Skip directly to content

030-PHẬT GIÁO CÒN HAY MẤT? - Phi Mạnh

Lời BBT/GNCN,
          Thưa quý vị độc giả, sự nghiệp hộ trì và xiển dương Chánh Pháp của đức Phật Thích-ca vô cùng khó khăn gian khổ. Hơn hai mươi thế kỷ qua, giáo pháp của đức Thế Tôn bị vùi lấp bởi các thế lực ngoại đạo ra sức xuyên tạc, thêm bớt để lừa đảo tín đồ nhằm mưu cầu thỏa mãn dục lợi. Vì vậy, ngày nay Phật giáo tuy vẫn còn "Danh Phật Giáo", nhưng nội dung căn bản giáo lý Phật thì không còn nữa.
          Do niềm tin quá sâu dày vào rừng kinh điển đã truyền tải mấy ngàn năm, người Phật tử không dễ buông bỏ được. Trái lại, khi giáo lý Chân Chánh được đức Trưởng Lão gây dựng lại đã gặp phải những thế lực ngoại đạo phỉ báng, chống đối kịch liệt.
          Tuy vậy, với sự kiên trì điềm tĩnh và chung sức nhiệt tình của những người con chân chánh của Phật, chúng ta tin rằng nhất định PHẬT GIÁO, NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ CỦA XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI sẽ được tưới tẩm ngày càng nẩy lộc xanh tươi.
          Chúng ta hãy cùng chung tay HỘ TRÌ và XIỂN DƯƠNG CHÁNH PHÁP do Trưởng lão Thích Thông Lạc gây dựng lại... 
         Nay chúng tôi giới thiệu bài viết của tác giả Phi Mạnh (nguồn www.trunghocduytan.com) là xuất phát từ những ước nguyện lớn lao: PHẬT GIÁO CHÂN CHÁNH ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI.
          Rất mong quý độc giả cùng chung tay góp sức HỘ TRÌ, BẢO VỆ CHÁNH PHÁP. 


PHẬT GIÁO CÒN HAY MẤT?

Dựa vào đâu chúng ta có thể xác định Phật giáo còn hay mất?

Trước khi đức Phật nhập diệt, Ngài đã để lại di ngôn cho chúng ta rồi: “Các con hãy lấy Giới Luật của ta làm Thầy, làm chổ nương tựa; Giới luật còn là Phật giáo còn, Giới luật mất thì Phật giáo mất”. Nghĩa là ở đâu có người giữ gìn Giới luật thì ở đó có Phật giáo, ở đâu không có người giữ gìn Giới luật, ở đó không có Phật giáo.

Chỉ cần một lời di chúc này đã đủ để cho chúng ta biết:

1- Phật giáo còn hay mất.

2- Đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo. Ở đâu có giới luật, ở đó có chánh đạo; ở đâu có không giữ gìn giới luật, ở đó có tà đạo. Dù là môn phái pháp môn nào Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông, Thiền Đông Độ, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Nguyên Thủy, v.v… ở đâu giữ gìn giới luật, ở đó Phật Giáo còn.

3- Xác định ở đâu là thời chánh pháp, ở đâu là thời mạt pháp.

4- Đâu là pháp của Phật, đâu là tà pháp. Người không giữ gìn giới luật thì những lời dạy, sách viết đều là do tưởng tri mà ra, tưởng tri có được là do tu tập không giữ gìn giới luật, bị rơi vào tưởng định, phát sinh tưởng tuệ, tưởng mình là thông suốt kinh điển lời Phật, tưởng mình đã chứng đạo nên viết sách dạy người khác, tự xưng là Phật, là Phật tổ, là Tổ sư, là giáo chủ rồi lập ra giáo phái môn phái mới, v.v… dạy những điều mê tín dị đoan, nói những điều tiên tri về Phật quá khứ, tương lai, nói về thế giới siêu hình tưởng có thế giới này thế giới nọ sau khi chết, biến Phật giáo thành chia năm xẻ bảy, v.v…

5- Giúp đã thông và giải quyết những tư tưởng của người thời đại luôn đặt nặng vấn đề phân biệt môn phái: Đại Thừa, Tiểu Thừa, Mật Tông, Tịnh Độ, Thiền Tông, Thiền Đông Độ, Nguyên Thủy,v.v… Ở đâu có giới luật ở đó có Phật giáo, ở đâu không có giới luật thì dù cho tên tuổi gì, nhãn mác gì, quần áo màu gì, đầu có cạo trọc hay không, thuộc môn phái Phật nào cũng không phải là Phật giáo.

Chính sau khi đức Phật chứng đạo, Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ Giới Luật, Chính nhờ giới luật mà Ngài đã tu chứng đạo. Bởi vậy Giới Luật là Thầy của chúng ta.

Chúng ta đã bỏ qua và quá xem thường giới luật, xem giới luật giống như những điều cấm kỵ hay pháp luật, nhưng thực chất ra chính giới luật là những đức hạnh đạo đức cao quý tuyệt vời giúp cho con người sống biết thương yêu nhau.

Nếu chỉ có giới luật làm thầy thì:

- Làm gì trong chùa có Thần Thánh, ông Phật này, bà thánh nọ để mọi người vào cúng bái, cầu khẩn biến Phật giáo thành một tôn giáo đa thần.

- Trong chùa không có ông thần thánh nào mà chỉ có những lời dạy đạo đức thì đâu cần đốt nhang, xem săm, bói quẻ, coi ngày lành tháng tốt, cúng sao giải hạn,…

- Đâu cần xây chùa to làm gì, vì xây để cho ai nếu không còn ông thần thánh hay bà chúa nào trong đó. Có cần hội họp, giảng dạy hay thuyết pháp gì thì ngồi ngoài sân cũng được, ngồi ngoài sân càng mát chứ sao.

- Trong chùa chỉ cần xây những ngôi nhà nhỏ như các thất để người đệ tử Phật giáo vào đó sống đời sống độc cư đức hạnh buông xả, ly dục ly ác pháp cho sạch.

- Đâu cần hao tài tốn của của đàn na thí chủ cúng dường xây chùa cao cửa rộng, xây tượng, đúc chuông, hồ ao, danh lam thắng cảnh…

- Ngày nay đâu có rừng kinh sách về Phật giáo, chỉ cần có giữ gìn 10 giới sa di, hành thập thiện, ngũ giới thôi cũng đủ rồi.

- Ngày nay trong chùa đâu có thần thánh hóa tôn thờ các vị Phật, Phật A di Đà, Phật tổ sư, Phật tương lai Di Lạc. Bởi vì dù ai đi chăng nữa cũng phải sống đúng giới luật. Giới luật là tiêu chuẩn xác định thực tế người tu theo đạo Phật, còn có ông Phật nào đó xuất hiện cũng đâu giúp cho con người tu thoát khổ được, làm sao những ông Phật đó giúp cho con người chứng đạo được, chỉ phải mỗi người tự mình đốt đuốc lên mà đi.

- Chúng ta không bị lừa bởi các ông Phật ra đời, vì mấy ổng biết không giúp cho con người chứng đạo được cho nên đệ tử của mấy ổng sáng chế ra có thế giới sau khi chết, nếu tu đời này chưa chứng đạo thì sau khi chết sẽ tiếp tục vào thế giới của những ông Phật đó tu tiếp. Bị lừa kiểu này vậy mà vẫn để bị lừa. Đúng là đủ mọi mánh khóe.

- Đâu cần tụng kinh gõ mõ, ngồi thiền, niệm thần chú, luyện công án, tranh luận hơn thua, v.v… chỉ cần sống độc cư, ngồi chơi tự nhiên như người bình thường xả tâm, buông xả mọi tâm niệm dục và ác pháp là đủ rồi.

- Con người không còn tin vào thế giới siêu hình vì mỗi người đã sống có đạo đức đức hạnh rồi thì họ quan tâm đến thế giới siêu hình có hay không để làm gì, cuộc sống của họ đã hạnh phúc ngay tại thế gian này rồi, đây là thiên đàng rồi thì mơ tưởng đến thế giới vô hình để làm gì. Chỉ những người sống không có giới luật đức hạnh mới tin vào thế giới siêu hình, sống trong sợ hãi, mê muội và đầy mê tín, do vậy mới bị người khác lường gạt cần cầu an, cầu siêu cho người chết. Nếu khi còn sống giữ gìn giới luật đức hạnh thì khi chết cần gì cầu an, cầu siêu.

- v.v…

Tóm lại, chỉ cần một lời di chúc của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đủ giải quyết mọi thắc mắc của con người thời đại ngày nay về Phật Giáo. Đã là đệ tử theo Phật giáo chúng ta nên chú trọng về việc sống đời sống đức hạnh, vì chỉ có đời sống đức hạnh mới đem lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình, mọi người và muôn loài vạn vật khác.