Giới thứ ba mươi hai: NẾU TỲ KHEO KHÔNG BỆNH CHẲNG ĐẶNG ĐÒI CƠM CANH CHO MÌNH
Vị tỳ kheo không bịnh, khi được Phật tử cúng dường cơm và thực phẩm khô thì không được phép xin thêm canh hoặc sữa, đề hồ, v.v...
Khi đi khất thực cơm canh không được để lẫn lộn nhau hay lấy cơm phủ lên canh và thực phẩm để xin thêm canh và thực phẩm nữa, đó là muốn cầu cho nhiều thực phẩm, vì tâm buông lung theo lòng tham ăn, nên tính việc ăn uống, chớ không phải có tâm tưởng nhàm lìa ăn uống. Người tu sĩ mà còn có tâm không nhàm lìa ăn uống thì không nên đi tu làm gì, vì có đi tu cũng chẳng ích lợi gì cho mình và cho người khác, nhiều khi còn làm ảnh hưởng chung cho các vị tỳ kheo phạm hạnh khác và làm cho kẻ khác khinh chê Phật Giáo.
Vậy chúng tôi xin kêu gọi quý vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni hãy giữ gìn một trăm giới chúng học cho nghiêm chỉnh, để Phật Giáo không bị mai một và thường còn mãi mãi.
Xin quý vị đừng tưởng một trăm giới chúng học là giới khinh, mà hãy xem nó là đạo đức của Phật Giáo, là một nền tảng vững chắc trên đường tu tập đi đến giải thoát.
Phận sự của người xuất gia, dù khất thực được nhiều hay ít thực phẩm, dù đang ăn đều phải nhớ: “Thiểu dục là gốc, tri túc là cội nguồn giải thoát”.
Đạo đức và phạm hạnh của con người và tu sĩ không cho phép quý vị xem thường những giới luật này, nếu quý vị xem thường những hành động ăn uống về giới luật này, thì quý vị không phải là những con người có đạo đức, con người không đạo đức thì Đạo Phật không chấp nhận là đệ tử của mình. Cho nên, những tu sĩ phạm giới là những tu sĩ ngoại đạo, dù họ có dùng những danh từ mạo nhận là tu sĩ Phật Giáo, nhưng chúng ta cũng dễ nhận ra qua đức hạnh giới luật. Xưa, Đức Phật nêu lên một ví dụ: “Có một bầy bò, trong đó có năm ba con dê, những con dê ấy cố gắng làm cho giống những con bò, nhưng không làm cách nào giống được, nên cuối cùng những con dê vẫn là những con dê”.