012-ĐẠO PHẬT GIẢN DỊ - Nhật Minh lược trích
I- ĐẠO PHẬT LÀ NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ (1)
Đạo Phật (2) có mặt trên hành tinh từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Đến ngày nay đạo Phật vẫn chỉ có một, nhưng Phật giáo lại có quá nhiều.
Phật giáo (3) thì huyền diệu, vĩ đại và cao siêu nên con người chỉ ngưỡng trông thèm muốn chứ không thể nào với tới.
Đạo Phật do đức Thích Ca Mâu Ni hoằng dương là đạo giản dị, khiêm nhường mà trong mỗi con người ai ai cũng sẵn và đều có thể thực hiện được. Đó là Đạo Đức Con Người, một nền Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả rất cần thết như khí trời, nước ưống, cơm ăn, áo mặc hàng ngày.
“Đạo đức giản dị không bắt ai phải phục vụ cho một giai cấp nào, cho một chế độ nào hay cho một hệ thống tư tưởng nào.
Đạo đức giản dị là một thứ đạo đức bình đẳng luôn luôn phục vụ cho sự sống của muôn loài trên hành tinh này; không phân biệt màu da thứ tóc, không phân biệt chủng tộc, Tổ quốc, quê hương hay một đất nước riêng biệt nào cả.
Đạo đức giản dị dạy con người không những biết yêu thương con người và còn biết yêu thương các loài động vật cho đến các loài cỏ cây.
Đạo đức giản dị sẽ mang đến cho muôn loài một sự bình an.
Tại sao lại gọi là đạo đức Nhân Bản? Vì hành động (có đạo đức hay vô đạo đức) do thân, miệng, ý của con người tạo ra, tự con người thực hiện tác thành nên gọi là nhân bản, tức là những hành động từ gốc nơi thân người.
Tại sao lại gọi là Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả? Vì mỗi hành động (có đạo đức hay vô đạo đức) do thân, miệng, ý của con người khởi ra là Nhân, thì tiếp ngay đó liền có sự thọ vui hay thọ khổ, đó là Quả.
Ví dụ: Khi chúng ta mở miệng mắng chửi người: “Thằng khốn nạn”, nói như vậy là Nhân. Người bị mắng chửi như vậy sẽ tức giận là Quả, khi tức giận như vậy người ta sẽ mắng chửi lại hoặc đánh chúng ta, hành động này là Nhân, chúng ta bị chửi mắng lại hay bị đánh là Quả, đó là thọ chịu sự đau khổ. Nếu chúng ta không nói lời thô ác đó thì Nhân không có nên Quả cũng không.
Đạo đức nhân bản – nhân quả là nói lên những hành động của con người không làm khổ mình, khổ người. Hành động không làm khổ mình, khổ người là những hành động sống hàng ngày của con người đối xử với nhau, nó rộng rãi bao la và vô lượng vô biên không thể nghĩ lường, không thể nói hết được.
Muốn chấm dứt những sự đau khổ của con người trên hành tinh này thì không có phương cách nào tốt hơn những hành động đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người. Những hành động ấy phải là những hành động của chính mình thì mới có thể đem lại hạnh phúc chân thật cho mình, cho người.
Một người không có đạo đức nhân bản - nhân quả thì họ phải chịu đầy dẫy sự khổ đau, dù họ là vua chúa, quan to, chức lớn, hoặc những nhà tỷ phú giàu nhất trên thế giới hoặc những nhà bác học, bác sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, thi sĩ, v.v... Tất cả đều phải chịu chung số phận đau khổ, bất an, bất toại nguyện, v.v...
Một người nghèo cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng nếu họ sống có đạo đức nhân bản - nhân quả thì họ cũng vẫn thấy an vui, thanh thản không ai có thể làm họ phiền lòng được, dù trong cảnh nghèo cực.
Do vậy một người muốn đi tìm chân hạnh phúc thì phải tìm ngay nơi mình để biết sống trong đạo đức nhân bản - nhân quả. Sống biết cách không làm khổ mình khổ người thì ngay đó là chân hạnh phúc của cuộc đời. Bởi vậy đạo đức nhân bản - nhân quả rất quan trọng cho cuộc sống của con người trên hành tinh này”.
II- LỜI THƯƠNG TA NHỦ CÙNG NHAU
Gửi nhân loại yêu thương!
“Do không quan tâm đến đạo đức nhân bản – nhân quả nên chiến tranh thế giới lúc nào cũng có, biết bao nhiêu sinh mạng con người chết một cách oan uổng trong lằn tên bom đạn của chiến tranh.
Do không quan tâm đến đạo đức nhân bản – nhân quả nên thời tiết không giúp loài người, cho nên mưa không thuận, gió không hòa, thường xảy ra hạn hán, lũ lụt, động đất, thiên tai, hỏa hoạn, khiến biết bao nhiêu người sống màn trời chiếu đất, chết một cách đau đớn và oan uổng.
Do không quan tâm đến đạo đức nhân bản – nhân quả mà loài người phải chịu nhiều tai ương hoạn họa, bệnh tật nan y không thuốc thang trị dứt, nhất là các căn bệnh thời đại.
Do không quan tâm đến đạo đức nhân bản – nhân quả mà thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nóng lạnh, mưa nắng, gió bão thất thường. Tương lai cuộc sống của loài người như đã đi gần đến mé hố thẳm mà không hề ai hay biết.
Ngay bây giờ nếu mỗi người không thức tỉnh, cứ nghĩ tưởng rằng khoa học sẽ giải quyết mọi mặt cho cuộc sống loài người thì điều này là một tai họa.
Hỡi loài người nên nhớ: Khoa học không có đạo đức là khoa học tiêu diệt loài người, tôn giáo mà không khoa học là tôn giáo mê tín tạo thần quyền lừa đảo con người”.
Loài người hãy ý thức và trách nhiệm với mọi hành động của chính mình."
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Chú thích của người lược trích:
(1) Đạo đức Nhân bản – Nhân quả tức là nói đạo đức của con người. Con người hành động là (Nhân) và kết quả của hành động là (Quả). Nếu hành động thiện sẽ tạo ra quả Hạnh phúc, nếu hành động bất thiện sẽ tạo ra quả Khổ đau.
(2) Đạo Phật, tức giáo lý chỉ dạy pháp hành (Con đường) do đức Phật Thích Ca và các vị đại đệ tử của Ngài thuyết giảng để mọi người thực hành (khi Ngài còn sinh thời), cũng hiểu là Phật giáo Nguyên Thủy.
(3) Phật giáo, tức giáo lý của các nhà Phật học (những người tu chưa chứng đạo) giảng thuyết sau khi đức Phật và các đại đệ tử của Ngài nhập diệt, còn gọi là Phật giáo phát triển.
Đạo Phật và Phật giáo thoạt nghe thì tưởng như là một, nhưng thực tế lại khác nhau căn bản (do học giả đời sau hoặc cố ý, hoặc vô tình làm sai lệch): Đạo Hành (Hành Giả - đạo Phật) và Đạo Học (Học Giả hay nhà Phật học – Phật giáo). Đạo Hành thì giản dị mà Đạo Học lại quá cao siêu, chúng ta nên thận trọng để tránh nhầm lẫn.