Skip directly to content

Giới thứ mười bảy: CHẲNG ĐẶNG NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ LẮC CÁNH TAY

Vị tỳ kheo khi ngồi trong nhà người cư sĩ phải giữ vững thân mình, hai tay thả xuôi theo thành nghế, ngồi phải tề chỉnh, không nên động tay, động chân hoặc múa tay, múa chân, tức là lắc tay, lắc chân, ngồi phải vững vàng. Nếu có ai hỏi, trước hết phải lấy giới phòng hộ sáu căn, giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý xong rồi, mới thuận theo câu hỏi mà đáp.

Không được vừa đáp vừa múa tay múa chân (làm điệu bộ), phải hết sức ôn tồn, điềm đạm trả lời, không được cao tiếng tranh luận và giữ thân bất động nhẹ nhàng.

Có giữ gìn oai nghi tế hạnh như vậy thì mới xứng đáng là vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật; mới đúng là người có đạo đức, sống và làm việc đúng theo một trăm giới chúng học, không hề phạm phải một lỗi nhỏ.

Hành động ngồi trong nhà người cư sĩ mà hai tay động đậy, lúc lắc, không nghiêm chỉnh, đối với Đạo Phật được xem là hành động thiếu đạo đức, vì thân tâm còn động đậy; còn động đậy tức là còn tâm ham muốn và ác pháp; còn thân tâm ham muốn và ác pháp thì thân tâm thường lúc lắc, do đó nên sống trầm lặng chưa yên; sống trầm lặng chưa yên thì người đó bản chất còn mang loài cầm thú. Tại sao vậy? Tại vì, con thú vật không bao giờ sống trầm lặng yên tịnh được.

Muốn thân tâm yên tịnh và sống một đời sống trấm lặng, nên Đạo Phật có những pháp môn tu tập và rèn luyện thân tâm bất động, đó là những loại thiền định: “Bất động tâm định hay là thân định trên tâm, tâm định trên thân”, hoặc phải tập luyện sống trầm lặng, độc cư thì thân tâm mới bất động.

Nhờ có tu tập và sống trầm lặng, độc cư như vậy thì thân tâm mới bất động và không còn lúc lắc, thì đạo đức phạm hạnh của người tu sĩ Phật Giáo mới trọn vẹn.

Người tu sĩ tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni thường sống thân tâm bất động, thích trầm lặng, độc cư, đó là đạo hạnh của mình, hay là đạo hạnh của những bậc Thánh Tăng, còn người cư sĩ giữ gìn thân tâm bất động, tu tập sống trầm lặng, độc cư, đó là đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người thường có tâm hồn điềm đạm, tề chỉnh khi đối xử với những người khác. Vì thế chúng ta cũng cần nên tập luyện đạo đức này, tức là “im lặng bất động là vàng, nói năng động đậy là đất”.

Cho nên, Đạo Phật dạy người lấy bất động thân tâm làm giải thoát, nếu thân tâm ai đã bất động trước các pháp và các cảm thọ thì người ấy đã giải thoát, không còn phải tu tập những gì khác nữa.

Giới luật của Đạo Phật cũng dạy như vậy: “Chẳng đặng ngồi trong nhà cư sĩ lúc lắc cánh tay, cần nên học”. Đạo đức bất động tâm định và bất động thân định là những pháp đầu tiên của Đạo Phật dạy về oai nghi tế hạnh làm người, nếu ai hay động đậy lúc lắc thân mình, đó là không đúng tư cách đạo đức của Đức Phật, được xem là người thiếu giáo dục đạo đức về sự nghiêm trang, tề chỉnh.