Skip directly to content

LỜI NÓI ĐẦU

Lời nói đầu

Một trăm giới chúng học nghĩa là gì?

Một trăm giới chúng học có tên là “Thức Xoa Ca La Ni”, cũng có chỗ gọi “Thi Xoa Kế Loại Ni”, nghĩa là cần nên học.

Một trăm giới chúng học này còn gọi là giới thủ (giới giữ gìn oai nghi tế hạnh), tội nó rất nhẹ và vi tế, giữ gìn rất khó nên cần phải học cho kỹ, và phải cố gắng giữ gìn hết sức, mới giữ được, nó là hành động đạo đức của con người. Nếu ai giữ trọn nó, người ấy là người có đạo đức xứng đáng làm người, làm đệ tử Phật.

Tội nó phạm không nặng, nên các vị tỳ kheo xem thường, phần nhiều không chịu để tâm học cho kỹ và quán xét oai nghi tế hạnh đạo đức của mình xem có phạm một trong những giới luật này hay không?

Như trên đã nói, giới luật này khó giữ, tội thì nhẹ, thoảng như có phạm, tâm phải ăn năn, gắng nhớ mà học, không được để cho phạm nữa. Vì vi phạm giới này làm mất oai nghi tế hạnh tức là đức hạnh làm người, làm một vị tỳ kheo. Làm người mà đức hạnh không có, thì làm sao gọi là làm người; làm người không xứng đáng làm người thì làm sao xứng đáng là vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật cho được.

Nếu ai thấy vị tỳ kheo nào phạm tội này, không nên kết tội mà chỉ khuyên răn,”cần nên học” kỹ lại một trăm giới này, để thực hiện đạo đức làm người cho trọn vẹn.

Một trăm giới chúng học này không nói rõ tên tội, nhưng phạm mà do sự cố tâm hoặc là vô tâm. Cố tâm thì phạm tội Đột cát la, phi oai nghi (thiếu đạo đức), tức là mất oai nghi tế hạnh của vị tỳ kheo (vị tỳ kheo không có đạo đức), phải sám hối, trước đại chúng để chừa bỏ, không còn tái phạm lại, còn nếu không cố tâm thì phạm tội Đột các la trơn, thì khỏi phải sám hối trước chúng, nhưng phải biết tự trách mình và cố gắng khắc phục không còn tái phạm nữa thì mới hết tội.

Một trăm giới chúng học này là đạo đức làm người, là oai nghi tế hạnh của một vị tỳ kheo, là hành động giới hạnh của người tu sĩ đệ tử của Phật. Vì thế, giới luật này được Đức Phật chế ra dạy chúng tỳ kheo lần đầu tiên trước khi hoàn thành bộ giới luật. Nếu chúng tỳ kheo có đầy đủ oai nghi tế hạnh, mới xứng đáng là đệ tử của mình và mới trở thành là những bậc danh Tăng, thạc đức, chân tu giải thoát của Đạo Phật.

Sau này các Tổ biên soạn Luật Tạng, đặt một trăm giới chúng học này ra sau. Đây là lỗi thứ nhất của các Tổ viết, soạn về luật tạng đầu tiên của Phật, các Ngài đã tự ý làm sai ý Phật, giới luật trước dời ra sau, giới luật sau dời ra trước, làm theo ý của các Tổ mà không thấy ý Phật dạy: đạo đức làm người đi trước rồi mới thực hiện đạo đức làm bậc Thánh Tăng. Các Tổ lấy giới trọng để trước, giới khinh để sau. “Một trăm giới chúng học này, đối với năm thiên giới luật kia thì nó tội nhẹ hơn hết nên đặt nó ở sau”. Căn cứ vào tội nặng nhẹ và luận như vậy, nên các Tổ đã xem thường một trăm giới luật này. Vì thế, dựa theo ý của các Tổ xưa mà những vị Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni sau này đều vi phạm và cũng ít có ai học tập về giới luật này, nếu có học những giời này cũng chỉ học cho biết mà thôi.

Nhưng phải hiểu ý Phật, một trăm giới này rất quan trọng và căn bản cho người mới tu về đạo đức làm người và đạo đức làm Thánh Nhân. Những giới luật này rất cần thiết về việc xả tâm “vô lậu” để đạt đến sự cứu cánh giải thoát hoàn toàn trong đường lối tu tập của Đạo Phật.

Một trăm giới chúng học này kết tội không nặng như trên đã dạy, nhưng phải biết nó rất quan trọng cho người tu sĩ cũng như người cư sĩ “lập đức hạnh không làm khổ mình khổ người”, để đem lại một đời sống thanh thản an lạc cho nhau trên quả đất này. Một vị tỳ kheo thiếu oai nghi tế hạnh của một trăm giới luật này thì được xem là tà sư, ngoại đạo, không phải là đệ tử của Phật, là đệ tử của Ma.

Những hành động một trăm giới luật này là những hành động của con người có đạo đức, và của các bậc Thánh Tăng, chứ không phải những hành động của kẻ phàm phu tục tử. Tuy tội nó không nặng, giữ gìn rất khó, nhưng nó rất quan trọng cho sự tu tập nhập Bốn Thánh Định và thực hiện Tam Minh.

Biết thế, nên Phật đã chế ra và dạy cho chúng tỳ kheo trước tiên, như trên đã nói. Nhưng các Tổ không hiểu, cho nó tội nhẹ không quan trọng và xem thường, vì thế đó là một lầm lỗi rất lớn của các Tổ, để lại cho người đời sau đã mất đường lối tu hành giải thoát. Do đó tu sĩ đời sau đều mất oai nghi tế hạnh, không còn giữ đạo đức đúng cách như các bậc Thánh Tăng trong thời Đức Phật còn tại thế.

Một trăm giới chúng học này, nếu một vị Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni xem thường nó, thì oai nghi tế hạnh và đạo đức của một người tu sĩ sẽ không còn nữa. Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc y, mang bát, vào làng khất thực, ăn, uống, nói, nín, làm tất cả các hành động, v.v… đều thiếu đạo đức, thường làm “trò cười” cho những người hiểu biết đạo đức, và họ khinh bỉ, chê bai Phật Giáo.

Trong một trăm giới chúng học này, các vị tỳ kheo không giữ gìn nghiêm chỉnh, thường oai nghi tế hạnh thô tháo, mọi người nhìn vào dễ nhận thấy hành động thiếu đức hạnh của người tu sĩ Đạo Phật, nên đánh giá trị và khinh chê Đạo Phật không có đạo đức và thiếu tổ chức. Vì thế, nhất là giới trí thức, người không tôn giáo và các tôn giáo khác, họ không kính trọng giới tu sĩ Phật Giáo, chỉ ngoài mặt xã giao mà thôi.

Bởi vậy, đã không đi tu theo Đạo Phật thì thôi, mà đã đi tu thì phải hết sức thận trọng, giữ gìn một trăm giới chúng học này, để làm sáng tỏ Phật Giáo, Một trăm giới chúng học này giúp cho tu sĩ “Tăng phải ra Tăng, Ni phải ra Ni, cư sĩ phải ra cư sĩ”, không được lộn xộn Tăng, Ni lẫn lộn như người thế tục, gần gũi bừa bãi, thiếu đức hạnh của người tu, dần dần biến chư Tăng, Ni thành trùng trong lông sư tử, thành Ma Vương và thành tà sư, ngoại đạo, v.v...

Ngày nay, Phật Giáo không những ở Việt Nam, mà ở các nước khắp năm châu bốn biển. Đạo đức và oai nghi tế hạnh của các vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni đang trên đà xuống dốc và sa đọa. Giới luật không còn nghiêm chỉnh, tu sĩ phần đông, gần như hầu hết, giới trọng và giới khinh đều vi phạm, thầy lớn, thầy nhỏ, không có thầy nào không vi phạm. Các thầy cứ tưởng mình đang ly dục lạc và ly ác pháp, nhưng nào ngờ lại chạy theo dục lạc và còn đang đắm chìm, say mê trong dục lạc triền miên mà không biết. Cứ luôn luôn lý luận theo kiểu Đại Thừa và Thiền Đông Độ, để che đậy tội lỗi của mình và lừa đảo tín đồ, cũng như những người khác.

Vì thế, những người đứng ngoài vòng Phật Giáo đã thấy Phật Pháp suy đồi đến đỗi thậm tệ, như dòng thác nước đổ xuống, không sao ngăn lại được. Tu sĩ Đạo Phật ngày nay không còn biết xấu hổ, ngang nhiên ăn thịt chúng sanh và uống rượu giữa đám đông người, xem như giới luật không có nữa. Tu sĩ Phật Giáo hiện giờ đang bị thế tục hóa, dần dần mất bản chất tôn giáo, chỉ còn lại hình thức đầu tròn và chiếc áo cà sa.

Các vị tỳ kheo ngày nay đua nhau dịch kinh, viết sách, tưởng giải ra viết quá nhiều, làm sai lệch giáo pháp của Đức Phật. Có kẻ dám cắt xén lời Phật dạy, cũng có khi dám thêm thắt theo ý của mình vào, nhưng lại cũng có kẻ dám lấy sự mê tín dân gian biến thành giáo pháp của Phật, để kinh doanh làm giàu trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, rất là ác độc, làm mất ý nghĩa giáo pháp giải thoát của Đạo Phật.

Đây, quý vị dọc bài kệ của Đức Phật mà các Tổ đã cắt bớt hai câu để biểu dương tinh thần chống lại Phật Giáo, bằng cách mạo nhận Đức Phật đã dạy:

“Thiên thượng, thiên hạ,

Duy ngã độc tôn,

Nhất thiết thế gian,

Sanh, lão, bịnh, tử”.

Bỏ hai câu cuối, lấy hai câu đầu, để chỉ cho “Phật tánh”, làm sai lệch nghĩa lý bài kệ của Đức Phật, mà còn phản lại tông chỉ đường lối tu hành của Phật Giáo.

Bài kệ của Đức Phật là để xác định sự tu hành của Ngài, khi đã hoàn thành con đường giải thoát làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bịnh, chết.

Các Tổ còn cả gan dám viết kinh sách “Tâm kinh bát nhã” bài bác chơn lý của Đạo Phật: “Vô khổ, tập, diệt, đạo”. Một chơn lý bất di bất dịch, từ khi Đức Phật ra đời, triển khai đến giờ, với thời gian và không gian nhiều thay đổi, nhưng chơn lý này không hề thay đổi được, dù các Tổ muốn xóa bỏ nó, nhưng nó là chơn lý chỉ rõ kiếp sống của con người thật sự khổ là như vậy. Với ý đồ tiêu diệt Phật Giáo, các Tổ đã truyền dạy trong các chùa khóa nhật tụng hằng ngày, không lúc nào mà không tụng niệm những câu này: “Vô khổ, tập, diệt, đạo”. Nhưng làm sao phá được, mãi đến giờ nó vẫn là chơn lý. Đó là những điều các Tổ đã làm tội lỗi, đối với Đạo Phật và với tín đồ Phật Giáo, nên thảo nào các Tổ phải chịu khổ đau trước giờ phút viên tịch, những cơn bịnh hiểm nghèo.

Gần đây, có các bậc tôn túc đã giảng sai kinh sách phát triển Phật Giáo Đại Thừa như: Giảng Bát Nhã Tâm Kinh, câu“Viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu kính, niết bàn”, thay vì nghĩa của kinh này dạy là viễn ly bốn điều kiện:

1- Điên đảo.

2- Mộng tưởng.

3- Cứu kính.

4- Niết bàn.

Nhà học giả lại giảng: Chỉ viễn ly điên đảo, mộng tưởng để đạt được cứu kính và niết bàn. Giảng như vậy không đúng nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh.

Gần đây nhất, thế kỷ thứ hai mươi có một vị học giả, luận về Bốn Thánh Định của Phật, đã dám thêm bớt lời Phật dạy: “Sơ thiền lìa ngũ dục được hỷ lạc”, câu này vị học giả tự đặt ra chứ trong kinh không có dạy như vậy. Kinh dạy: “Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, do ly dục sanh hỷ lạc có tầm có tứ”. Ngũ dục và dục có nghĩa không giống nhau. “Ngũ dục” là đối tượng của tâm dục, còn “Dục” trong kinh Phật dạy là “lòng ham muốn”, tâm dục của con người. Trong Tứ Diệu Thánh Đế Đức Phật đã xác định: “Dục” là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ.

Nhà học agiả thêm vào chữ “Ngũ” đã làm mất ý nghĩa của kinh Phật, chứng tỏ nhà học giả chưa hiểu về Bốn Thiền của Đạo Phật. Trong kinh Phật dạy “ly dục” chớ không phải “ly ngũ dục”, tức là nhà học giả bịa ra dạy như vậy làm sai lệch ý kinh sách của Phật. Do đó người đời sau tu hành chẳng đến nơi đến chốn, vì hiểu sai, nên tu sai.

Kinh A-Hàm là kinh Nguyên Thủy, nằm trong Hán Tạng của Đại Thừa Phật Giáo, nên các Tổ soạn dịch thêm bớt rất nhiều, và nhất là bộ kinh Tăng Nhất A Hàm, một bộ kinh làm gạch nối giữa kinh Nguyên Thủy và kinh Phát Triển, để dìm giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy xuống hàng Tiểu Thừa, khiến cho người đời sau đọc kinh sách này xem thường, và cho là kinh sách ngoại đạo nên không bao giờ tu hành theo đó.

Ví dụ: Ăn là một dục lạc trong ngũ dục lạc. Sắc, danh, lợi, thực, thùy là năm thứ dục lạc. Người đang ăn cảm thấy có dục hỷ lạc, nên thích ăn, nếu không có dục hỷ lạc thì họ không thích ăn.

Vậy một tu sĩ ly dục “Ăn”, chỉ ăn ngày một bữa để sống, thì đâu có hỷ dục lạc bằng người ăn ba bữa phải không?

Chắc hẳn là không có rồi. Nhà học giả nói: “Lìa ngũ dục được hỷ lạc”. Vậy thực tế mà nói, ăn ngày một bữa không có hỷ lạc, chỉ có nỗi khổ trong tâm của mình mà thôi, vì muốn ăn mà không dám ăn; vì muốn ngủ mà không dám ngủ; vì thấy sắc đẹp phụ nữ muốn nhìn mà không dám nhìn; vì muốn danh mà không dám nhận danh; vì muốn lợi mà không dám nhận lợi. Đó là nỗi khổ của tâm ham muốn của người ly ngũ dục, ly ngũ dục tức làm khổ tâm mình, làm khổ tâm mình, đó là một điều không ai chối cãi được, một bằng chứng hiển nhiên. Vậy mà nhà học giả dạy ly ngũ dục được hỷ lạc, là được hỷ lạc chỗ nào?

Kế tiếp, nhà học giả cắt và bỏ mất, “Ly ác pháp” trong câu kinh Phật, để làm mất ý nghĩa lời Phật dạy. “Ác pháp” tức là tâm tham, sân, si. Trong kinh dạy: “Tâm lìa ác pháp”, tức là tâm lìa tham, sân, si; tâm lìa tham, sân, si tức là tâm nhập “Sơ Thiền”. Sơ Thiền do “tâm ly dục” nên sanh hỷ lạc. “Dục” là lòng ham muốn, mà lìa lòng ham muốn và tham, sân, si thì người ấy có giải thoát không? Có hạnh phúc không? Có hỷ lạc không? Xin quý vị cứ thành thật mà trả lời, đúng thì nói đúng, sai thì nói sai, đừng thiên vị nhà học giả cũng đừng thiên vị chúng tôi. Thế mà, ở đây, nhập Bốn Thiền nhà học giả nói không giải thoát, thì quý vị nghĩ sao? Có đúng không? Chỉ có nhập Sơ Thiền mà chúng tôi đã thấy giải thoát nơi tâm hồn của mình một cách rất cụ thể và rõ ràng, huống là nhập luôn cả Bốn Thiền thì phải nói làm chủ sanh, già, bịnh, chết một cách dễ dàng, chứ đâu như Sơ Thiền chỉ làm chủ được tâm mà thôi.

Thưa quý vị, trong kinh Tứ Thánh Đế Phật dạy: “Dục” là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ của loài người, nên gọi là Tập Đế, Tập Đế là nơi tập trung các thứ khổ. Nhưng khi đã ly được tâm dục đó thì nỗi khổ của con người đã thoát chưa?

Chính “Diệt Đế” là diệt hết tâm ái dục, tức là diệt hết dục, diệt hết dục tức là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn có giải thoát không? Đã nói Niết Bàn mà không giải thoát sao?

Vì thế, kinh điển Nguyên Thủy Phật dạy rất rõ ràng: “Sơ Thiền chỉ có ly dục ly ác pháp”. Nếu ai thực hành tu tập được như vậy thì chắc chắn phải có giải thoát. Đối với Đạo Phật đâu cần phải tu nhiều, chỉ cần tu tập nhập được “Sơ Thiền” thì hành giả cũng thấy được tâm hồn giải thoát rõ ràng và cụ thể. Cho nên Đức Phật đã dạy: “Pháp của Ta đến để mà thấy, không có thời gian”.

Thế mà, nhà học giả bảo rằng: “Đức Phật tu một thời liền chứng được Bốn Thiền, xét lại kết quả chưa giải đáp được ba nghi vấn ôm ấp đã lâu”.

Thưa quý vị! Bốn loại thiền này là loại thiền gì đây? Nhà học giả nói rằng: “Ngài A La Ra Ka La Ma đã dạy Đức Phật tu nhập được bốn thiền này mà không thấy giải thoát nên Đức Phật bỏ”. Lời dạy này chúng tôi không thấy trong các bộ kinh A Hàm và kinh Nguyên Thủy Nikaya.

Trong khi đó, kinh điển Nguyên Thủy Phật dạy rất rõ, về Bốn loại thiền định này còn có những tên gọi khác nhau là: “Tứ Thánh Định, Định Lực, Thánh Trú, Phạm Trú, Như Lai Trú, v.v...”

Trong kinh A Hàm và kinh Nikaya, Ngài A La Ra Ca La Ma dạy Đức Phật tu và nhập được “Vô Sở Hữu Xứ Định”, và Ngài Uddka Ramaputta dạy Đức Phật nhập “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định”. Khi nhập xong hai thứ định này, Đức Phật xét lại tâm mình không thấy có sự giải thoát, nên lìa bỏ hai vị thầy đã tận tình dạy bảo mình. Hai vị thầy này không có dạy Đức Phật nhập Bốn Thiền Hữu Sắc, và cũng không có dạy nhập Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, nhưng các nhà học giả đã lầm tưởng, khi đã nhập được Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Tưởng Thi Phi Tưởng Xứ Định” là phải nhập được Bốn Thiền Hữu Sắc và Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ Định.

Các nhà học giả hiểu như vậy không đúng, tức là các nhà học giả chưa bao giờ biết nhập định như thế nào, đó là nói theo kiểu “dốt”. Mỗi thứ thiền đều có sự nhập vào khác nhau. Cho nên trong Tứ Như Ý Túc, Đức Phật đã xác định rõ ràng: “Định Như Ý Túc”, nghĩa là muốn nhập định nào thì nhập ngay định ấy, chớ không phải nhập từ định thấp rồi đến định cao hơn.

Vì vậy, khi nhập Sơ Thiền, không phải ở trạng thái Sơ Thiền mà nhập lên Nhị Thiền được, phải xả Sơ Thiền rồi mới nhập Nhị Thiền; xả Nhị Thiền rồi mới nhập Tam Thiền; xả Tam Thiền rồi mới nhập Tứ Thiền; xả Tứ Thiền rồi mới nhập Không Vô Biên Xứ; xả Không Vô Biên Xứ rồi mới nhập Thức Vô Biên Xứ; xả Thức Vô Biên Xứ rồi mới nhập Vô Sở Hữu Xứ; xả Vô Sở Hữu Xứ rồi mới nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đó là sự nhập định tuần tự ở trong kinh, chớ không phải dạy nhập định như vậy. Các nhà học giả không có thực hành nên không hiểu rõ, tưởng phải nhập định tuần tự như vậy theo kiểu học trò lên từng lớp một.

Người có kinh nghiệm thiền định, tức là người đã nhập được các loại thiền định, thì biết cách nhập định rất rõ và dạy người nhập thiền định dễ dàng không có khó khăn, nhưng người đệ tử phải làm đúng theo lời dạy.

Ví dụ, hành giả muốn nhập ngay Tứ Thiền, thì không cần phải dạy nhập Nhị Thiền, Tam Thiền rồi mới dạy nhập Tứ Thiền, chỉ cần hành giả sống đúng giới luật, thiểu dục tri túc, ba y một bát, hoàn toàn giữ hạnh “Độc Cư” và hướng tâm tịnh chỉ hơi thở là nhập ngay liền Tứ Thiền. Muốn nhập loại thiền nào thì chỉ cần hướng tâm tịnh chỉ ngay thiền định đó là nhập ngay.

Như vậy, rõ ràng Đức Phật nhập Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tường Xứ Định thì không có tu tập nhập Tứ Thánh Định, nên không thể nào nhập được, trong bài kinh Saccaka đã xác định rất rõ ràng, xin quý vị đọc lại bài kinh đó. Tứ Thánh Định thuộc về thiền hữu sắc, còn bốn định tưởng thuộc về thiền vô sắc (thiền tưởng), nên hai loại thiền định này cách thức tu tập khác nhau. chứ không phải như các Tổ đã nghĩ: “Nhập Bốn thiền hữu sắc rồi mới nhập đến Bốn định vô sắc”, hiểu như vậy không đúng, tức là đọc qua kinh sách của các Tổ thì chúng ta biết các Tổ không có kinh nghiệm về thiền định. Trong bài kinh Tiểu Không thuộc kinh Trung Bộ Nikaya, Phật dạy nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định không có giải thoát, phải nhập vào “Vô Tướng Tâm Định” thì dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu mới diệt sạch, lúc bấy giờ mới có sự giải thoát thật sự.

Vô Tướng Tâm Định là một tên khác của Sơ Thiền, tức là ly dục ly ác pháp, mà đã ly dục ly ác pháp thì tâm bất động, Tâm bất động tức là Bất động tâm định; Bất Động Tâm Định tức là Vô Tướng Tâm Định. Như vậy, dù có nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định thì cũng phải nhập lại Sơ Thiền.

Theo như lời dạy của vị học giả ở trên, thì không biết vị học giả đã tìm những lời dạy này ở đâu ra, nếu không có trong kinh sách, mà vì một danh dự riêng tư, bịa đặt ra lời dạy ấy, làm lệch ý nghĩa Giáo Pháp chơn chánh của Đức Phật thì rất tội cho Phật Giáo.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Nikaya, Đức Phật đã xác định rất rõ ràng:

1- Sơ Thiền thì tâm được giải thoát vì đã ly dục ly bất thiện pháp.

2- Nhị Thiền thì khép kín sáu thức nên tầm tứ tịnh chỉ, tức là sáu thức ngưng hoạt động, tâm hoàn toàn nhập định.

3- Tam Thiền đóng kín tưởng thức nên các loại hỷ tưởng đều xả (gọi là ly hỷ trú xả), tức là xả mộng (hết chiêm bao).

4- Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết, tức là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, tức là tâm định trên thân, thân định trên tâm.

Xét trong bốn thiền định này, chúng ta thấy rất rõ ràng, tương ứng với bốn câu kệ của Đức Phật:

“Trên trời dưới trời

Ta người duy nhất

Khắp trong thế gian

Vượt ra:

Sanh, già, bịnh, chết”.

Mỗi loại thiền định này chỉ định sự làm chủ của bốn sự khổ của kiếp người như:

1- Sơ Thiền làm chủ cuộc sống (sanh), thuộc về tâm.

2- Nhị Thiền làm chủ sự vô thường (già), thuộc về thân.

3- Tam Thiền làm chủ tưởng (bịnh), thuộc về thọ.

4- Tứ Thiền làm chủ hơi thở (tử), thuộc về pháp.

Qua kinh nghiệm tu hành của chúng tôi, xét thấy nhà học giả xác định bốn thiền tu hành không giải thoát là sai, không đúng lời dạy trong kinh Nguyên Thủy Nikaya.

Những bậc tôn túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa có cấp bằng tiến sĩ Phật học, nhưng không có thực hành tu tập đến nơi đến chốn, nên dịch sai nghĩa kinh, thường soạn, viết, luận, giảng làm lệch nghĩa lý giáo pháp của Phật. Những bậc Thầy Tổ có trình độ học thức cao đã được truyền thừa cho nhau những kiến giải lệch lạc, nên đã chịu ảnh hưởng những sai lầm đó đối với giáo lý của Đạo Phật. Còn bây giờ những người mới học lem nhem mà dám dịch, viết kinh sách Phật, họ xem địa ngục như không có.

Trong kinh giới Đức Phật đã dạy: “Kẻ nào đã làm lệch hoặc làm sai nghĩa lý kinh, tức là phỉ báng Phật Pháp, thì phạm tội Ba Dật Đề, tội đọa địa ngục”.

Cho nên, các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni phải cảnh giác, coi chừng khi dịch, viết, giảng kinh điển Phật, đừng làm lệch sai nghĩa lý của Phật dạy, nếu làm sai lệch nghĩa lý của Phật, thì quý vị phải gánh chịu hậu quả “địa ngục”, mà không thể trốn đâu khỏi.

Những gương các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, trước khi chết một hai năm, phải chịu hành hạ xác thân, những bịnh khổ tột cùng, ỉa đái một chỗ, ăn uống phải có người đút, giống như trẻ con, đau nhức và hôn mê bất tỉnh, tay chân run rẩy, chịu hôi chịu thúi chính của mình. Đó không phải là các Ngài đang sống trong cảnh địa ngục sao? Mà quý vị Phật tử ai cũng biết những vị Hòa Thượng này, đều là những bậc cao Tăng trong Giáo Hội Phật Giáo, tên tuổi trong tín đồ đều lừng danh.

Cắt xén, thêm bớt làm lệch nghĩa lý kinh, để gây tạo uy tín đường lối dạy đạo của mình, hòng để thỏa thích danh lợi thế gian, mà hầu hết mọi người không để ý cái sai, cái đúng của Phật Pháp, chỉ biết tin theo Thầy Tổ của mình mà không thấy những cái sai của Thầy Tổ. Đừng bảo rằng: “Xưa bày nay làm”, hay là “Tổ Tổ truyền nhau không được làm sai”, đó là những sự ngu si và u mê. Ví dụ: khi ông cha của chúng ta đã làm nghề ăn trộm, ăn cướp, giết người hoặc lường gạt người khác, mà bây giờ chúng ta là con cháu vẫn làm theo những nghề nghiệp gian ác đó sao? Biết cái sai, làm những điều tội ác của người xưa bịa đặt ra pháp này pháp kia, thế giới này, thế giới khác, tu chứng cái này, tu chứng cái kia, để lừa đảo lường gạt mọi người còn lạc hậu, mê tín, chưa đủ trí tuệ thông minh quán xét vạn pháp trong thế gian. Bây giờ chúng ta đã biết rất rõ những điều tội lỗi đó mà chúng ta còn nỡ tâm lừa đảo lường gạt người khác nữa sao?

Vả lại, trong thời đại này (năm 1998), ít có người tu chứng pháp của Phật, nên khó có ai hiểu rõ nghĩa lý Phật dạy như thế nào. Và vì thế mà các nhà học giả cứ việc soạn, viết, dịch và giảng, theo sự hiểu biết nông cạn của mình và giẫm lại lối mòn của người xưa. Họ nói bậy nói bạ, miễn luận có lý, là người ta tin theo, tin theo như vậy tức là tin mù quáng, tin trong ngu si, u tối.

Bởi thế, tu sĩ Đạo Phật hiện giờ đã giết chết Đạo Phật, mà họ tưởng là cải cách Đạo Phật (phái tân tăng ở Nhật Bổn, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông).

Tịnh Độ Tông đã biến Phật Giáo thành Thần Giáo, vị tỳ kheo có vợ con như một người cư sĩ Bà La Môn, họ sống làm mọi nghề như người thế tục, ăn thịt, uống rượu say sưa giấc mả, nằm đường, ngủ bụi, ăn quán, ngồi lều, đụng đâu ngồi đó, chẳng có chút hổ thẹn; lại còn được Giáo Hội tấn phong Hòa Thượng, Thượng Tọa, v.v... thật là, nhìn cảnh tượng này đau lòng cho Phật Giáo.

Tịnh Độ Tông đã biến Phật Giáo thành một tôn giáo mê tín, chuyên cúng bái tụng niệm, cầu siêu, cầu an, lên đồng, nhập xác, xưng ông này, bà kia, Phật, Tổ, Quan Thánh Đế Quân, v.v... thường đốt tiền vàng mã, quần áo kho đụn, và còn làm nhiều điều mê tín dị đoan khác nữa.

Tịnh Độ Tông xây dựng một thế giới siêu hình có cõi Cực Lạc Tây Phương, làm mất ý nghĩa chân thật của Đạo Phật. Riêng Phật Giáo xây dựng một cảnh giới Niết Bàn cụ thể và thực tế, không có trừu tượng, mơ hồ như cõi Cực Lạc Tây Phương. Cho nên trong Bốn Thánh Đế, “Diệt đế” là cảnh giới Niết Bàn của chư Phật, diệt đế tức là diệt cái nguyên nhân sanh ra muôn thứ đau khổ của con người. Cảnh giới Niết Bàn là một trạng thái tâm hồn không có tâm ham muốn và ác pháp đau khổ, chớ không có cảnh giới siêu hình nào cả ở trên thế gian này.

Vậy mà người sau này bịa đặt ra cảnh giới Cực Lạc Tây Phương, để đưa con người đi đến chỗ mê tín lạc hậu, chuyên cúng bái, cầu khẩn, làm những việc vô ích, hao tài tốn của, chẳng lợi mình, lợi người.

Pháp Hoa Tông đã biến Phật Giáo thành một tôn giáo phi đạo đức, khiến mọi người làm tội ác tày trời mà vẫn có đức “Bồ Tát Quan Thế Âm” phò hộ. Được xem đây là một giáo phái ngoại đạo đả phá nền đạo đức nhân quả của Đạo Phật tận cùng, khiến cho nền đạo đức của Đạo Phật đã diệt mất, hiện giờ hỏi đến đạo đức của Đạo Phật thì không còn ai biết đến.

Mật Tông biến Phật Giáo thành một tôn giáo linh thiêng, huyền bí, độc ác, chuyên niệm chú, yểm bùa, làm bao nhiêu người tang tóc, mua bùa chuộc chú để làm mê hoặc người khác, có những kẻ nhẹ dạ, non lòng ham mê thần thông bất chánh, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả công ăn việc làm, để đi theo Mật Tông dùng bùa chú làm những điều ác đức, lấy vợ người, cướp tiền, cướp bạc kẻ khác, làm những điều tồi tệ, tội lỗi, tạo biết bao nhiêu tội ác trong thế gian này, chính đều do Mật Tông mà ra cả.

Mật Tông Tây Tạng còn lắm nhiều điều thần biến, khiến cho con người trên hành tinh nầy mê mệt; nào là biến hóa tàng hình; nào là để lại nhục thân; nào là tái sanh luân hồi nhớ lại tiền kiếp của mình; nào là biết chuyện quá khứ vị lai, v.v... Nhưng nhìn lại Đạo Phật thì mục đích thật sự là không phải vậy, mục đích thật sự của Đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, còn tất cả những vấn đề kia là phụ thuộc, không phải là vấn đề chánh quan trọng hàng đầu của Phật Giáo. Cho nên Đức Phật và các đệ tử của Ngài không ai để lại nhục thân, hoặc thể hiện tái sanh, nhớ lại đời sống đã qua của mình. Tuy rằng Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều có thần thông hơn ai hết, nhưng Ngài xem đó là một trò ảo thuật, không có lợi ích thiết thực cho kiếp sống con người.

Thần thông là những trò ảo thuật của “tưởng thức” mà thiên hạ tưởng là thật, nên sanh tâm ham mê chạy theo tìm nó. Xưa Đức Phật không chấp nhận những trò ảo thuật thần thông này, Ngài cấm những đệ tử của mình không được thực hiện thần thông bừa bãi. Phải nói trong tất cả các thời đại, thời nào người ta cũng đều ham mê thần thông, cho đến thời đại khoa học hiện giờ người ta vẫn còn lạc hậu đam mê, dù người có trình độ học thức rất cao, nhưng họ vẫn mù mờ không rõ về thần thông, chỉ vì khoa học chưa chứng minh rõ ràng về thần thông, nên người ta còn sống trong nhiều tưởng thức mơ hồ .

Chính nỗi khổ của mỗi con người còn đang mang nặng trong lòng, chưa giải quyết xong sự khắc khoải đau khổ nhất của kiếp làm người, thế mà người ta không lo sợ, lại đi tìm và ham mê cái không ích lợi gì của thần thông để bị Mật Tông lừa đảo, một cách ngu si và dại dột.

Hiện giờ người ta chú ý thần thông nhiều nhất, nhất là để lại nhục thân (bộ xương khô), người nào để lại bộ xương khô được xem là người đắc thiền định. Thiền định của Đạo Phật không phải vậy, mà chỉ xả tâm dục và ác pháp, nhờ tâm thanh tịnh mới làm chủ sự sống chết, đó là thiền định của Đạo Phật.

Thiền Tông đã biến Phật Giáo thành một tôn giáo “Hữu ngã”, qua hai câu kệ của Phật mà các Tổ Thiền Tông đã khéo cắt xén:

“Thiên thượng, thiên hạ

Duy ngã độc tôn”.

Bài kệ này có bốn câu, Thiền Tông chỉ lấy hai câu đầu, để xây dựng giáo phái Thiền Tông của mình, rồi tự tôn tự đại giáo pháp mình là trên hết, nên gọi là “Tối Thượng Thừa”, không có một tông phái nào hơn được.

Thiến Tông chấp nhận “Phật tánh”, xây dựng một giáo phái hữu ngã vĩ đại, mà hiện giờ tín đồ Phật Giáo đều chịu ảnh hưởng rất nặng: “Tâm tức Phật, Phật tức tâm, hay Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh”. Những câu kinh này đã ăn sâu vào đầu óc của Phật Tử, chớ họ đâu biết rằng, nếu các pháp trong thế gian này chỉ thường còn một chút xíu, thì con người cũng không thoát khổ được. Bởi vì còn có một chút xíu thì còn có “Ngã”, mà còn có ngã thì tu hành không giải thoát được và như thế thì Đạo Phật cũng không ra đời, vì có ra đời thì cũng không giải quyết sự khổ đau của con người được. Do đó, Đạo Phật gọi là Đạo “Vô ngã”.

Các đệ tử của Thiền Tông người nào cũng mang đầy kiến giải và chấp ngã vĩ đại, chẳng bao giờ biết nhường nhịn ai hết, lúc nào cũng tự kiêu, cho tôn giáo của mình là trên hết, Phật Tánh là một pháp môn tuyệt đối nhất trong thế gian này, không có pháp môn nào hơn được “Pháp mà vô pháp”.

Ngược lại tông chỉ của Thiền Tông, Đạo Phật là đạo “Vô ngã”, cho nên những gì đường lối Thiền Tông dạy là không đúng đường lối Phật Giáo dạy. Thiền Tông biến thành một Phật Giáo mới, một Phật Giáo chấp ngã, kiêu căng tự đắc, lúc nào cũng thích tranh luận (nói nhiều), không đúng tánh hạnh trầm lặng, ít nói của một tu sĩ Phật Giáo.

Tánh cách của một thiền sư Đông Độ là la, hét, đánh, thuyết giảng lung tung, dịch, viết kinh sách rất nhiều, tuy rằng đã nói: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tư” nhưng các Ngài thường sống không đi đôi với lời nói, thiền sư nào cũng để lại văn thơ quá nhiều, chỉ có Đức Phật, Ngài không để lại cho đời một cuốn kinh nào cả.

Đạo Phật không nói mà hành, Thiền Tông tri hành không hợp nhất. Vì thế, Phật Giáo và Thiền Tông không giống nhau. Thiền Đông Độ thì ức chế tâm rơi vào các định tưởng, phát triển tuệ tuởng. Ngược lại, thiền định của Đạo Phật thì xả tâm tham, sân, si nên làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi, tri hành nhất quán .

Trên đây, các vị Tổ Sư thiền Đông Độ trong quá khứ, cho đến các bậc tôn túc trong hiện tại đã dịch, viết, giảng, giẫm lại lối mòn của người xưa, làm sai ý nghĩa Phật Pháp, họ tưởng việc làm của mình như vậy là đúng, không ngờ lại thành ra phỉ báng Phật Pháp. Vì vậy từ xưa đến giờ, các Ngài thuờng phải chịu thọ khổ trong cảnh địa ngục, mà trong giới luật Phật đã xác định tội danh rõ ràng.

Các Ngài do chỗ tu hành chưa đến nơi, đến chốn, bị tưởng giải nên phỉ báng Phật Pháp, do đó không trốn khỏi cảnh khổ đau của địa ngục tại trần gian trước khi viên tịch.

Các Ngài đọa địa ngục tại thế gian này, để cho mọi người trông thấy cảnh bịnh tật, khổ đau tận cùng của các Ngài, để quý vị chứng kiến Thầy Tổ của mình trước khi viên tịch như thế nào? Chắc điều này quý vị đã rõ hơn ai hết.

Xét Thầy Tổ và các bậc tôn túc của chúng ta, đó là một điều nhắc nhở và cảnh giác cho tất cả Tăng, Ni và các cư sĩ để tự răn mình, khi viết dịch kinh sách, cái nào hiểu rõ thì viết, không hiểu thì đừng, “làm ẩu thì vi phạm giới luật của Phật phải chịu thọ khổ muôn kiếp”.

Người tu sĩ phạm tội “Ba Dật Đề” là do dịch viết giảng sai ý kinh, là tự mình đã phỉ báng Phật Pháp và còn khiến cho mọi người hiểu sai Phật Pháp. Vì vậy, hiện giờ tín đồ Phật Giáo đang hiểu sai kinh điển Phật Giáo, thế nên mọi người tu mãi mà chẳng tới đâu, tu mãi trở thành những người mê tín, dị đoan, khiến cho người ngoài đời khinh chê Phật Giáo là một tôn giáo mê tín, một tôn giáo bị thế tục hóa, một tôn giáo lừa đảo, v.v...

Tăng, Ni và cư sĩ đừng nên xem thường giới luật của Phật, ăn uống phi thời, ngồi lều, ngồi quán, nam nữ chung chạ, Tăng, Ni gần gũi, đi đứng nói nín oai nghi tế hạnh chẳng có, cười nói đùa cợt không đúng cách, đó là phạm giới. Tăng, Ni và cư sĩ mà đã phạm giới thì khiến cho người đời chê bai Phật Giáo. Tất cả những lỗi này Tăng Ni phải gánh chịu, nhiều đời nhiều kiếp đọa địa ngục và còn tái sanh làm thân súc sanh. Do thế, tất cả giới luật của Phật rất quan trọng đối với Tăng Ni, khi đã cắt ái ly gia, xuất gia học đạo, thì phải hết sức dè dặt cẩn thận giữ gìn giới luật, mới không tội lỗi.

Một trăm giới chúng học gồm có những oai nghi tế hạnh của một vị tỳ kheo Tăng cũng như tỳ kheo Ni, được chia ra mười giai đoạn thực hành đạo đức làm người cho đúng nghĩa, và những việc cần phải làm cho rõ ràng trong sanh hoạt cuộc sống hằng ngày. Vì vậy cần phải cố gắng giữ gìn nghiêm chỉnh những giới luật này:

1- Phải ăn mặc tề chỉnh.

2- Đi vào làng phải nghiêm trang.

3- Ngồi đứng phải đúng cách của một vị tỳ kheo.

4- Ăn uống phải nghiêm trang tề chỉnh.

5- Phải khéo giữ gìn bát ăn nhẹ nhàng, khoan thai.

6- Đại tiểu tiện phải đúng cách.

7- Thuyết pháp phải đúng nơi, đúng đối tượng, đúng chỗ.

8- Đắp tượng, xây tháp đúng pháp.

9- Đi đường phải đúng pháp.

10- Trèo cây phải biết đúng pháp.

Do từ các giới luật giữ gìn và tu tập nghiêm túc, thì tâm mới ly dục ly ác pháp. Có ly dục ly ác pháp, thì hành giả mới có giải thoát khổ đau của kiếp người; có ly dục ly ác pháp, thì hành giả mới nhập được các định sâu hơn. Nếu không ly dục ly ác pháp, thì thiền định chỉ là thiền tà, thiền đầu môi chót lưỡi mà thôi. Ly dục ly ác pháp do từ giới luật sanh ra, nếu không giữ gìn và tu tập giới luật thì chẳng bao giờ có ly dục ly ác pháp được. Vậy thì người tu sĩ Đạo Phật phải hết sức giữ gìn giới luật nghiêm túc, có giữ gìn giới luật nghiêm túc, tức là có phòng hộ sáu căn và giữ gìn thân mạng của mình được an ổn, để tiến bước trên lộ trình giải thoát của Đạo Phật mà không bị ma chướng, nghịch cảnh ám hại hay lỡ dở đường tu.

Việc biên soạn giới luật Phật hiện giờ có nhiều điều phức tạp, do người xưa thêm bớt và bẻ vụn giới để quý vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni vi phạm mà người khác không ai dám chỉ trích, phê phán, nên việc biên soạn chắc chắc phải có sự sai sót, mong quý vị giới đức cao minh hoan hỷ bổ chính những chỗ sai sót ấy, để lần tái bản sau sẽ được sửa lại hoàn chỉnh hơn, xin chân thành tri ân.

Bộ kinh giới này được đến tay quý vị, mong quý vị cảm thông nỗi khoắc khoải của người viết, chỉ mong sao nó đem lại cho quý vị một đạo đức làm nguời, một phạm hạnh của một vị tỳ kheo Tăng, tỳ kheo Ni, và một đức hạnh Thánh thiện của những bậc chân tu tìm cầu sự giải thoát, để mãi mãi làm sáng tỏ lại Phật Giáo muôn đời.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc


 

SƯ TỬ

Bọ chét trong lông sư tử sẽ giết sư tử chết. Những vị tỳ kheo phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới luật của Phật, họ cũng giống như bọ chét trong lông sư tử, và sẽ diệt Đạo Phật. Một bằng chứng cụ thể là những tu sĩ Phật giáo hiện giờ, dù Nam Tông hay Bắc Tông, đều dựa theo kinh sách kiến giải thầy tổ của họ mà sửa đổi giới luật, làm cho giới luật mất tính chất nguyên thủy. Hiện giờ họ phạm giới, chà đạp lên giới luật Phật mà không biết, vì thế cuộc đời tu hành của họ chẳng làm chủ sinh, già, bệnh, chết chỉ uổng phí một đời tu hành mà thôi.