Skip directly to content

Giới thứ bốn mươi tám: CHẲNG ĐẶNG LẤY NƯỚC TRÁNG BÁT ĐỔ TRONG NHÀ CƯ SĨ

Vị tỳ kheo khi thọ thực xong không được lấy nước tráng bát đổ bậy bạ dưới đất, vì nước tráng bát có lộn bựa cơm và thực phẩm nát nhỏ, đổ bậy bạ sẽ làm mất vệ sinh, tạo môi trường sống ô nhiễm.

Khi thọ cơm xong, vị tỳ kheo tráng bát và rửa bát phải hỏi người cư sĩ chủ nhà chỗ đổ nước này, để không làm ô uế nhà người.

Giới này dạy cách thức giữ vệ sinh chung, dù bất cứ ở nơi đâu cũng phải giữ gìn sạch sẽ từ miếng nước tráng bát cho đến hạt cơm rơi hoặc thực phẩm đổ hoặc vỏ trái cây đều phải gom lại bỏ có nơi, có chốn, không được quăng bỏ bậy bạ. Đến nước tráng bát mà Đức Phật còn dạy phải đổ có nơi chốn để giữ vệ sinh. Nếu nước tráng bát hoặc nước rửa chén bát đổ mọt chỗ lâu ngày bốc lên mùi hôi thúi khó chịu làm bầu không khí uế trược.

Thời đại Đức Phật, Ngài đã giữ vệ sinh sạch sẽ hơn thời đại của chúng ta rất nhiều. Hiện giờ chỉ có những nước văn minh, trình độ dân trí cao mới giữ vệ sinh và môi trường sạch sẽ, còn những nước chậm tiến lạc hậu như nước chúng ta (Việt Nam) thì việc giữ vệ sinh chỉ là một sự bắt buộc.

Dân tộc Việt Nam cần phải học đạo đức của Phật Giáo nhiều hơn nữa, để giữ gìn vệ sinh chung, làm cho môi trường sống không còn ô nhiễm nữa. Nhìn chung hiện giờ không có một tôn giáo nào hoặc một nhà hiền triết nào dạy về đạo đức vệ sinh cho con người. Chỉ còn đạo đức giới luật của Đức Phật mới có giáo dục con người giữ gìn vệ sinh theo sự văn minh và tiến bộ của khoa học hiện đại.

Nhờ những giới luật dạy mà chúng ta biết sự giữ gìn vệ sinh chung và môi trường sống không ô nhiễm trong thời Đức Phật là những hành động oai nghi tế hạnh đạo đức và đạo hạnh của những vị tỳ kheo rất tuyệt vời.

Trong thời Đức Phật, ông Xá Lợi Phất là người giữ gìn vệ sinh gương mẫu cho tất cả chúng tỳ kheo Tăng.

Càng học giới luật Phật chúng ta càng thấm thía, những đức hạnh làm người mà Đức Phật đã dạy rất chu đáo, không có một chi tiết về đạo đức giới luật nào mà Ngài không có dạy cho chúng ta. Xét cho cùng, từ xưa đến giờ trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo, và mỗi tôn giáo đều có một đạo đức, nhưng chúng ta thử so sánh thì không có một đạo đức nào hơn được đạo đức của Phật Giáo.

Một vị tỳ kheo không học và không tu giới luật là một thiệt thòi rất lớn cho đời tu hành của họ. Con người trên hành tinh này mà không học đạo đức của Đạo Phật cũng là một thiệt thòi cho sự văn minh tiến bộ của loài người, vì chỉ có sự văn minh tiến bộ mà có kèm theo đạo đức của Đạo Phật thì mới toàn diện, mới đưa con người đến chỗ an vui hạnh phúc chân thật.

Còn hiện giờ văn minh tiến bộ trên thế giới này chưa toàn diện, chỉ được ở góc độ phát triển vật chất, phục vụ đời sống con người rất đầy đủ tiện nghi, nhưng lại thiếu khuyết ở góc độ tinh thần.

Ví như, ở các nước Tây Phương, đạo đức giữ vệ sinh rất tốt, người dân có ý thức nhưng trái lại đạo đức về ăn mặc thì quá hở hang khiêu dâm gợi dục, đó là hình thức của loài thú vật chớ không phải là con người.

Cho nên đạo đức trong nền văn minh tiến bộ của Tây Phương chưa hẳn toàn diện, ngược lại đạo đức ở Đông Phương, nhất là đạo đức của Phật Giáo trong giới luật thật là toàn diện.

Nếu đem nền văn minh khoa học của Tây Phương hợp lại với đạo đức của Đông Phương thì thế giới mới toàn diện, đời sống con người mới hưởng trọn đầy đủ hạnh phúc vừa vật chất, vừa tinh thần.