Giới thứ bốn mươi chín: CHẲNG ĐẶNG ĐẠI TIỂU TIỆN, HỈ, KHẠC, NHỔ TRÊN CỎ TƯƠI
Vị tỳ kheo khi đại, tiểu tiện, hỉ, khạc, nhổ trên cỏ xanh tươi thì phạm tội đọa.
Hành động đại, tiểu tiện, hỉ, khạc, nhổ đồ bất tịnh trên lối đi, cũng như trên cỏ xanh tươi là làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống. Khiến cho mọi người đi qua lại gờm nhớp, trông bẩn thỉu vô cùng, những chất bẩn này có những loại vi trùng độc hại sẽ mang đến những bịnh truyền nhiễm rất nguy hiễm cho người khác. Nếu chúng ta đại tiểu tiện hoặc hỉ, khạc, nhổ đờm nhớt trên cỏ tươi cũng như trên lối đi, đó là chúng ta đã làm khổ mọi người, làm khổ mọi người tức là thiếu đạo đức làm người.
Bởi, một hành động vô ý thức không giữ gìn vệ sinh chung cho mình cho người là người vô đạo đức, người vô đạo đức là người làm khổ mình khổ người, Đạo Phật không chấp nhận những loại người này.
Người thế tục có học thức và có giáo dục đạo đức họ còn luôn luôn giữ gìn giữ vệ sinh chung, không phóng uế, khạc, hỉ, nhổ bừa bãi, huống là chúng ta, những tu sĩ đệ tử của Đức Phật, chúng ta lại phạm vào những giới luật đức hạnh vệ sinh của Đức Phật dạy hay sao?
Chúng ta cần phải giữ vệ sinh chung hơn người ngoài đời nữa, không được làm nhơ nhớp môi trường sống, mà lời dạy trong giới luật của Đức Phật còn rõ ràng từ ngàn xưa đến nay. Thế mà các vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni luôn luôn xem thường những lời dạy này, chỉ vì quý vị chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo Bà La Môn, phạm giới, phá giới, cho rằng ai giữ gìn giới luật nghiêm túc là “chấp giới”.
Vì đạo đức không làm khổ mình khổ người, không những chúng ta giữ gìn vệ sinh môi trường sống mà còn phải làm gương cho người khác giữ vệ sinh, nghĩa là chúng ta thấy tất cả những vật gì làm ô uế môi trường sống chung thì ta phải lượm gom lại bỏ vào thùng rác công cộng.
Hành động giữ vệ sinh chung cho môi trường sống là một oai nghi tế hạnh của người tu sĩ đệ tử Đức Phật; giữ gìn vệ sinh chung là một hành động đạo đức của con người đối với nhau trong xã hội; giữ gìn vệ sinh chung là một hành động đạo đức không làm khổ mình khổ người đối với cuộc sống chung của loài người.
Người ta không ngờ Đạo Phật lại dạy về những hành động đạo đức giữ vệ sinh môi trường sống tuyệt vời như vậy; người ta cũng không ngờ những hành động đạo đức vệ sinh giữ gìn môi trường sống trong sạch lại là phạm hạnh của Đạo Phật.
Tuy những hành động đơn giản như vậy, nhưng chính những hành động như vậy mới thật sự là đạo đức của con người.