Skip directly to content

Giới thứ bảy mươi bốn: KHÔNG NÊN ĐẠI TIỂU TIỆN PHÍA DƯỚI GIẢNG ĐƯỜNG

Phàm đại tiểu tiện phải cách xa giảng đường, giảng đường là nơi chư Tăng thường tập trung nghe pháp. Tiểu tiện hay đại tiện đều phải vào phòng vệ sinh kín đáo, không được đụng đâu đại tiểu tiện đó. Đại tiểu tiện như vậy làm mất vệ sinh và mất vẻ đẹp của con người, huống là một tu sĩ đệ tử của Đức Phật.

Đừng bắt chước người ngoài đời đụng đâu tiểu tiện đó, nhất là phái nam đứng tiểu tiện một cách thô lỗ hết sức, không còn chỗ nào chê, con người mà làm y như con thú vật, “đứng đại tiểu tiện”.

Từ con thú vật chúng ta có những hành động đạo đức hơn con thú, nên vượt thoát ra khỏi loài thú vật, do vậy mới được chấp nhận là con người; cũng từ một con người chúng ta có những hành động đạo đức hơn con người nữa, vượt thoát ra khỏi con người có đạo đức mới được mọi người chấp nhận là Thánh Nhân.

Những hành động đạo đức tuy đơn sơ trong cuộc sống hằng ngày, nhưng nó nói lên được bản tính đạo đức của con người thật là người, nếu chúng ta không học, không hiểu, không hành động thân, miệng, ý của mình bằng những đạo đức, thì vô tình những hành động vô đạo đức ấy sẽ khiến cho chúng ta trở lại đời sống thú vật mà chúng ta không hề hay biết, cứ ngỡ mình là con người.

Con nguời phải biết giữ vệ sinh, hành động không giữ vệ sinh không phải là con người, vì hành động giữ vệ sinh là hành động đạo đức mà xưa kia Đức Phật đã từng chỉ dạy cho đệ tử của mình, nhưng đến giờ này các hàng đệ tử của mình quá xem thường những đạo đức này, chẳng còn ai để ý đến giới luật đạo đức này nữa.

Đến chùa nào cũng vậy, bề mặt thì lau quét sạch sẽ, nhưng bề sau thì không có giữ vệ sinh chút nào cả, rác rến, bọc nilon và giấy vụn tung tóe, bừa bãi bẩn thỉu vô cùng, thật là giới luật của Đức Phật dạy còn đó mà có người đệ tử nào chịu áp dụng vào đời sống tu tập của mình đâu. Vì thế từ đời sống thế gian đến đời sống các chùa không khác nhau, toàn là bề mặt, còn bề trái là một đống rác bẩn thỉu.