Skip directly to content

Giới thứ năm mười tám: KHÔNG NÊN VÌ NGƯỜI MANG GUỐC NÓI PHÁP CHO NGHE

Giới này cũng giống như giới mang giày, như trong luật Tăng Kỳ nói: “Nếu tỳ kheo vì xây tháp, cất chùa, vì việc nhà ở, cơm ăn, áo mặc của chúng tăng nên phải đi đến nhà vua hoặc đến chỗ ông trưởng giả chủ đất, những người ấy bảo: Bạch Ngài, xin Ngài nói pháp cho chúng tôi nghe, nhưng không nên bảo chúng tôi lột bỏ guốc hoặc lột bỏ giày”.

Trong luật này dạy: “Nếu sợ họ sanh tâm nghi kỵ không cúng dường nhà ở, cơm ăn, tứ sự cho chúng tăng, vì thế chúng ta xem xét kế bên đó có người tịnh nhân nào thì nên khởi ý nói pháp cho tịnh nhân nghe, nhân đó mà thuyết giảng cho nhà vua và các vị chủ đất, trưởng giả nghe thì không tội”.

Ở đây, chúng ta đọc bộ Tăng Kỳ luật đã thấy dạy có một điều dối trá và xảo quyệt. Vì lý do cất chùa, xây tháp và cúng dường tứ sự hoặc đất đai để chư Tăng trụ ở của vua và các nhà giàu có, trưởng giả, nên phải thuyết pháp cho họ nghe dù họ mang giày guốc, muốn không có tội là giảng sư phải mượn cớ giảng pháp cho tịnh nhân nghe.

Đó là một lối lý luận của người xưa để che đậy tâm danh lợi, lấy cớ những người này lo cho đời sống của chúng Tăng, có chỗ ăn chỗ ở. Theo trong bộ luật Tăng Kỳ thì vị giảng sư có hai tội rất lớn:

1- Thứ nhất dạy đạo đức mà phi đạo đức.

2- Thứ hai dạy cách nói dối, xảo trá không đúng đạo đức làm người.

Những người buôn Phật bán Pháp mới dám đem pháp bảo của Phật ra mặc cả với sự cúng dường như vậy, thật là to gan, xem Địa Ngục như không có. Đọc kỹ lại những bộ luật này thật là đau lòng cho Phật Pháp, vì danh lợi cá nhân mà người ta quên đi sự lợi ích chung cho loài người, đó là: “Đạo đức không làm khổ mình khổ người”.

Người giàu có hay vua quan khi có lòng cung kính pháp bảo của Phật thì họ mới thành tâm cúng dường tứ sự cho chư Tăng như vậy, chứ lý đâu họ thiếu lòng cung kính, tôn trọng pháp bảo mà lại cúng dường? Bộ Luật Tăng Kỳ dạy không có lý, đó là người sau bịa ra để chạy theo danh lợi thế gian, ngõ hầu để được lòng những người giàu có và vua quan xây chùa to Phật lớn.

Ngày xưa Đức Phật không có chùa to Phật lớn nên không đem pháp bán rẻ, còn thời nay vì Chùa to Phật lớn nên đối với những người bất kỉnh chỉ có tiền cúng dường nhiều thì được nghe pháp, được thỉnh pháp đầy đủ, còn những người nghèo dù có lòng cung kính và cầu pháp bảo thì cũng chẳng được bố thí pháp chút nào.

Trong luật Tăng Kỳ còn dạy chúng ta dối trá: Khi thuyết pháp cho vua chúa và những nhà giàu sang mang giày guốc nghe, thì nhìn xem có người tịnh nhân nào cũng đang ngồi nghe pháp thì bảo là thuyết pháp cho tịnh nhân đó nghe, nhờ nói như vậy là không có tội. Luật mà còn dạy chúng ta nói điều dối trá thì còn gì là giới luật.

Thật ra người xưa đã soạn ra và viết giới luật, tự luận bằng cách này, bằng cách khác để che dấu các tâm danh lợi của thế gian, thật đáng thương và cũng đáng trách, vì vô minh chạy theo dục lạc thế gian mà làm một việc sai Phật Pháp, khiến cho người nghe pháp đạo đức mà lại không đạo đức, thành tội ác tày trời, vì thế đã biết bao nhiêu thế hệ người tu theo Đạo Phật, đọc những kinh sách dạy những điều dối trá phá giới, phạm giới khiến cho đường tu tập đã mất lối đi.

Kinh sách Đại Thừa phần nhiều khéo lý luận che đậy những hành động chạy theo tâm dục vọng thế gian, mà không ai biết được để phê phán, do thế nên muôn đời ngàn đời tu hành chỉ còn là hình thức, chẳng bao giờ có sự giải thoát chơn thật, chỉ lấy vải thưa che mắt con người, chứ không thể che mắt những bậc Thánh Nhân được.

Tiếp nối sự thừa kế của các Tổ Sư, những vị tỳ kheo trong thời đại bây giờ chỉ còn tu miệng, tu danh, tu lợi, tu tiền, tu bạc, tu chùa to, Phật lớn, tu xe cộ, tivi, đầu máy, cassette, quạt máy, tủ lạnh, v.v... nên đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời.

Tóm lại, tất cả một trăm giới chúng học, chỉ là một chặn đường đầu tiên đức hạnh làm người của Đạo Phật mà mỗi con người trên hành tinh này cần phải học tập để mang lại cho nhau một cuộc sống chung có ý nghĩa cao đẹp, nó không riêng cho bốn giới đệ tử của Đức Phật.

Người tu hành theo Đạo Phật mà không tu tập giới luật, tức là không tu tập đạo đức thì dù có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng đến đâu, chỉ uổng cho một đời tu hành mà thôi.

 

HẾT TẬP I