35- NHẬN ĐỊNH LOẠT BÀI “PHẢN BIỆN” CỦA TOÀN KHÔNG – Vô ngã ác pháp, Hữu ngã thiện pháp – Quảng Hạo
Cập nhật ngày : 06.12.2012 | |||
Lời BBT/GNCN GNCN xin giới thiệu tiếp đến độc giả bài nhận định của tác giả Quảng Hạo, về loạt bài "Phản biện hiện tượng Thích Thông Lạc" của Toàn Không đăng trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Trong bài này, Toàn Không "phản biện" lời dạy của Trưởng Lão về "Vô ngã ác pháp, Hữu ngã thiện pháp". Bằng hiểu biết sai lạc về bốn thiền, với kiến thức góp nhặt từ sách vở của các Thầy Tổ, Toàn Không đã "giảng" bậy rằng: từ thiền thứ tư, hành giả phải lên tiếp 4 định vô sắc của ngoại đạo để nhập Diệt thọ tưởng định, hoặc phải trở về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo tu tiếp mới chứng Vô sanh quả A-la-hán?... Đúng như lời nhận định của tác giả Quảng Hạo: Lấy những lời Tổ dạy trong sách vở của Chư Tổ để “phản biện” lời TL Thích Thông Lạc vốn rút ra từ kinh điển Nguyên thủy Nikaya, hóa ra Toàn Không đã dùng "Tổ pháp" để phản bác "Phật pháp"!..
Dưới đây là “phản biện” số IV của Toàn Không: IV). HT. TTL: Đức Phật dạy: “Tu là phải lìa xa ý muốn của mình”, cái ý muốn của mình là gì? Là Bản Ngã Ác Pháp, Bản Ngã Ác Pháp không ly thì làm sao có Niết Bàn? Vô Ngã Ác Pháp là Niết Bàn, chứ không phải Vô Ngã là Niết Bàn, vì vô ngã cả ác lẫn thiện là cây đá. [trang 41 TCB1] Ðạo Phật chủ trương: lấy thiện diệt ác, lấy đạo đức nhân quả làm cuộc sống của mình không làm khổ mình khổ người, từ chỗ này chúng ta suy ra để thấy Ðạo Phật không mâu thuẩn, vì Ðạo Phật "Vô ngã ác pháp chứ không phải vô ngã thiện pháp". Nếu chúng ta tu hành vô ngã cả thiện pháp và lẫn ác pháp thì hóa ra chúng ta là cây, là đá; cây đá là một loại vô tri vô giác, đó là cái vô ngã của Ðại Thừa, Ðạo Phật không có vô ngã như kiểu đó. (ĐVXP-Tập 8) IV). Phản biện: Căn bản của Đạo Phật là làm lành tránh làm ác, lấy thiện diệt ác, lấy đạo đức nhân quả làm cuộc sống của mình, không làm khổ mình khổ người; đó cũng là tôn chỉ của Phật Giáo Bắc truyền chứ chẳng phải riêng của Nguyên Thủy Nam truyền… Nhận định của Quảng Hạo: Ngay từ câu đầu tiên của bài 01, Toàn Không đã nhầm tưởng HT TTH đang dạy pháp “Tiểu thừa”, nên Toàn Không đã thay bằng một tên gọi khác: “Nguyên thủy Nam truyền” để “tránh bớt sự miệt thị”!? … Trong “phản biện” này, Toàn Không lại tiếp tục nhầm lẫn ngớ ngẩn đến buồn cười: “Đạo đức Nhân bản Nhân quả” mà HT TTL đang xiển dương “chẳng phải riêng của Nguyên thủy Nam truyền”!? và cố gắng dành lại “tôn chỉ” ấy cho Phật giáo Bắc truyền, quyết không để Nguyên thủy Nam truyền chiếm làm “của riêng”!?… Chúng tôi không cần phải giải thích cho Toàn Không rõ về sự nhầm lẫn này. Nhưng cảm ơn Toàn Không đã tạo cơ hội cho chúng tôi trình bày cùng quý độc giả về giáo pháp “Đạo đức Nhân bản - Nhân quả không làm khổ mình – khổ người – khổ chúng sanh” mà HT TTL đang xiển dương. Giáo pháp chúng tôi đang muốn nói tới là “Giáo pháp Nguyên thủy” của Bổn sư Thích-ca Mâu ni do HT TTL dựng lại, chứ không phải Phật giáo Nguyên thủy Theravada mà Toàn Không gọi là “Nguyên thủy Nam truyền”. Giáo pháp ấy dựa trên căn bản kinh Nikaya mà HT Thích Minh Châu đã Việt dịch thành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Tuy nhiên, như dịch giả đã viết trong “Lời giới thiệu” kinh Trung Bộ: “Chúng tôi dịch Kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Ðộ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Ðạo Phật là Ðạo đến để mà thấy chớ không phải Ðạo đến để nhờ người thấy hộ, Ðạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Ðạo của người nhắm mắt; Ðạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Ðạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm. Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm, tìm đọc và tìm hiểu những lời Phật dạy thật sự là những lời dạy của đức Phật, và vì trách nhiệm ấy chúng tôi đã cố gắng phiên dịch Kinh Tạng Pàli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chính chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn sư chúng ta.” Hòa thượng Thích Minh Châu đã xác định Kinh Nikaya không phải nguyên thủy trăm phần trăm, mà chỉ là văn bản “gần nguyên thủy nhất”. Dịch giả khuyên: người đọc phải tự tìm hiểu không cần qua lăng kính bất cứ một học phái nào dầu là Ấn Độ hay Trung Hoa… Tự suy tư, quan sát, tự chứng nghiệm trên bản thân để xác định đoạn nào là Nguyên thủy, đoạn nào do những người kết tập thêm vào… Trên tinh thần ấy, HT TTL đã dầy công dựng lại một giáo pháp mà chúng tôi gọi là GIÁO PHÁP NGUYÊN THỦY CHƠN NHƯ. Giáo pháp ấy hoàn toàn khác xa với các tông phái Đại thừa, cũng không giống với Phật giáo Nguyên thủy Theravada mà Toàn Không gọi là “Nguyên thủy Nam truyền”… Đó là giáo pháp lấy Đạo đức Nhân bản Nhân quả làm gốc. Ngoài cái gốc này ra không còn một thứ gốc nào khác. Nếu quả đúng như Toàn Không nói: “đó cũng là tôn chỉ của Phật giáo Bắc truyền” thì chúng tôi nguyện hết lòng tôn kính. Nhưng xét thấy không phải như thế, vì nếu đã nhận cái “gốc” này làm “tôn chỉ”, việc gì Đại thừa phải “phát triển” thêm kinh điển?, thêm nhiều tông phái?, mỗi một tông phái lại có thêm “tôn chỉ” riêng?… Nên nhớ, Giáo pháp Nguyên thủy của Thế Tôn không thừa không thiếu, Phải chăng vì thấy thiếu mà Đại thừa phải lập thêm “tông”, chế “kinh”, thêm “luận”? Khi nói đến đạo Phật, người ta thường nghĩ ngay đến Thiền Định! Thật sự thì Giáo pháp Nguyên thủy của Thế Tôn chỉ là một NẾP SỐNG ĐẠO ĐỨC. Nói cho đầy đủ là “Đạo đức Nhân bản - Nhân quả, không làm khổ mình - khổ người - khổ chúng sinh”. Thiền Định có được chỉ là hệ quả đương nhiên của một đời sống phạm hạnh tròn đầy. Trên phương diện hành trì, nền Đạo đức phạm hạnh ấy được triển khai trên BA CẤP VÔ LẬU HỌC và TÁM LỚP THÁNH ĐẠO. Tam vô lậu học, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo v.v… là những thuật ngữ Phật học rất quen thuộc khiến người ta nghĩ rằng: những giáo pháp ấy có gì lạ đâu mà HT TTL phải dựng lại?. Vâng! Đó cũng chính là suy nghĩ của chúng tôi khi mới tiếp cận giáo pháp của Ngài. Nhưng khi đi sâu vào, chúng tôi mới nhận ra giáo pháp được dựng lại ấy dựa trên kinh nghiệm hành trì của một hành giả, khác xa với kiến giải suông của các học giả, giảng sư chỉ giỏi về lý luận nhưng thiếu hành trì. Xin nêu vài ví dụ: Kinh Tứ Niệm Xứ, đức Phật dạy: Đó là con đường duy nhất có thể chứng đạo trong vòng 7 ngày. Đến chỗ này, các học giả ú ớ, giảng qua loa hoặc tránh né… Cả những vị lãnh đạo Nam tông như Tỳ Khưu Brahmavamso, viện chủ thiền viện Bodhinyana ở Úc, giảng chệch đi là “một con đường với một mục đích duy nhất”. Thích Nữ Hữu Liên trong luận văn tốt nghiệp của mình, cũng đã nương vào Thiền sư Usìlananda của Miến Điện để giải thích cái gọi là “tính độc đạo” không có nghĩa là chỉ có một con đường duy nhất mà chỉ là con đường mà hành giả phải đi một mình??? Vì chỉ giỏi lý luận mà thiếu đi sự chứng nghiệm tự thân, nên các học giả, giảng sư đã tưởng giải sai lệnh giáo pháp Nguyên thủy của đức Bổn sư. Nói đến Tứ Niệm Xứ là nói đến CHÁNH NIỆM trong Bát thánh đạo, đó là niệm bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thế mà thầy tổ lại dạy chánh niệm là niệm Phật A-di-đà đến chỗ nhất tâm??? Dưới đây là vài dẫn chứng: - Tác giả Quảng Tánh giảng: “Niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm bất loạn là chánh niệm”(?). - Tịnh Không, một Pháp sư nỗi tiếng hiện nay dạy: “Hành trì theo phương pháp nầy sẽ giúp cho chúng ta nhất tâm chánh niệm A-Di-Đà Phật và giúp cho chúng ta an lạc thanh thản ngay trong giây phút hiện tại”(?). - Ngay đến những vị được tôn lên hàng Tổ như Tổ Pháp Nhiên cũng dạy trong Ngữ lục của Ngài: “Do nguyện lực Đức Phật A Di Đà sẽ thành chánh niệm mà vãng sanh”(?). - Gần đây nhất trên trang nhà Thư viện Hoa Sen, tác giả Như Pháp có một bài viết phê bình TS Thích Nhất Hạnh về cái gọi là Chánh niệm trong lễ ăn bánh thánh của người Công giáo (?)… Thật đau lòng khi Chánh niệm của Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã bị thầy tổ bứng ra khỏi cái gốc Bát thánh đạo! Chính vì thế HT TTL mới phải dầy công “dựng lại chánh pháp”. Nếp sống đạo đức phạm hạnh được đặt trên căn bản Giới luật, bao gồm: Giới đức, Giới hạnh, Giới hành. - Giới đức chính là đạo đức nhân bản, nhân quả, không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Là đời sống thiểu dục tri túc ba y một bát. - Giới hạnh là hạnh ăn ngủ không phi thời, giữ hạnh độc cư phòng hộ sáu căn. - Giới hành là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Chế ngự tham ưu trên thân, thọ, tâm, pháp… Đây chính là đạo lộ từ giới đức làm người đến giới đức làm thánh mà Đức Phật đã dạy, chứ chẳng phải thiền định gì cả… Toàn Không đã dẫn kinh Sa Môn Quả đoạn nói về bốn thiền để phản bác một cách sai lạc câu “Vô ngã ác pháp là Niết bàn” của HT TTL. Chúng ta biết rằng, Đức Phật đã hai lần nhập Sơ thiền, lần đầu khi còn bé, Ngài theo vua cha dự lễ nhập điền. Khi mọi người xuống ruộng, Ngài ngồi một mình dưới gốc cây jambu tham thiền nhập định theo cách thức của Bà-la-môn, khống chế ý thức không cho khởi tham dục, và Ngài đã nhập được Sơ thiền. Lần thứ hai, Ngài ngồi dưới cội bồ đề, nhưng không phải để tham thiền nhập định, không khống chế ý thức mà dùng ý thức TÁC Ý xả tâm ly dục ly bất thiện pháp. Khi ý thức đủ mạnh chuyển hóa thành lực của TÂM, Ngài đã dùng TÂM THỨC LỰC tiếp tục TÁC Ý HƯỚNG TÂM vào Sơ thiền, rồi thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư… Từ thiền thứ tư, Ngài đã TÁC Ý HƯỚNG TÂM thẳng vào TAM MINH đúng như lời kinh đã mô tả: “không có khó khăn mệt nhọc…”. Kết thúc lộ trình giải thoát bằng bài ca chiến thắng: “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành…” Chúng ta thấy rất rõ Đức Phật thành đạo là nhờ nếp sống ĐẠO ĐỨC PHẠM HẠNH, chứ chẳng phải thiền định. Thiền của giáo pháp Nguyên thủy là dùng ý thức xả tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải ngồi thiền ức chế ý thức không cho khởi tham dục… Toàn Không đã lầm khi dùng kinh Sa Môn Quả đoạn nói về Tứ thiền để “phản biện” lời dạy của HT THL. Chẳng những thế, Toàn Không còn dùng những lý luận siêu hình tưởng của Bà-la-môn núp bóng Đại thừa để xuyên tạc giáo pháp Nguyên thủy của đức Thế Tôn: “…Vị ấy an trụ Thiền thứ tư. Đạt được thiền này rồi, vị ấy còn phải tiến lên không còn không thô, tưởng không, tưởng thức mà có tưởng vi tế tức tưởng rỗng không, rồi cái tưởng rỗng không đó cũng phải bỏ, mới qua Diệt tận định; Diệt tận định còn gọi là Diệt thọ tưởng định. Thọ tức là cảm giác của sáu căn đối với sáu trần, tưởng là phần bên trong nội tâm; trong nội tâm thì lặng, ngoài đối với sáu trần không dính, như vậy vị ấy đạt vô ngã hoàn toàn, tới đây nhập Diệt thọ tưởng định, chứng vô sinh tức quả A-la-hán. Hoặc vị ấy sau khi an trụ Thiền thứ tư rồi tiếp tục tu Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo để chứng Vô sinh qủa A La Hán., bấy giờ vị ấy chứng nghiệm hạnh phúc tối thượng; đây là Niết Bàn của vị A La Hán, tại sao nói Vô ngã không đạt Niết Bàn?” Toàn Không viết như thế có đúng không? Sự thật là Đức Phật từ Thiền thứ tư tác ý hướng tâm thẳng vào Tam Minh chứ không đi qua bốn định vô sắc của Bà-la-môn để nhập Diệt thọ tưởng định. Một điểm cực kỳ phi lý khác trong “phản biện” của Toàn Không là: từ Thiền thứ tư lội ngược về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo để chứng Vô sanh quả A-la-hán???... Toàn Không đã không có chút kinh nghiệm tự thân nào về giáo pháp Nguyên thủy, chỉ biết copy-paste những tài liệu sách vở tưởng giải của các học giả Bà-la-môn núp bóng đạo Phật dưới danh xưng Đại thừa Phát triển… Trong cuốn “Hành Thiền” của cố HT Thích Minh Châu có một đoạn viết như sau: “Kinh nghiệm Thiền đầu tiên của đức Phật là khi Ngài đến học đạo với Alara Kalama về pháp môn Vô-sở-hữu-xứ, và học đạo với Uddaka Ramaputta về pháp môn Phi-tưởng Phi-phi-tưởng-xứ. Hai pháp môn Thiền ngoại đạo, Ngài học, Ngài hành, Ngài chứng và được hai vị ngoại đạo sư xác nhận là đã thật chứng. Nhưng Ngài nhận thấy hai pháp môn ấy không đem đến giải thoát nên Ngài đã bỏ đi…. Này các Tỷ-kheo, rồi ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yếm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính Pháp này, và từ khước pháp ấy, Ta bỏ đi" (Kinh Trung Bộ)”. Toàn Không thử “phản biện” điểm này xem: các định vô sắc của ngoại đạo Bà-la-môn không mang lại giải thoát, nên Đức Phật không tôn kính, khước từ và bỏ đi… Thế mà Toàn Không lại cho rằng, từ Thiền thứ tư, hành giả phải tiến lên các Định Không này để nhập Diệt thọ tưởng định mới đạt “vô ngã hoàn toàn”? Lại còn cái ngã rẽ thứ hai là từ Thiền thứ tư, hành giả phải lội ngược về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo mới chứng được A-la-hán??? Đây đúng là kiểu lý luận phá đạo của Bà-la-môn núp bóng Phật giáo mà Toàn Không đã vận dụng thành công trong “phản biện” của mình!. Đức Phật từ Thiền thứ tư TÁC Ý HƯỚNG TÂM thẳng vào TAM MINH để kết thúc đạo lộ giải thoát của Ngài đã bị ngoại đạo Toàn Không phủ nhận. Hãy đọc thêm đoạn này được trích từ sách “Hành Thiền” của HT Thích Minh Châu: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, dòng họ Thích Ca, đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm phù đề. Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ, khi an trú như vậy Ta nghĩ: "Theo con đường này có thể đưa đến giác ngộ chăng"? Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là con đường đưa đến giác ngộ". Với kinh nghiệm này, Sa-môn môn Gotama thực hành Thiền định chứng Sơ thiền, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư. Rồi đến Thiền thứ tư, Ngài hướng tâm và chứng được ba minh và cuối cùng, Ngài thành Đạo, chứng được Thánh quả, thành bậc Chánh giác.” Đoạn văn trên nói rõ: Từ THIỀN THỨ TƯ, Ngài hướng tâm vào TAM MINH để THÀNH ĐẠO. Căn cứ vào giai đoạn này, nếu thấy có một pháp nào khác chen thêm lộ trình thành đạo của Đức Phật, như các Không Định, thiền Vô sắc, hoặc lội ngược về Bát chánh đạo, Tứ diệu đế. Ta biết ngay đó là âm mưu xuyên tạc giáo pháp Nguyên thủy của ngoại đạo. Đúng như lời nhận định của HT Thích Minh Châu: “Dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.” Xin nói thêm chỗ này. Từ lâu, vẫn có nhiều học giả Đại thừa cho rằng, bốn thiền Hữu sắc mà Đức Phật đã thực hiện là ngoại đạo thiền. Chúng tôi khẳng định, về tên gọi bốn thiền này giữa giáo pháp Nguyên thủy và ngoại đạo có thể trùng tên, nhưng nội hàm của chúng khác xa nhau. Tứ thiền của ngoại đạo là ức chế ý thức không cho khởi tham dục bằng cách ngồi thiền nhập định mới có thể vào được. Ngược lại Tứ thiền mà Đức Phật thực hiện dưới cội bồ đề không phải ngồi thiền nhập định, mà là trên căn bản ĐẠO ĐỨC PHẠM HẠNH, xả tâm ly dục ly ác pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Nhờ xả tâm mà đạo lực sung mãn, Bảy giác chi và Bốn như ý túc xuất hiện. Bốn như ý túc còn gọi là Tú thần túc, tức bốn đạo lực có sức mạnh vô song. Khi đã có đạo lực này, muốn vào thiền nào, chỉ cần tác ý hướng tâm hành giả sẽ được như ý (như ý túc). Chính chỗ này, kinh điển Nguyên thủy gọi là “nhu nhuyến, dễ sử dụng, không khó khăn, mệt nhọc…” Chúng tôi gọi bốn thiền này là “TỨ THÁNH ĐỊNH” nhằm phân biệt bốn thiền ngoại đạo rất thịnh hành thời đức Phật. Chính đức Phật thành tựu bốn Thánh Định được cũng là nhờ Ngài nhớ lại thuở nhỏ, Ngài đã nhập được Sơ thiền ngoại đạo trong một lần theo vua Cha dự lễ hạ điền. Khi nhớ lại, Ngài đã tự hỏi: "Theo con đường này có thể đưa đến giác ngộ chăng"? Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là con đường đưa đến giác ngộ"… Chính tại điểm này, các học giả lầm tưởng bốn Thánh Định là bốn thiền của ngoại đạo… Đoạn “phản biện” tiếp theo, chúng tôi xin lướt qua vì Toàn Không đã “vi phạm nội quy” thảo luận của BBT/TVHS: “- Khi phê phán giáo thuyết và phương tiện hành trì của các tông phái Bắc Tông Đại Thừa, HT. Thích Thông Lạc thường dùng kinh điển Nguyên Thủy Nikaya để chứng minh. Rất mong quý độc giả dùng kinh điển Nguyên Thủy do HT. Thích Minh Châu dịch để cũng cố luận điểm phản biện của mình. Nếu có thể được, đừng dùng hay dùng hạn chế kinh điển Bắc Tông và Ngữ lục của các chư Tổ Bắc Tông, vì những loại kinh sách này đã bị HT. Thích Thông Lạc không công nhận.” Thực ra Toàn Không có quyền dùng kiến thức về các tông phái Đại thừa như Thiền tông, để phản bác các luận điểm của HT TTL. Nhưng những điều ấy phải được chứng minh trên cơ sở giáo pháp Nguyên thủy mà Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã tuyên thuyết trong bộ kinh Nikaya. Cần thiết và bắt buộc phải như thế để chứng minh những lập luận của Toàn Không cũng là “Phật Pháp”. Ví bằng ngược lại, lấy những lời Tổ dạy trong sách vở của Chư Tổ để “phản biện” lời HT TTL vốn rút ra từ kinh điển Nguyên thủy Nikaya, hóa ra Toàn Không đã dùng “Tổ pháp” để phản bác “Phật pháp”!??? BBT/TVHS đã thấy được điều ấy nên mới đề ra “nội quy” trên. Vì Toàn Không đã “phạm quy” nên chúng tôi cũng không phải mất thì giờ để nhận định về những đoạn “phản biện” ấy!... Về đoạn “phản biện” có liên quan đến HT Thích Thanh Từ, chúng tôi có mấy ý như sau: HT Thanh Từ đối với chúng tôi là một bậc Tôn đức đáng kính. Chúng tôi định cũng không đả động gì đến phần này, vì Toàn Không cũng chỉ dẫn lời HT mà không có khả năng chứng minh giáo pháp của HT đã được Đức Phật tuyên thuyết từ kinh tạng Nikaya. Tuy nhiên, trích dẫn của Toàn Không bài “Phật giáo Thiền tông thực tế đến không ngờ” trong “phản biện” này, khiến độc giả có cảm tưởng HT tỏ ra vượt trội hơn Đức Phật, khi cho rằng pháp “vô niệm” của HT tắt ngang qua thiền thứ tư của Phật mà không cần phải thứ lớp như Phật đã nhọc công khổ luyện?... Đoạn này Toàn Không đã “phạm quy” nên chúng tôi cũng không có nhận định gì. Nhưng thay vào đó, chúng tôi xin trích lại một số ý kiến phản hồi của độc giả khi bài này được post lên trang nhà Thư viện Hoa Sen: - Được gửi bởi GS001 (Guest) vào 04/26/2011 04:37 PM “Đọc bài trên tôi thấy thầy Thanh Từ có những sự ngây ngô đến buồn cười. Thầy cho rằng Thiền Tông không cần đi qua SƠ THIỀN: Ly dục, ly ác pháp, mà có thể đến thẳng TỨ THIỀN: xả niệm thanh tịnh, bằng cách cứ giữ cho tâm bình thường, là có thể chứng được đạo giải thoát. Thầy không biết rằng cách đó còn chưa làm nổi chuyện LY DỤC (muốn giữ tâm VÔ NIỆM), thì dù SƠ THIỀN cũng còn chưa đạt được, nói gì đến TỨ THIỀN. Tu kiểu đó là do tâm có lòng DỤC (muốn tu cho cao, cho nhanh) mà không hay biết. Đạo Phật không phải là đạo chỉ "hí luận" mà phải có sự thực hành mới khám phá ra những khó khăn vi tế của tâm. Ngoài ra thầy Thanh Từ còn hiểu rất sai về TỨ THÁNH ĐẾ khi cho rằng đó chỉ là giáo pháp phương tiện sơ cơ mà Phật phải dùng trước khi đi vào giáo pháp cao siêu hơn. Thầy phải biết rằng lý do Đức Phật ngần ngừ thuyết pháp sau khi thành đạo không phải vì giáo lý của ngài khó hiểu, mà vì nó đi ngược giòng THAM ÁI của chúng sanh. Ví dụ trong khi chúng sanh nào cũng muốn "yêu đời", mà giáo lý của ngài thì ngay chân lý đầu tiên đã tuyên bố rằng "ĐỜI LÀ KHỔ". Như vậy làm sao thích hợp cho họ được? Tuy nhiên đối với các bậc trí tuệ, đã hiểu sâu về cuộc đời, thì lại có thể thấy rằng có nhận thức được "ĐỜI LÀ KHỔ" mới có khả năng thay đổi từ một người Phàm ra thành một bậc Thánh. Đó là lý do TỨ DIỆU ĐẾ còn gọi là TỨ THÁNH ĐẾ. Ngoài ra, TỨ THÁNH ĐẾ là bố cục của tất cả giáo lý của Đạo Phật mà chỉ một vị CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC như Phật Thích Ca mới có thể thấu triệt và thuyết giảng trọn vẹn. Đó luôn luôn là bài pháp quan trọng nhất mà chư Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC luôn luôn tuyên xưng đầu tiên với thế gian, khi chuyển bánh xe Pháp. Chính Đức Phật đã xác định sự quan trọng của TỨ THÁNH ĐẾ như thế này: "Này hỡi các Tỳ Khưu, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Bốn Pháp Thánh Đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa Môn, Bà La Môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (anuttaram samma-sambodhim). Đến khi, này hỡi các Tỳ Khưu, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Bốn Pháp Thánh Đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức, đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa Môn, Bà La Môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. (Kinh Chuyển Pháp Luân) Thật rất tiếc khi nhiều thầy Thiền Tông đã không hiểu thấu TỨ THÁNH ĐẾ nên đã coi thường giáo pháp quan trọng và đầy đủ nhất của Phật. Phải chăng vì Thiền Tông Trung Hoa đã chủ trương"Bất lập văn tự, kiến tành thành Phật" nên hôm nay nhiều thầy mới bị mất căn bản về giáo lý của Phật một cách thê thảm như vậy? Cho dù các thầy có biện luận rằng "Giáo lý chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng" đi nữa, nhưng khi các thầy bỏ quên giáo pháp của Phật thì các ngón tay của các thầy chắc chắn sẽ đều trở thành những "NGÓN TAY NGO NGOE" không còn biết phương hướng nào để chỉ đến trăng. Tôi xin sẵn sàng tranh luận với các thầy Thiền Tông về giáo lý và cách tu của Phật trên bất cứ diễn đàn nào. Tôi không nhắm đến sự hơn thua, nhưng để tạo cơ hội cho CHÁNH PHÁP của Phật được tỏ rõ trở lại cho phật tử VN chúng ta.” (Phản biện của GS001) Để giúp cho Toàn Không hiểu thêm về tác giả “Thiền Tông Thực Tế Đến Không Ngờ” chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một phật tử Tịnh Độ thuần thành: Trần Thị Hoa Trắng: - Được gửi bởi trần thị hoa trắng (Guest) vào 04/27/2011 06:43 AM Hòa thượng Thích Thanh Từ chỉ vì nặng lòng với cái gọi là Thiền Tông (trong sự hạn hẹp) mà thuyết pháp không thông. Nhìn ảnh Hòa thượng già nua, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi nghĩ nếu Hòa thượng đừng xiển dương một "pháp môn" nào cả thì có lẽ tốt hơn cho trí tuệ của Hòa thượng. Hai chữ "Thiền Tông" trói buộc Hòa thượng một cách thê thảm!. Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật", Hòa thượng lại đi con đường “trực chỉ Thiền Tông, kiến tánh thành Phật" ư?. Khi đã chấp tông phái của mình theo là cao nhất và cao hơn các tông phái khác, như Hòa thượng giảng cho phật tử: “Như vậy hệ thống Thiền Tông này phát nguồn từ chỗ đức Phật do dự không muốn nói, còn những hệ thống khác là Phật phương tiện mà nói. Đã là phương tiện thì không phải thật, còn chỗ thật thì không có lời. Vì vậy các Thiền sư khi muốn chỉ chỗ này thường đánh, hét, nạt v.v… mà không nói một lời. Bởi vì mở miệng là hai bên, mà hai bên thì mất cái thật rồi. Hiểu như vậy mới thấu đáo được ý nghĩa Thiền. Chỗ này chúng ta phải nắm cho thật vững" thì làm sao trực chỉchân tâm được trước khi tự mở trói cho chính mình?. Hòa thượng Thanh Từ nói đúng ở câu “phương tiện thì không phải thật", nhưng khi Hòa thượng kết luận tiếp rằng “chỗ thật thì không có lời" thì lại mơ hồ. Nếu mang cái “vô ngôn” nầy mà giải thích cho tường tận thì cả đời không "nói" hết. Tôi không tin rằng "ý nghĩa Thiền" chỉ nghèo nàn như Hòa thượng giảng. Nếu cứ nhại đi nhại lại câu chuyện "niêm hoa vi tiếu" ở Linh Thứu Sơn mà đặt một dấu chấm hết cho 12 tạng kinh thì thật là oan uổng cho ba đời chư Phật. Tôi trước mười phương chư Phật nguyện thọ khổ địa ngục nếu lời nói trên của tôi không đúng. Cũng vậy, tôi sẵn lòng dành thì giờ tranh luận với bất cứ Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, phật tử nào muốn làm sáng tỏ vấn đề; vì từ ngày Lá Thư Đạo ra đời: “…Tôi xin yêu cầu Thư Viện Hoa Sen, là một cơ quan truyền bá Phật pháp, xóa tên HT Thích Thanh Từ và các tác phẩm của hòa thượng trong trang Thư Viện Hoa Sen cho đến khi HT Thích Thanh Từ trả lời một cách đúng đắn vấn đề nêu trên; và chính thức yêu cầu giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về việc nầy.” (tháng 10, 2010), dường như giáo hội Phật giáo Việt Nam không lên tiếng. (Phản biện của Trần Thị Hoa Trắng). |