Skip directly to content

27- NHỆN HAY TẰM? – Phản hồi bài viết của HT Thích Trí Tịnh

Cập nhật ngày : 17.11.2012    
Loạt Bài: VẤN ĐÁP, ĐỐI THOẠI - BẢO VỆ CHÁNH PHÁP
(Phản hồi của độc giả trên DĐ/TVHS về bài viết của HT Thích Trí Tịnh) 
 

Lời BBT/GNCN

Gần đây, trên trang nhà gioitnangchonnhu.org xuất hiện loạt bài VẤN ĐÁP, ĐỐI THOẠI, BẢO VỆ CHÁNH PHÁP. Chúng tôi xin được thưa lại, đó là những ý kiến của độc giả trên các trang mạng Phật giáo khác. Chúng tôi sưu tầm và cho đăng lại một cách khách quan, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều về những vấn đề liên quan đến đạo pháp của đức Bổn sư.

Đối với quý HT Trí Tịnh, Nhất Hạnh và nhiều vị khác. Chúng tôi luôn xem các Ngài là những bậc Tôn đức đáng kính. Vì thế, nếu trên trang nhà GNCN có những ý kiến hoặc bài viết liên quan đến các Ngài, chúng tôi khẳng định, đó chỉ là những phản biện, phê bình về quan điểm, hoặc góp ý về pháp hành mà các Ngài đang giảng dạy cho Phật tử, hoàn toàn không có ý xúc phạm cá nhân. Đúng như Trưởng lão Viện chủ đã nói: “Pháp sai chứ người không sai.” Rất mong độc giả hiểu và đồng cảm với chúng tôi…

Để qúy độc giả tiện theo dõi, xin giới thiệu nguyên văn bài viết của HT Thích Trí Tịnh trước, tiếp đó là phần ý kiến phản hồi…     

ĐỪNG DÍNH ĐẾN QUYỀN LỢI

Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua.

Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai họa cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được.

Nói đến đây, tôi nhớ lúc còn học tại chùa Báo Quốc ở Huế, nhân đọc Đại tạng đến quyển Trúc Song Tùy Bút của Đại sư Liên Trì, phần nói về “Con nhện con tằm”. Trong ấy nói hai con vật này đều nhả tơ, giăng lưới. Nhưng một con phải chết vì sự nhả tơ đó, còn một con thì lợi dụng sự nhả tơ để bắt mồi. Con tằm nhả tơ rồi bị đem đi luộc, còn con nhện cũng nhả tơ nhưng lại tự tại qua lại trên những sợi tơ đó, không bị vướng kẹt.

Đại sư Liên Trì đưa ví dụ này nhằm để khuyên nhắc tất cả mọi người. Vì ai nấy đều có sự nghiệp. Người đời cũng có sự nghiệp, mà người xuất gia cũng có sự nghiệp; chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Tuy vậy, mình nhớ tạo sự nghiệp phải được như con nhện, đừng như con tằm nhả tơ rồi phải chết trong kén.

Tôi nhận thấy bài đó hay, lấy làm thích thú, luôn nhớ và đem ứng dụng tu hành. Nghĩ lại, từ năm 1946 tôi lập Liên Hải Phật Học đường, các Phật Học viện, thành lập chùa, ra làm việc cho Giáo hội như: Trưởng ban Giáo dục, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, rồi Viện trưởng Phật học viện Huệ Nghiêm… nhưng làm việc mà không bị ràng buộc.

Lúc làm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, đã 4 tháng mà tôi vẫn chưa mở văn phòng. Mấy thầy thấy vậy thắc mắc hỏi thăm, riêng tôi lại nghĩ hễ lập thì bị kẹt phải vào ở đó. Về sau, tôi đích thân xuống thỉnh HT. Từ Nhơn giữ chức Phó Tổng vụ Tăng sự và đặt sẵn văn phòng tại chùa Ấn Quang. Thế là tôi mở văn phòng từ đó, nhưng chỉ đứng ở ngoài để lo tinh thần mà giảng kinh cho mấy huynh đệ học.

Tôi không phải mong cầu những cái lợi như người đời thường nghĩ, chỉ luôn luôn cầu công đức. Cái lợi của người tu chính là thiện căn công đức, đâu phải là tiền bạc vật chất. Mấy huynh đệ phải nhớ mình ở chỗ nào nơi nào cũng phải gây tạo thiện căn công đức, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài.

Lúc giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự tất cả là 10 năm. Trong thời gian đó hễ thầy nào muốn du học qua Hồng Kông..., hễ đến tôi thì tôi ký. Mà phải trực tiếp đến mới được, nếu qua trung gian thì người khác sẽ nghĩ mình làm việc có điều không tốt, chẳng hạn như vì tiền. Tôi chỉ nghĩ, phải trợ giúp cho mấy thầy được thuận duyên tu học, làm được việc này cũng chính là vun bồi căn lành công đức cho mình, không bao giờ dính đến tiền bạc.

Điều thứ hai: Tôi luôn làm theo khẩu hiệu ngầm của riêng mình: Những việc đúng pháp, về mặt tinh thần hoặc vật chất thì “Không cầu cũng không từ”. Đây là khẩu hiệu để tôi lập thân, nghĩa là “Không tìm cầu cũng không từ chối”. Chẳng hạn, nếu có duyên cất chùa, mà cái duyên đó nó tự đến, nhận thấy đáng thì không từ chối. Cho đến tứ sự cúng dường cũng vậy, những vật gì không dùng, nhưng cũng không từ chối. Mình không sử dụng thì chuyển đến người khác, cho đại chúng dùng. Lúc trùng tu chùa Vạn Đức cũng vậy, tôi không cho đi quyên góp, ai hay biết thì đến cúng dường, còn “tìm cầu” thì nhất định không.

Ngoài ra, nếu làm việc gì, dù có cái lợi lớn trước mắt nhưng khi làm có cái hại xen vô trong hiện tại hoặc tương lai thì tôi quyết không làm, không tham dự. Ví dụ như: Danh vị, tiền bạc, lời khen tặng… Nếu được lợi thì phải xem có cái hại hay không, nếu có phải tránh xa, thấy hại mà vẫn chạy vô thì bị nghiệp dẫn.

Tôi thấy việc tu hành đã trải qua mấy mươi năm, nhờ ứng dụng hai điều trên nên không bị tổn thất chịu cái hại lớn, mà lại thấy việc nhẹ nhàng thảnh thơi. Tuy vẫn có sự lo lắng cực nhọc, nhưng ít thôi, còn kết quả cũng khá nhiều.

Ở đây tôi đã nói tận đáy lòng, mấy huynh đệ thấy đúng lý thì nên bắt chước làm theo, để sự tu hành không bị vướng kẹt, thiện căn công đức luôn được tăng trưởng. Đó là điều tôi luôn mong muốn ở nơi tất cả mấy huynh đệ!

                                                               (Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 12).

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ

tamnhulac (07/08/2012)

Người cư sĩ chân chánh, dù không xuất gia bên ngoài, nhưng phải biết xuất gia bên trong. Xuất gia bên trong là buông bỏ bên trong đầu óc thói quen xấu chính mình như :tham ái ,cố chấp, mê tính, ích kỷ, đánh giá, ganh tị, sân si... Nếu không nhìn thấy, để có được nhận thức mới, con người dễ dính mắc vào Danh-Lợi-Tình.

Cũng nhờ và cám ơn Danh-Lợi-Tình, con người có đối tượng để tu, để luyện tâm và phát triển trí giải thoát chính mình.

Tâm Hành (07/08/2012)

Kính thưa Đại lão Tỷ-kheo. Tôi thấy con tằm nó ăn lá dâu, cuối đời lặng lẽ rút ruột nhả tơ trả lại công sức cho người nuôi dưỡng nó rồi ra đi về cõi "vĩnh hằng" không chút vấn vương.

Còn con nhện, tôi thấy nó tuy không phải con người bỏ công nuôi dưỡng, nhưng nó cũng chẳng mang lại tích sự gì cho đời. Nhện kia đủng đỉnh giăng tơ, lừa bắt con mồi vô phước. Mồi bị hút còn xác khô, nhện thì béo trục béo tròn, thủng thỉnh rong chơi, sinh con đàn cháu đống. Rồi cứ thế tiếp nối nhau đời này qua đời khác chuyên sống bằng nghề "giăng lưới giật giàm" lừa bắt chúng sinh để nuôi béo thân mình.

Như thế thử hỏi, con tằm, con nhện, con nào thiện, con nào ác? Con nào có ích cho đời?

"Người đời có sự nghiệp, người xuất gia cũng có sự nghiệp"... Vậy thưa Đại lão Tỳ-kheo, sự nghiệp của người xuất gia là gì?, xin đại lão thuyết giảng để người hậu học biết lối mà đi để không lầm lẫn. Đi theo nhện hay đi theo tằm? Và nếu đi theo tằm hay nhện thì cụ thể ra sao?

thanh yên (07/16/2012)

Người xuất gia mà có tư tưởng ý hướng hành đạo giống như Sư thầy thì phật tử thật vui mừng xiết bao. Cuộc đời giống như chiếc kính vạn hoa, đứng ở goác này thì thấy hình ảnh phản chiếu thế này, đứng ở góc độ khác thì thấy khác. Do đó, khi đọc có lẽ điều cốt yếu là nhận được thông điệp chính mà Sư thầy gửi gắm, đừng vướng mắc vào câu chữ ..

Tâm Hành (07/19/2012)

“… điu ct yếu là nhn được thông đip chính mà Sư thy gi gm, …”

Ở đây, thông điệp mà Sư thầy muốn gửi gắm là gì? Muốn con người vốn khổ sẽ được thoát khổ, hay muốn dẫn con người lao thêm vào ngũ dục lạc tăng trưởng? 

“đng vướng mc vào câu chữ”

“Chữ” rõ ràng quá rồi sao còn vướng chỗ nào đâu? Con nhện, con tằm, người không học pháp ngày nào, cũng biết con nào thiện, con nào ác, con nào ích lợi, con nào vô ích. Thế mà người tu đã bảy tám chục năm trời vẫn chưa có mắt để mà thấu suốt. Thật tiếc thay cho cái sự tu hành.  

Nguyên Minh (07/20/2012)

Gởi Tâm Hành. Việc cần hiểu và học ở đây là tơ được giăng và tơ được đóng thành kén. Nếu TH muốn biết thêm cách đọc vả hiểu các ví dụ trong Phật học, TH tình kinh Bách Dụ để xem.

Nhơn giả tên Tâm Hành, vậy nên cần rất cẩn thận với những hành động lưu xuất từ tâm mình. Sẽ phải gánh vác những gì mình nói và làm đó. Nhất là đối với bậc Hiền Trí. Nếu TH có Thầy, hãy về xin Thầy dạy cách sám hối để được an vui về sau.

Tâm Hành (07/21/2012)

Thân ái chào Nguyên Minh. Bạn ơi, bạn hãy bình tĩnh lại mà Chánh Tư Duy: “Người đời có sự nghiệp, người xuất gia cũng có sự nghiệp…”. Lão niên đã dạy như thế. Phải chăng, sự nghiệp của người xuất gia thì như con nhện, còn người đời chỉ như con tằm, cái kén thôi?

Tôi đã thưa, nhưng chưa được lão niên trả lời. Nếu có thiện chí, xin mời Nguyên Minh trả lời giúp lão niên câu vấn: Sự nghiệp của người xuất gia là gì? Làm thế nào để hoàn thành sự nghiệp của người xuất gia? Mong bạn giảng một cách vắn tắt, tôi sẽ tự tìm hiểu thêm.

Thưa bạn, kinh Bách Dụ đâu có nghĩa lý gì đối với người tu? May ra chỉ để hết thời gian của người đời gặp lúc nông nhàn. Dụ rồi Dọa nữa chứ, bạn chớ nên tin kinh này, bám vào kinh này thì chả ích lợi chi.

Bạn ơi, tôi chẳng sợ đọa địa ngục hay bất cứ đọa xứ nào khác, những ai đã hiểu Chánh pháp thì Vô Úy, Vô Úy. Tôi vẫn kính lão niên như một bậc lão thành, còn công đức của người tu thì lão niên chẳng thâu thập được bao nhiêu. Rất tiếc! Rất tiếc!!!

Nếu có dịp, tôi sẽ dẫn chứng để chứng minh vô số sự mơ hồ, ngây thơ về Phật pháp của lão niên và của nhiều vị khác nữa. Chào bạn. Bạn nhớ giảng trạch giúp tôi: “Sự nghiệp của người xuất gia…?”

Cảm ơn bạn.

Phản Hồi Ở Bài: BỚT DUYÊN CHUYÊN TÂM NIỆM PHẬT

Đại lão Thích Trí Tịnh (Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 17 tháng 5/2012)

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-70_4-16480_5-50_6-1_17-243_14-1_15-1/

Tâm Hành (07/10/2012)

Thưa lão niên tỷ kheo, lời lão niên dạy đây: ... "Theo lời Phật, dù là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo pháp môn này (pháp môn Tịnh Độ), trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh. Đã được vãng sanh thời siêu phàm nhập thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thối vô thượng Bồ đề”…

Thưa lão niên tỳ-kheo, đây là lời nói dối rất nguy hại (bảo lãnh sự làm ác cho người ít hiểu biết kinh sách). Tự thân tôi và tôi đã chứng kiến biết bao người niệm Lục Tự, Tứ Tự Di Đà tới hàng triệu biến trong nhiều năm, vậy mà có ai được vãng sanh đâu. Chẳng những thế mà trong cuộc sống vẫn đổ ra bao tai họa, khi lâm chung vẫn đau bệnh đi bác sĩ khốn khổ vô cùng. Lão niên là người Hoằng pháp, xin hãy gieo nhân thật thà, để cho chúng đệ tử có niềm tin Phật pháp, chứ cứ nói dối mãi thế này thì khéo đưa đạo Phật đến tiêu vong mất thôi.

Lão niên cũng có dẫn: "Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý...", đây là lời thiệt (lời của Phật) sao không thấy lão niên dạy người tu pháp nào để thực hiện được "Tự tịnh kỳ ý", đó là điều quý giá nhất, trung thật nhất có khả năng đưa người Phật tử đến bờ Giải thoát, chấm dứt tái sanh luân hồi.

Nếu lão niên cứ dạy các thời pháp kiểu này, hoặc như kiểu dẫn tích truyện "Con nhện, con tằm" thì chứng tỏ công phu tu tập của lão niên cả một đời thật là uổng phí.

Kính lão.

quang khiet (07/12/2012)

Thưa bạn Tâm Hành, sao bạn không hiểu cái lý sâu của Hòa thượng dạy, vậy là bạn không hiểu biết chút nào về pháp môn Tịnh Độ tu niệm Phật, bạn nói đây là lời nói dối rất nguy hại, và đã chứng kiến nhiều người niệm Phật hàng triệu biến trong nhiều năm, vậy mà có ai được vãng sanh đâu, tại bạn không có duyên lành nhiều đời, rất nhiều phật tư tại gia tu niệm Phật sau khi chết hỏa thiêu còn lại xá lợi, Hòa thượng xuất gia tu niệm Phật năm 17 tuổi, đến nay Ngài đã 96 tuổi, Ngài là bậc cao tăng dịch Đại Kinh từ chữ Hán văn ra Việt văn, hiện ở Chùa Vạn Đức, tp Thủ Đức, chúc bạn sớm chọn cho mình 1 pháp môn để tu nhé, và học hỏi nhiều hơn, Mô Phật...

Tâm Hành (07/14/2012)

Thưa bạn quang khiet. Tôi hiểu pháp môn niệm Phật là như thế này: A-di-đà Phật “đến Thất nhật nhất tâm bất loạn, Dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền”. Đây có phải là cốt tủy, điểm đến của pháp môn Tịnh Độ không thưa bạn?

Nếu đúng thế thì những người tu theo sẽ phải hết sức thất vọng. Vì sao? Bởi vì:

- “Thất nhật nhất tâm bất loạn” nhưng tâm Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi vẫn còn đầy đủ. Như thế không có ông A Di nào dám tới rước về cõi thanh tịnh đâu. Mà sao dám nói tâm còn đủ Tham, Sân…? Vì niệm A Di không phải là cách làm cho sạch năm triền cái được, dù niệm cả triệu năm.

- Đạo Phật là đạo Nhân bản – Nhân quả, con người là trung tâm, con người tự làm thì tự chịu với những hành động thiện ác của mình. Không nên mong cầu một vị nào dù là Thánh, Phật cũng không có ai rước mình đi đâu cả, chỉ có mình tự đi mà thôi. (Bạn cần nhớ: Không và không bao giờ có thánh chúng nào đến rước bất cứ ai cả, chỉ là mơ ngủ thôi).

Bạn nói: “… rất nhiều phật tử tại gia tu niệm Phật sau khi chết hỏa thiêu còn lại xá lợi…”. Và tôi thì chứng kiến, rất nhiều kẻ bụi đời, giang hồ, đâm thuê chém mướn, hút chích xì ke… không hề niệm Phật bao giờ nhưng sau khi chết đem hỏa táng vẫn còn đầy xá lợi. Như vậy “còn lại xá lợi” đâu phải là kết quả, mục đích của người niệm Phật mong muốn? (có lẽ mấy kẻ đi hành ác suốt cuộc đời, rồi lúc sắp chết chỉ cần niệm 10 niệm Di Đà là được vãng sanh, nên mới còn xá lợi như thế?). Nếu tin ở sự kiện này chẳng là nguy hại lắm sao? Cả đời tha hồ làm ác, chỉ cần lúc sắp chết niệm 10 niệm là tội lỗi sạch không. Than ôi, như thế ai cần tu làm gì nữa?

Bạn nói: “… Hòa thượng xuất gia tu niệm Phật năm 17 tuổi, đến nay Ngài đã 96 tuổi…”. Thưa bạn tôi rất hiểu điều đó, tôi cũng rất “kính lão” như một người cao tuổi, còn không thể như một bậc cao tăng được. Bởi vì tôi cũng hiểu lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

260. “Không phải là trưởng lão,

Dầu cho có bạc đầu.

Người chỉ tuổi tác cao,

Ðược gọi là: "Lão ngu."

Qua ý kiến bạn, tôi trao đổi thêm mấy lời để chúng ta đồng cảm (và bạn cũng biết thêm, tôi ở cách chùa Vạn Đức không xa, tôi lạ gì. Chùa Vạn Đức có thể nói là chùa đẹp vào cỡ VIP ở TP. HCM, như thế chẳng phải là quyền lợi của HT hay sao?).

quang khiet (07/18/2012)

Thưa bạn Tâm Hành, tôi chưa bao giờ thấy những kẻ bụi đời khi chết để lại xá lợi, bạn thật sự phỉ báng cho những người tu theo pháp môn Tịnh Độ rồi đó, tôi chịu thua bạn thật rồi, như các vị Hòa thượng có nhiều Chùa to đẹp nào chẳng phải vì chúng sanh hay sao? Hòa thượng Thanh Từ là một bậc cao tăng đắc đạo, ngài cũng có rất nhiều Chùa, Thiền Viện to đẹp, cũng vì lợi ích cho chúng sanh thôi, các Ngài chỉ lo tu, nhờ đức hạnh cảm hóa mà phật tử cúng dường, long thần hộ pháp gia hộ, bạn thật sự không hiểu quý Ngài, chúc bạn luôn được gần gũi để học hỏi với quý Thầy, Nam Mô A-Di-Đà Phật...

Tâm Hành (07/19/2012)

Thưa bạn quang khiet. Cảm ơn bạn đã bớt chút thời gian trao đổi để chúng ta cùng nhau rộng hiểu.

- Bạn nói: “tôi chưa bao giờ thấy những kẻ bụi đời…”.

Tôi thưa: Là vì bạn chưa đủ duyên để được thấy đó thôi, những mảnh xương cháy chưa hết thì có gì quý đâu? Thân người bất tịnh, tâm người bất tịnh đều là thứ cần hiểu rõ. Cái đáng quý của người tu hành là làm sao cho thân tâm đều thanh tịnh, năm triền cái sạch trơn, thế là giải thoát, thế là vãng sanh. Tôi quả quyết rằng xá lợi chẳng có ý nghĩa gì đối với công phu tu tập của người có niềm tin chánh pháp và tu hành đúng pháp.

- Bạn nói: “… như các vị Hòa thượng có nhiều chùa to đẹp nào chẳng phải vì chúng sanh hay sao?”…

Tôi thưa: Có nhiều chùa to đẹp, Phật tử nhiều, được cung kính cúng dường đủ món nên các Ngài mải mê hưởng thụ mà quên mất công phu tu hành. Thế mới đáng buồn với cảnh: chùa thì to đẹp, đệ tử đông vui nhưng tu hành thì chẳng ra cái gì. Oai nghi đạo mạo bề ngoài thoạt trông ai cũng dễ nhầm, thuyết kinh giảng pháp thì như mưa tuôn, thác nhảy, nhưng tuyệt không có một pháp nào giống hay gần giống với pháp môn Phật dạy. Thế cho nên kết quả chẳng có ai làm chủ được Sanh, Lão, Bệnh, Tử và Giải thoát chấm dứt tái sanh luân hồi. Để chứng minh điều tôi nói, bạn cứ đọc các bài viết của các vị “được coi là rất tôn túc” trên website TVHS này sẽ rõ. Ví như bài viết của lão niên Thích Trí Tịnh (Bớt duyên chuyên niệm Phật, Đừng dính đến quyền lợi), hay bài của lão niên Thích Thanh Từ (Phật giáo thiền tông thực tế đến không ngờ, Luận về niệm Phật, …) thì thấy các vị có nhận thức rất mơ hồ về Phật pháp.

Bạn cứ nghĩ rằng các vị đã làm lợi cho chúng sanh. Điều đó rất hạn chế. Thực sự giáo pháp của các vị giảng dạy chỉ khiến cho chúng Phật tử lao thêm vào đường mê không biết đến bao giờ thoát ra được. 

- Bạn nói: “… bạn thật sự không hiểu quý Ngài …”

Tôi thưa: Bạn nhầm rồi, có lẽ bạn ở xa các Ngài nên bạn không hiểu thôi. Còn tôi thì không lạ gì, cả những chuyện có thể là “bật mí” của các Ngài, nhưng đối với bốn chúng Phật tử đến chùa, mọi người đều có mắt, có tai để mà nhận thấy hết. Bạn có biết lão niên Thanh Từ ngày nay ra sao không? Và bạn có hiểu như thế nào là cao tăng, như thế nào là đắc đạo hay không? Bạn chỉ nói theo một cách chung chung quá.

Chúc bạn mau sớm gặp được chánh Phật pháp.

Nam mô Phật Bổn Sư Thich-ca Mâu-ni     

quang khiet (08/17/2012)

Gửi bạn Tâm Hành, theo bạn vậy ai mới là cao tăng và đắc đạo để tôi sẽ đến thỉnh học Phật Pháp, theo tôi thấy bạn chưa hiểu gì nhiều về luật nhân quả và nghiệp lực. Chúng sanh có cái bệnh là hay thấy lỗi người và không xoay lại nhìn thấy lỗi cảa mình, tất cả mọi người đều phải trả nghiệp xấu của mình đã gieo trồng ở đời này và vô số kiếp trước, cho nên bạn thấy các vị Hòa Thượng bệnh là việc bình thường, đến Đức Phật Thich Ca Mâu Ni của chúng ta vẫn con phải trả nghiệp, nếu bạn đọc lại tiểu sử trước khi Đức Phật viên tịch nhập Niết bàn, thì bạn sẽ hiểu thôi. Theo tôi nghĩ bạn có thể học đọc nhiều về lý thuyết, nhưng không có công phu quán chiếu nội tâm, cho nên mới không cung kính các Ngài. Đức Phật đã dạy không nên tranh luận, nếu là người tu mà còn tranh luận tức là còn hơn thua đó. Vậy tôi xin bạn chỉ giúp giùm ai mới là cao tăng và tu đắc, cảm ơn nhiều. Tôi có theo học với Hòa thượng Tri Quang, HT Từ Thông, và học đọc sách của HT Huyền Quang, HT Quảng Độ. Tôi thật sự muốn bạn cho biết theo ý của bạn ai là cao tăng và đắc đạo?

Tâm Hành (08/19/2012)

Tôi xin trao đổi với bạn quang khiet mấy lời dựa theo ý kiến của bạn:

- Rất tiếc cho lão niên tỳ kheo Thích Trí Tịnh, có tới gần 80 tuổi hạ rồi nhưng nay theo mấy bài giảng của lão niên thì ôi thôi, thật rồi, công phu chừng ấy thời gian thành công cốc. Tôi thẳng thắn nói rằng, lão niên chưa hiểu biết gì về con đường tu tập giải thoát Phật dạy. Quan điểm, đường lối của lão niên theo một niềm tin khác, chỉ mong cho con người lao vào vòng mê tín để dễ bề lừa đảo mà kiếm sống, cũng như hạnh của con nhện thôi.

- Đạo Phật giúp người tu hành là để chuyển nghiệp chứ không phải trả nghiệp. Dẫu biết rằng Luật Nhân-Quả không bỏ sót một ai, nhưng đối với người Phật tử thuần thành thì Luật Nhân-Quả phải nể mặt. Có nghĩa là: làm người với tấm thân vô thường biến hoại, không ai thoát khỏi bệnh, nhưng người con Phật phải biết cách làm chủ nó chứ không để nó xỏ mũi mình. Người tu hành còn đến bệnh viện, đi bác sĩ là không phải người đệ tử Phật.

- Nếu bạn tin rằng đức Phật ăn phải thức ăn độc (biết độc mà vẫn ăn như trong kinh đã viết) thì bạn chưa có một tý gì hiểu biết về Phật và năng lực thâm diệu làm chủ bốn sự khổ: sanh, lão, bệnh, tử của đạo Phật. Bạn học lại đi nhé.

- HT Trí Quang, Trí Quảng, Từ Thông, Huyền Quang, Quảng Độ, hay ngược dòng thời gian tìm hiểu các thầy Tổ: Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả… đến Lục Tổ và gần hơn như HT Hư Vân, Tuyên Hóa, Mahasi, Ajanh Cha… Nhất Hạnh, Dalai Lama… Tất cả các vị này chưa có ai thấm nhuần lý – sự của Phật dạy, và thành tựu tu tập thì lại càng chưa. Chắc chắn bạn không tin lời tôi nói đây, vì bạn đang đam mê trong một niềm tin vô vọng của thế giới tưởng đè nặng từ bao đời.

          - Câu bạn hỏi: Ai là người cao tăng đắc đạo? Xin bạn đừng thần thánh quá hóa mê, người đắc đạo rất gần gũi với chúng ta, bình thường như chúng ta nhưng những điều rất bình thường mà muôn ức người không làm được thì Ngài làm được. Đó là người làm chủ được bốn sự khổ của kiếp người, đã bỏ được gánh nặng xuống, đã chấm dứt tái sanh luân hồi. Bạn có ý kiến nhiều trên TVHS này sao bạn vẫn chưa thấy ư?. Bạn vào trang web chonnhu.net mà xem, sẽ rõ.