Skip directly to content

Giới thứ nhất: MẶC QUẦN ÁO CHĂN PHẢI TỀ CHỈNH

Vị tỳ kheo khi mặc chăn hoặc quần, không được để ống cao, ống thấp, hoặc xăn, guộn làm cho ống quần cũn cỡn, chăn cũng vậy, không được xắn quá cao, không được quá thấp.

Người ăn mặc xốc xếch, nhìn vào biết ngay là người lôi thôi; người lôi thôi là người thiếu đức hạnh về đời sống cá nhân cũng như về đời sống chung với mọi người, nhất là cách thức ăn mặc; cách thức ăn mặc không đúng đắn thì cách thức ăn nói cũng không chừng mực, dáng đi không đằm thắm, nhẹ nhàng, khoan thai. Người cư sĩ ăn mặc lôi thôi, xốc xếch, người ta nhìn thấy còn khinh chê thay, huống là vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni (tu sĩ đệ tử của Đức Phật), nếu một người tu sĩ mặc quần ống cao, ống thấp thì còn ra vẻ gì là một tu sĩ nữa.

Nhìn người tu sĩ như vậy, còn giá trị gì là một tu sĩ nghiêm trang đạo hạnh của Phật Giáo. Do thế, Đức Phật chế giới luật này để dạy cho chúng tỳ kheo Tăng, tỳ kheo Ni và nam nữ cư sĩ phải luôn luôn giữ gìn oai nghi tế hạnh, lúc mặc quần, chăn, y, áo phải tề chỉnh, nghiêm trang, không được nút trên gài khuy dưới, nút dưới gài khuy trên, quần, chăn cũng phải mặc ngay ngắn, đàng hoàng, v.v...

Nhìn một vị tỳ kheo ăn mặc xốc xếch, lôi thôi thì mọi người khinh chê và xem thường Đạo Phật. Bằng ngược lại ăn mặc quá chải chuốt, thì người ta cũng xem thường vị tỳ kheo còn tâm ham thích đời, nên còn thích trang điểm làm đẹp, làm dáng. Và vì vậy, họ cũng sẽ đánh giá trị tu sĩ thấp kém.

Quý vị đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, sống không nhà cửa, không gia đình, thì quý vị tự nghĩ: Quý vị còn có những gì nữa đâu của thế tục, thế mà quý vị không giữ trọn oai nghi tế hạnh đạo đức của một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, để chứng tỏ quý vị đã là người giải thoát ra khỏi kiếp làm người đầy khổ đau trong biển luân hồi sanh tử. Bởi vậy, quý vị phải cẩn thận dè dặt những oai nghi tế hạnh đạo đức trong khi ăn mặc của mình, nếu quý vị ăn mặc xốc xếch, lôi thôi, là quý vị đã bôi nhọ cho Phật Giáo, quý vị đừng bắt chước Tế Điên Hòa Thượng và Phật Sống Cựu Kim Sơn, đó là hai nhân vật ngoại đạo đội lớp tu sĩ Phật Giáo, phá oai nghi tế hạnh giới luật đạo đức của Đạo Phật, khiến cho người đời sau bắt chước, phá giới luật và xem thường oai nghi tế hạnh đạo đức của một vị tỳ kheo đệ tử Phật, và cũng vì vậy mà người tu theo Đạo Phật đời sau này chẳng có ai giải thoát được.

Muốn cho Đạo Phật được trường tồn, thì quý vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni phải giữ gìn oai nghi tế hạnh hẳn hòi. Ăn, mặc, nói, năng phải có khuôn phép nghiêm trang, chững chạc, đàng hoàng. Đừng bắt chước những kẻ phạm giới luật, bán đứng Phật Giáo, khiến cho Phật Giáo ngày càng suy đồi thì tín đồ Phật Giáo càng đi vào trong đêm tối âm u, trên bước đường tu hành giải thoát không có người hướng dẫn và làm gương hạnh tốt.

Hiện giờ, người ta đi tìm một vị tu sĩ chân tu của Phật Giáo thật là khó khăn và chẳng bao giờ có. Giữa thế kỷ 20, đất nước Việt Nam còn tìm thấy được một vị Sư Tổ Minh Đăng Quang giữ gìn giới hạnh nghiêm túc, ít muốn biết đủ, sống ngày một bữa, lấy hạnh đi xin làm chánh nghiệp. Ngài đã làm sống lại đạo hạnh của một vị tỳ kheo Thánh Tăng trong thời Đức Phật còn tại thế. Ngày nay không còn nữa, phần nhiều toàn là tu sĩ chạy theo danh lợi, ăn uống, và Chùa to, Phật lớn, lấy Phật Giáo kinh doanh, buôn Phật bán Pháp làm giàu trên xương máu của tín đồ Đạo Phật. Thật là, nhìn tu sĩ Phật Giáo hiện giờ, mà chúng ta phải đau lòng trước sự tồn vong của Đạo Phật, mà chẳng biết than thở cùng ai.

Số tu sĩ có học thức ở thành phố, khi ra đường còn ăn mặc tề chỉnh một chút, còn giới tu sĩ ở nông thôn thì ăn mặc rất là lôi thôi, nhiều khi đến chùa gặp thầy trụ trì, ở trần mặc quần đùi, không giống một tu sĩ chút nào, ra đường họ mặc chiếc áo ngắn, thật là không có oai nghi tế hạnh đạo đức gì cả, họ nghĩ rằng sống như vậy là bình đẳng, bình dân, không có giai cấp, tự tại vô ngại. Sự thật không phải vậy, hình ảnh của người tu sĩ Đạo Phật là hình ảnh của một người có đạo đức, làm gương đạo đức sáng cho mọi người soi, chứ không phải là một con người thô lỗ, vô đạo đức như họ nghĩ. Cách thức ăn mặc đàng hoàng, trang nghiêm, tề chỉnh là những hành động đạo đức mà mọi người cần phải học, không riêng cho đệ tử của Đức Phật, như trên chúng tôi đã dạy.

Ăn mặc như thế nào có đạo đức và ăn mặc như thế nào không đạo đức?

Thời nay, nhìn các cô gái ăn mặc hở hang bày da, bày thịt, khiêu dâm gợi dục là các cô gái vô đạo đức; còn những chàng thanh niên ăn mặc để hở ngực hoặc xăn tay áo, hoặc đội kết để mũi ngược sau ót là những chàng thanh niên côn đồ vô đạo đức, nhìn lối ăn mặc chúng ta đánh giá trị được người có đạo đức và người vô đạo đức. Bởi vậy, cách thức ăn mặc là một hành động đạo đức để nâng cao phẩm giá con người, khi nhìn vào người ta kính trọng và yêu mến, không bao giờ dám khinh dễ.

Giới luật Phật dạy đạo đức về tư cách ăn mặc như vậy, mà tu sĩ Phật Giáo lại xem thường những oai nghi tế hạnh đạo đức ăn mặc của mình, để cho người đời không kính nể và xem thường Phật Giáo thì thật là đau lòng.

Một người có giáo dục đạo đức thì không bao giờ ăn mặc lôi thôi mà cũng không ăn mặc quá chải chuốt, xe xua, trang điểm, loè loẹt, chỉ ăn mặc trang nghiêm, sạch sẽ và đơn giản. Người có đạo đức thì phải ăn mặc đàng hoàng, nghiêm trang và tề chỉnh thì mới gọi là người có đạo đức, còn ngược lại là người vô đạo đức.

Đối với Đạo Phật, cách thức ăn mặc là một oai nghi tế hạnh đạo đức không riêng cho giới tu sĩ Phật Giáo, mà cho tất cả những người cư sĩ, cũng như những người không tôn giáo, cần phải học tập và tu sửa lại cách thức ăn mặc của mình cho có đạo đức. Chính đó là những hành động đạo đức của mỗi con người, mà mọi người cần phải chấp nhận và thi hành nghiêm chỉnh, để tự xây dựng cho mình một người công dân đất nước Việt Nam có đạo đức về ăn mặc nghiêm chỉnh. Đừng chạy theo các “mode” Tây Phương, ăn mặc quá lố lăng, diêm dúa, cầu kỳ, v.v... không đúng với tinh thần bình dị của dân tộc Á Đông chúng ta.