Skip directly to content

110-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (1). TL Thích Thông Lạc

1- Tu tập chuyên một pháp là ức chế               Chơn Như ngày 31 tháng 5 năm 2000

Hỏi: Kính thưa Thầy. Trong kinh “Kẻ Lọc Vàng” (Tăng Chi I trang 465) đức Phật dạy: “Tỳ-kheo siêng tu tăng thượng tâm cần phải tác ý ba tướng: tướng định, tướng tinh cần và tướng xả.”

1- Tướng định, tướng tinh cần và tướng xả là gì?

2- Tại sao cũng trong kinh, khi một chiều tác ý tướng định thì tâm sẽ bị thụ động, một chiều tác ý tướng tinh cần thì tâm sẽ bị trạo cử, một chiều tác ý tướng xả thì tâm sẽ không có chân chánh định tỉnh để đoạn diệt lậu hoặc. Do đó chỉ thỉnh thoảng tác ý ba tướng trên mà thôi?

Đáp: Tướng định là tâm bất động, thân bất động. Tướng tinh cần là sự siêng năng cần mẫn, tinh tấn ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp (thân hành niệm). Tướng xả là tư duy quán xét để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm (Định Vô Lậu).

Nếu hằng ngày chuyên tu riêng một tướng trong ba tướng này thì không có kết quả giải thoát. Tại sao vậy?

Nếu chuyên về tọa thiền (tướng Định), giữ thân tâm bất động thì sẽ rơi vào tướng thụ động tiêu cực. Ý đức Phật muốn nói hành giả tu hành khi tâm vô niệm, vô trụ, vô chứng thì trở thành gốc cây, cục đá (ức chế tâm trong một pháp).

Nếu chuyên tu về tướng Tinh Cần ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện thì sẽ rơi vào trạo cử, ý đức Phật muốn nói nếu chuyên tu chỉ có pháp Tứ Chánh Cần thì thân tâm mệt nhọc sanh ra bần thần, hôn trầm, lười biếng, buồn phiền, bất an v.v…

Nếu chuyên tu về tướng Xả tức là dùng pháp Như lý tác ý, tác ý liên tục giống như niệm Phật thì tâm không định tỉnh.

Thầy cho một ví dụ thì mới nhận rõ được cách thức tu hành trong ba tướng này: Hiện giờ chúng ta đang tu Định Niệm Hơi Thở. Tu Định Niệm Hơi Thở như thế nào?

Bắt đầu tu Định Niệm Hơi Thở thì tìm nơi vắng vẻ yên lặng, ngồi kiết già lưng thẳng, tập trung tâm chú ý vào hơi thở tại nhân trung “Tôi thở tôi biết tôi đang thở.” Thỉnh thoảng rồi lại nhắc một lần như vậy, nếu tâm đã đi vào định tỉnh thì không cần phải hướng tâm câu pháp hướng: “Tôi thở tôi biết tôi đang thở” nữa mà phải hướng tâm một câu khác. Như câu: “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở vô.” “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở ra.

Khi đang tu như vậy có một niệm khởi vào thì chúng ta đem niệm đó ra tư duy, mổ xẻ, quán xét, cuối cùng chúng ta thấu rõ nó thuộc về lậu hoặc nào. Khi thấu rõ thì chúng ta đã đẩy lui nó ra khỏi tâm, lúc bấy giờ tâm trở lại định tỉnh và tiếp tục tu tập trở lại.

Như vậy cách thức tu Định Niệm Hơi Thở trên đây chúng ta thấy rất rõ là chúng ta không chuyên tu một tướng nào cả, chỉ thỉnh thoảng tu tướng này, thỉnh thoảng tu tướng kia. Do đó trong một thời tu chúng ta đã tu ba tướng rõ ràng như:

            1- Nương vào hơi thở là tu tướng định.
            2- Dùng pháp hướng tâm như lý tác ý là tu tướng xả.
            3- Quán xét đẩy lui chướng ngại pháp là tu tướng tinh cần.

2- Giới bất tử 

Hỏi: Trong kinh “Anuruddha” (Tăng Chi 1, trang 515) ngài Sàriputta có nhắc ngài Anuruddha không nên kiêu mạn, trạo cử, hối quá mà hãy chú tâm vào “giới bất tử.” Vậy giới bất tử là gì? Làm sao để chú tâm, thưa Thầy?

Đáp: Giới bất tử là bất động tâm định, là tâm định trên thân, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự v.v… Muốn chú tâm vào đó thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm nghiêm trì giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả. Tóm lại muốn chú tâm vào giới bất tử thì phải tu và sống đúng Bát Chánh đạo. Giới bất tử là Bát Chánh đạo.

3- Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong kinh Tăng Chi tập I, đức Phật dạy về “Định” để thắng trí, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, sân, si, phẫn nộ, hận… phóng dật thì cần phải tu tập ba pháp:

              1- Không Định tức là định ức chế tâm.
              2- Vô Tướng Định (xả năm chi của Sơ Thiền và không có ba tướng lậu hoặc).
              3- Vô Nguyện Định (trạng thái không có ước nguyện một điều gì)
              Không Định, Vô Tướng Định và Vô Nguyện Định là gì?

Đáp: Không Định tức là Không Vô Biên Xứ Định, một trong bốn loại định của tưởng. Người mới tu tập phải tập định tưởng ức chế tâm này cho bớt vọng niệm để tâm được tỉnh thức rồi mới tu tập các pháp môn khác.

Vô Tướng Định còn gọi là Bất Động Tâm Định, một loại thiền định không có ba tướng lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Vô Tướng Tâm Định là một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp nhưng không có năm chi tướng của Sơ Thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Vô Tướng Tâm Định tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Vô Nguyện Định là một trạng thái im lặng như Thánh, an trú như Thánh, bất động như Thánh.

4- Có ba duyên

Hỏi: Kính bạch Thầy, theo “Đại Kinh Phương Quảng” Trung Bộ Kinh tập 1 trang 650 dạy: “Có ba duyên để chứng nhập Vô Tướng Tâm Giải Thoát:

            1- Không tác ý nhất thiết tướng.
            2- Tác ý Vô Tướng Giới.
            3- Một sự sửa soạn trước.”
            Kính thưa Thầy:
            1- Vô Tướng Tâm Giải Thoát có phải là Sơ Thiền không?
            2- Thế nào là không tác ý nhất thiết tướng?
            3- Thế nào là một sự sửa soạn trước? Một sự sửa soạn trước có phải là Thất Giác Chi không?

Đáp: Vô Tướng Tâm Giải Thoát không phải là Sơ Thiền, vì Sơ Thiền còn có năm chi tướng thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Vì Sơ thiền còn ở trong trạng thái cõi trời Sơ Thiền (Sơ Thiền Thiên)

Vô tướng tâm giải thoát là Vô Tướng Tâm Định, là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, đó là mục đích cứu cánh của Phật giáo

Không tác ý nhất thiết tướng có nghĩa là không sử dụng pháp hướng tâm, tức là không khởi một niệm nào trong đầu, im lặng như Thánh. Đó là tướng bất động của Vô tướng tâm định. Không tác ý nhất thiết tướng có nghĩa là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ

Một sự sửa soạn trước tức là tu tập Bát Chánh Đạo. Tu tập Bát Chánh Đạo là tu tập theo chương trình giáo dục đào tạo có tám lớp (Bát Chánh Đạo), ba cấp (Giới, Định, Tuệ). Trước tiên phải tu học lớp Chánh kiến rồi đến lớp Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp v.v...

Một sự sửa soạn trước tức là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi có nghĩa là chọn pháp mà tu tập. Trong Phật giáo chọn pháp để tu tập thì chỉ có chọn chương trình giáo dục Bát Chánh Đạo tu tập thì đúng nhất. Trong đạo Phật không có pháp môn nào đúng ngoài Bát Chánh Đạo, chỉ có Bát Chánh Đạo mới chính là con đường tu học của Phật giáo chân chánh, còn ngoài ra tất cả các pháp khác đều của ngoại đạo.

Cho nên đức Phật dạy: “Một sự sửa soạn trước” tức là chọn lấy pháp cho đúng của Phật, cho nên Bát Chánh Đạo là pháp chân chánh của Phật vì nó là một sự thật trong bốn sự thật đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển khai ngộ cho năm anh em Kiều Trần Như. Một sự sửa soạn trước là sự chuẩn bị cho con đường tu tập, tức là nghiên cứu kỹ lưỡng.

5- Đa chủng, Nhất chủng

Hỏi: Kính thưa Thầy, theo kinh Potaliya Trung Bộ tập 2 trang 62 dạy: “Sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhất chủng, y cứ nhất chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn.”

Thế nào là xả thuộc đa chủng, xả thuộc nhất chủng?

Đáp: Trước khi muốn xả đa chủng hay là nhất chủng thì chúng ta phải hiểu rõ đa chủng nghĩa là gì? Và nhất chủng nghĩa là gì?

              Đa chủng là lòng tham muốn mọi thứ, thấy cái gì cũng tham muốn còn gọi là dục chủng tử.
              Nhất chủng chỉ cho lòng dục của con người, nguồn gốc sanh ra muôn vạn thứ ham muốn.

Trong kinh Potaliya đức Phật dạy: “Thập thất kiết sử, ngũ triền cái là đa chủng, lòng dục của con người là nhất chủng.

Đức Phật ví dụ: chim kên kên, chim diều hâu là nhất chủng, miếng thịt là đa chủng, người cầm bó đuốc là nhất chủng, cây đuốc là đa chủng, hố than là đa chủng, người kia là nhất chủng v.v… Muốn xả đa chủng thì phải y cứ vào đa chủng mà xả.

Ví dụ: mắt thấy sắc thì y cứ nơi sắc mà xả, nghĩa là đừng cho mắt dính sắc. Muốn xả nhất chủng thì phải y cứ vào nhất chủng mà xả, ví dụ: mắt thấy sắc thì phải y cứ nơi mắt mà phòng hộ mắt.

Dục dù nhất chủng hay đa chủng cũng đều là khổ đau, là tai họa, vì thế cần phải đoạn trừ, viễn ly, từ bỏ, xa lánh v.v… thì mới mong thoát khổ, thì mới mong làm chủ và ra khỏi nhà sanh tử.

6- Tứ thiền vẫn còn phiền trược

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong kinh Panlacanda Tăng Chi IV trang 213 có đoạn: chứng và trú Thiền Thứ Tư vẫn còn triền phược, đó là sắc tưởng. Vậy sắc tưởng đã bị diệt sao ở đây vẫn còn?

Đáp: Con nên lưu ý: Sơ Thiền tuy ly dục ly ác pháp, tâm luôn bất động trước các pháp và các cảm thọ nhưng vẫn còn năm chi thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm nên còn tướng, nhất là tầm tứ. Vì vậy trong kinh Tăng Chi còn gọi là triền phược, triền phược ở đây là gốc lậu hoặc còn chưa diệt. Sơ thiền chỉ ly chứ chưa có diệt nên kinh gọi còn triền phược là rất đúng. Trạng thái Sơ thiền là một trạng thái của Trời Sơ Thiền (Sơ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Nhị Thiền mới diệt tầm tứ, diệt tầm tứ chỉ mới ngưng được ý thức nói riêng, nói chung là mới ngưng sáu thức, vì thế tưởng thức còn nên kinh nói nhập Nhị Thiền còn triền phược là đúng. Bởi vì thân nghiệp còn và trạng thái Nhị Thiền là trạng thái của Trời Nhị Thiền (Nhị Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tam Thiền thì mới ly hỷ tưởng chứ chưa có diệt tưởng và lạc tưởng cũng còn chưa ly nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Trạng thái Tam Thiền là trạng thái của Trời Tam Thiền (Tam Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, xả lạc tưởng, khổ tưởng và thanh tịnh tưởng. Ở đây chỉ xả tưởng chứ chưa diệt tưởng. Vì thế nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Vì trạng thái Tứ Thiền là trạng thái của Trời Tứ Thiền (Tứ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược.

Khi nhập xong Tứ Thiền chúng ta mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết chứ chưa chấm dứt được tái sanh luân hồi vì nguyên nhân tái sanh luân hồi còn nên Tứ Thiền vẫn còn triền phược. Tại Tứ Thiền có hai ngả:

1- Đi về hướng Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định thì lúc ấy tưởng thức mới diệt được, nhưng đến đây lại rơi vào chỗ không còn pháp (phi pháp môn). Người tu nhập định này cũng giống như cục đá, nói cách khác tu về hướng này thân ngũ uẩn trở thành đá.

Kinh Tăng Chi dạy: “Chứng đạt và an trú Diệt thọ Tưởng Định. Sau khi thấy với trí tuệ các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn.” (trang 217)

2- Ngả đi về Tam Minh, khi Lậu Tận Minh đạt được thì lậu hoặc đã được diệt sạch, ngả này chứng và trú vào Niết Bàn tức là nhập vào Vô Tướng Tâm Định. Ngả tu tập này không biến thân ngũ uẩn thành đá và sống đúng ý nghĩa làm lợi ích cho chúng sanh dù còn một tấc hơi.

Đi ngả Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định, ngả này không làm lợi ích cho chúng sanh vì thế các nhà Đại Thừa gọi ngã này tu tập tiêu nha bại chủng, chồi khô, mộng lép v.v...

Tóm lại, trên đường tu hành để đến nơi đến chốn giải thoát thì phải chọn một Minh Sư đã đi nốt quãng đường này thì mới đủ kinh nghiệm hướng dẫn.

7- Sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong kinh Phật thường nhắc nhở các tỳ-kheo “phải thật sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt”. Có phải ý Phật muốn nói đến 100 giới chúng học không?

Đáp: Không riêng 100 giới chúng học mà còn tất cả các ác pháp. Đối với đạo Phật một lời nói, một hành động, một ý nghĩ làm khổ mình, khổ người là những lỗi nhỏ nhặt.

Lời nói không ái ngữ và những hành động thô tháo, thiếu tỉnh giác là phạm vào các lỗi nhỏ nhặt. Phạm vào các lỗi nhỏ nhặt thì con đường tu tập theo Phật giáo rất khó chứng đạt chân lý.

8- Một trăm giới chúng học

              Hỏi: Kính bạch Thầy, con hiểu pháp môn tu tập giới (chúng học) dưới hai khía cạnh:
             1- Huân tập trưởng dưỡng những hành vi đạo đức làm người;
             2- Giải thoát khỏi tập quán (nghiệp) thú vật.
             Thưa Thầy con hiểu như vậy đã đúng và đầy đủ chưa?

Đáp: Con hiểu được hai phần, còn phần thứ ba con chưa hiểu.

Phần thứ nhất là phần tu học giới luật và sống đúng với giới luật tức là thực hiện đạo đức làm người.

Phần thứ hai vi tế hơn, đó là thói quen ác pháp, phần này rất khó diệt trừ, phần này là phần thiền định. Phần thiền định là phần ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền.

Phần thứ ba là phần thực hiện Tam Minh tức là ba minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.

9- Tưởng ánh sáng

Hỏi: Kính bạch Thầy, thế nào là dùng tưởng ánh sáng để đối trị hôn trầm thùy miên?

Đáp: Tưởng là một năng lực siêu hình có một sức mạnh vĩ đại, nhưng tưởng thì phải tưởng đúng sự thật là có lợi ích rất lớn, tưởng không đúng sự thật sẽ là một tai hại cho mình cho người.

Ví dụ: Ánh sáng là có thật nên tưởng ánh sáng là tưởng thật. Linh hồn là không thật có nên tưởng linh hồn là tưởng không thật. Thân người khi chết để lâu ngày sẽ sình hôi thối là thật có nhưng hiện giờ không có thân người chết sình hôi thối, nhưng ngồi quán tưởng thân người sình hôi thối là tưởng thật.

Cho nên quán tưởng ánh sáng để phá hôn trầm thùy miên là quán tưởng đúng thật. Đợi có hôn trầm thùy miên mà quán tưởng ánh sáng thì quá muộn.

Như chúng ta ai cũng biết tướng trạng của si là hôn trầm thùy miên, nếu không phá được hôn trầm thùy miên thì không bao giờ có tỉnh giác, mà không tỉnh giác thì không bao giờ có chánh niệm. Chúng ta hãy đọc lại đoạn kinh Tăng Chi tập 4 trang 44:

Khi chánh niệm tỉnh giác không có, này các tỳ-kheo, với người không có chánh niệm tỉnh giác thì tàm quý đi đến hủy diệt. Khi tàm quý không có, này các tỳ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đền hủy diệt. Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với người thiếu tri kiến như thật không có, nhàm chán ly tham đi đến hủy diệt. Khi nhàm chán ly tham không có, với người thiếu nhàm chán ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt…

Này các tỳ-kheo, khi chánh niệm tỉnh giác có mặt, với người đầy đủ chánh niệm tỉnh giác… giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.

Đọc trong đoạn kinh này chúng ta thấy sự phá hôn trầm thùy miên là một điều quan trọng hết sức trong vấn đề tu tập để đi đến giải thoát của đạo Phật. Không phải đợi có hôn trầm, thùy miên mới dùng quán tưởng ánh sáng. Chúng ta nên biết rằng trong ta đang có sẵn các tướng tham, sân, si, nếu hằng ngày không dùng quán tưởng ánh sáng mà tu tập khi thùy miên hôn trầm đến thì không thể nào đương đầu với chúng nổi.

Pháp quán tưởng ánh sáng là pháp phòng ngừa, pháp thủ chứ không phải pháp công phá, cho nên nó không thể dùng công phá thùy miên, hôn trầm được.

Xưa đức Phật dạy công phá hôn trầm thùy miên bằng cách đi kinh hành, ngày nay Thầy dạy phá hôn trầm thùy miên bằng cách kết hợp đi kinh hành và ngồi thở năm hơi rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước. Cứ tu tập như vậy sẽ đẩy lui hôn trầm thùy miên.