Skip directly to content

22- VÀI Ý KIẾN ĐỘC GIẢ VỀ QUYỂN SÁCH "BEST SELLER" CỦA TÁC GIẢ THÍCH NGUYÊN HẢI

Cập nhật ngày : 31.10.2012    
Loạt bài: VẤN ĐÁP, ĐỐI THOẠI - BẢO VỆ CHÁNH PHÁP (Kì 3: Đối thoại với Tỳ kheo Thích Nguyên Hải)
 
Mời quý độc giả xem tiếp kì 3 - Đối thoại với Tỳ kheo Thích Nguyên Hải
 
 
              ĐỐI THOẠI 3

nowandhere: Tôi thấy thầy Nguyên Hải và các vị Đại Thừa không phản đối Phật giáo Nguyên Thủy. Thầy Nguyên Hải chỉ góp ý những sai sót của thầy Thông Lạc, một người tự xưng là theo Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng lại gạt bỏ rất nhiều điều của Đức Phật dạy trong tạng kinh Nikaya thuộc Phật giáo Nguyên Thủy, rồi lại dùng ý kiến chủ quan có thể nói là nhảm nhí của thầy Thông Lạc và thầy Thông Lạc nói đó là lời Đức Phật dạy. Mọi người không đồng ý với thầy Thông Lạc là ở những điểm thầy Thông Lạc sai lạc này. Thầy Nguyên Hải và các vị Đại Thừa còn đề nghị mọi người nên học Tiểu Thừa tức Phật giáo Nguyên Thủy trước, rồi sau đó mới học Đại Thừa. Bằng chứng là trong chương 13: Tại sao có người thấy Đại Thừa khó hiểu, thầy Nguyên Hải viết:

Luật Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, phần phàm lệ 13 đoạn, trong đó đoạn 12 viết: “Phép học bên Tây Thiên Trúc, trước học Tiểu Thừa, sau học Ðại Thừa, ý chỉ Ðại Thừa thông rồi, mỗi pháp, pháp nào cũng là lý Trung Quán.

Cho nên biết rằng: Dù đại, dù tiểu, cũng do một tâm, pháp không có rộng hẹp, đâu nên ở trong đó mà sinh lòng thủ xả chê khen đấy ư!

Nếu trước không học Tiểu Thừa, mà lại học Ðại Thừa, quyết mắc tội lỗi, khoe suông lý Bát Nhã, bác không nhân quả, hạng người như vậy nhiều lắm”.

NkbBK: Như thế này bạn nowandhere ạ, thật ra không có chữ tiểu thừa, đại thừa, phật thừa, trung thừa gì cả... có 2 chữ thôi là Phật Pháp Nguyên Thủy và Phật Giáo phát triển (bạn chú ý: chữ giáo với chữ pháp). Kinh cũng có 2 loại thôi là Kinh Nguyên Thủy và kinh phát triển (chế tác, ngụy tạo). Trừ khi bạn là người tu để chứng quả thì thôi, hãy bỏ nghiên cứu qua 1 bên. Nếu nhà nghiên cứu, bạn phải truy tìm đọc nhiều tài liệu về Kinh, sự lưu truyền Kinh qua 1 quốc gia, qua thời gian, bằng chứng khảo cổ, lá bối, ý kiến nhiều chuyên gia...Vì vấn đề tế nhị, nên mọi người đã im lìm... chỉ có 2 loại Kinh đó thôi Nguyên Thủy và Chế Tác.

Bây giờ tôi hỏi bạn, bạn chọn cái gì? Nước uống tinh khiết hay nước đục để uống? Phải biết rằng, một người có thể tạo ra Kinh rất dễ, chỉ cần nghiên cứu một chút Phật Pháp thôi, bạn nghĩ ra điều này chưa? Vì cái lợi, danh tiếng, số lượng môn đồ, vì dân tộc, vì v.v... họ làm đủ thứ chuyện, bạn nghĩ đến vấn đề này chưa? Người Trung Quốc hiện nay, bạn thấy chưa họ làm đủ thứ giả, nhái,... họ muốn là bá chủ mọi cái phải qui về Trung Quốc (quốc gia trung tâm thế giới), thiên tử. Bạn hiểu chưa??? Người TQ đã bị cái nho giáo đầu độc hàng ngàn năm bạn có thấy ra chưa? Nhiều câu chữ rất bậy bạ, phản khoa học, phản đạo đức, bạn có nhận thấy ra chưa???

Tôi ví dụ: mấy ông Nho giáo phải cúi đầu tại đây mà học tôi, tôi dạy ra cho thấy đây. Mấy ổng nói: “nhân chi sơ tính bổn thiện” (có ông nói là ác). Tôi nói: “nhân chi sơ tính bổn Nghiệp”. Mấy ổng nói: “việc mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Tôi nói: thế còn việc ông không muốn và việc tôi muốn thì sao??? Quân xử thần tử, cha xử con, vợ... gì đó... bạn thấy bậy bạ hay không? Rất nhiều... Nó là đạo của giai cấp, của dân tộc cho rằng mình là nhất. Rất tệ hại. Phật giáo lan truyền qua TQ đã bị Nho giáo hóa. Có lẽ bạn nên đọc nhiều tài liệu hơn.

Tôi thấy nguy hiểm cho Phật giáo VN vì nó đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi TQ. Tôi thương dân Việt và TQ, ngay cả người Việt đây tôi giúp gì cho họ được khi họ bị cái truyền thống treo cổ quá chặt???

Đây, tôi chỉ cho bạn 1 phương cách nghiên cứu Phật học (các thầy không phân biệt số tuổi từ 20 - 90, cứ đọc dòng này): Hãy lấy tiền đề để làm nghiên cứu!!! Tiền đề đó là Tam Pháp Ấn, Tứ Diệu Đế, 12 Nhân duyên, 8 chánh đạo. Cái gì ra khỏi cái này đó là Phật học giả. Gần đầy một số thầy viết sách ghép Phật vào Chúa... rất tệ lậu.

Trí Khánh: Đạo hữu nowandhere nói: “Trí Khánh đã cố ý viết sai lạc về các Thiền mà Đức Phật đã dạy trong tạng kinh Nikaya”. Xin hỏi nowandhere: Các Thiền mà Đức Phật dạy trong tạng kinh Nikaya là các thiền nào vậy? Có phải là các thiền mà thầy Nguyên Hải và qúy đạo hữu gọi là “Phàm phu thiền” hay không? Qúy vị đã có một loại thiền gọi là “tối thượng thừa thiền” của các vị Thầy Tổ trao truyền rồi! Còn quan tâm làm gì đến loại “thiền phàm phu” mà Thế Tôn đã dạy trong Nikaya?...

Giả sử tôi có viết sai lạc về loại “phàm phu thiền” đó, thì cũng đâu đến nỗi làm cho nowandhere phải lo lắng đến độ “giáo lý của Đức Phật dạy sẽ biến mất lần lần…”. Đối với những ai đang quan tâm tìm hiểu, tu học Bốn Thánh Định này, tôi sẵn sàng chia sẻ trong giới hạn hiểu biết của mình. Nhưng đối với những vị theo “trường phái” thầy Nguyên Hải như nowandhere, xem bốn Thiền này là “phàm phu thiền”. Liệu tôi có nên mất thời giờ để giải thích cho họ hiểu vì sao “nhờ Bốn Thiền này mà xả ly được sắc, thọ, tưởng, hành” hay không?...

 “Trí Khánh muốn làm cho những người ít giáo lý Phật giáo hiểu sai lạc về những lời Đức Phật dạy…”. “Trí Khánh muốn xóa bỏ tất cả những sự hiểu biết chính xác của thầy Nguyên Hải bằng cách phê bình và phỉ báng thầy Nguyên Hải, để không còn ai dám lên tiếng phản bác lại…”. Viết như thế là nowandhere đã đánh giá qúa thấp trình độ hiểu biết Phật pháp của độc giả TVHS. Dưới mắt của nowandhere, họ là “những người ít giáo lý Phật giáo”! Tôi tin chắc rằng, những người không hiểu biết về Phật giáo, chẳng bao giờ họ chịu ghé mắt vào những trang mạng có tính chất chuyên biệt như TVHS… Những ý kiến đóng góp của tôi trên website này, có thể làm cho độc giả ở đây “hiểu sai lạc về những lời Đức Phật dạy” được sao???...

Điều hiển nhiên là từ ngày ”sách” của thầy Nguyên Hải đưa lên website TVHS đến nay chỉ mới khoảng một tháng, vậy mà có đến trên 4300 lượt người đọc, phần ý kiến độc giả cũng lên đến gần 80 và có thể hơn trong thời gian tới. Đây có thể được xem như một “hiện tượng”, có thể trở thành quyển sách "best seller" trên trang mạng này. Thầy Nguyên Hải cũng xứng đáng nhận “kỷ lục” về ý kiến đóng góp của độc giả cho một tác giả trong một thời gian ngắn nhất… Tôi tin rằng, với số lượng đông đảo độc giả vào đọc sách của thầy Nguyên Hải và đọc ý kiến đóng góp của tôi không thể là “những người ít giáo lý Phật giáo” như nhận định của nowandhere… Vì đánh giá qúa thấp trình độ hiểu biết Phật pháp của độc giả, nên nowandhere đã vung bút: “chẳng có ai dám lên tiếng phản bác lại…”. Ngoại trừ nowandhere!?...

Nếu đạo hữu nowandhere cho rằng: “Trí Khánh muốn xóa bỏ tất cả những sự hiểu biết chính xác của thầy Nguyên Hải bằng cách phê bình và phỉ báng thầy Nguyên Hải…”. Tôi xin trả lời: Đối với thầy Nguyên Hải, tôi chỉ phê bình chứ không phỉ báng… Nếu Bốn Thiền Thế Tôn dạy trong đại tạng Nikaya mà thầy Nguyên hải gọi là “phàm phu thiền”, cũng chính là “sự hiểu biết chính xác của thầy. Thì “Trí khánh muốn xóa bỏ” là điều đương nhiên… không chỉ đối với thầy Nguyên Hải, mà ngay cả đối với qúy Hoà Thượng Chơn Thiện, Thanh Từ, Thiện Hoa gọi Thiền của Thế Tôn là “phàm phu thiền”. Dĩ nhiên không thể không nhắc đến Thiền sư Nhất Hạnh với nhận định: Bốn Thiền không phải là “tinh ba của đạo Bụt” mà chỉ là “thời thượng”, “mode”… Với những lập luận như thế, Trí khánh sẵn sàng “xóa bỏ”. Nhưng xin nói rõ để khỏi bị chụp mũ, chỉ “xóa bỏ” quan điểm của các Ngài, không hề có ý bất kính, xúc phạm nhân cách cá nhân của qúy Ngài…

Vodanh: Hà tất quý vị phải tranh đúng sai! Cứ theo tinh thần kinh Bát Nhã mà nhìn nhận: Có Bát Nhã cũng không phải là Bát Nhã, không có Bát Nhã cũng không phải là Bát Nhã, như vậy thì quý vị nói có đúng đi nữa cũng không phải là Bát Nhã, quý vị có nói sai đi nữa cũng không phải là Bát Nhã, tranh cãi với nhau chi cho mệt, quý vị có tranh cãi cả đời này thì cũng chưa chắc ai thắng ai.

tvhs0611: Thưa bạn Vodanh, tôi không có ý tranh luận với bạn mà chỉ muốn nêu một trao đổi nhỏ với bạn trên tinh thần là người đã từng đi qua con đò mà bạn đang đi trên đó.

Trong nhà thiền, xưa nay vẫn nói rằng: "không niệm thiện, không niệm ác bản lai diện mục hiện tiền" điều đó tương tự: "Có Bát Nhã cũng không phải là Bát Nhã, không có Bát Nhã cũng không phải là Bát Nhã". Nếu hành trì như vậy miên mật chỉ lạc vào Không. Đó là lý do vì sao cả ngàn năm Phật giáo không có người tu chứng. Phật giáo gần như mất dấu! Vậy chắc chắn phải có cái gì sai trong pháp tu vì có biết bao hàng hàng lớp lớp vị hành giả tận tâm tận lực tu tập nhưng đau xót là cuối đời vẫn chết trên giường bệnh với những nỗi đau giày vò tâm can!? Điều gì và tại sao cả ngàn năm PG không tìm thấy con đường giải thoát??. Bạn thử tự tìm lời giải đáp xem sao? Chắc chắn là khó vô cùng!? Thế nhưng hôm nay, có một ánh lửa cuối đường hầm, đó là may mắn cho những ai có duyên với chánh pháp. Một duyên cực kỳ lớn, nó choán cả một đời người thì tại sao ta không tìm hiểu??!!.

Tôi cũng như bạn và nhiều người khác - cuộc đời chỉ gói gọn trong vài chục năm - thì cái huyễn giả của ngoại đạo mang màu sắc Phật giáo có từ ngàn năm đã bao phủ chúng ta... tạo thành một sức ỳ cực kỳ lớn, vượt quá sức tỉnh giác của chúng ta rất nhiều. Cứ thế, … cứ thế chúng ta xếp hàng lần lượt đi vào lò sát sanh mà không có phản ứng gì khác!? Thậm chí còn lấy làm bực tức, khó chịu khi có một ánh sáng cuối đường hầm...!!!. Tôi cũng đã từng như bạn, không khác.

Và tôi đã thử làm một cuộc cách mạng cho chính mình, tìm hiểu xem “Ông Thông Lạc là ai" và Ông ấy tu tập như thế nào? nói đúng, sai chỗ nào?... Hãy thật bình thản, khách quan mà quan sát, mà đánh giá, mà nhìn nhận. Và cuối cùng tôi hiểu thế nào là "ngộ". Quả thật là như thế!. Chữ "ngộ" là còn nhẹ, vì điều mà thầy Thông Lạc chỉ ra cái mà ngàn năm Phật giáo mất dấu lại vô cùng đơn giản. Chẳng có gì là cao siêu cả. Ai cũng có thể nói và nói cả ngàn lần mà không nhận ra. Điều mà Đức Phật cũng ra rả nói trong kinh sách mà chúng ta đã bỏ qua và xem thường nó.

Đó là điều gì? Bạn tìm hiểu xem vì điều vĩ đại nhất lại thường là điều đơn giản nhất! Giống như bạn giải một bài toán cực khó vậy, khi tìm ra gút mở thì bài toán vốn vô cùng bí hiểm, vô cùng khó khăn và vô cùng đáng ghét bỗng chốc trở nên dễ thương lạ thường, rõ ràng, thích thú và cực kỳ thỏa mãn! Và những gì còn lại chỉ là viết ra đáp số mà thôi.

Tôi chúc Bạn có được trải nghiệm đó. Thật đáng giá để bạn bỏ cả đời ra để tìm hiểu và nên nhớ rằng luôn để tâm thanh thản và tuyệt đối tránh mọi biên kiến trong khi nghiên cứu. Vì sao bạn biết không? Vì Đức Phật đã nói: “hãy lấy Giới Luật và Pháp của ta làm thầy” là gì? Chúc bạn tinh tấn và an lạc.

Minh Tri: Kính gửi đạo hữu Vodanh, đạo hữu rất đúng vì tinh thần “Phật pháp vô tranh”. Nhưng người Phật tử cũng nên tỉnh táo để nhận ra cái nào là “Phật pháp” cái nào là “phi Phật pháp”!... Trong ý kiến phản hồi truớc đây với đạo hữu tvhs0611 về chuyện “thân người khó được phật pháp khó nghe”, Minh Tri đã có dịp nói về chuyện “Tổ pháp” và “Phật pháp”. Nay Minh Tri xin nhắc lại vài ý để chia sẻ với đạo hữu Vodanh.

Có rất nhiều pháp môn chúng ta tưởng rằng đó là “Phật pháp”, nhưng sự thật nó chính là “Tổ pháp”. Nghĩa là chúng do chư Tổ chế tác, chứ không do Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni xiển dương. Ví dụ: Chơn Như duyên khởi là pháp của Tổ Mã Minh. Mát-na, A-lại-da là pháp của Tổ Thế Thân, Vô Trước. Bát nhã, Tánh Không, Chơn Không Diệu Hữu là pháp của Tổ Long Thọ. Kiến Tánh Thành Phật là pháp của Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Và còn rất nhiều, v.v và v.v…

Ngược lại, pháp của Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni có thể gói gọn trong mỗi chữ “KHỔ”, nói cho đầy đủ là “Khổ Thánh Đế”. Nó thuộc về BỐN THÁNH ĐẾ”… . Dĩ nhiên ai muốn xem giáo pháp này là “xe dê”, “xe nai”, “xe nhỏ (tiểu thừa)” thì đó là quyền của họ. Nhưng xin đừng nhập nhằng “Tổ pháp” và “Phật pháp”…