Giới thứ ba mươi ba: CHẲNG ĐẶNG LẤY CƠM PHỦ TRÊN CANH VÀ THỰC PHẨM ĐỂ ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG THÊM
Cơm canh tức là nói cơm và thức ăn, lấy cơm phủ trên thức ăn để xin thêm, đó là mong cầu nhiều thức ăn, vì lòng tham nên tính việc ăn uống, người tu hành tìm cầu sự giải thoát, chớ không phải đi tìm sự ăn uống, cho nên phải có tâm tưởng nhàm chán ăn uống. Người xuất gia tu hành dù được cúng dường nhiều thức ăn, khi ăn còn phải quán xét xem công đức tu hành của mình có xứng đáng thọ dụng bữa cơm này hay không?
Nếu thấy giới luật chưa nghiêm chỉnh, công đức tu hành chưa sâu, thì thọ dụng bữa cơm như ăn sỏi đá, vì nghĩ mình chưa xứng đáng thọ bữa cơm này, chớ có đâu lại tham ăn nhiều, cầu mong thực phẩm ngon.
Bởi vậy, người tu sĩ chân chánh khi thọ bữa cơm luôn luôn nhớ đến hạnh “thiểu dục tri túc” làm gốc của người tu.
Hành động lấy cơm phủ lên thực phẩm để xin thêm đó là một hành đọng sai phạm rất lớn, đi ngược lại với Đạo Phật, vì Đạo Phật là Đạo ly dục ly ác pháp, có đâu lại tham ăn như vậy.
Nếu là người quyết tâm tu giải thoát thì phải tránh xa những hành động tham ăn này, không được tái phạm lại nữa. Là một người tu sĩ đệ tử của Đức Phật phải luôn luôn xa lìa lòng tham, nhất là tham ăn.
Đối với một vị tỳ kheo còn có lòng tham ăn, thì không nên làm một vị tỳ kheo, nên trở về đời sống cư sĩ, làm lại cuộc đời như bao nhiêu người bình thường khác, chỉ nên cố giữ gìn đạo đức nhân quả “không làm khổ mình khổ người”, thì cũng được giải thoát an vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Tham ăn là một tánh xấu, làm người cần phải tránh sự tham ăn, vì hành động tham ăn còn là bản chất của loài thú vật, người mà còn tham ăn là người chưa có giáo dục đạo đức làm người.
Cách thức ăn uống như thế nào để xứng đáng là người có đạo đức, muốn được vậy thì phải học giới luật cho thông suốt và còn phải tu tập rèn luyện mọi hành động thân, miệng, ý của mình. Không ai từ trong bụng mẹ sanh ra mà biết tất cả đạo đức làm người làm Thánh Nhân. Vì thế, chúng ta thường có những hành động thiếu đạo đức mà không biết.
Trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo đều có dạy đạo đức cả, nhưng không được toàn diện, chỉ có Đạo Phật mới có xây dựng giáo pháp của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản: “Không làm khổ mình khổ người”. Chỉ có nền đạo đức này mới được đầy đủ toàn thiện, chuyển hóa loài người thoát kiếp làm chúng sanh, và còn thoát ra mọi sự khổ đau của kiếp sống làm người.
Đạo Phật ra đời mang đến cho con người một nền đạo đức giải thoát, khiến cho người nào thực hiện được đạo đức này liền có một cuộc sống với một tâm hồn thanh thản, an vui, hạnh phúc. Vì thế, Đạo Phật mới được gọi là Đạo giải thoát.