Skip directly to content

19- ĐƯỜNG VỀ VỚI CHÁNH PHÁP - Trao Đổi Của P.T Minh Trí

Cập nhật ngày : 24.10.2012    
TRAO ĐỔI CỦA PHẬT TỬ THÍCH MINH TRÍ

Bước đầu tu tập.

Sau chuyến đi trở về, chúng tôi ai nấy trở về công việc của mình, tôi vẫn tranh thủ thời gian để nghiên cứu kinh sách, nghe băng giảng để hiểu sâu hơn về con đường giải thoát. Tôi bắt đầu tìm kiếm cho mình Pháp tu phù hợp để bắt đầu tu tập. Tôi nhớ lại, khi Thầy tiếp chúng tôi Thầy nói rằng, Pháp danh Thầy cho theo đặc tướng để tu tập, nhưng lúc đó Thầy lại không giải thích rõ về Pháp danh của tôi, vì vậy tôi đành phải tự tìm hiểu lấy.

Sau khi đã biết rõ đặc tướng của mình tôi bắt đầu triển khai tu tập. Việc đầu tiên là tôi hệ thống lại để nhìn cho rõ đường lối tu tập của đạo Phật (Giới - Định - Tuệ) và bắt đầu triển khai tri kiến giải thoát cho mình (bằng cách đi tiếp duyên, nói chuyện với những ai muốn nghe, với những đồng đạo cũng Quy Y với Thầy ở xa bằng chát qua mạng v.v…). Nhờ những tháng ngày triển khai tri kiến như vậy mà hiểu biết về Chánh pháp của tôi ngày một sâu và rõ hơn. Tôi lại tiếp tục đọc lại kinh sách, nghe lại băng giảng để gia tăng thêm sự hiểu biết sao cho đúng như ý của Thầy muốn truyền đạt. Tuy nhiên tôi vẫn hiểu rằng tri kiến của mình còn phụ thuộc vào mức độ xả tâm của mình và hiểu được thông qua các trạng thái tu tập mà mình đạt được.

Vì vậy, song song với việc triển khai tri kiến tôi thường xuyên tu tập Tứ Chánh Cần, Định Vô Lậu… để xả tâm, đẩy lui chướng ngại pháp trên Thân và Tâm và không quên thường xuyên tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”; “Tâm như đất, ly tham, sân, si cho thật sạch” và ước nguyện cho cha mẹ, vợ con, anh, chị, em sức khỏe an lành và sớm đủ duyên gặp Chánh Phật Pháp.

Nhưng điều quan trọng là tôi không bao giờ quên 2 lời nhắc nhở cực kỳ quý báu của Thầy đó là:

+ Dẫn Tâm vào Đạo chớ đừng dẫn Đạo vào Tâm.

+ Các con hãy nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác, chứ đừng nhìn đời bằng đôi mắt đúng sai, tốt xấu…

Nhờ bám chắc vào 2 điều này mà tôi luôn luôn nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và luôn dẫn tâm mình vào chỗ Thanh thản, an lạc, vô sự. Đó chính là kết quả tu tập xả tâm và đã xả tâm được (Nếu không xả tâm được thì không có sức tỉnh thức, không sống được trong chánh niệm thì làm sao nhìn đời bằng nhân quả được phải không các bạn?!).

 Vì vậy mà trong mấy tháng nay, tâm tôi luôn được thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm có nội lực thật sự đủ để khi tôi chứng kiến những hoàn cảnh đau khổ, tang thương, những vụ tai nạn thảm khốc v.v... nhưng tâm tôi vẫn không hề bị động, không thương vay tiếc mướn vì tôi biết đó là hình sắc nhân quả thiện ác của chúng sinh do nghiệp lực nhân quả của họ mà thành như vậy. Tôi biết rõ trạng thái “không buồn cũng không vui” của Tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Đến đây, chắc hẳn các bạn sẽ hỏi: “Vậy ngoài kết quả có được Tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì còn đạt được lợi ích gì nữa không?”. Khi tâm luôn được thanh thản, an lạc và vô sự kéo dài từ ngày này sang ngày khác thì tâm có nội lực và được thể hiện rất cụ thể rõ ràng, như:

+ Khi có chướng ngại pháp trên Thân hoặc Tâm, tôi chỉ cần tác ý 1 hoặc 2 lần là đẩy lui được ngay. Ví dụ: Bị nhức đầu, tôi chỉ cần nhắc: “Thọ là vô thường, đi đi!” ngay liền hết đau đầu mà không cần nói rõ là “cái đầu đau nhức hãy đi đi!”. Tất nhiên đó là ví dụ. Vậy thực tế là khi Tâm có nội lực thì những việc như ốm đau thông thường (như cảm lạnh, nhức đầu, đau nhức, mệt mỏi v.v…) thì không bao giờ tác động đến thân tâm ta được, cho dù thực tế bạn chỉ có thể nhận thấy khi biết hơi thở nóng hoặc nhạt miệng mà thôi. Nếu có những bệnh nặng xảy đến, với nội lực của Tâm và sự kiên trì đuổi bệnh, tôi tin chắc sẻ đẩy lui được bệnh như Thầy đã chỉ dạy, cho dù đó là bệnh gì đi nữa.

+ Với mọi sự thay đổi thời tiết không làm tôi thấy có gì chướng ngại, dù cho đó là bão tố…

+ Mọi việc xảy ra xung quanh dù là chướng tai gai mắt hay là cảnh khổ đau thì tôi vẫn bình thản như thường. Nhiều khi nhìn lại thấy mình như “kẻ không có cảm xúc” vậy! Thực ra đó là Tâm bất động đấy các bạn ạ.

+ Những chuyện buồn dù là đau buồn nhất xảy ra trong gia đình thì mình vẫn bình tĩnh mà giải quyết và không thấy đau khổ trong Tâm v.v…

Tóm lại. để đạt được trạng thái Tâm thanh thản, an lạc, vô sự như hiện nay chỉ sau gần 1 năm tu tập, tôi chủ yếu tập trung vào những nội dung sau:

1- Triển khai và trau dồi về tri kiến giải thoát về Bát Chánh đạo, về nghiệp tái sanh luân hồi, về đường đi của nhân quả, về lý vô thường, lý vô ngã.

2- Suy tư, quán xét về các pháp thuộc về ý hành Niệm trong pháp Thân Hành Niệm (quán thân bất tịnh, quán xương trắng…).

3- Quán xét về 12 nhân duyên cho rõ lý duyên khởi, tập khởi mọi sự khổ đau trong đó.

4- Quán xét về Vô Ngã để diệt ngã giúp xả tâm được dễ dàng hơn (nhờ bỏ được những kiến chấp khó bỏ). Hiện nay tôi thấy rõ Thân và Tâm mình chỉ là dụng cụ, là tên nô lệ của nghiệp lực nhân quả, các pháp cũng là như vậy. Con đường tiến tới vô ngã ác pháp sẽ không còn xa nữa…

5- Tu tập Tứ chánh cần: Ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

6- Tu tập định Vô Lậu, định Chánh Niệm tỉnh giác (đi kinh hành nhiều, vì không hợp với định niệm hơi thở).

7- Điều quan trọng nhất phải nhắc tâm rằng: “phải luôn luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt nhân quả thiện ác” nhờ vậy mà tâm không bị khổ đau, phiền não bởi cái đúng sai, tốt xấu… ở đời.

Còn việc Chuyển nghiệp có được do xả tâm thì sao?

Thưa các bạn! Do hiểu rõ về Nghiệp và 3 nơi tạo ra nghiệp của ta đó là Thân - Khẩu - Ý, vì vậy mà khi nhận biết mình xả tâm được và có tiến bộ tôi thường xuyên ước nguyện về sức khỏe an lành cho cha mẹ, vợ con, anh chị em…và sự tác động đó thấy rất rõ, đặc biệt là vợ tôi hay đau yếu thì nay không còn đau yếu nữa, đặc biệt là thần kinh khỏe hẳn, không còn yếu đuối như 10 năm qua. Con gái tôi hay đau vặt thì nay không còn đau nữa. Mẹ tôi đau ốm liên miên thì giờ đã đỡ và còn nhẹ…

Để biết việc xả tâm có được hay không phải thông qua thực tế mà kiểm nghiệm. Tôi vốn hay Sân giận và đến nay thì tâm Sân gần như chỉ còn là vi tế, hoặc khi có đối tượng, chưa kịp khởi tâm Sân thì đã bị diệt từ trong “trứng nước” rồi (do tự động ngăn ác, diệt ác: đây là giai đoạn cuối của Tứ chánh cần và giai đoạn đầu của Tứ niệm xứ). Giờ đây, tâm tính tôi đã đổi khác hoàn toàn, trầm lặng hơn nhiều, không thích nói và nghe về chuyện thế gian, nếu có nói, tôi chỉ tiếp duyên với những người có đủ duyên với Chánh Pháp của Phật. Tâm tôi một long hướng đến con đường giải thoát.

Vợ con tôi từ chỗ không tin về Phật Pháp, thì nay đã hiểu và tin vì sao tôi theo đạo Phật. Lần vào Tu Viện 1 tháng đợt này để tu học vợ tôi cũng hoan hỷ cho đi khi tôi chỉ mới nói ra ý định (điều này sẽ là không tưởng nếu tôi nói ra chỉ trước đó mấy tháng). Khi tôi vào Tu Viện được 3 ngày thì vợ tôi nhắn tin là 2 mẹ con phát nguyện ăn chay trường! Với tôi, đây cũng là sự chuyển nghiệp của gia đình, mặc dù vợ con tôi đã hiểu gì về Phật Pháp đâu cơ chứ.

Về phần tôi thì sao? Tu tập xả Tâm làm cho tôi thay đổi chỗ làm liên tục. Từ tháng 4/2010 đến sau tết 2011 tôi chuyển cơ quan 2 lần và ngay sau tết 2011 tôi lại nghỉ việc. Mặc dù có nơi trả lương cao, nhưng nhận thấy có sự không thật trong việc làm ăn và có ức chế trong đó nên tôi từ chối. Thực ra, Tâm tôi chỉ hướng về Tu Viện mà thôi, tôi không còn muốn đi làm kiếm tiền nữa (có thể là hết duyên với đời) mặc dù hiện nay vợ con tôi phụ thuộc vào tôi (vợ chưa có việc làm) và tôi đang nghỉ việc, nhưng tôi vẫn thu xếp để vào tu viện 1 tháng (cũng là để tu tập xả tâm và ước nguyện…) và vợ tôi vẫn vui vẻ cho đi mà không có vẻ gì lo lắng cả.

Sự thay đổi đó ngay cả cô ấy cũng ngạc nhiên và không hiểu vì sao?! Riêng tôi hiểu đó là sự chuyển nghiệp do tu tập xả tâm và ước nguyện mà có được. Ước nguyện là gieo nhân, gieo nhân thiện vô lậu sẽ có quả Phước vô lậu nếu người tu tập xả tâm tốt. Hạt giống thiện vô lậu sẽ nở rộ trên mảnh ruộng màu mỡ khi hành giả xả tâm rốt ráo và cũng là lúc chúng sanh đủ Phước để Bậc ALAHÁN ra đời!

Với tôi, ước nguyện cũng chính là tu tập, cũng như Thầy dạy: “ăn cũng là tu tập!”, vậy khi ăn ta tu tập cái gì? Ngoài tập tỉnh thức trong hành động ăn thì việc đọc các bài kinh ước nguyện khi thọ thực và bài tạ ơn không phải là tu tập sao? Không lẽ đó là thủ tục? Không đâu các bạn! Với Thầy Thông Lạc thì mọi điều Thầy dạy không bao giờ thừa cả, chỉ có điều là các đệ tử có nhận ra hay không mà thôi.

Thưa các bạn! Do việc tu tập của bản thân tôi mới chỉ đến mức như đã nói ở trên, vì vậy tôi chỉ nói lên sự thật thông qua những trạng thái mà Tâm tôi đã đạt được mà thôi. Đó là kinh nghiệm và hiểu biết của tôi cho đến lúc này. Tương lai còn đang đợi ở phía trước, một ngày nào đó, nếu đủ duyên, rất có thể tôi sẽ tiếp tục cùng các bạn chia sẻ kinh nghiệm tu tập mà mình đã đạt được.

Đôi lời xin gửi đến các đồng đạo.

Nhân đây, tôi có đôi dòng tâm sự cùng các bạn. Các bạn ạ! Như Thầy thường dạy chúng ta rằng: “Tu dễ lắm các con ạ!”, Tôi thấy đúng như vậy! Tu theo đúng đường lối của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đúng lời Thầy chỉ dạy thì hoàn toàn không khó, tu đến đâu là có giải thoát ngay liền đến đó chứ không phải chờ thời gian đến để mà thấy. Điều quan trọng là phải biết đi đúng đường lối thì mới được, tức là phải luôn luôn giữ cho Thân và Tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

Ngoài thời tu thì tuyệt đối không được để cho thân tâm bị ức chế dù là chỉ trong một phút. Trong thời tu, việc ôm pháp tu cũng chỉ là để đạt mục đích tỉnh thức trên thân hành (nội, ngoại) hoặc để đẩy lui chướng ngại pháp trên thân tâm hay đó cũng chính là mục đích dẫn tâm vào chỗ thanh thản, an lạc và vô sự mà thôi (dẫn tâm vào Đạo). Nếu lúc nào các bạn cũng thực hiện được như vậy thì cũng chính là các bạn luôn luôn tỉnh thức và đang sống trong chánh niệm, tức là các bạn đang nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác đấy ạ.

Nếu ai có dịp về thăm tu viện Chơn Như, đứng trước giảng đường ở Chơn Như 1 (khu hiện do Cô Út quản lý), các bạn sẽ thấy tấm bia đá thứ nhất có 3 chữ Hán (có thể là GIỚI – ĐỊNH – TUỆ) và tấm bia thứ 2 có đề dòng chữ: “Dẫn Tâm vào Đạo, đừng dẫn Đạo vào Tâm”. Không phải vô tình mà Thầy cho đặt tấm bia có dòng chữ “Dẫn Tâm vào Đạo, đừng dẫn Đạo vào Tâm” ngay sau tấm bia thứ nhất.

Đó chính là lời cảnh giác, cảnh báo của Thầy đối với các đệ tử. Nhưng trên thực tế đã có mấy ai hiểu ra không? và đã có mấy ai thực hiện đúng như lời dạy trên tấm bia đó không??!.

Ngày xưa, Đức Phật không cho ghi chép lại những lời thuyết giảng của Ngài cũng chính vì sợ đệ tử dẫn Đạo vào Tâm thì uổng phí cả một kiếp tu hành.

Ngày nay, vì thương xót chúng sanh mà Thầy đã khổ công trong suốt mấy chục năm trời quyết dựng đứng lại những gì của Phật để lại sau gần 2500 năm đã bị lớp bụi của thời gian che phủ và bị ngoại đạo xóa bỏ, để làm sáng tỏ Phật pháp và để lại cho mai sau bằng kinh sách. Nhưng Thầy cũng đã biết trước mà cảnh báo cho chúng ta biết mà đừng dẫn Đạo vào Tâm. Có ai hiểu được nỗi lòng của một người thầy dạy đạo đức nhân quả như Đức Trưởng lão hay không?

Ba mươi mốt năm đào tạo đệ tử với bao khổ nhọc để mục đích làm sáng tỏ lại Phật pháp, đến nay ngoài kinh sách của Thầy thì chúng sinh vẫn chưa đủ phước (phước vô lậu) để có những Bậc ALAHAN ra đời, tại sao vậy? Đó không phải lỗi của Thầy, hay lỗi của Cô Út, mà đó chính là do chúng ta, những đệ tử của Thầy và Cô Út đã không chịu “thắp đuốc lên mà đi” thì dù Thầy và Cô Út có chỉ đường thì cũng chỉ là vô nghĩa.

Hầu hết trong số chúng ta, khi gặp được chánh pháp của Phật do Thầy dựng lại, ai cũng hiểu và tin theo. Thậm chí còn bỏ cả gia đình, vợ con, chồng con để gấp rút vào Tu viện Chơn Như xin tu học với ước mong sớm đến ngày giải thoát.

Nhưng các bạn đâu có biết rằng, những hiểu biết sâu và rộng của các bạn có được về đạo Phật thông qua việc đọc kinh sách, nghe băng giảng hoặc nghe Thầy giảng trực tiếp đã biến các bạn thành cái “tủ đựng kinh sách” hay không?! Các bạn lý luận rất hay, rất đúng, giảng pháp không hề sai sót… nhưng đó chỉ là Văn Tuệ, là trí tuệ phi giải thoát, không giúp ích gì cho các bạn trên con đường tu tập. Văn tuệ không giúp ích gì cho việc tu tập xả tâm và tu tập rốt ráo được, thậm chí có thể vì những hiểu biết này sẽ làm cho các bạn cống cao, ngã mạn nhiều hơn và thường hay thích tranh luận hơn thua, cao thấp…

Hầu hết trong số chúng ta, khi thấy mình có được hiểu biết như vậy là lập tức thu xếp xin vào tu viện để tu học, và như các bạn đã thấy đấy: bao thế hệ đã ra đi khỏi tu viện vì không thể tiếp tục tu học, những người hiện còn ở lại thì có mấy người sẽ nếm được “mùi vị” của Sơ Thiền hay không? Hay là chịu đựng ức chế thân tâm để mà chấp giới và nhập vào các thiền của ngoại đạo, chịu khổ đau muôn đời muôn kiếp do không xả tâm được mà còn bị nén tâm, càng tu thì Tham – Sân – Si và bản ngã càng to lớn hơn nhiều hoặc có người bị các bệnh về hơi thở, về thần kinh do tu tập ức chế mà có…

Đạo Phật là đạo trí tuệ, người tu theo đạo Phật gọi là Hành giả (tức là phải thực hành theo chánh pháp của Phật). Vậy trí tuệ ở đây là gì? Là trí tuệ Vô sư hay là Tư tuệ có được do các bạn triển khai, trau dồi tri kiến giải thoát trong quá trình tu tập xả tâm và đạt được sự giải thoát (tức là xả tâm được tại chỗ nào thì những hiểu biết giúp ta xả tâm đó chính là hiểu biết giải thoát, hay là Tư tuệ của chúng ta ở chỗ đó). Càng tu tập xả tâm và xả tâm càng nhiều thì Tư tuệ của chúng ta càng tăng trưởng và hiểu biết của chúng ta, sự nhìn nhận của chúng ta càng rõ như thật về các pháp trên thế gian đều là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nhờ vậy mà chúng ta mới có thể tiến xa trên con đường tu tập diệt Ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp để tiến tới chứng và trú bốn thiền của đạo Phật.

Nếu các bạn đã đọc tạng kinh nguyên thủy NIKAYA do Hòa thượng Minh Châu dịch, những lời Phật dạy trong đó rất cô đọng, không dễ gì hiểu được. Nếu không có bậc Tam Minh triển khai ra, thì không biết đến khi nào chúng sinh mới biết được đâu là chánh pháp của Phật, đâu là pháp môn của ngoại đạo.

Ngày xưa Phật dạy cho đệ tử mà không cho chép lại, điều đó có nghĩa là đệ tử phải dùng bộ não của mình mà suy tư, quán xét để thông suốt. Ngày nay, dù Thầy có viết lại kinh sách nhưng vẫn rất cô đọng, những tu sinh có dịp ở gần Thầy, được trực tiếp thưa hỏi Thầy thì đều nhận được câu trả lời mà không mấy ai thỏa mãn, vì sao vậy? Vì chúng ta đã quen tư duy theo lối Văn Tuệ, thích học thuộc lòng vì vậy mà không thể hiểu hết câu trả lời của Thầy.

Thầy chỉ dạy cho chúng ta điểm đến đích của từng giai đoạn tu tập mà thôi, còn việc làm sao để đạt được kết quả tu tập là do chúng ta, tức là chúng ta phải tự “thắp đuốc lên mà đi” hay là phải suy tư quán xét để hiểu cho đúng ý của Thầy (triển khai trí tuệ vô sư) và siêng năng tu tập, đồng thời phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt. Có như vậy, chúng ta mới nhìn rõ như thật các pháp đều là vô thường, khổ, không, vô ngã được.

Vì thấy rõ được như thật các pháp như vậy nên mới giúp ta hướng tâm để diệt ngã được, diệt ngã được thì mới dẹp bỏ được những kiến chấp khó bỏ để mà xả tâm, để mà nhàm chán đời sống thế gian giả tạm, có như vậy và kết hợp với ba hạnh Ăn – Ngủ - Độc cư và ba đức Nhẫn nhục – Tùy thuận – Bằng lòng để ly dục, ly ác pháp. Khi Tâm ta đã hoàn toàn ly dục, ly ác pháp thì tức là tâm không còn phóng dật nữa, đó không phải là Thiền định của đạo Phật sao (Sơ thiền) phải không hỡi các bạn?!.

Khi các bạn thực hành theo đúng lời Thầy dạy, khi thấy có giải thoát ngay liền thì các bạn mới tin chứ, có niềm tin thì mới có quyết tâm, có quyết tâm thì việc tu hành đâu còn có gì trở ngại nữa phải không các bạn? Không nên chỉ hiểu qua kinh sách, qua băng giảng thấy ham mê rồi xin vào tu viện tu học, khi gặp khó khăn, ức chế (do không biết xả tâm) thì thối chuyển vì chưa có căn bản để tu tập xả tâm và chưa đủ tín lực. Có người sau khi rời tu viện ra đi còn để lại những nỗi buồn trong lòng người thầy đã dày công dạy dỗ mong cho mình được làm một con người thật sự…

“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng

Thầy ngồi tha thứ kẻ vong ân”

Thực hành theo chánh pháp của Phật chính là dẫn Tâm vào Đạo bằng pháp Như lý tác ý. Những câu chuyện của tôi ở phần đầu bài viết này đã minh chứng cho điều đó. Nhờ dẫn tâm vào đạo mà chúng ta không đi sai đường. Và nếu các bạn suy tư để tìm ra pháp tu theo đúng đặc tướng của mình thì sẽ thấy kết quả ngay liền.

Việc tu tập không nên dựa vào kinh sách và cũng không nêndựa lưng vào Thầy, nghe Thầy giải thích chữ nghĩa… mà phải vận dụng xả tâm, hướng tâm vào chỗ thanh thản, an lạc và vô sự ngay khi có đối tượng hoặc khi có chướng ngại pháp trên thân tâm chúng ta. Việc vận dụng xả tâm ngay khi có đối tượng đó cũng chính là việc chúng ta tu tập tỉnh thức mà có được. Nếu không tu tập tỉnh thức thì khi có ác pháp đến liệu chúng ta có nhận biết ngay liền mà ngăn ác diệt ác hay không? Hay là bị ác pháp lôi đi như một tên nô lệ phải không hỡi các bạn?!.

Sau hơn 10 ngày tu tập tại tu viện Chơn Như, dù chưa hết một tháng như dự định nhưng tôi đã tiến bộ rất nhiều. Sự suy tư, trau dồi và nhìn thấy về lý vô ngã rõ nét hơn, các pháp hành tu tập thuần thục hơn, pháp thân hành niệm đã được tu tập thuần thục để phục vụ cho việc tu tập tỉnh thức và phá hôn trầm. Đặc biệt là biết rõ về mình hơn trong việc xuất hiện các mức độ hôn trầm, các nguyên nhân dẫn đến hôn trầm, các cách hạn chế và phá hôn trầm một cách hiệu quả nhất. (về kinh nghiệm này, nếu có dịp khác mình sẽ chia sẻ cùng các bạn).

Dù mới là những ngày đầu tập sống theo thanh quy của tu viện, nhưng tôi cũng không thấy có gì là khó khăn mệt nhọc cả, nhất là tâm hoàn toàn thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm không hề bị ức chế chút nào, thậm chí tôi còn ngồi đợi ác pháp đến để mà chiến đấu (các niệm khởi lên do dục sanh, do 5 triền cái và ái kiết sử sanh) với nghiệp lực nhân quả của mình.

Có hôm bị ốm (do chưa quen với giờ giấc tu tập) hôn trầm tấn công mạnh trong nhiều thời tu, tôi vẫn quyết tâm tu tập tỉnh thức, đi kinh hành nhiều, động thân nhiều, giành giật với nghiệp lực nhân quả để chiến thắng tựa như người chiến sỹ chiến đấu giữ gìn bảo vệ mảnh đất thân yêu của tổ quốc trước kẻ thù xâm lược (trì Giới).

Có những lúc mệt quá, hôn trầm thắng thế làm tôi bị ngủ quên trong chốc lát, khi tỉnh dậy tôi thấy xấu hổ vô cùng, nghĩ đến hạt cơm của đàn na thí chủ mà thấy gánh nặng nợ quá lớn lao, hôm sau không dám đi khất thực. Nhưng nghĩ lại, đạo Phật là đạo không làm khổ mình, phải ăn thì mới có sức mà tu tập, mình là người đang tu, lẽ đâu không vấp phải những lỗi lầm, song biết xấu hổ mà khắc phục lỗi lầm thì mới là việc nên làm. Là người đệ tử sơ cơ, mắc phải lỗi như vậy, con cũng mong Thầy từ bi mà tha thứ để cho chúng con có cơ hội tự sửa mình, còn tu là còn sửa phải không thầy?.

Hàng ngày, vào đầu thời tu tập từ 2h đến 5h sáng, tôi đều ước nguyện cho mình sớm có đủ duyên để vào chuyên tu và chứng đạo trong hiện kiếp… Khi ngồi đánh máy và nhuận lại bài viết này vào ngày 28/4/2011, tức là sau 20 ngày kể từ ngày viết bài viết này ở trong tu viện cũng là lúc vợ tôi hoan hỷ ký vào lá đơn cho tôi được xin vào tu viện tu học mong đến ngày giải thoát.

Việc tu tập xả tâm và ước nguyện cộng với sự khéo léo thiện xảo trong việc thực hiện những lời dạy của Thầy về việc trả nợ nhân quả cho vợ con cùng với việc thuyết phục và làm cho vợ hiểu rõ rằng đời toàn là Khổ đau… Có lẽ vợ con tôi đã hiểu được như thế nên đó cũng là sự chuyển nghiệp do tu tập đúng chánh pháp đấy các bạn ạ!.

Tôi cũng không bao giờ quên được lời dạy thiết tha của Thầy về đạo đức nhân quả đó là: “Nếu ai duyên theo nhân quả mà làm ác thì kẻ đó phải nhận quả khổ đau”. Từ chỗ suy tư quán xét và thấu hiểu rõ lời dạy này mà cho dù tôi nhận thấy mình đã đủ nội lực để sống độc cư (giai đoạn 1) nhưng tôi vẫn không bị phóng dật và không vì thế mà vội vàng bỏ ngang để xin vào tu viện tu tập.

Nếu bỏ ngang vào tu viện tu tập để giải thoát cho mình thì e là không giải thoát nổi, tại sao vậy? Khi nói ra câu này, tức là tôi đã biết rõ tại sao Thầy lúc nào cũng không đồng ý và chấp nhận người vào tu mà không được sự hoan hỷ chấp thuận và ủng hộ của gia đình.

Đạo Phật là đạo Vô ngã ác pháp, người tu theo đạo Phật là phải diệt Ngã ác pháp, cớ sao để làm được điều đó lại phải duyên theo Ngã ác pháp (tức là duyên theo nhân quả để làm khổ mình, khổ người – Hành động bỏ ngang để đi tu) để nuôi lớn bản ngã hay sao?. Và rồi khi ngồi trong thất tu tập, cái nhân ác do mình tạo ra khi bỏ nhà đi tu nó sẽ thành quả hiện tiền ngay trong hiện kiếp, khi đó liệu hành giả có đủ nội lực để đẩy lui, để đoạn diệt hay không? Hay là bị sợ dây ái kiết sử đó trói chặt và lôi trở lại với sáu nẻo luân hồi và xa rời Chánh pháp mãi mãi…

Đôi lời Con xin gửi đến Thầy.

Kính thưa Thầy!

Những ngày tu học tại tu viện Chơn Như, dù thời gian ít ỏi nhưng con đã hiểu được thế nào là “gánh nặng thiện pháp”. Thiện pháp là gánh nặng, là cuộc chiến đầy khó khăn gian khổ trong việc vượt qua và làm chủ nghiệp lực nhân quả của mình. Đã bao thế hệ học trò tu học tại tu viện, có không ít người đã buông bỏ gánh nặng thiện pháp để rồi chìm sâu dưới đáy sông, với họ việc sang được bờ giải thoát chỉ là mơ ước.

Con cũng chỉ là người học trò sơ cơ và cũng đang ngụp lặn trên sông để sang bờ giải thoát. Nhưng con có đủ niềm tin với chánh pháp của Phật và với Thầy dù chưa một lần được Thầy trực tiếp bảo ban, dạy dỗ.

Thầy ơi! Con đã nhiều lần vì tu tập diệt ngã, xả tâm mà đặt gia đình, cha mẹ, vợ con vào những hoàn cảnh (giả thiết) khổ đau nhất để mà quán xét, để mà thấy cho rõ lý vô thường, vô ngã, lý duyên nợ nhân quả trả vay… và để đoạn dứt Thất kiết sử. Và con tin rằng, dù thực tế có xảy ra đúng như vậy con cũng không còn đau khổ nữa.

Nhưng những lần suy tư về gương hạnh của Phật, các đại đệ tử của Phật và về gương hạnh của Thầy để tu tập, mỗi lần nghĩ đến Thầy là con không sao cầm được nước mắt. Con đã ngồi khóc như một đứa trẻ bởi gánh nặng thiện pháp mà Thầy đang mang nó còn lớn hơn rất nhiều cái gánh nặng mà Thầy hay chúng con mang trong giai đoạn tu hành.

Lòng từ bi vô lượng của Thầy đối với chúng sinh quá lớn, để cho đến bây giờ khi đã ngoài 80 tuổi, Thầy vẫn ngày đêm không nghỉ, đơn độc và chịu bao nhiêu khổ nhọc, cay đắng để một mình dựng đứng lại Phật pháp đã mất gần 2500 năm nay. Với gương hạnh của Thầy, hằng ngày con luôn ước nguyện sớm đủ duyên xuất gia tu hành và chứng đạo giải thoát ngay trong hiện kiếp để chia sẻ gánh nặng cùng Thầy làm sáng tỏ Phật pháp.

Cho dù mai này, khi Thầy đã về với chư Phật, có thể tu viện Chơn Như cũng không còn, nếu còn sống con vẫn nhất quyết không buông bỏ gánh nặng thiện pháp. Ngày xưa Phật làm được, ngày nay Thầy làm được, con cũng nhất định sẽ làm được!. Dù cho không còn Thầy ở bên dẫn đường chỉ lối, dù cho phải nát than này con cũng nguyện sẽ tu hành chứng đạo để tiếp tục noi theo gương Thầy hộ trì và bảo vệ Chân lý./.

                                     Nhuận lại ngày 28/4/2011 tại Đà Nẵng

                                                      Con của Thầy

                                                     Thích Minh Trí