Skip directly to content

17- THIỀN THÁNH TRONG TRÍ PHÀM - Trí Khánh

Cập nhật ngày : 14.10.2012    

Lời BBT/GNCN

 

Trong loạt bài minh họa thêm cho bài “Giọt Nắng Chơn Như Tự Bạch”. Chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả bài “Chánh Pháp Đến Với Đời Rất Khó!!!” của tác giả Phương Minh. Trước khi chia tay diễn đàn, Phương Minh đã viết:

 “Kính thưa quý vị Thầy Tổ tôn túc, PM xin mời quý Thầy và quý độc giả trở lại với bài ý kiến ngày 08/7/11 của đạo hữu Trí Khánh. Trong ý kiến này đạo hữu Trí Khánh đã dẫn rất rõ ràng những tài liệu mà quý Thầy đã thừa nhận bốn thiền của Phật là thiền phàm phu. PM có ý kiến thêm thế này:

Quý Thầy đã giảng dạy Bốn Thiền là thiền phàm phu, và kinh sách Nam, Bắc Tông cũng đều dạy như thế cả. Đồng thời khi so sánh Tứ Thiền này thì tương ưng với Tứ Quả, như Sơ Thiền tương ưng với Quả Tu Đà Hoàn, cũng gọi là Nhập Lưu. Như vậy khi Nhập Lưu là nhập vào “Phàm Phu” phải không thưa quý Thầy? Bởi thiền phàm phu thì tất yếu phải nhập lưu vào phàm phu chứ chạy đâu được?

Phàm phu đi tu tập để trở thành phàm phu thì có tốn cơm gạo của đàn na thí chủ không thưa quý Thầy? Vậy mà các đồng pháp của bạn Ng.Hải chỉ cố gắng cho lấy có, chứ mọi người ai chẳng hiểu sự yếu kém về Phật pháp chân chánh của quý bạn và quý Thầy”

Chúng tôi thấy cần thiết cho đăng lại bài của Trí Khánh mà Phương Minh đã viết ở trên. Đồng thời cũng xin nhắc lại nhằm giúp các độc giả không có điều kiện theo dõi cuộc “đối thoại” trên diễn dàn TVHS hiểu rõ hơn.

Trong sách “Đối thoại với Thầy Thông Lạc” của Thích Nguyên Hải, tác giả đã thừa nhận: thầy Thông Lạc “đắc tứ thiền” nhưng chỉ là “phàm phu thiền”, thứ “thiền” mà chính tác giả Thích Nguyên Hải cũng đã chứng đắc và có thần thông “chuyển di tâm thức”. Đó là nguyên nhân Trí Khánh viết bài này… Vì bài “đối thoại” trên diễn đàn TVHS không có tiêu đề nên chúng tôi tạm đặt tiêu đề cho bài này là “Thiền Thánh Trong Trí Phàm”.

Để tôn trọng sự khách quan trong “đối thoại”, chúng tôi cho đăng lại nguyên văn bài viết trên, có thể trong bài còn nhiều sơ xuất, rất mong độc giả đọc và góp ý thêm…

 

Nguyên văn trên DĐ TVHS: Được gửi bởi Trí Khánh (Guest) vào 08/07/2011

Tứ Thiền là “phàm phu thiền”, “ngoại đạo thiền”, hay chính là BỐN THÁNH ĐỊNH do chính Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni khai sáng? Đây là vấn nạn mà có lần tôi đã góp ý trên phattuvietnam.net, nay bất đắc dĩ phải lập lại. Lẽ ra, phải trình bày vấn đề bằng một bài viết có hệ thống. Nhưng vì phần “ý kiến độc giả” ở đây có hạn, nên chỉ tản mạn đôi điều…

Khi nhận định: Tứ thiền là phàm phu thiền, thầy Nguyên Hải đã nhai lại bã mía của chư vị Thầy Tổ, chứ chẳng phải phát kiến mới của thầy. Nhiều vị Cao Tăng, Tôn Túc hiện nay cũng khẳng định bốn thiền này là của ngoại đạo, của phàm phu tu tập, không do Thế Tôn khai sáng. Dưới đây là vài trường hợp điển hình:

- HT.Thích Chơn Thiện: Tứ thiền là ngoại đạo thiền được nhiều đạo sĩ tu tập, nó có từ trước thời Đức Phật…. (Tăng già thời Đức Phật, tr.181).

- HT.Thích Nhất Hạnh: Tứ Thiền là một sản phẩm có thể có trước, đồng thời hoặc sau đạo Bụt. Nó chỉ là “thời thượng”, “mode”, chứ không phải “tinh ba của đạo Bụt”?... (Thích Nhất Hạnh -Truyền thống sinh động thiền tập - Quyển 1: Chương 3: 3-4 Khởi nguyên truyền thống thiền tập tại Việt Nam).

- HT.Thích Thanh Từ: Khi giảng về Tam Tổ Trúc Lâm trên trang nhà thuongchieu.org cũng nói: “Phàm phu thiền. Tu thiền định theo nhà Phật, tuy chứng được bốn thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cũng gọi là phàm phu thiền, vì tu bốn thiền này người tu chỉ sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống thế gian thôi, chớ chưa giải thoát.”…

- HT.Thích Thiện Hoa: Ngài giảng Tứ Thiền rất dài nhưng cũng kết luận: Tứ Thiền là “phàm phu thiền”. (Phật Học Phổ Thông. Khóa V. Trang 173)

Vậy nên, nếu thầy Nguyên Hải có nhại lại các bậc Thầy Tổ: “Tứ Thiền là phàm phu thiền” cũng chẳng có gì lạ. Chỉ có điều, do thầy không hề biết BỐN THÁNH ĐỊNH mà Thế Tôn đã chứng trú và công bố trong tạng kinh Nikaya hoàn toàn khác với BỐN LOẠI THIỀN TƯỞNG mà thầy tưởng mình đã chứng đắc, đã có chút ít thần thông như “chuyển di tâm thức?”, nên tự cho mình cái quyền “ấn chứng” cho bất kỳ người nào chứng đắc bốn loại thiền TƯỞNG này của thầy!...

Tứ Thiền có phải là “phàm phu thiền”, “ngoại đạo thiền” không? Xin mời qúy vị đọc đoạn kinh Nikaya do HT Thích Minh Châu trích dẫn lại trong cuốn “Hành Thiền”, (trang 8-9). Đọc và suy xét cẩn thận, tìm hiểu thấu đáo, để khỏi rơi vào chỗ hủy báng một giáo pháp mà chính Đức Thế Tôn đã chứng trú…

 “Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất… khi an trú như vậy ta nghĩ: “Theo con đường này có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi ta: “Đây là con đường đưa đến giác ngộ”. Với kinh nghiệm này, Sa môn Gotama thực hành thiền định chứng Sơ thiền, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Ngài hướng tâm và chứng được Ba Minh, và cuối cùng Ngài thành đạo, chứng được Thánh quả thành bậc Chánh giác”.

Đoạn kinh do HT Thích Minh Châu trích dẫn trên cũng đã chứng minh hùng hồn rằng: Thế Tôn từ bốn thiền hữu sắc này đã tiến thẳng vào Tam Minh để chứng Thánh quả thành bậc Chánh Giác, chứ Ngài không cần đi qua bốn định vô sắc của ngoại đạo, cũng chẳng cần nhập Diệt Thọ Tưởng định. Dĩ nhiên ở giai đoạn này, nếu cần, hành giả cũng thừa khả năng thể nhập Diệt Thọ Tưởng định, vào “tham quan” bốn định vô sắc. Nhưng không cần thiết và không bắt buộc xem cái mà các học giả Đại thừa gọi là “Cửu Thứ Đệ Định” như là những chặng đường buộc phải đi qua … Đối với bốn định vô sắc, hành giả cần phải biết “vượt qua” chúng để hướng thẳng đến Vô Tướng Tâm Định, tức Tâm Vô Lậu như lời Thế Tôn dạy trong nhiều bài kinh ngắn thuộc Trung Bộ Kinh.

Như vậy, Bốn Thiền mà Thế Tôn đã chứng trú, rồi từ đó hướng tâm vào Tam Minh để thành bậc Chánh Giác là ngoại đạo thiền hay phàm phu thiền? Thầy Nguyên Hải và kể cả quý Hòa Thượng Thanh Từ, Nhất Hạnh, Chơn Thiện, Thiện Hoa đã căn cứ vào đâu để cho rằng Tứ Thiền là “phàm phu thiền”?

Trước hết, phải xác nhận danh từ “Tứ Thiền” có từ rất lâu, trước cả thời Đức Phật. Nhưng Bốn Thiền đó có phải là Bốn Thánh Định mà Thế Tôn đã chứng trú không? Đây là câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Theo tôi, Tứ Thiền của ngoại đạo và Tứ Thánh Định của Đức Thế Tôn về tên gọi có thể giống nhau, nhưng nội hàm của chúng khác nhau rất xa. Ví dụ: học thuyết “Ba Ngôi”, chúng ta thấy xuất hiện ở nhiều tôn giáo, nhưng nội hàm khác biệt. Ở Kitô giáo là: “Chúa Cha – Chúa Con – Thánh Linh”, ở Khổng giáo: “ Thiên - Địa – Nhân”, ở Phật giáo: “ Phật – Pháp – Tăng”… Thế nên không thể nói học thuyết “Ba Ngôi” được tôn giáo này du nhập từ tôn giáo kia…

Cũng thế, “Tứ Thiền” là pháp môn tu học của nhiều học phái trước, trong và sau thời Đức Thế Tôn. Thế nhưng Tứ Thiền mà Thế Tôn chứng trú và công bố trong tạng Nikaya có phải của ngoại đạo hay không cần quán xét kỹ toàn bộ giáo pháp của Ngài, chứ không thể làm như HT Nhất Hạnh, chỉ lấy vài kinh như “Quán Niệm Hơi Thở”, kinh “Tứ Niệm Xứ”… thấy “không nói đến Tứ Thiền”, rồi kết luận Tứ Thiền được du nhập từ ngoài vào… Đằng khác, chưa ai xác định được nội hàm Tứ Thiền ngoại đạo để so sánh với nội hàm Tứ Thiền mà Thế Tôn xiển dương để kết luận chúng chỉ là một!...

TS Nhất Hạnh nhận định: “Chúng ta nên nhắc lại rằng trong tất cả các văn bản ghi chép lại kinh Chuyển Pháp Luân tức là bài pháp đầu tiên của Bụt nói cho năm thầy, không có kinh nào nói về Tứ Thiền hết. Trong kinh đó Bụt chỉ nói về Tứ đế và Bát Chánh Đạo mà thôi. Bụt không nói tới Tứ Thiền như là một sự thực tập mà mình phải theo để được giải thoát, để được giác ngộ”…

Có lẽ TS Nhất Hạnh chỉ tu “Thiền Tiếp Hiện” nên không quan tâm đến Tứ Đế, bài pháp đầu tiên Thế Tôn dạy 5 anh em Kiều Trần Như. Chúng ta biết rằng, toàn bộ giáo pháp của Thế Tôn đều xoay quanh trục Tứ Đế. Đạo Đế với 37 phẩm trợ đạo, trong đó Ngũ căn, Ngũ lực được xác định: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

Chương V “Năm Pháp”, Kinh Tăng chi, Thế Tôn dạy “những điều cần phải thấy” như sau: “Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Và này các Tỷ-kheo, Tín lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Dự lưu chi phần; ở đấy, Tín lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, Tấn lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Chánh Cần; ở đấy, Tấn lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, Niệm lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Niệm xứ; ở đấy, Niệm lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, Định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, Định lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thiền; ở đấy, Định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, Tuệ lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thánh đế; ở đấy, Tuệ lực cần phải thấy. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này.”…

Chương IV. “Tương Ưng Căn”. Thế Tôn cũng xác định: “Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán Định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán Định căn trong bốn Thiền. Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán Tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.”

 “Định Lực và Định căn cần phải quán trong Bốn Thiền. Tuệ Lực và Tuệ căn cũng cần phải quán trong Bốn Thánh Đế”. Đó là khẳng định của Thế Tôn. Qua đây cho thấy, năm anh em Kiều Trần Như là những người đầu tiên được Thế Tôn dạy Bốn Thiền… Do đó, không thể nói trong Tứ Đế “Bụt không nói tới Tứ Thiền như là một sự thực tập mà mình phải theo để được giải thoát, để được giác ngộ”… Tứ Thiền lại càng không thể là “thời thượng–mode” như TS Nhất Hạnh đã nhận định…

Và dưới đây là một đoạn kinh quan trọng được Thế Tôn xác nhận Chánh Định, lớp thứ tám trong Bát Thánh Đạo chính là Bốn Thiền:

 “Này chư Hiền, thế nào là Chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm (savitakka), với tứ (savicara). Vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định”. (Trung Bộ, tập 3, Saccavibhangacittasuttam Kinh “Phân Biệt Về Sự Thật”)

Rõ ràng BỐN THÁNH ĐỊNH này là Định của các BẬC THÁNH, nó chính là lớp thứ tám CHÁNH ĐỊNH trong BÁT THÁNH ĐẠO. Vậy mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh khăng khăng một mực: “kinh Chuyển Pháp Luân tức là bài pháp đầu tiên của Bụt nói cho năm thầy, không có kinh nào nói về Tứ Thiền hết. Trong kinh đó Bụt chỉ nói về Tứ đế và Bát Chánh Đạo mà thôi. Bụt không nói tới Tứ Thiền như là một sự thực tập mà mình phải theo để được giải thoát, để được giác ngộ”…

Đối với thầy Thích Nguyên Hải, thầy đã bỏ công chép lại nhiều bài kinh dài lê thê trong tạng kinh Nikaya, nhưng thầy không hề thấy được sự câu hữu các pháp mà Thế Tôn thuyết giảng xuyên suốt Đại tạng. Không nhìn ra được CHÁNH ĐỊNH trong BÁT THÁNH ĐẠO chính là TỨ THÁNH ĐỊNH, tức BỐN THIỀN này. Hồ đồ nhại lại chư vị Thầy Tổ gọi BỐN THÁNH ĐỊNH này là “phàm phu thiền”…

Về việc xác định nội hàm Bốn Thiền mà Thế Tôn xiển dương không thể là sản phẩm du nhập từ ngoại đạo, không phải là “phàm phu thiền”. Ngược lại đó chính là Bốn Định của các bậc Thánh là việc cần nên làm và là trách nhiệm của những người con Phật…

Ý kiến cho rằng: Tứ Thiền không do Thế Tôn xác lập có lẽ xuất phát từ một Thiền sư nổi tiếng Trung Hoa. Ngài Khuê Phong Tôn Mật (780-841), tổ thứ 5 của tông Hoa Nghiêm… Thiền tông Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ 8 thường dùng các luận thuyết của Ngài làm kim chỉ nam với tác phẩm chính là: “Thiền Nguyên Chư Thuyên Ðô Tập”.

Thiền sư Tôn Mật căn cứ vào các cụm từ: “ly sanh hỷ lạc”, “định sanh hỷ lạc”, “ly hỷ diệu lạc”… để dẫn đến luận điểm: hạng Phật tử tuy tin vào lý nhân quả nhưng còn ham thích hỷ lạc, nên bốn thiền mà họ đang tu tập chỉ là “phàm phu thiền”… Cho đến nay, các thế hệ Phật tử VN bao gồm cả những cao tăng, học giả, đều không dám nói ngược lại ý này của Tổ Tôn Mật.

Không lạ gì khi Thiền sư Nhất Hạnh nói: “Tứ thiền không phải là tinh ba của đạo Bụt”. Cho dù Thiền sư Nhất Hạnh có cố gắng chứng minh điều này bằng kinh Phạm Võng nhưng sức thuyết phục rất kém…

Điều may mắn thật sự đã đến với Phật tử VN ngày nay, khi chúng ta đang có trong tay “Đại Tạng Kinh Việt Nam” do HT Thích Minh Châu dịch trực tiếp từ tạng Pali – Nikaya. Khi dịch Đại tạng này, Ngài cũng đã đối chiếu với Hán tạng A-hàm và Ngài nhận xét có một khoảng cách khá lớn giữa hai tạng này. Vì thế, muốn nhìn về “Nguyên thủy” hoặc “gần Nguyên thủy” nhất, sao không dùng Việt Tạng mà cứ phải bám vào Hán Tạng?… Có lẽ Tổ Tôn Mật đã nhìn Tứ Thiền qua lăng kính A-hàm cộng với kiến giải Thiền tông để đưa đến kết luận Tứ Thiền là “phàm phu thiền”…

Đọc Đại Tạng Kinh Việt Nam của HT Thích Minh Châu, không thể không ngạc nhiên khi thấy Thế Tôn thành bậc Chánh Giác là nhờ Bốn Thiền. Vậy mà Bốn Thiền lại bị cho là “phàm phu thiền”. Điều ngạc nhiên hơn là “xưa nói nay nghe”, không ai dám cãi… Chúng ta tôn kính Tổ Tôn Mật, chúng ta học gương hạnh của Ngài. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có quyền nghĩ khác quan điểm của Ngài…

Thiền của Đức Thế Tôn là Thiền “ly dục, ly bất thiện pháp”. Nhờ ly dục ly bất thiện pháp mà con người có thể làm chủ nhân quả. Làm chủ nhân quả chính là làm chủ sanh già bệnh chết, hay vắn gọn là làm chủ sinh-tử. Làm chủ sinh-tử là một cách nói khác của làm chủ thân ngũ uẩn này…

Muốn thế, không thể không tu học Bốn Thiền mà Thế Tôn đã chỉ bày cặn kẽ trong Nikaya. Không thể nói như TS Nhất Hạnh vì kinh này, kinh kia Bụt không nói đến bốn thiền để khẳng định “bốn thiền không phải là tinh ba của đạo Bụt!”.

Ngược lại, phải xuyên suốt Đại tạng để thấy chỗ nào Thế Tôn nói “ly dục ly bất thiện pháp” chỗ đó là Sơ Thiền. Chỗ nào Ngài nói: “diệt tầm tứ” hoặc “ly sắc uẩn” hoặc “ly ý thức”, vì tầm tứ là ý thức, mà ý thức thuộc sắc uẩn, ý thức đã ly dĩ nhiên các thức còn lại của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cũng ly theo. chỗ ly được sắc uẩn đó là Nhị Thiền. Chỗ nào Ngài dạy: “ly các loại hỷ tưởng” hoặc “ly tưởng uẩn”, chỗ đó là Tam Thiền. Chỗ nào Ngài dạy: “xả các cảm thọ, diệt hỷ ưu” “ngưng các thân hành” chỗ đó là Tứ Thiền…

Chúng ta thấy rất rõ con người sở dĩ bị trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử là vì không làm chủ được cái thân ngũ uẩn này. Nhờ Bốn Thiền mà xả ly được sắc, thọ, tưởng, hành. Còn lại thức uẩn sẽ chuyển hóa thành lực của Bất Động Tâm, tức tâm bất động trước các chướng ngại pháp và các cảm thọ. Khi lực của tâm bất động này sung mãn, nó sẽ chuyển hóa thành Vô Tướng Tâm Giải thoát, tức tâm không còn ba tướng: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, nói vắn gọi là Tâm Vô lậu.

Đến giai đoạn này, chúng ta lưu ý đến cụm từ mà Thế Tôn thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong Đại tạng Nikaya: “Tâm nhu nhuyến, dễ sử dụng”. Nghĩa là nó không còn khó khăn mệt nhọc công phu nữa, mà nhờ vào Dục Như Ý Túc, hành giả có thể nhẹ nhàng hướng tâm vào Tam Minh để giải quyết rốt ráo “bài toán sinh tử” mà Đức Thế Tôn đã cho sẵn “đáp số”…