Skip directly to content

Giới thứ năm mười sáu: KHÔNG NÊN VÌ NGƯỜI CHỐNG NẠNH NÓI PHÁP CHO NGHE

Vị tỳ kheo trước khi thuyết pháp phải quan sát, nếu thấy có người chống nạnh một tay hoặc hai tay, hoặc ngồi tréo chân hoặc ngồi duỗi chân hoặc chân gác lên bàn, v.v... nếu trong hội chúng có những kẻ hành động thiếu giáo dục đạo đức như vậy thì chúng ta không nên nói pháp cho họ nghe.

Dù chúng ta có thương xót số đông người kia mà thuyết pháp, thì toàn bộ chúng nghe pháp trong hội này sẽ bắt chước với nhau, rồi có những hành động thiếu đạo đức lễ độ, cung kính và tôn trọng như nhau. Cho nên không thuyết pháp là dạy đạo đức cho toàn mọi người phải biết tôn trọng và cung kính Phật Pháp. Bằng ngược lại thuyết giảng pháp suông cho họ nghe là đã dạy họ vô đạo đức, còn muốn cho họ có đạo đức thì phải dạy họ một bài học đạo đức thực tế cụ thể có giá trị bằng cách không giảng như trên đã dạy, hơn là một bài thuyết giảng suông về đạo đức.

Nếu chúng ta không cứng rắn và cương quyết trước số đông kia mà thuyết pháp thì chẳng mang lại ích lợi gì cho những người này, mà còn khiến cho họ sau này trở thành những người xem thường Phật Pháp, coi Phật Pháp chẳng ra gì.

Bởi làm giảng sư dạy giới luật là phải dạy đạo đức thực tế, bằng hành động sống của giảng sư, bằng bài pháp sống động, chớ không phải là lời dạy nói suông, dạy đạo đức tức là dạy sửa những lỗi lầm; dạy bỏ những thói hư tật xấu, để trở thành những người tốt của xã hội; để trở thành những người tu sĩ có tâm hồn thanh tịnh; để trở thành là những vị tỳ kheo ly dục ly ác pháp; để tâm hồn được giải thoát hoàn toàn; để nhập các định, làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.