Skip directly to content

37- NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG (1) - Song luận cùng Dalai Lama - Viên Hạnh

Cập nhật ngày : 17.12.2012    

Lời BBT/GNCN

Đức Đạt-lai Lạt-ma của Phật giáo Tây Tạng là một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới Phật giáo. Tiếng nói của Ngài được xem là “có thẩm quyền” về Phật pháp. Nhiều Phật tử, bao gồm cả những tu sĩ trong các Tông phái Đại thừa đã lấy lời giáo huấn của Ngài làm kim chỉ nam trong đời sống tu học của mình…

Tuy nhiên, những lời giáo huấn ấy so với lời dạy nguyên thủy của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni còn có một khoảng cách khá lớn, đôi khi mâu thuẫn. Quý Phật tử nào có nghiên cứu và tu học Giáo pháp Nguyên thủy được Đức Phật dạy trong kinh tạng Nikaya đều có thể thấy được điều này...

GNCN kính giới thiệu đến quý độc giả lời “song luận” của tác giả Viên Hạnh với Đức Đạt-lai Lạt-ma trong loạt bài “Nói về Phật giáo ứng dụng” được viết dưới dạng vấn đáp, do Tuệ Uyển chuyển ngữ đăng trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Dĩ nhiên lời “song luận” của Viên Hạnh chỉ ở mức tương đối. Rất mong quý độc giả đọc và bổ khuyết thêm…  

NỘI DUNG VẤN ĐÁP

HỎI: Tại sao đức Phật Thích Ca đã im lặng một tuần lễ sau khi Ngài đã trở nên giác ngộ?

Dalai Lama: Có một câu chuyện của đức Phật đã duy trì sự im lặng và không thuyết giáo trong bảy tuần. Đức Phật, theo kinh điển, đã nói rằng, "Ta đã tìm ra một giáo huấn, một con đường thậm thâm, hòa bình, và tự do khỏi mọi tạo tác, vô vi. Ta đã tìm thấy một giáo huấn như cam lồ. Nhưng nếu ta cố gắng để giải thích và giáo hóa người khác, không ai có thể thấu hiểu. Thế nên, ta sẽ tiếp tục im lặng và ngơi nghỉ trong rừng". Vào lúc ấy, không có phương tiện truyền thông nên không có ai có thể tuyên cáo sự giác ngộ của đức Phật. Vì vậy, sau sự giác ngộ của Ngài, có một sự trì hoãn dài. Dần dần, ngày càng nhiều người trở nên nhận thức rằng đức Phật Thích Ca có một loại kinh nghiệm đặc biệt nào đấy. Sau đó một số người đã bắt đầu tiếp nhận giáo huấn từ Ngài và hỏi đạo với Ngài.

Viên Hạnh: Không ai có thể trả lời được câu hỏi này một cách chính xác, ngoại trừ những bậc Alahán chứng Tam Minh vượt thoát khỏi vòng luân hồi như đức Phật.

Sau khi chứng Tam Minh, trí tuệ siêu việt vượt không gian và thời gian, đức Phật nhận biết thế giới và vạn pháp trong vũ trụ như thật. Trí tuệ siêu phàm với giáo lý thậm thâm đi ngược dòng sông vô minh ái dục của con người. Do vậy không dễ gì khi nói ra sẽ được người đời có thể chấp nhận. Trái lại, còn bị mọi thế lực đang tôn thờ những giáo lý khác đương thời sẽ nhạo cười, phỉ báng… Do vậy, sau khi chứng đạo, đức Phật đã im lặng nhiều tuần lễ chưa truyền trao kinh nghiệm tu tập con đường giải thoát cho ai cả.

… “Suy nghĩ sau đây phát sanh đến Ngài: “Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được Giáo pháp. Không cần phải phổ biến Giáo pháp ngay lúc này. Người còn mang nặng tham ái và sân hận không dễ gì thấu triệt. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, tham ái bao phủ như đám mây mờ đen kịt. Giáo pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức, rất tế nhị, đi ngược dòng tham ái nên thật khó chấp nhận”. Nghĩ như vậy Đức Phật quyết định chưa truyền bá Giáo pháp.” (Nãrada - Đức Phật và Phật pháp).  

Thật là may mắn, duyên phước của chúng sanh vẫn còn ít nhiều nên ngày nay chúng ta mới có giáo lý của Phật để học tập và tu hành. Đức Phật (và các bậc Alahán) ra đời là một lợi ích lớn cho chúng sanh. Các Ngài luôn tự biết những việc gì mình nên làm và không nên làm, khi nào cần ở lại và lúc nào nên ẩn bóng. Với lòng từ bi xót thương chúng sanh vô hạn, đức Phật đã truyền bá giáo pháp, dù biết rằng không được nhiều người đón nhận.

HỎI: Ngài có thể diễn tả thức một cách đầy đủ không?

Dalai Lama: Cách duy nhất để biết thức một cách đầy đủ là qua trải nghiệm. Đôi khi tôi dùng một phương pháp đặc thù. Tôi chỉ cố gắng ở trong trạng thái "Vô niệm" của tâm và rồi thì, cuối cùng có một loại cảm nhận trống không nào đấy. Nếu chúng ta ở đấy, cuối cùng chúng ta sẽ kinh nghiệm hoàn toàn sự trong sáng và thanh tịnh. Từ thể trạng của trong sáng và thanh tịnh ấy, chúng ta có thể cũng đi xuyên qua những kinh nghiệm và hiện tướng khác nhau. Do vậy, loại bản chất thuần khiết và trong sáng này của tâm chỉ có thể được thấu hiểu qua sự thực tập lập đi lập lại và liên tục của thiền quán. Nó là điều gì đấy mà không thể đơn giản giải thích trong ngôn từ.

Viên Hạnh: Ở đây chúng ta muốn “diễn tả thức” là loại thức nào? Thức có 3 loại: Sắc Thức, Tưởng Thức và Thức Thức.

Sắc Thức bao gồm: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, và Ý Thức của con người. Diễn tả các thức này bằng sự Nhìn, Nghe, Ngửi, Nếm, Xúc, Nghĩ nhờ sáu căn Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Thân và Ý thì ai cũng “thức” hằng ngày. Nhưng vì Vô Minh nên những “thức” này là thức điên đảo Tâm, điên đảo Kiến, điên đảo Tình…

Tưởng Thức được xuất phát từ Tưởng Ấm (vùng não Tưởng) của con người. Diễn tả của Tưởng Thức biểu hiện qua giấc mơ khi ngủ, hoặc khi mơ màng qua những cơn say quay cuồng trong ảo giác do ý thức bị mất. Vì con người Vô Minh nên “thức” này là thức điên đảo Tưởng.  

Thức Thức được xuất phát từ Thức Ấm (vùng não Thức) của con người. Diễn tả của Thức Thức biểu hiện bẳng sự tịnh chỉ hơi thở, ngưng nghỉ các hành trong thân. Lúc đó là lúc hành giả nhập Thiền thứ tư, hướng tâm vào Tam Minh đoạn tận các lậu hoặc vi tế, chấm dứt tái sanh luân hồi. Đó là thức chân thật của người tu hành đúng pháp. Thuật ngữ hành giả thiền chân chánh của đạo Phật diễn tả là: Vượt Qua Các Ấm trong khi tịnh chỉ (dừng) các hành trong tâm và thân.

Tịnh chỉ Ngôn Ngữ nhập Sơ Thiền (Ly dục ly bất thiện pháp).

Tịnh chỉ Tầm Tứ nhập Nhị Thiền (Vượt Sắc ấm).

Tịnh chỉ Tưởng Thức nhập Tam Thiền (Vượt Tưởng Ấm).

Tịnh chỉ hơi thở, xả các thọ, nhập Tứ Thiền (Vượt Thức Ấm).

“Diễn tả Thức” một cách đầy đủ là như vậy. Nếu muốn biết cụ thể chi tiết hơn, hành giả hãy tự mình đến để mà thấy, người khác không thấy hộ được, đức Phật đã dạy rõ như thế (học giả thì không bao giờ có thể thấy). Nếu có ai diễn tả thức bằng trạng thái “Vô niệm”, sự trống không, trong sáng, thanh tịnh… hay mọi hiện tướng khác nhau nào đấy thì là Ma Tưởng điên đảo.

HỎI: Có phải nguyên nhân trọng yếu là một với nghiệp nhân? Chúng ta phá vỡ vòng nghiệp báo như thế nào?

Dalai Lama: Ngoại trừ quý vị có thể làm chấm dứt si mê, mà nó là mắt xích đầu tiên của Mười hai nhân duyên, bằng không thì chúng ta không thể làm chấm dứt nghiệp báo. Ngay cả một chúng sinh chứng đạo như một vị A la hán (một bậc hoàn toàn phá tan mọi cảm xúc phiền não), dư nghiệp vẫn còn. Trong phạm vi này, Thích Lượng Luận, đã nói rằng một người đã vượt quá vòng luân hồi, một người đã vượt khỏi những thèm khát và dục vọng trong cõi luân hồi, một người như vậy có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đây là bởi vì một người như vậy đã làm tiêu tan tất cả những cảm xúc phiền não. Một khi chúng ta đã hoàn tất điều ấy, không có nguyên nhân đầu tiên cho việc tích tụ những hành vi nhiễm ô.

Viên Hạnh: Câu hỏi “có phải nguyên nhân trọng yếu là một với nghiệp nhân?” nên chăng phải hỏi lại cho rõ: “Có phải nhân quả nghiệp báo là nguyên nhân trọng yếu trói buộc con người mãi trôi lăn trong biển khổ sinh tử?”.  

Đúng vậy, con người do vô minh đã tạo tác nên Nghiệp xuất phát từ 3 nơi hành động: Thân, Miệng, Ý. Nghiệp thiện ác là nguyên nhân trọng yếu lôi kéo, cột chặt con người trôi lăn trong bể khổ luân hồi sinh tử.  

Chúng ta phá vỡ vòng nghiệp báo như thế nào?

Vòng nghiệp báo tức 12 nhân duyên đã hiện bày đầy đủ thế giới khổ đau của con người. Mười hai nhân duyên là sợi xích cột chặt con người trong biển sinh tử. Muốn phá vỡ vòng nghiệp báo tức phải phá nát sợi xích 12 nhân duyên này. Chỉ cần 01 trong 12 mắt xích bị phá vỡ thì toàn bộ dây xích tan rã và con người được giải thoát.

Phá vỡ xích 12 nhân duyên bằng cách nào?

Trong 12 duyên (cửa giải thoát khỏi nhà sinh tử) có 04 duyên (cửa) xung yếu có thể phá vỡ được.

1- Duyên (cửa) Vô Minh phá bằng Tri kiến Giải thoát. Muốn có vũ khí Tri kiến giải thoát phải thân cận bậc thiện tri thức để học giáo lý: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, 37 phẩm Trợ đạo…

2- Duyên (cửa) Lục Nhập phá bằng pháp Độc cư (phòng hộ sáu căn không cho dính mắc sáu trần).

3- Duyên (cửa) Thọ phá vỡ bằng pháp tu tập Định niệm Hơi thở.  

4- Duyên (cửa) Sanh phá vỡ bằng xuất gia sống một đời sống buông xả cho thật sạch, thiểu dục tri túc, một bát, ba y, ngày xin ăn một bữa…   

Một hành giả thuần thành dưới sự hướng dẫn của bậc thiện tri thức, không ngừng tinh tấn, phối hợp tấn công bốn cửa (4 duyên) xung yếu này để phá vỡ vòng nghiệp báo sẽ giải thoát hoàn toàn khỏi nhà sinh tử.

HỎI: Có thể đạt đến giác ngộ trong thân thể người nữ không?

Dalai Lama: Ô, chắc chắn. Có một số khác biệt. Cũng có một số diễn dịch khác tùy theo những trường phái tư tưởng Phật giáo, kể cả Du Già Mật giáo (Yoga Tantra) và kinh Thừa Hiển Giáo. Nguyên tắc đầu tiên của việc giác ngộ luôn luôn phải là trên căn bản của một chúng sinh nam giới chứ không phải một nữ nhân. Tuy nhiên, theo hệ thống Phật giáo vô thượng, Đại Mật Điển Tantra Yoga Tối Thượng, ngay cả những nữ nhân cũng có thể trở nên giác ngộ. Do vậy, dĩ nhiên, chúng ta lưu ý điều ấy như một giải thích tối hậu hay sau cùng.

Viên Hạnh: Người nữ hoàn toàn tu tập chứng đạt giác ngộ như nam giới.

Quan điểm nhìn nhận của Phật giáo Nguyên thủy khác với Phật giáo Tây Tạng. Con người hình thành bởi nghiệp nhân và duyên hợp của bốn đại, năm uẩn. Nghiệp quả do hành động của con người thì nam nữ hành động đều giống nhau, có khác nhau ở mỗi người chỉ là thiện hay ác nhiều ít mà thôi. Bốn đại, năm uẩn của nam hay nữ cũng đều có đủ như nhau, sao lại có “nguyên tắc đầu tiên của việc giác ngộ luôn luôn phải là trên căn bản của một chúng sinh nam chứ không phải một nữ nhân.” Điều này không có cơ sở, trái với đạo đức Phật giáo.

Thời đức Phật tại thế, Ngài thu nhận nữ giới tu hành, thành lập Ni đoàn, đã có rất nhiều Ni sư giác ngộ, chứng đạt quả Alahán, tâm vô lậu giải thoát hoàn toàn không thua kém gì nam giới.

HỎI: Nếu không có ngã, cái gì hay ai sẽ đi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác?

Dalai Lama: Khi đạo Phật nói về vô ngã, không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của ngã, nhưng phủ nhận tự ngã như điều gì đấy thường còn và không thay đổi. Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của tự ngã như thế. Đối với đạo Phật, tự ngã chỉ được mệnh danh trên sự tương tục của tâm thức. Tâm thức là không có bắt đầu và kết thúc. Do vậy, tự ngã cũng vô thỉ vô chung. Từ vô thỉ nó đi đến quả Phật. Tự ngã vẫn ở đấy ngay cả ở trình độ Phật quả. Long Thọ nói rằng ngay cả trong đại Niết bàn, tự ngã vẫn ở đấy, đức Phật vẫn ở đấy, và tâm đức Phật cũng vẫn ở đấy.

Viên Hạnh: Giáo pháp Nguyên thủy của đức Phật triệt để đả phá cái ngã hư vọng, giả hợp do nhiều nhân duyên hợp thành. Đức Phật thường dạy người đệ tử quán xét và nhắc tâm: “Đây không phải là ta, không phải là của ta, không phải là bản ngã của ta…” đó là pháp để phá chấp, phá bỏ sự ưu ái dính mắc vào cái thân duyên hợp, bất tịnh, nhơ uế.

Tuy vậy, giáo pháp Nguyên thủy không phủ nhận sự tồn tại của một cái ngã. Vẫn có một cái “ngã” gắn liền với hành nghiệp thiện ác của mỗi người tạo ra. Trải qua quá trình tu tập, Phật giáo Nguyên thủy chấp nhận Vô ngã ác pháp, Hữu ngã thiện pháp.

Nghiệp “ngã” là cái được tích lũy từ hành động của mỗi chúng sanh do vô minh tạo ra, đi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Cho nên đức Phật dạy: “Chúng sanh là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc…”, nghiệp hiện tướng các loài hữu tình.

Câu trả lời ở trên của Dalai Lama là rơi vào siêu hình tưởng khi cho rằng: Tâm thức là không có bắt đầu và kết thúc, tức thường hằng vĩnh cửu, có nghĩa là “chấp thường”… và “tự ngã cũng vô thỉ vô chung. Từ vô thỉ nó đi đến quả Phật. Câu này cũng là một cách nói khác của câu: Chúng sanh đã là Phật từ vô lượng kiếp. Từ vô thỉ nó đã đi đến quả Phật, thế mà giờ đây nó lại trôi lăn trong luân hồi sanh tử? Quý vị suy ngẫm lời đáp của ngài Dalai Lama có phù hợp với lời dạy của đức Phật hay không!

HỎI: Ngài có tin tưởng trong những thiên thần không?

Dalai Lama: Thiên thần có một hình thức khác biệt về đời sống và là một loại tâm linh khác. Chúng tôi thật sự tin tưởng trong những dakini, và nếu dakini cũng được xem là những thiên thần, thì có rất nhiều dakini.

Viên Hạnh: Phật giáo Nguyên thủy không chấp nhận có một thiên thần ngoài con người. Nếu có một điều nào được coi như thiên thần thì phải chắc chắn đó là từ con người. Ví như đức Phật và các bậc Alahán thì không phải thiên thần, nhưng năng lực siêu phàm vượt hơn rất nhiều những “thiên thần ảo tưởng” của thế gian tô vẽ.

Ngoài con người có thể giúp đỡ hay làm hại con người (chánh hay tà – thiện hay ác) thì không có một đấng tối cao, thượng đế, thiên thần… nào khác giúp đỡ hay làm hại con người. Người Phật tử chân chánh không tin có thiên thần.    

HỎI: Điều gì liên kết tâm/thân hay thân/tâm?

Dalai Lama: Trình độ thô của tâm thức. Trình độ thô của tâm thức xuất hiện do bởi thân thể. Nó sẽ không tồn tại nữa khi thân thể ngừng biểu hiện chức năng. Nhưng, tại một trình độ vi tế hơn, một loại tâm khác hay thức khác duy trì. Thí dụ, khi chúng ta đang trong tình trạng thức giấc khỏi giấc ngũ, có một loại trình độ nào đấy của thức, một loại trình độ tâm thể hiện chức năng. Khi chúng ta đang ngủ, cho dù giấc ngủ sâu hay một giấc ngủ với giấc mơ, một trình độ của tâm hay thức vẫn còn thể hiện chức năng.

Xa hơn nữa, trong giấc ngủ sâu, không có mộng, một trình độ tâm thức khác hiện hữu. Khi chúng ta ngất và không thở, nó trở nên vi tế hơn.

Trình độ vi tế nhất của tâm thức xuất hiện khi chúng ta chết. Một khi tim ngừng đập và não bộ ngừng thể hiện chức năng, sau đó trình độ vi tế nhất của tâm thức hoàn toàn biểu hiện. Sự biểu thị của điều này là những cá nhân nào đấy được tuyên bố là đã chết lâm sàng, tuy thế thân thể của họ không phân hủy và vẫn tươi nhuận. Trong vài trường hợp, thân thể duy trì như thế trong hai đến ba tuần. Chúng tôi tin tưởng rằng tâm thức vi tế vẫn còn ở đấy trong thân thể và do bởi điều này, thân thể không bị phân hủy.

Do vậy, có nhiều trình độ của tâm thức. Một số lệ thuộc nặng nề vào thân thể trong khi những thứ khác lệ thuộc nhiều hơn hay ít hơn.

Viên Hạnh: Điều gì liên kết thân/tâm hay tâm/thân? Trả lời sát với ý của câu hỏi này là: Nghiệp chúng sanh quyết định sự liên kết thân/tâm. Thân (sắc) vật chất, tâm (danh) phi vật chất hợp tạo thành chúng sanh.

Các loài thú do nghiệp ác nên có thân mà không có tâm, chỉ hành theo bản năng vô minh. Có thân mà không có tâm, làm sao liên kết?

Con người do nghiệp hành có thiện có ác, có thân và có tâm. Trong thân có tâm, tâm khởi từ bộ não của con người, tâm quyết định nghiệp hành của con người. “Tâm chủ tâm tạo tác. Tâm dẫn đầu các pháp…”, như vậy ta hiểu Tâm quyết định Nghiệp và Nghiệp liên kết thân với tâm. Ví dụ Tâm thanh tịnh do tạo Nghiệp thanh tịnh, Nghiệp thanh tịnh thì Thân được an lành, và ngược lại. Như thế chẳng đủ chứng minh Nghiệp liên kết thân/tâm sao?

Các bậc thánh vô lậu, tức tâm thanh tịnh hoàn toàn, thân an lạc tịch tịnh. Các ngài không còn tạo nên Nghiệp nữa nên dù có thân hay không còn thân, các ngài vẫn tồn tại với 10 năng lực Như Lai, Bốn Thần Túc siêu phàm. Sự liên kết giữa thân/tâm lúc này chỉ có các ngài tự thấy biết. Phàm phu lạm bàn hóa vọng ngôn.       

HỎI: Điều gì xảy đến sau khi Niết bàn?

Dalai Lama:   Tùy thuộc vào loại Niết bàn nào mà quý vị chứng được. Thí dụ, nếu quý vị đã thực chứng một loại Niết bàn chỉ đơn thuần chấm dứt những cảm xúc phiền não, quý vị vẫn phải đạt đến giác ngộ hay quả Phật.

Viên Hạnh: Trước tiên cần phải hiểu rõ Niết Bàn là gì?

Niết bàn là một trạng thái của tâm đã đoạn tận sạch mọi lậu hoặc, chấm dứt sanh tử luân hồi. Vậy Niết bàn là một trạng thái chứ không phải là một cảnh giới mà từ bao lâu mọi người lầm tưởng có cảnh giới Niết bàn, nơi ước muốn được đi về cảnh ấy.

Người sau khi chứng đạt Niết bàn là người Giác ngộ có đầy đủ Tam Minh, lục thông như đức Phật và các bậc Alahán phạm hạnh viên mãn, không còn phải tu thêm gì nữa.  

Sau khi Niết bàn, các ngài vẫn sống như những người khác nhưng với tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, và lòng từ, bi, hỷ, xả vô lượng, vô biên.

HỎI: Chúng ta vượt thắng thù hận như thế nào?

Dalai Lama: Sự thực tập quan trọng nhất trong sự liên hệ này là suy nghĩ về những bất lợi của tiêu cực hay thù hận. Qua loại phân tích này mà chúng ta có thể thấu hiểu những lợi lạc của việc không tăng cường thù hận. Khi chúng tôi nói về việc chinh phục thù hận, nó có thể được hiểu ở hai trình độ: Thứ nhất, không cho phép một cơ hội để thù hận sinh khởi trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và thứ hai, suy nghĩ về bản chất tàn phá và những kết quả của thù hận.

Bằng việc quán chiếu trong cách này, chúng ta có thể tự vượt xa và không cho phép thù hận sinh khởi trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nhằm để nhổ gốc rễ hay hoàn toàn loại trừ thù hận, chúng ta phải đi vào trong những sự thực tập tâm linh sâu hơn. Một cách chính yếu đây là sự thực tập nhất tâm, cũng còn gọi là "Tịch tĩnh bất động", và đạt đến một tuệ giác nội quán sâu hơn vào trong tính không hay thực tại tối hậu.

Thông thường, tôi hỏi: Những gì là lợi ích của những cảm xúc phiền não này như thù hận và ganh tỵ? Chúng làm tổn hại cho tâm hòa bình của chúng ta. Chúng thật sự là những kẻ thù của chúng ta. Những kẻ thù ngoại tại có khả năng tấn công và tàn phá sự hòa bình của tâm thức trong một cách giới hạn. Những kẻ thù ngoại tại không thể phá hoại sự hòa bình của tâm thức chúng ta, nhưng ngay khi một cảm xúc như thù hận sinh khởi, kẻ thù nội tại này sẽ cướp đi mất niềm an bình của tâm hồn chúng ta.

Cũng thế, những kẻ thù nội tại như vậy làm tổn hại sức khỏe của chúng ta. Thí dụ, ba năm trước đây, tôi đã gặp một nhà khoa học ở New York. Một nhà y khoa đã có một thuyết trình ở đấy ông làm rõ rằng những người thường sử dụng chữ 'tôi", "của tôi",... thì dễ có hiểm họa khổ đau vì một cơn nhồi máu cơ tim. Điều này khá đơn giản.

Khoảnh khắc mà chúng ta nghĩ về chính chúng ta - tôi - chúng ta rất là ích kỷ và hẹp hòi. Phạm vi hoạt động của chúng ta trở nên rất nhỏ. Dưới những hoàn cảnh như vậy, ngay cả những vấn đề nhỏ bé cũng xuất hiện ra to lớn, không thể chịu đựng nổi, và làm phát sinh nhiều lo lắng và băn khoăn hơn. Về mặt khác, thời điểm chúng ta nghĩ về lợi ích của những chúng sinh khác, tâm tư chúng ta tự động rộng mở ra.

Trong sự thực hành Phật giáo, chúng ta nghĩ về vô lượng chúng sinh và những rắc rối cùng khổ đau của họ, không chỉ những khổ đau loại thứ nhất (khổ khổ) và thứ hai (hoại khổ) mà cũng cả loại khổ thứ ba (hành khổ). Do bởi điều này, chúng ta trở nên thấu hiểu và quan tâm hơn và tâm thức chúng ta trở nên rộng rãi bao la.

Thái độ tinh thần và quan điểm của chúng ta làm nên một sự khác biệt lớn lao. Những cảm xúc phiền não làm tổn hại sức khỏe và những cảm xúc tiêu cực này phát triển một cách lớn mạnh năng động trong tâm hồn. Những con người như vậy luôn luôn tạo nên rắc rối bất cứ nơi nào họ đến. Trái lại, nếu chúng ta với tâm tư hòa bình hay tâm hồn từ bi sẽ có nhiều bạn hơn. Bất cứ nơi nào chúng ta đến, sẽ có không khí hòa bình. Ngay cả những thú vật cũng cảm kích điều ấy.

Mục tiêu cuộc sống của chúng ta là để cảm nhận hạnh phúc, vui sướng, toại nguyện, và hòa bình. Nhằm để đạt đến những điều này, lệ thuộc rất nhiều trên thái độ tinh thần của chúng ta hơn là tiền bạc, quyền lực, hay những thứ ngoại tại. Vì thế hãy cố gắng và phân tích những thứ này. Đây là cách tốt nhất để chuyển hóa thái độ tinh thần của chúng ta.

Viên Hạnh: Câu hỏi: chúng ta vượt thắng thù hận như thế nào?

Muốn vượt thắng thù hận trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ về mình và muôn loài đang cùng chung sống trong thế giới của chúng ta. Tiếp đến chúng ta phải hiểu sâu sắc tác hại của sự thù hận đối với bản thân ta và muôn loài ra sao.

Phật giáo Nguyên thủy đã dạy, trong thế giới duyên hợp tạo tác nên muôn loài có một mái nhà chung là môi trường sống trên hành tinh này, tất cả đều là anh em gần gũi có chung nguồn gốc vô minh mà hiện diện. Chúng ta cần phải hiểu thấu đáo về luật nhân quả nghiệp báo, 12 nhân duyên và con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự cho con người.

Hiểu về mình và muôn loài anh em, chúng ta ra sức sống một đời sống không làm khổ mình, khổ người và muôn loài bằng cách thường xuyên thực hành ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, trải lòng từ, bi, hỷ, xả vô lượng đến cùng khắp.

Cao hơn nữa, chúng ta có thể thực hiện thanh lọc thân tâm bằng pháp Tứ Niệm Xứ, tiến sâu vào thiền định tận diệt mọi nguồn gốc tham, sân, si để trở thành người toàn thiện. Người toàn thiện thì không còn chút mảy may thù hận nào. Đó là bậc vô cùng tôn kính của con người và muôn loài.     

HỎI: Nếu chúng ta quan tâm đến gia đình chúng ta hơn những chúng sinh, có phải như vậy là ích kỷ không?

Dalai Lama:  Có hai loại quan tâm. Nếu quý vị chỉ nghĩ về gia đình một cách độc chiếm mà thôi và không quan tâm đến những chúng sinh khác thì đấy là luyến ái hay dính mắc. Nhưng nếu chúng ta thực hành việc quan tâm đến tất cả chúng sinh, gia đình chúng ta cũng trở thành một bộ phận của những chúng sinh này. Cũng thế, chúng ta có thể giao tiếp một cách trực tiếp trên căn bản này khi chúng ta chăm sóc những thành viên trong gia đình. Chúng ta bao gồm ngay cả chúng ta, đúng không?

Điều ấy là cần thiết và tốt đẹp. Trong thực tế, đôi khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta muốn lợi lạc đến tất cả chúng sinh, ngoại trừ hàng xóm của chúng ta. Vì thế chúng ta phải chiến đấu! Việc cầu nguyện chi cho những chúng sinh ở xa xôi là một sai lầm. Khi chúng ta cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, hành động của chúng ta ảnh hưởng, lợi lạc đến những thành viên trong gia đình và láng giềng trước nhất. Vì vậy hãy cầu nguyện cho hàng xóm của chúng ta; chúng ta có thể nói một cách đúng đắn rằng chúng ta đang thật sự thực hành vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Viên Hạnh: Sự quan tâm của chúng ta đối với gia đình mình nhiều hơn những chúng sanh khác, như vậy đúng là ích kỷ. Đó cũng là điều phù hợp với bản chất vô minh của con người còn gắn liền với những trách nhiệm, bổn phận, sự luyến ái dính mắc của cuộc sống do đạo đức nhân thế, tập tục, thói quen và lòng tham ái trói buộc.

Vượt lên trên những ích kỷ tầm thường, bậc thánh nhân trải lòng từ bi yêu thương rộng khắp và bình đẳng quyền lợi đối với mọi người cùng muôn loài. Đó là mục đích của người Phật tử hướng tới và tiến bước theo chân các ngài. Không cầu nguyện, không xin xỏ mà phải tự lực cố gắng bằng chính niềm tin, nội lực và ý chí quyết tâm của mình.

HỎI: Như một giáo viên, tôi có thể dạy học trò của tôi về từ ái và bi mẫn như thế nào?

Dalai Lama:  Qua hành động của quý vị! Qua gương mẫu của quý vị - không chỉ bằng lời nói. Vì vậy quý vị phải nghĩ và phát triển một sự quan tâm chân thành về lợi ích của học trò của quý vị, tương lai lâu dài của chúng. Quý vị có thể giải thích cho học trò của quý vị về giá trị của ý thức ân cần, từ bi, và bao dung. Một nhận thức rất quan trọng là đối thoại, tinh thần của đối thoại, và sự hòa giải bởi vì trong xã hội loài người luôn luôn có xung đột và mâu thuẫn.

Mâu thuẫn tự nó là tốt. Thí dụ, Bốn chân lý cao quý cũng là những sự mâu thuẫn - vì vậy những mâu thuẫn có thể đem đến sự phát triển hơn. Trái lại, mâu thuẫn có thể là tiêu cực và đưa đến xung đột, máu đổ, và đấu tranh. Giáo dục là một phương pháp rất quan trọng để cung cấp kiến thức và sự tỉnh thức cùng với những giá trị của nhân loại.

Viên Hạnh: Từ ái và Bi mẫn, đó là đạo đức làm nên hạnh phúc chung cho cuộc sống con người và muôn loài. Đạo đức con người cũng cần thiết như nước uống và khí trời, nếu thiếu đạo đức, cuộc sống trở nên khô cằn hoang dại, dễ dẫn đến hủy diệt lẫn nhau.

Hiểu biết sâu sắc giá trị của lòng từ ái và bi mẫn, hãy dạy những học trò của mình bắt đầu thực hiện từ ái, bi mẫn ngay khi còn bé thơ. Hãy tích cực tinh cần, tinh tấn sống với lòng từ ái yêu thương con người cùng muôn loài. Sống không làm khổ mình khổ người, cố gắng tạo sự hạnh phúc cho mọi người. Đó là điều cần thực hành hơn là chỉ nói suông.

HỎI: Có phải tính không là giống như vô ngã không?

Dalai Lama: Có lẽ từ ngữ "Tính không" có một ý nghĩa rộng rãi hơn bởi vì khi chúng ta dùng chữ "Vô ngã" nó có thể liên hệ không chỉ vấn đề thiếu vắng sự tồn tại cố hữu (vô tự tính) của một đối tượng nhưng cũng là sự thiếu vắng một thái độ tự yêu mến.  

Viên Hạnh: Tính Không trong khái niệm của Long Thọ xiển dương: “không có, không không, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không một, không nhiều…” là thuyết giáo của người chưa hiểu lý chân thật của vạn vật, vạn pháp. Đức Phật không dạy tính không như vậy.

Hiểu theo lý duyên khởi, vạn pháp vạn vật không tự không mà thành có, cũng không tự có mà thành không. Mỗi vật, mỗi pháp đều do nhiều yếu tố duyên hợp mà thành. Không đơn lẻ, cho nên mỗi vật, mỗi pháp đều không có tự tánh riêng biệt nào nên mới gọi “vô ngã”. Đức Phật dạy: “Vô thường, Khổ, Vô ngã”, đó là ba pháp ấn để con người nương theo tu tập giải thoát khỏi khổ đau sinh tử. Hiểu như vậy để hành, nếu dính chặt là khó thoát.

Đức Phật chỉ dạy Không Tánh với ý nghĩa hoàn toàn khác Tánh Không. Không Tánh là trạng thái của người tu tập đã đoạn tận tham, sân, si, vén lên năm triền cái, dứt sạch thập thất kiết sử, giải thoát hoàn toàn.

Như đã trình bày trên, Tánh Không không phải là Vô ngã. Tánh Không thì mơ hồ không thực, chẳng có ai biết nó cụ thể ra sao. Vô ngã là pháp “phương tiện” để người tu học phá chấp thân. Phật giáo Nguyên thủy chấp nhận hữu ngã thiện pháp, vô ngã ác pháp, thế mới mang lợi ích cho con người.

- - -  - - -  - - -  - - -  - - -

Theo: DALAI LAMA NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG (1)

Tác giả: Dalai Lama.

Tuệ Uyển chuyển ngữ - 2012

              (Nguồn http://www.thuvienhoasen.or/D_1-2_2-125_4-16456_5-50_6-2_17-243_14-1_15-1/)