46- TRÍ VÔ SƯ TỪ VĂN - TƯ - TU. Thư Minh Trí
Cập nhật ngày : 13.12.2013 | |||
Thưa quý phật tử và độc giả, Sau khi giới thiệu bài giảng về “Sáu nẻo luân hồi” của cư sĩ TTT có rất nhiều vấn đề, chúng tôi nhận được tài liệu của độc giả LTV, liên quan đến “Trí tuệ vô sư – kiến giải văn, tư, tu” của cư sĩ Minh Trí trong thư gửi Trưởng Lão Thích Thông Lạc ngày 18/10/2012. Đã biết sau đó ít ngày, (24 và 25/10/2012) Minh Trí mở “Diễn đàn Tam Vô lậu học” nhằm giới thiệu khả năng làm chủ được “3 sự khổ” và muốn dạy mọi người theo pháp tu của mình (MT đã trình bày trong thư): “Ngày nay, hầu hết những người gặp được chánh pháp do Thầy dựng lại đều đi theo con đường “khó chứng” này chớ không theo con đường Bát Chánh Đạo. Nhưng họ cũng không biết phải làm sao để có được quyết tâm và nghị lực phi thường như Phật ngày xưa và như Thầy để vượt qua được, để ly dục hoàn toàn trong khi ôm pháp môn ức chế đó. Nếu họ đi đúng con đường Bát Chánh Đạo, triển khai được Tư Tuệ thì họ đâu có dại gì chạy vào tu viện để sống ức chế trong khi tâm còn đầy rẫy tà kiến...” Trước khi giới thiệu bức thư của Minh Trí, chúng tôi xin trích một ý kiến của thành viên diễn đàn để quý vị suy ngẫm và thận trọng tìm hiểu: [minhtriqb này, tôi rất thất vọng vì sự hiểu biết Phật pháp của bạn. Lời bạn viết vô cùng kiêu ngạo kèm chút “hỗn xược, khi dể” mọi người: “Dù trong cảnh thuận duyên hay nghịch duyên, chỉ cần quý vị thành tâm muốn thoát khổ và biết cúi đầu đảnh lễ cầu pháp, Ta vẫn luôn hoan hỷ mở rộng vòng tay đón những "đứa con lầm lạc" trở về trong một ngày không xa, để rồi dẫn dắt chúng đi trên lộ trình trở về xứ Phật. Đến đây, Ta tạm ngưng Diễn đàn này, tạm biết quý vị!” (Diễn đàn Tam Vô lậu) Lời này không xứng là của một người Phật tử, thế mà bạn dám xưng làm chủ được 3 cái sự khổ của đời người. Một kiểu “Bán trời không văn tự”. Giá bạn yêu cầu mọi người phải thưa bạn là “Thế Tôn” hay “Như Lai” thì thật là trọn ý cầu mong của bạn. Bạn biết “tạm ngưng diễn đàn này”, tôi lấy làm hoan hỷ lắm. Sơ cơ như tôi, thấy bạn quảng bá siêu tuyệt, tôi mong cầu thưa hỏi mà bạn chẳng có gì để cho. Rất tiếc! Hỡi quý độc giả, hãy thận trọng với những lời của Minh Trí (minhtriqb), những lời khá nguy hiểm chỉ cốt cầu mong danh thôi chứ thực là “rỗng tuếch” chẳng có gì.] Quý vị xem thêm tại diễn đàn theo các đường dẫn sau: http://giotnangchonnhu.org/forum/viewtopic.php?f=21&t=12 (24/10/2012). http://giotnangchonnhu.org/forum/viewtopic.php?f=20&t=13 (25/10/2012). DƯỚI ĐÂY LÀ NGUYÊN VĂN TÀI LIỆU do độc giả LTV gửi đến. (Thư của cư sĩ Minh Trí gửi Trưởng Lão ngày 18/10/2012. Những chỗ bôi màu là những đoạn Minh Trí để lộ bản thân không có tri kiến, lời nói tự mâu thuẫn lẫn nhau, đặc biệt là những chỗ gạch chân). NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH THÔNG LẠC! Kính bạch Thầy! Con có bức thư này muốn gửi đến Thầy mà cứ lần hồi cân nhắc mãi, nay con tranh thủ thời gian trong những lúc rảnh rỗi để đánh máy lại và gửi đến Thầy. Đây không phải là bức tâm thư, cũng không phải là thư thưa hỏi về việc tu tập, nếu gọi đây là một lời thỉnh cầu hoặc chỉ là sự gieo duyên của con thì đúng hơn. Con kính mong thầy dành một ít thì giờ quý báu để đọc lời thỉnh cầu của con được chứ ạ? Kính bạch Thầy! Lần cuối cùng con được gặp thầy là ngày 07/12/2011 (dương lịch), khi đó Thầy dạy con mấy điều ngắn gọn như sau: 1- Con phải giữ cho được ĐẶC TƯỚNG của mình; Cuối cùng Thầy động viên con: “Hãy ráng lên con!”. Con biết rất rõ lời động viên này Thầy dành cho con cũng như dành cho bao người khác có duyên được gặp Thầy, nhưng lúc đó vì lòng thành thật nên con có thưa lại rằng: “thưa thầy, con không ráng, không cố gắng, sức con bao nhiêu con vác bấy nhiêu, chừng nào giải thoát hoàn toàn thì nó sẽ giải thoát”, và Thầy đã thuận theo con về điểm này. Tại sao con lại có thể thưa lại với Thầy như vậy? Vì con biết rõ tu theo đạo Phật tức là không có dụng công, không có tu tập cái gì hết thì làm gì mà phải “ráng”, phải cố gắng. Con biết rõ tu theo đạo Phật là có giải thoát ngay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc, có tu là có chứng, xả tâm được chỗ nào thì giải thoát được chỗ đó, xả sạch hoàn toàn thì giải thoát hoàn toàn, chớ có tu tập cái gì đâu?! Nhưng những điều này con không nói suông, mà nói bằng sự giải thoát của mình! Vậy con giải thoát thế nào? Hai chữ “xả tâm” mà thầy dạy, bấy lâu nay người ta cứ hiểu trên văn tự, chữ nghĩa vì thế nên tâm không xả được, hoặc cũng chỉ là hình thức... Con không hiểu như họ! Vậy con hiểu thế nào? Xả tâm là xả cái gì? TÂM tức là những tâm niệm thiện, ác hoặc không thiện không ác; + Niệm thiện là những niệm khi khởi lên dẫn đến hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Niệm thiện thuộc về chánh kiến nên phải được huân tập, tăng trưởng để làm căn bản cho việc triển khai trí tuệ giải thoát (trí vô sư, tư tuệ). + Niệm ác và niệm tào lao thuộc về tà kiến (vô minh, tưởng tri, tưởng tuệ, văn tuệ, trí phàm phu hay là hiểu biết thế gian) chính là những niệm phải được xả sạch. Bởi những tâm niệm này khi khởi lên nó dẫn chúng ta đến hành động chạy theo dục và do vậy làm khổ mình, hoặc khổ người hoặc khổ cả hai. Khi những tâm niệm này khởi lên thì gọi đó là vọng tưởng. Người phàm phu luôn sống trong tưởng tri nên luôn bị nhân quả chi phối và khổ đau. Người thoát ra khỏi tưởng tri thường sống trong chánh tri kiến (tri kiến giải thoát, chánh niệm, thắng tri, liễu tri) nên thoát khổ. Vậy xả tâm tức là thoát ra khỏi tưởng tri cũng tức là tiến đến sống trong chánh niệm, nhưng thoát ra khỏi tưởng tri (vô minh) để sống trong chánh niệm (minh) bằng cách nào đây? Đó chính là phải biết triển khai cho được TƯ TUỆ (trí Vô Sư). Ở lời dạy đầu tiên, Thầy dạy con phải giữ cho được ĐẶC TƯỚNG của mình, lúc đó con hiểu Thầy dạy con rằng, khi đã đạt được trí Vô Sư thì hãy tinh tấn hơn nữa để thoát ra khỏi tưởng tri để thẳng tiến trên con đường giải thoát và đạt được MINH hoàn toàn. Còn việc con có được trí Vô Sư như thế nào thì không thể một lời mà nói hết được, đây không chỉ đơn giản là sự huân tập chánh kiến, trau dồi tu tập và triển khai ra... mà còn có sự huân tập, tu tập từ trong quá khứ. Sau này, nếu có đủ nhân duyên, con sẽ nói rõ hơn cách thức để đạt được tư tuệ, điều này không khó, nhưng cần có thời gian và sự siêng năng tinh cần... Trong lời dạy thứ 2: “Con phải giữ cho được lời ƯỚC NGUYỆN của mình về việc sau này độ chúng”. Vậy tại sao con lại có ước nguyện này? Khi mới gặp chánh pháp và tu tập, lúc đó con chỉ với mục đích giải thoát cho mình khỏi 4 nỗi khổ đau của kiếp người. Nhưng trong quá trình tu tập xả tâm, triển khai tri kiến, Triển khai LÒNG YÊU THƯƠNG ĐA HƯỚNG và tu tập TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, khi biết rõ mình đã có TỪ TÂM, BI TÂM (chưa vô lượng) cũng là lúc ước nguyện độ chúng phát khởi lên trong con. Mặt khác, khi đã dần thoát ra khỏi vô minh con nhận thấy chúng sanh chìm sâu trong đêm tối vô minh nên không thể nào hiểu nổi lời Phật dạy, lời Thầy dạy nên không xả tâm được mà ngược lại còn ôm thêm vào, chạy theo pháp môn tu tập ức chế... rất tội nghiệp. Trong lời dạy thứ 3: “Giờ đây con không cần thưa hỏi gì cả và hãy vào thất đi con, khi con có đủ nội lực thì những người có nhân duyên sẽ tìm đến để nhờ con giúp đỡ”. Với lời dạy đó, con biết rõ mình đã không còn chướng ngại pháp trên Pháp nên con cũng đã nói với Thầy rằng: “Thưa Thầy, từ nay con sẽ không làm phiền thầy nữa”. Nhưng tại sao bây giờ con không làm theo lời dạy thứ 3 này của Thầy mà lại còn ngồi đây viết thư, mục đích của lá thư này là gì? Kính bạch Thầy! Thầy dạy con tu xong rồi mới dạy đạo cũng chưa muộn, nhưng Thầy cũng dạy con phải biết GIEO DUYÊN NHÂN QUẢ ĐỂ LÀM VIỆC THIỆN. Mặt khác Phật có dạy pháp “XÔNG KHÓI” mà Thầy đã triển khai ở trong phần TRI KIẾN GIẢI THOÁT THỨ 5, và điều quan trọng là con luôn sống tự nhiên, tu tập xả tâm một cách tự nhiên với một TÂM TỰ NHIÊN thì việc viết bức thư này cũng không nằm ngoài sự tự nhiên đó, hay cũng chính là con đang thuận theo nhân quả của con để gieo nhân duyên này ngõ hầu có thể góp được chút công đức nào cho việc giúp đỡ những người có duyên với chánh pháp để họ có thể đi được đúng trên con đường BÁT CHÁNH ĐẠO thay vì lặp lại con đường mà Phật đã đi hoặc Thầy đã đi trong lúc còn đang tu. Đi theo con đường Bát Chánh Đạo thì tu hành không có khó khăn, không có mệt nhọc... còn đi theo con đường mà Phật hoặc Thầy đã tu thì khó chứng, bởi không phải ai cũng đủ phước duyên như Phật hoặc Thầy để mà có thể vượt qua cho đến khi ly dục hoàn toàn để rồi có đủ phước vô lậu và đi đến giải thoát hoàn toàn. Do đó Phật đã dạy: “... Phật đã chỉ con đường/Ai không theo khó chứng”. Ngày nay, hầu hết những người gặp được chánh pháp do Thầy dựng lại đều đi theo con đường “khó chứng” này chớ không theo con đường Bát Chánh Đạo. Nhưng họ cũng không biết phải làm sao để có được quyết tâm và nghị lực phi thường như Phật ngày xưa và như Thầy để vượt qua được, để ly dục hoàn toàn trong khi ôm pháp môn ức chế đó. Nếu họ đi đúng con đường Bát Chánh Đạo, triển khai được Tư Tuệ thì họ đâu có dại gì chạy vào tu viện để sống ức chế trong khi tâm còn đầy rẫy tà kiến... Họ sống ngoài đời, tu tập xả tâm, buông sạch các pháp thế gian xuống... khi tâm đã ở trên thân rồi (trên tứ niệm xứ) thì sống ở đâu, tu ở đâu mà chẳng giải thoát? Đâu cứ phải vào tu viện, được gần Thầy thì mới chứng đạo hay sao?! Về phần con, con nghĩ con có đủ phước duyên gặp lại con đường Bát Chánh Đạo và con đi trên lộ trình này, nên việc tu tập xả tâm không có khó khăn, không có mệt nhọc sau khi con đã triển khai được trí Vô Sư. Những hiểu biết của con có được hiện nay về con đường giải thoát, về những gì Phật dạy, Thầy dạy không do đọc sách, nghe băng... mà do từ chỗ không biết gì cả, cứ làm theo lời dạy và thoát khổ chỗ này, chỗ kia, dần niềm tin tăng trưởng, rồi lại tiếp tục làm theo lời dạy để nhắm vào những khổ đau trong thân tâm và đẩy lui những chướng ngại pháp ở những chỗ ấy. Nhờ những tháng ngày như vậy mà con thấy trí tuệ nhạy bén, dần dần nhạy bén đến độ ngạc nhiên và rồi có những hiểu biết về con đường giải thoát mà con biết rõ ngay cả khi chưa đọc những lời Phật dạy, Thầy dạy, đến khi gặp và đọc được thì những lời dạy đó của Phật hoặc của Thầy hoàn toàn đúng như sự giải thoát con đã đạt được! Đó là thời điểm của 2 năm về trước. Sau hai năm kể từ ngày con triển khai được tư tuệ, với một đời sống luôn luôn đẩy lui chướng ngại pháp trên 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp ở trên tứ chánh cần, thân tâm con luôn thanh thản, an lạc và vô sự. Với hai năm ấy, thiện pháp tăng trưởng thế nào con biết, nghiệp ác dần chuyển thế nào con biết, duyên nợ nhân quả dần đi đến hết thế nào con biết, Tưởng tri dần ít xen vào tâm con con biết, Tâm con dần dần thanh tịnh thế nào con biết, Tâm con gần Phật, gần Thầy thế nào con biết, Thân con thanh tịnh thế nào, mức độ nào con biết (gà hôi mùi gà, chó hôi mùi chó... người phàm phu hôi thế nào chắc ai cũng biết, người có thân hoàn toàn thanh tịnh thì không có mùi gì hết). Con biết rõ thế nào là Thân và Tâm cùng một trạng thái MÁT LẠNH (lúc ở trong chánh niệm, không có tà niệm xen vào), con biết rõ trạng thái Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là như thế nào và con luôn sống với chân lý ấy, dù cho con còn chưa đoạn tận lậu hoặc, tưởng tri vẫn cứ xen vô nhưng con đẩy lui ra liền. Việc cứ sống tự nhiên như vậy, có tu tập gì đâu mà THAM, SÂN, SI dần dần muội lược và không kịp xem vào tâm để lý luận gì hết, do vậy con thoát khổ. Cũng vì vậy mà con ít ngủ một cách tự nhiên, thậm chí không ngủ vài ngày cũng bình thường mà chẳng cần tu tập pháp môn nào cả, bởi vì tà niệm về ngủ con xả sạch, không khởi lên sai bảo con phải đi ngủ nữa. Đến nay con đã có thể bắt đầu sống với thời khóa tu tập thời đức Phật rồi Thầy ạ. Tức là tâm luôn luôn trên tứ niệm xứ rồi, là giai đoạn đầu của tứ niệm xứ. Chặng đường giải thoát còn đang ở phía trước, nhưng con không thấy vội, “Rồi bình sẽ tràn đầy” hoặc như lời Phật dạy: “Như gà mẹ khéo ấp
Trứng không bị thối hư Dầu không khởi mong ước Gà con vẫn chui ra” Việc con viết thư này là thỉnh cầu Thầy xem có thể tạo nhân duyên gì để con có thể góp chút công sức ngõ hầu giúp những người có duyên với chánh pháp có thể hiểu đúng những lời Phật dạy, Thầy dạy bằng Ý THỨC chứ không phải bằng TƯỞNG TRI. Phật và Thầy là những Bậc tu hành đã giải thoát nên sống trong chánh trí, những lời dạy của Người đều là chánh kiến, nhưng vì dạy chúng sanh (sống trong tưởng tri) nên phải mượn ngôn ngữ của con người để dạy, nhưng chúng sanh lại hiểu những lời dạy này bằng tưởng tri nên hiểu sai và hành sai, chính vì lẽ đó mà Phật dạy: “Được thân người là khó! … Hiểu được chánh pháp còn khó hơn rất nhiều!” và vì như vậy nên Phật dạy: “Những gì ta nói ra mà các ngươi bằng Ý THỨC không hiểu được là ta có nói láo trong đó”. Như vậy, ở đây Phật dạy phật tử phải biết dùng Ý THỨC để hiểu những lời dạy, từ chỗ thấy lời dạy đúng thì làm theo, làm theo có giải thoát thì mới tin. Còn mọi người thì không làm được như vậy, mà dùng tưởng tri để hiểu để rồi hiểu sai và huân tập thành Văn Tuệ nên không thể làm đúng lời Phật dạy thì làm sao thoát khổ được?! Vậy Ý THỨC ở đây là gì? Chính là 6 thức khi căn trần tiếp xúc, hay là Phật dạy chúng ta phải biết quan sát trong môi trường sống và những gì đã và đang diễn ra trong đời sống, trong xã hội tự nhiên... để xem Phật dạy có đúng không? Nếu thấy đúng thì tin, tin để làm theo lời dạy đó thì sẽ có thoát khổ. Khi thoát khổ rồi thì niềm tin mới trọn vẹn. Việc quan sát này nếu kết hợp với sự suy tư với người đã được huân tập chánh tri kiến hoặc được nghe nhiều do thân cận bậc thiện hữu tri thức thì cũng chính là tu định vô lậu. Nếu người nào đã có Tư Tuệ thì sẽ đạt giải thoát ngay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Để không mất nhiều thời gian của Thầy con chỉ viết ngắn gọn như vậy. Nếu có đủ nhân duyên và có thể nói thẳng ra những sự thật mà trước đây Thầy chưa tiện nói thì con sẽ nói để cho những người hữu duyên khỏi lầm lạc. Trong mức độ hiểu biết của con, có điều gì khi con viết ra còn sơ sót, kính mong Thầy hoan hỷ cho con. Cuối cùng con kính mong Thầy hoan hỷ và xem xét về những gì con đã viết trong thư và con cũng mong tâm nguyện của mình có thể đem lại lợi ích cho mình cho người. Kính thư! |