Skip directly to content

Giới thứ hai mươi ba: Ngồi trong nhà cư sĩ phải giữ gìn im lặng

Vị tỳ kheo khi ngồi trong nhà người cư sĩ cần phải lẳng lặng, ngồi im như bậc Thánh Hiền, nếu có ai hỏi đến thì tùy duyên theo câu hỏi mà đối đáp, tiếng nói phải ôn tồn, nhẹ nhàng, êm diệu, từ tốn, nhã nhặn, hiền hòa, v.v...

Nếu vị tỳ kheo có muốn hỏi điều chi, thì phải nói vừa đủ nghe, muốn gọi ai không được kêu réo to tiếng mà phải khảy móng tay cho người đó biết, nếu người đó không nghe và không hiểu ý mình gọi, thì phải nói với người ngồi gần bên, nói truyền lại.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật đã dạy: “Này các thầy tỳ kheo, các thầy phải sống trầm lặng, ca ngợi sự trầm lặng, ưa thích sự trầm lặng”, đó là những lời dạy chí tình, chỉ thẳng những bí quyết thành công trong đường tu tập giải thoát.

Hầu hết giới luật và giáo pháp của Đức Phật đều dạy phải giữ gìn im lặng, không được làm ồn náo, làm ồn náo là phạm vào oai nghi tế hạnh, không những riêng trong một trăm giới chúng học này mà còn tất cả giáo pháp của Người, Nếu ai đã làm ồn náo là đã vi phạm vào đời sống của Đức Phật. Ngài không chấp nhận những sự làm ồn náo đó, vì làm ồn náo con đường tu sẽ không tu tập đến đâu cả.

Người tu sĩ làm ồn náo không xứng đáng là đệ tử của Đức Phật. Xưa Đức Phật đuổi năm trăm vị tỳ kheo, đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên, vì làm ồn náo nơi Đức Phật đang trú, và còn quở trách ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên không giáo dục đệ tử của mình cho đúng tư cách đạo đức của một vị tỳ kheo có đầy đủ đạo hạnh.

Đọc trong kinh Nguyên Thủy, ta thấy rất rõ ràng, các vị đệ tử của Lục Sư ngoại đạo thường sống ồn náo, thích tranh luận nói chuyện đủ thứ. Cho nên, trong giáo đoàn của Đức Phật lúc thời bấy giờ có các vị tỳ kheo nào làm ồn náo, thích tranh luận, nói chuyện phiếm thì được xem là đệ tử của ngoại đạo, chứ không phải là đệ tử của Đức Phật.

Đức hạnh của một người tu sĩ Đạo Phật là đức trầm lặng, đức trầm lặng là đức hạnh của những bậc Thánh Nhân, chớ không phải kẻ phàm phu mà sống được như vậy.

Người phàm phu thường sống trong ồn náo, thích vui chơi, ca hát, thích nói chuyện tào lao, thích làm việc này đến việc kia, thích đi đây đi đó, không bao giờ chịu sống vô sự, im lặng, và nhất là thích xây dựng nhà cửa kiên cố, kiến tạo những cảnh quang đẹp đẽ, làm hao tốn tiền của vật chất của con người mà chẳng có ích lợi gì thiết thực cho cuộc sống tu hành giải thoát của họ, còn khiến cho mọi người đam mê cảnh quang đẹp đẽ ấy, và cũng vì vậy mà làm hao tốn tiền của mọi người để đi chơi, du ngoạn cảnh.

Bởi những hành động giữ gìn im lặng, ít nói, sống trầm lặng, độc cư là những hành động đạo đức của những bậc Thánh Hiền trên đường tu hành giải thoát của Đạo Phật, mà hầu hết thời nay ít có người sống và thực hiện được những đức hạnh này.

Tu viện Chơn Như có cả trăm người ở tu, nhưng khi khép vào đức hạnh “ăn” của Thánh Hiền, “ngày một bữa”, tất cả tu sĩ bỏ đi gần phân nửa. Đến khi khép họ vào đức hạnh “ngủ” của bậc Thánh Hiền, ngày đêm chỉ “ngủ bốn tiếng đồng hồ”, thì họ bỏ đi gần hết, chỉ còn lại năm ba người. Rồi đến khi khép vào đức hạnh “độc cư” của bậc Thánh Hiền, “sống trầm lặng”, thì họ lại bỏ đi hết, chỉ còn sót lại một hai người mà thôi.

Thế mới biết sống độc cư, trầm lặng là đức hạnh của những bậc Thánh Hiền, đâu phải người phàm phu mà sống được, chỉ có những bậc chơn tu giới đức thì mới sống trọn vẹn với đức hạnh này. Tuy danh từ độc cư thì dễ nhưng mấy ai đã sống được, xem vậy mà rất khó vô vàn.