Skip directly to content

36- NHẬN ĐỊNH LOẠT BÀI “PHẢN BIỆN” CỦA TOÀN KHÔNG - Kinh Kim Cang, Duy-ma-cật - Quảng Hạo

Cập nhật ngày : 08.12.2012    

1./ Kinh Kim Cang:

VIII). HT. TTL: Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông. Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này, Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ....(ĐVXP-Tập 8)

Phản biện của Toàn Không: 

1). HT TTL viết rằng: “Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông” là không tìm hiểu kỹ càng, vì các kinh Bắc truyền phần nhiều đều là Kinh liễu nghĩa, người đọc kinh Kim cang mà hiểu được ý nghĩa trọn vẹn thì rất dễ để theo đó áp dụng hành trì; nếu người đọc không nắm vững được ý Kinh thì làm sao biết áp dụng hành theo, nên tưởng rằng chỉ có lý thuyết suông…. 

Nhận định: Bài “phản biện” số 4 của Toàn Không không phải là bài “phản biện”, mà là một bài “thuyết pháp”, giảng về kinh Kim Cang, Duy Ma Cật, của một giảng sư có trình độ trung bình. Đây là một “bài pháp” được “thuyết” không trên căn bản tự chứng, mà chỉ là góp nhặt tài liệu, soạn bài trước rồi nói sau! Kiểu “giảng” này không chỉ các vị trụ trì ở bất cứ chùa nào, mà ngay cả Cư sĩ bình thường có chút kiến thức về Phật pháp cũng có thể “giảng” được!...

Lẽ ra tôi không phải mất thời gian với bài này vì Toàn Không đã “phạm quy”!. Ở bài số 03 tôi đã nói đến vấn đề này, nay bất đắc dĩ phải nhắc lại: 

Dưới đây là lời đề nghị của BBT/TVHS được viết ngay dưới “Lời dẫn” của Toàn Không, chứ không phải do tôi áp đặt. Tôi tạm gọi lời đề nghị này là “nội quy”. Toàn Không đã phớt lờ “nội quy” này, phóng bút “thuyết giảng” Đại thừa, bất chấp lời dạy Nguyên thủy của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni trong kinh tạng Nikaya. Chúng tôi cho rằng đó là thái độ xem thường lời đề nghị BBT/TVHS và đánh giá quá thấp trình độ đọc và hiểu của độc giả. 

- Khi phê phán giáo thuyết và phương tiện hành trì của các tông phái Bắc Tông Đại Thừa, HT. Thích Thông Lạc thường dùng kinh điển Nguyên Thủy Nikaya để chứng minh. Rất mong quý độc giả dùng kinh điển Nguyên Thủy do HT. Thích Minh Châu dịch để cũng cố luận điểm phản biện của mình. Nếu có thể được, đừng dùng hay dùng hạn chế kinh điển Bắc Tông và Ngữ lục của các chư Tổ Bắc Tông, vì những loại kinh sách này đã bị HT. Thích Thông Lạc không công nhận.”

Toàn Không có quyền dùng kiến thức Đại thừa để phản bác các luận điểm của HT TTL. Nhưng những điều ấy phải được chứng minh trên cơ sở giáo pháp Nguyên thủy mà Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã tuyên thuyết trong bộ kinh Nikaya. Cần thiết và bắt buộc phải như thế để chứng minh những lập luận của Toàn Không cũng là “Phật Pháp”. Ngược lại, lấy những lời Tổ dạy trong sách vở của Chư Tổ, hoặc kinh điển phát triển do người đời sau chế tác, để “phản biện” lời HT TTL vốn rút ra từ kinh điển Nguyên thủy Nikaya, hóa ra Toàn Không đã dùng “Tổ pháp” để phản bác “Phật pháp”!???  BBT/TVHS đã thấy được điều ấy nên mới viết lời đề nghị trên…

Chúng tôi xin gợi ý: Nếu HT TTL cho rằng kinh Kim Cang chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông, là bánh vẽ… Toàn Không nên “phản biện” lại ý này bằng cách chứng minh dù kinh Kim Cang không do Bổn sư Thích-ca Mâu ni trực tiếp thuyết giảng, những vẫn có căn bản Nguyên thủy từ kinh tạng Nikaya. Đây mới đúng là “phản biện”, chứ không phải mang những kiến thức Đại thừa ra để giảng kinh “liễu nghĩa” hay “bất liễu nghĩa”…

Nếu cảm thấy mình chưa đủ sức làm được việc này, Toàn Không có thể dừng ngay loạt bài “phản biện” của mình…

Dưới đây là phần nhận định của chúng tôi về Kinh Kim Cang. Toàn Không có thể “phản biện” nhận định này, nếu thích!....

Kinh Kim Cang thuộc văn hệ Bát-nhã Ba-la-mât-đa, xuất hiện sau Đức Phật ít nhất là 500 năm. Theo Edward Conze, một học giả uyên thâm có những nghiêu cứu sâu rộng về bộ kinh này, lịch trình hình thành của nó kéo dài trên 10 thế kỷ, thời gian đủ dài để cho các thầy tổ Đại thừa tha hồ “sáng tác” thêm thắt vào…

Sau Đức Phật nhập diệt khoảng 500 năm, Bộ Bát-nhã trong đó có kinh Kim Cang đã được lưu hành bằng văn tự. Theo Edward Conze, phần thần chú được thêm vào từ khoảng năm 600 đến năm 1200… Ngày nay, giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về thời điểm xuất hiện của kinh Kim Cang. Nhưng tất cả đều đồng thuận kinh này do người đời sau chế tác chứ không phải Đức Phật thuyết giảng

Chúng tôi không phủ nhận tính học thuật của bộ kinh này, đặc biệt là tính triết học. Đây cũng chính là lợi điểm thu hút giới học giả nghiên cứu văn hệ Bát-nhã. 

Kinh Kim Cang được xây dựng trên phương pháp luận lô-gic phủ định hình thức, theo dạng thức luận lý học Aristote, vốn được xem là mâu thuẫn trong quan hệ biện chứng nhị nguyên. Các luận sư Đại thừa đã rất tài tình chuyển đổi dạng thức nhị nguyên sang nhất nguyên nhằm triệt tiêu tính mâu thuẫn. 

Văn hệ Bát-nhã trong đó có kinh Kim Cang trở thành một luận thuyết huyền ảo hấp dẫn, lôi cuốn nhiều học giả tiếng tăm trên thế giới vào nghiên cứu. Đặc biệt là trong quá trình Hán hóa, luận lý học Bát-nhã càng được trau chuốt bởi bàn tay của các Tổ sư Trung Hoa. Ngày nay, nó đã thật sự trở thành “gương báu”, được hoàn thiện trên căn bản lô-gíc phủ-định-hình-thức-liễu-nghĩa-siêu-hình-tưởng!

Tiền đề xác lập: A chẳng là A, do vậy A là A 

Phương trình biểu thị: Tức phi = Thị danh

Ví dụ: Toàn Không phản biện giả, TỨC PHI phản biện, THỊ DANH phản biện! (Tạm hiểu: Toàn Không phản biện, tức là không có phản biện gì cả, như thế mới thực gọi là Toàn Không đang phản biện!?)

Đức Phật không thuyết giảng kinh Kim Cang. Đây chỉ là “tác phẩm” của các học giả Đại thừa.

Toàn Không viết: Thật ra Kinh Kim Cang (hay Kim Cương), tên đầy đủ là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika-prajñaparamita),từ tiếng Phạn: Vajracchedika là Kim Cang, nó có khả năng cắt chém cứng như kim cang. Trong bối cảnh của bài Kinh, chúng ta có thể hình dung ra một chiếc gươm bén chắc chặt đứt các màn hình tướng để lộ ra sự thật, cũng có thể hiểu là kinh có một sức mạnh sấm sét, một sức công phá khủng khiếp, nhằm phá tan mọi kiến chấp.”

Thiết tưởng cái gọi là “Thật ra”, Toàn Không nên đặt vào chỗ truy nguyên bản kinh để tìm ra sự liên hệ với giáo thuyết Nguyên thủy của Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, chứ không phải giải thích từ ngữ để quảng bá cho “khả năng cắt chém” của nó… “Trong bối cảnh của bài kinh” cũng phải được soi rọi bằng bối cảnh lịch sử, chứ không phải chỉ để “hình dung ra một chiếc gươm bén”!?...

Khi chế tác kinh, các tác giả đã tưởng giải những điều cao siêu mà tự thân các vị không làm được. Vì không làm được nên chưa đủ tự tin, không dám nhận mình là tác giả, bèn gán cho Phật thuyết, nhét vào miệng ông A-nan những câu mà ông này chưa từng nói: “Tôi nghe như vậy, một thời Phật tại…”. Đây là điểm Toàn Không cần “phản biện”, chứ không phải nhai lại bã mía của các Tổ về chuyện “liễu nghĩa” hay “bất liễu nghĩa”…  

2./ Kinh Duy Ma Cật

X). HT TTL: Kinh Duy Ma Cật là kinh phát triển của Đại Thừa. Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình; nó không có gì đặc biệt riêng của nó, chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu và cũng giống như vẽ rắn thêm chân, thêm râu, khiến cho mọi người dễ bị lường gạt tưởng là rồng thật. Giáo lý Đại Thừa và Thiền Đông Độ cũng lường gạt tín đồ như vậy, tưởng là một chân lý siêu việt của Đạo Phật, nào ngờ là một giáo lý chắp vá, như chiếc áo may nhiều loại vải thô xấu....(ĐVXP-Tập 8) 

Phản Biện của Toàn Không:

Kinh Duy Ma Cật là kinh của Bắc Truyền; nếu nói “Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình” thì không hoàn toàn đúng, vì nếu có đi nữa cũng chỉ như thêm màu sắc cho hợp với từng địa phương, nhưng cốt lõi của các Kinh vẫn giữ đúng những gì đức Phật đã nói và đó là lý do tại sao Bắc Truyền ngày nay đã lan rộng không những chỉ ở Á châu mà ra khắp Âu Mỹ Úc Phi của thế giới. Tại sao như thế, vì Phật giáo Bắc Truyền đi đúng với những tinh hoa mà đức Phật đã dạy, nó thích hợp với khoa học và nhu cầu tâm linh của con người tiến bộ trong giai đoạn hiện tại. Muốn biết Kinh Duy Ma Cất có gì đặc biệt, chúng ta phải lược sơ qua nội dung của Kinh, chỉ đề cập tới những gì chúng ta cần phải học phải nhớ và thực hành thì mới biết được sự thật như thế nào”.

Nhận định: Cũng như phần nói về Kinh Kim Cang. Phần này Toàn Không cũng chỉ tầm chương trích cú, tỏ ra thông hiểu Đại thừa để “giảng” kinh Duy-ma-cật, chứ chẳng có một lý lẽ “phản biện” nào cho ra hồn…

Sở dĩ Toàn Không “phản biện trật đường ray” vì không chịu tìm hiểu đối tượng, chỉ biết cái tên gọi là: “HT THL”. Chứ không hề biết con người ấy là ai?, dạy gì?, viết gì?... Điều này không phải do chúng tôi suy đoán, mà chính Toàn Không tự bạch trong “Lời dẫn”: 

Vào ngày 15-8-2012 tình cờ chúng tôi mở mạng lưới điện toán của Thư Viện Hoa Sen, bất ngờ thấy một thư ngỏ đề ngày 18 tháng 12 năm 2010…” 

“…Bởi vậy chúng tôi liền bắt tay vào viết để chặn đứng sự việc vô cùng tai hại này…”

“…Chúng tôi căn cứ theo bản tóm tắt của Ban Biên Tập mạng Thư Viện Hoa Sen mà trả lời, hy vọng sẽ góp phần trong việc bảo vệ Pháp bảo… “

Toàn Không đã vội vàng “liền bắt tay vào viết…”, mà chỉ viết căn cứ theo bản tóm tắt của Ban Biên Tập mạng Thư Viện Hoa Sen…”, chứ không cần tìm hiểu đối tượng, không cần đọc bất cứ một cuốn sách, tài liệu nào do đối tượng viết, chỉ căn cứ vào bản tóm tắt của BBT/TVHS để phóng bút. Vội vàng thế liệu có bảo vệ được cái gọi là “pháp bảo” của Toàn Không hay không?... Thảo nào Toàn Không đã nhầm tưởng HT TTL đang xiển dương giáo pháp của Phật giáo Nguyên thủy Theravada mà Toàn Không gọi là “Nguyên thủy Nam truyền”!???   

Vì Toàn Không chỉ dựa vào câu tóm tắt của BBT/TVHS mà không chịu đọc sách HT TTL, nên phản biện ngoài ngữ cảnh, buộc chúng tôi phải đọc giúp Toàn Không vài đoạn, gợi ý giúp Toàn Không vài điểm phản biện cho chính xác.

HỎI:  "Kính bạch Thầy! Trong lời tựa Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh pháp sư  Từ Thông viết: “Kinh Duy Ma Cật là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại Thừa viên đốn là thứ giáo lý mãn tự. Giáo lí kinh Duy Ma Cật dạy cho mọi người về pháp môn giải thoát bất tư nghì. Hành giả thực hiện được là thành Phật như đức Phật Thích Ca và thập phương chư Phật đã thành”. Điều mà con muốn hỏi Thầy: “Thật ra kinh Duy Ma Cật có phải là kinh Phật thuyết hay không? Nhờ Thầy chỉ dạy cho con pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn này".

ĐÁP: “Kinh Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa ca ngợi một cư sĩ Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát đã thành Phật, có trí tuệ bất tư nghì không thể nghĩ bàn. Vì thế không có ai lý luận hơn Ngài được.

Kinh so sánh trí tuệ Duy Ma Cật như trí tuệ Phật (Trí tuệ không nghĩ bàn). Vì thế không có một vị đại đệ tử nào của Phật dám đến thăm ông, dù là đại trí tuệ đệ nhất như ông Xá Lợi Phất cũng còn sợ hãi, khiếp đãm khi nghe nói đến đi thăm bệnh Ông. Do trí tuệ Ông cao siêu như vậy nên đức Phật mới sai ông Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đến thăm. Chỉ có ngài Văn Thù Sư Lợi có đủ trí tuệ mới dám đến thăm bệnh và đối đáp với ông mới cân xứng.

Kinh Duy Ma Cật ra đời nhằm có ý đồ diệt Phật giáo để dựng lên một giáo pháp mới. Đó là giáo pháp bất nhị, còn gọi là giáo pháp bất tư nghì .

Kinh Duy Ma Cật dựng lên một người cư sĩ vĩ đại khiến cho tất cả đệ tử của đức Phật chỉ cần nghe đến tên Duy Ma Cật là đã rét run, cúi đầu, rụt cổ như rùa, đó là những đệ tử lớn của đức Phật như: ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, ông Phú Lâu Na, ông Ca Chiên Diên v.v... còn như vậy huống các đệ tử khác. Biết hàng đệ tử Thanh Văn của mình trí tuệ còn kém xa nên đức Phật của kinh Duy Ma Cật phải nhờ đến một vị Bồ Tát ảo tưởng của nhà văn Khưu Trường Xuân. Một nhà Văn Trung Hoa giàu trí tưởng tượng, tưởng ra những nhân vật tu theo Tiên đạo. Đó là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trong truyện “Phong Thần Diễn Nghĩa”.

Trong bộ truyện Phong Thần Diễn Nghĩa có hai vị tiên ông, đệ tử của vị tiên trưởng Nguơn Thủy Thiên Tôn. Đó là ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù. Trong truyện có ghi chú: hai vị tiên ông này sau tu theo Phật giáo được đắc quả thành Phật

Đọc kinh Duy Ma Cật chúng ta rất buồn cười cho những ai không sáng suốt vội tin theo mà không cân nhắc. Người viết kinh Duy Ma Cật đã không khéo léo, nên kinh được dấu đầu, mà lại ló đuôi khiến cho người có trí một chút là đã tìm cái giả mạo của kinh.

Kinh Duy Ma Cật là một tập tiểu thuyết lý luận triết lý bất nhị, khéo mượn những nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa lồng vào kinh để lôi cuốn hấp dẫn người đọc.

Cho nên, đọc xong kinh Duy Ma Cật người có sự nhận xét tinh vi một chút thì biết ngay kinh này không phải Phật thuyết, kinh này chỉ do các Tổ viết ra để diệt Phật giáo, nếu các bạn lưu ý sẽ nhận ra điều giả mạo và có ý đồ thâm độc này. 

Đạo Phật ra đời đã làm đảo lộn tư tưởng của loài người bằng bốn sự thật: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Bốn chân lí độc đáo này đã có sẵn của loài người. Ngài chỉ cần khơi dậy khiến cho tất cả giáo lý của các tôn giáo và các triết lý của những nhà triết học hiện hành trên hành tinh này đã đổ vỡ, trở thành những ảo tưởng. Thế mà lại có một pháp môn bất nhị không hai này lại bảo rằng Phật thuyết, thì e rằng rất oan cho đức Phật. Đức Phật bao giờ nói chuyện giáo pháp không tưởng như vậy. Mới nghe mọi người tưởng là mới mẻ của kinh sách Đại Thừa được diễn tả trong kinh Duy Ma Cật, nhưng nào ngờ giáo pháp ấy cũ rích của Bà La Môn xưa kia. Trong khi kinh sách Nguyên Thủy còn ghi lại lời đức Phật đã dạy, Ngài đập sạch và quét 62 lập luận tà giáo ảo tưởng của Bà La Môn không còn ngoi đầu dậy được nữa.

Thế mà, kinh Duy Ma Cật lại bảo kinh này Phật thuyết như trên đã nòi thì có ai mà tin không? Chỉ có những người không đủ trí quán xét thì mới tin như vậy.

Kinh đã không phải Phật thuyết thì pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn cùng không phải của Phật. Đó là một pháp tưởng của ngoại đạo.

 Thưa các bạn! Đừng bao giờ đem pháp môn cao siêu mà gán cho Phật, vì pháp Phật không có cao siêu, chỉ là những pháp môn rất gần gũi với đời sống của con người, nên nó “…thiết thực, cụ thể không có thời gian đến để mà thấy...”

Pháp môn không thể nghĩ bàn tức là pháp môn với ý thức không thể hiểu được là một pháp môn ảo tưởng; là một pháp môn nói vọng ngữ.

Pháp môn của Phật là pháp môn đem ra dạy cho người tu tập để mang lại lợi ích cho con người, sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai, còn pháp môn không thể nghĩ bàn thì làm sao hiểu được, mà đã không hiểu được thì làm sao tu tập được; mà đã không tu tập được thì làm sao có giải thoát được. Như vậy pháp môn bất tư nghì là pháp môn lừa đảo con người. Còn nếu bảo rằng pháp môn này để dạy chư Phật và các bậc A La Hán thì chư Phật và các bậc A La Hán đâu cần phải tu pháp môn này, vì các Ngài đã chứng đạt chân lí giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi. Cho nên các Ngài đối với pháp môn không nghĩ bàn này là một pháp môn hý luận cho vui chơi, chứ có lợi ích gì cho cuộc sống của loài người đâu. Vì các ngài biết đó là pháp môn vọng ngữ, lừa đảo con người chứ không thể lừa đảo các Ngài được. Phải không các bạn?      

Nghe nói đến pháp môn khó nghĩ bàn là biết ngay pháp môn nói dối. Cho nên khi nghe Bồ Tát Duy Ma Cật nói: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” thì biết ngay Bồ Tát Duy Ma Cật không hiểu Phật giáo, nên mới nói câu ấy. Người không hiểu Phật giáo mà lại nói kinh này của Phật thuyết là sai. Đạo Phật là đạo tự cứu mình chứ không ai cứu mình được. Vì thế lời tuyên bố của kinh Duy Ma Cật chứng tỏ là Ông chẳng hiểu gì về đạo Phật chút nào cả. Đức Phật đã chẳng bảo: “Nếu ta nói một điều mà không ai hiểu là ta có nói láo”: Vậy mà ở đây nói pháp môn không nghĩ bàn là nói láo. Có đúng không các bạn?

Vậy pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn nói láo, pháp môn này chỉ gạt người vô minh, chứ người nào chỉ cần có một chút hiểu biết cũng không thể lừa đảo họ được.

Pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn lừa đảo như trên đã nói, chỉ có những người sống trong tưởng tri nên mới dễ tin pháp môn này.

Pháp môn này chỉ lý luận chơi cho vui chứ chưa có ai sống được, vì con người là có sự tư duy suy nghĩ, chứ con người không phải đất, đá, cỏ, cây v.v....

Như trên đã nói kinh Duy Ma Cật là kinh tưởng, vì thế trưởng giả Duy Ma Cật là người tưởng, chứ không phải là người có thật. Căn cứ vào lịch sử loài người thì cư sĩ Duy Ma Cật không có. Cho nên tác giả kinh Duy Ma Cật khéo tưởng tượng ra nhân vật và pháp môn bất tư nghì . 

Kính thưa các bạn! Những pháp môn đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy, như pháp môn Hơi Thở rõ ràng như vậy mà các bạn còn tu tập sai tới, sai lui, huống hồ là pháp môn khó nghĩ bàn của Duy Ma Cật thì biết đâu mà tu tập. Phải không các bạn?

Cho nên kinh Duy Ma Cật là kinh vọng ngữ. Và tu tập pháp môn Bất Tư Nghì để làm gì? Để lý luận tranh đua hơn thiệt với thiên hạ ư! Đạo Phật không có mục đích đó. Xin các bạn lưu ý.”

Tạm kết: Duy-ma-cật là một nhân vật hư cấu do các học giả Đại thừa dựng lên. Nơi xảy ra câu chuyện “thăm bệnh” là cảnh giới siêu hình tưởng không có thật. Phật, Bồ-tát trong kinh cũng là Phật, Bồ-tát ảo, không phải Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni…

Khi Giáo pháp Nguyên thủy của Đức Phật chủ trương nếp sống đạo đức phạm hạnh, thiểu dục tri túc, ba y một bát, độc cư phòng hộ sáu căn, ly dục ly ác pháp. Thì các hệ phái thuộc phong trào vận động Đại thừa dựng lên hình ảnh của một ông Cư sĩ trái ngược, vợ đẹp con ngoan, giàu có, tự do phóng khoáng, tự tại vô ngại đi mây về gió. Đồng thời họ cũng dựng thêm một ông Bồ-tát tưởng Văn Thù đến “thăm bệnh” đề bàn luận về “Bất nhị pháp môn” nhằm triệt hạ uy tín của các đại đệ tử như Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất…, với thâm ý triệt tiêu giáo pháp Nguyên thủy của đức Bổn sư…

Nếu Toàn Không vẫn còn muốn nhận Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni làm Bổn sư, thì nên quên mấy ông Phật tưởng, Bồ-tát tưởng phi lịch sử như ông Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi… Nhưng nếu còn muốn bám vào các vị ấy, hãy cố gắng chứng minh những giáo pháp mà các vị ấy dạy như “bất nhị pháp môn” cũng có căn bản từ lời Đức Phật dạy trong kinh tạng Nguyên thủy Nikaya.

Chúng tôi sẽ ngưng không viết nữa nếu Toàn Không tiếp tục thuyết giảng Đại thừa, mà quên đi phần chứng minh cần thiết giáo nghĩa Nguyên thủy từ kinh tạng Nikaya trong phản biện của mình…