Giới thứ hai mươi bốn: Đi đường hoặc đi vào nhà cư sĩ chẳng đặng cười giỡn, nói chuyện ồn náo
Vị tỳ kheo khi đi ngoài đường, cũng như khi đi vào nhà người cư sĩ không được cười giỡn, nói chuyện “bô lô ba la”, làm ồn náo mất vẻ nghiêm trang, khiến oai nghi tế hạnh không có, làm cho mọi người khi nghe thấy khinh khi cười chê.
Cười giỡn tức là vừa nói, vừa cười ngả nghiêng ngả ngửa (cười bằng thích thú).
Người đời có đạo đức một chút vẫn giữ nghiêm trang không cười giỡn, nhất là ở ngoài đường và vào nhà của người khác.
Cười giỡn là tánh tình của trẻ con, Thiền Tông dạy người sống như “anh nhi”, tức là sống như trẻ con. Đối với Đạo Phật thì không phải vậy, một người tu giải thoát thì không phải tối ngày cười hề! hề! đùa giỡn như trẻ con, mà phải sống trầm lặng, sống có trí tuệ “tri kiến giải thoát”, khiến cho tâm hồn thanh thản và an lạc, đi ngoài đường cũng như đến nhà người cư sĩ đều đầy đủ oai nghi tế hạnh, không như trẻ con cười giỡn ồn náo.
Gần đây có một số thiền sinh tập cười, lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười tươi như hoa “chúm chím”, “hề! hề!” để chứng tỏ mình đã giải thoát, nhưng không ngờ hành động đó là một người khùng, điên lãng trí (bịnh thần kinh), chớ không phải người tu giải thoát. Vì người tu giải thoát theo Đạo Phật thì sống nghiêm nghị, trầm lặng, vô sự, v.v...
Những oai nghi tế hạnh trầm lặng như vậy mới xứng đáng là những bậc Thánh Tăng, đệ tử của Đức Phật, nên giới luật cấm các vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni không nên có những hành động thiếu giáo dục: “Mĩm cười, cười hề! Hề! Cười duyên”. Nếu cười như vậy đó là những vị tu sĩ tỳ kheo thiếu đạo đức Thánh hạnh.