìm sự giải thoát trong Ðạo Phật được.
Ăn uống trong phạm hạnh (PhậtDạy.4) tức là ăn uống luôn luôn loại trừ năm ấm cái không để năm ấm cái chi phối tâm mình.
Ân huệ lớn (10Lành) tha mạng chết cho người (ân xá), cho vật (không sát sanh)
Ẩn bóng (PhậtDạy.4) để lập đức, lập hạnh và tu hành cho trọn vẹn hơn. Muốn được vậy thì nên tránh xa danh lợi đó là chùa to Phật lớn, Phật tử đông.
B
Ba cấp Bát Chánh Ðạo (PhậtDạy.2) (TâmThư.2) Cấp 1: Giới luật gồm có 5 lớp: 1-Chánh kiến , 2-Chánh tư duy, 3-Chánh ngữ, 4-Chánh nghiệp, 5- Chánh mạng. Cấp 2: Chánh định (Tứ Thánh Ðịnh) gồm có 2 lớp tu tập: 1-Chánh tinh tấn (Tứ Chánh Cần), 2- Chánh niệm (Tứ Niệm Xứ). Cấp 3: Chánh tuệ (Tuệ tam minh) gồm có một lớp tu tập: Tứ Thần Túc (Pháp Thân Hành Niệm).
Ba cấp tu học của Phật giáo (PhậtDạy.2) là: - Cấp Giới luật (Thiện pháp), - Cấp Thiền định (Tứ Thánh Ðịnh), - Cấp Trí tuệ (Tam Minh).
Ba điều để đoạn tận lậu hoặc (PhậtDạy.2) 1- Ðộc cư, 2- Ăn uống, 3- Tỉnh giác.
Ba điều kiện quan trọng của tu sĩ và cư sĩ (CầnBiết.4) tu tập theo Phật Giáo cần phải lưu ý: 1- Phải sống đúng giới luật không hề vi phạm lỗi nhỏ nhặt nào. 2- Phải luôn tu tập an trú và giữ tâm không phóng dật bằng các pháp ly dục ly ác pháp. 3- Phải luôn dùng Chánh Tri Kiến trước các ác pháp và các cảm thọ. Nếu người tu sĩ và người cư sĩ Phật giáo tu tập và giữ gìn tâm được như vậy là thành Chánh Giác không có khó khăn, không có mệt nhọc.
Ba đời chư Phật (ĐườngVề.10) là những người tu hành đã thành Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, những vị này đã giải thoát hoàn toàn.
Ba giai đoạn tu tập Pháp môn Tứ Niệm Xứ: (PhậtDạy.2) 1- Tứ Chánh Cần tu tập trên Tứ Niệm Xứ. 2- Tứ Niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ. 3- Thân Hành Niệm tu tập trên Tứ Niệm Xứ.
Ba giới đức (CữSĩTu) 1- Nhẫn nhục là đức tính hòa hợp. 2- Tuỳ thuận là đức tính hòa hợp trong gia đình và xã hội. 3- Bằng lòng là đức tính buông xả để sống có thân tâm bình an thanh thản.
Ba giới hạnh (CữSĩTu) Ăn, Ngủ, Ðộc cư. 1- Ăn Ngày ăn một bữa vào giữa trưa, từ 10 giờ đến 12 giờ, ngoài giờ đó nếu ăn uống là phi thời. Ăn uống không điều độ cơ thể dễ sinh bệnh tật. 2- Ngủ phải tập ít ngủ, ngủ nhiều sinh lười biếng, mê muội, hôn ám. Ngủ phải đúng giờ giấc, ngủ không đúng giờ giấc là ngủ phi thời, là ngủ không điều độ. 3- Ðộc cư phải sống một mình, phải sống phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, nhờ đó tâm không bị phân tán; nhờ đó tu tập thiền định mới được dễ dàng. Khi cần thiết chỉ thưa hỏi pháp tu tập với Thầy, không được hỏi bất cứ một người nào, vì hỏi là làm động người khác.
Ba kiết sử (TruyềnThống.2) gồm có: 1/ Thân kiến kiết sử nghĩa là sợi dây chấp ngã trói chặt quá nặng, nếu ai đụng đến ngã mình là không chấp nhận, chống đối lại liền. Ví dụ: Sự hiểu biết chấp thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta và còn cho trong thân này có Phật tánh, linh hồn, thần thức, tiểu ngã, v.v... Sợi dây thân kiến kiết sử này rất khó bứt, nhưng ở đây đức Phật dạy chỉ giữ gìn giới luật nghiêm túc là thân kiến kiết sử sẽ được bứt sạch. 2/ Nghi kiết sử nghĩa là lòng nghi ngờ quá nặng như một sợi dây trói buộc, lúc nào cũng nghi ngờ người này như thế này, người kia như thế khác. Lòng nghi ngờ ấy chỉ có giữ gìn giới luật thì mới bứt sạch. 3/ Giới cấm thủ kiết sử nghĩa là chấp chặt vào những giới cấm phi lý (như tu theo hạnh con bò, hạnh con chó), tu khổ hạnh (như tu đứng ba năm, tu ngồi ba năm, ngồi thiền kiết già đau chân mà cứ ráng ngồi, v.v...) Ðó là những giới cấm thủ kiết sử. Chỉ cần diệt trừ ba kiết sử và làm giảm thiểu tâm tham, sân, si thì cũng vào Niết Bàn.
Ba La Ðề Mộc Xoa (PhậtDạy.4) Ba La Ðề Mộc Xoa (Patimokkha) chắc chắn không phải Phật thuyết, mà do các Tổ chịu ảnh hưởng kinh Vệ Ðà của Bà La Môn biên soạn ra, nên không phù hợp và không tương ứng với những lời Phật dạy. Ba La Ðề Mộc Xoa (Patimokkha) là bộ giới luật của các Tổ biên soạn mà gán cho Phật chế. Trong những bộ giới luật này chỉ có những giới cấm, chứ không có dạy đức giới, hạnh giới và hành giới, do vậy không làm sao giác ngộ Thánh giới uẩn được. Ðem giới bổn Ba La Ðề Mộc Xoa của các Tổ ra đối chiếu với giới kinh của Phật, thì chúng ta thấy giới bổn không phù hợp, không tương ưng với giới kinh. Giới uẩn là nền tảng căn bản đạo đức tâm vô lậu, để tu tập theo con đường giải thoát của đạo Phật, thế mà những bộ giới luật của các Tổ thiếu khuyết như vậy thì làm sao nói lên đủ đức hạnh của một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ; thiếu khuyết như vậy thì làm sao giúp cho bốn giới đệ tử Phật thông suốt Thánh giới uẩn.
Ba lậu hoặc (ĐườngVề.5) là tham, sân, si.
Ba mươi ba cõi trời (ĐườngVề.3) (CầnBiết.5) chỉ cho ba mươi ba pháp thiện. Thiện pháp có rất nhiều, nên có 33 cõi thiện pháp mà trong kinh gọi là 33 cõi trời, tức là 33 trạng thái thiện pháp. Đó là một trạng thái giải thoát của tâm, khi tâm đã đạt mức độ thiện ở đó, thì tương xứng với cảnh giới Thiện ở đó. Chỉ cần thực hiện diệt một ác pháp tăng trưởng một thiện pháp là sanh vào cõi trời đó ngay liền. Ba mươi ba cõi trời là trạng thái giải thoát của tâm, khi tâm đã đạt mức độ thiện ở đó, thì tương xứng với cảnh giới Thiện ở đó. Có hiểu được như vậy mới hiểu được đạo Phật.
Chết được sanh về cõi trời đó là một ảo tưởng, một giấc mộng mơ hồ của những người thiếu óc thực tế khoa học, vô minh không sáng suốt bị các tôn giáo lừa đảo. Ngay trong cảnh sống ở thế gian mà người nào biết ngăn ác, diệt ác pháp thì người ấy đang sống trong Thiên Ðàng chứ không phải Thiên Ðàng ở cõi giới nào cả. Thế giới siêu hình Thiên Ðàng là do các tôn giáo dựng lên, chỉ là cảnh giới do tưởng ấm sanh ra, để an ủi tinh thần của những người yếu đuối đang gặp khổ đau tai nạn, để nuôi hy vọng làm thiện được sanh về đó...
Ba Mươi Bảy Pháp Trợ Ðạo (TrợĐạo) một bảng thống kê các pháp tu hành của đạo Phật, cho người từ sơ cơ mới bắt đầu tu tập cho đến khi chứng đạo, đầy đủ 37 pháp hành, từ dễ đến khó và lý giải rành mạch rõ ràng ba mươi bảy pháp môn giúp cho người tu chứng đạo. Gồm có: Ngũ căn (1- Hai con mắt, 2- Hai lỗ tai, 3- Hai lỗ mũi, 4- Miệng, 5- Thân). Ngũ lực (1- Tín lực, 2- Tấn lực, 3- Niệm lực, 4- Ðịnh lực, 5- Tuệ lực). Tứ vô lượng tâm (1- Từ Vô Lượng Tâm, 2- Bi Vô Lượng Tâm, 3- Hỷ Vô Lượng Tâm, 4- Xả Vô Lượng Tâm). Tứ Bất Hoại Tịnh (1- Niệm Phật, 2- Niệm Pháp, 3- Niệm Tăng, 4- Niệm Giới). Tứ Chánh Cần (1- Ngăn ác, 2- Diệt ác pháp, 3- Sinh thiện, 4- Tăng trưởng thiện pháp). Tứ Niệm Xứ (1- Quán thân, 2- Quán thọ, 3- Quán tâm, 4- Quán pháp). Thất Giác Chi (1- Niệm Giác Chi, 2- Tinh Tấn Giác Chi, 3- Khinh An Giác Chi, 4- Hỷ Giác Chi, 5- Ðịnh Giác Chi, 6- Xả Giác Chi, 7- Trạch Pháp Giác Chi). Tứ Như Ý Túc (1- Dục Như Ý Túc, 2- Tinh Tấn Như Ý Túc, 3- Ðịnh Như Ý Túc, 4- Tuệ Như Ý Túc).
Ba nơi xuất phát luật nhân quả (ĐạoĐức.2) 1. Ý thức. 2. Miệng. 3. Thân.
Ba thiện hành (PhậtDạy.2) (CầnBiết.4) là ba nơi làm điều lành, đó là 1- Thân Thiện Hành, 2- Khẩu Thiện Hành, 3- Ý Thiện Hành.
Ba thiện hạnh (TrợĐạo) Ba hành động thiện trong thân của mọi người như: 1- Nói lời êm dịu, nhẹ nhàng, ôn tồn nhã nhặn, thường nói lời ái ngữ khiến cho người nghe không buồn khổ, không tức giận được an vui và hạnh phúc. Không được nói lời hung dữ, không được nạt nộ người khác, không được mắng chửi người khác, không được nói lời thô tục, tục tĩu, không được chửi thề, không được xỉa xói vào mặt người khác, không được đánh đập người khác. 2- Làm những điều thiện tức làm mọi việc không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. 3- Suy nghĩ những điều thiện tức là nghĩ ngợi những điều không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Khi thân hành, khẩu hành và ý hành không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì tâm sẽ bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Muốn tâm được bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì trên thân quán thân xem xét thân hành, khẩu hành và ý hành. Ba Thiện Hạnh tức là ý hành thiện, khẩu hành thiện, thân hành thiện (Tứ Chánh Cần). Tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ trên thân quán thân mà không thực hiện Ba Thiện Hạnh thì không bao giờ chứng được trạng thái Tứ Niệm Xứ, cũng như tu tập Ba Thiện Hạnh mà các căn không chế ngự tức là không Độc Cư thì Ba Thiện Hạnh không thành công có nghĩa là không bao giờ diệt hết ác pháp.
Ban ngày (ThờiKhóaTu) là buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Trong thời Đức Phật, nói ban ngày tu tập tức là nói buổi chiều vì đọc lại toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy, thấy buổi sáng Ðức Phật và chúng tỳ kheo khi chưa đến giờ đi khất thực thì hay đến thăm những vị Bà La Môn.
Bát Bộ Thiên Long (Đường Về.7) Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật đã xác định Bát Bộ Thiên Long là tưởng tri, chớ không phải liễu tri. Vậy Bát Bộ chẳng phải là thế giới trời, người, quỷ, thần do tín ngưỡng Ấn Ðộ đã xây dựng từ xưa trước khi có đạo Phật, gồm có: 1- Thiên Chúng gồm sáu cõi trời dục giới, bốn trời tứ thiền sắc giới, bốn trời vô sắc giới. 2- Long Chúng (rồng) gồm có tám vị Long Vương. 3- Dạ Xoa là những quỷ thần. 4- Càn Thát Bà là thần âm nhạc ở cõi trời Ðế Thích. 5- A Tu La là thần quả báo thích đánh nhau. 6- Ca Lâu La là Thần kim xí điểu. 7- Khẩn Na La là giống thần đầu người thường ca hát ở cõi trời Ðế Thích. 8- Ma Hầu La Già là thần rắn, thần mãng xà.
Bát Chánh Ðạo (PhậtDạy.1) (PhậtDạy.2) (PhậtDạy.4) (TrợĐạo) (ĐườngRiêng) (ĐườngVề.2) (CữSĩTu) là chân lý của loài người, là ÐẠO ÐẾ - một chân lý trong bốn chân lý của Ðạo Phật -, là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả của con người để con người trở thành những bậc A La Hán (vô lậu) hoàn toàn. Bát Chánh Ðạo là một chương trình giáo dục đào tạo bất di bất dịch của những pháp môn tu tập giải thoát thật sự, làm chủ sanh,già, bệnh, chết. Bát Chánh Ðạo là chương trình giáo dục đào tạo những người có đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, là phương pháp triển khai cuộc sống trên thế gian trở thành cảnh giới Thiên Ðàng, Cực Lạc. Nhờ đó, chúng ta đạt đến mục đích tối hậu, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Bát Chánh Ðạo là chương trình giáo dục đào tạo, chỉ dạy cho ta có một cuộc sống chánh hạnh, đó là đức hạnh làm Người, làm Thánh. Bát Chánh Đạo gồm có: tám lớp học: 1- Chánh Kiến; 2- Chánh Tư Duy; 3- Chánh Ngữ; 4- Chánh Nghiệp; 5- Chánh Mạng; 6- Chánh Tinh Tấn; 7- Chánh Niệm; 8- Chánh Định. Trong giáo pháp và giới luật nào không có Bát Chánh Ðạo là không có đệ tử của Phật.
Bát quái đồ trận (TâmThư.2) là một trận đồ do các tướng của Trung Quốc ngày xưa lập ra để ngăn ngừa giặc xâm chiếm thành trì. Bát quái trận gồm có tám cửa vào: 1- Càn; 2- Khảm; 3- Cấn; 4- Chấn; 5- Tốn; 6- Ly; 7- Khôn; 8- Đoài.
Bát tà đạo (12Duyên) là tám con đường tà: 1-Tà kiến, 2-Tà tư duy, 3-Tà ngữ, 4-Tà nghiệp, 5-Tà mạng, 6-Tà tinh tấn, 7-Tà niệm, 8-Tà định. “Chư Tỳ Kheo, con đường nguy hiểm chỉ là con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”.(Kinh Song Tầm).
Bà La Môn (PhậtDạy.1) có 4 hạng: 1- Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. 2- Bà La Môn cúng bái tế tự, cầu siêu, cầu an, làm những điều mê tín, v.v… 3- Bà La Môn xây dựng thế giới tâm linh, sống trong ảo tưởng, mơ mộng hư ảo; lừa đảo, lường gạt người để được ngồi trong mát ăn bát vàng. 4- Bà La Môn chuyên tu tập luyện thần thông trừ tà, yểm quỷ, bắt ma trị bệnh bằng phù phép tạo ra một thế giới siêu hình huyền ảo khiến cho con người mất hết sức tự chủ, chỉ còn biết tựa nương vào Thần Thánh cứu khổ cứu nạn. Ngày đức Phật còn tại thế không bao giờ chấp nhận những hạng Ba La Môn này, cho những tu sĩ đó là Ma Ba Tuần.